Gỡ “rào cản” đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục
Chiều 18/04/2017, tại Hà Nội, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Nghị định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Nhiều điểm mới
Theo ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Dự thảo Nghị định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được xây dựng nhằm khắc phục, sửa đổi những bất cập trong quy định hiện hành, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư của nước ngoài, góp phần thu hút đầu tư nước ngoai vào lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến, góp ý, kiến nghị được cơ quan soạn thảo tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo
Theo Dự thảo Nghị định, quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bao gồm 3 vấn đề chính: hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, Nghị định có quy định về tài chính trong hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trong nước đã được thành lập. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.
Còn về ngành, chuyên ngành đào tạo được phép hợp tác, đầu tư, Dự thảo Nghị định quy định, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế được phép hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định danh mục các ngành, chuyên ngành đào tạo mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Vụ Hợp tác quốc tế, bên cạnh việc kế thừa một số quy định hiện hành thì Dự thảo Nghị định bổ sung một số quy định mới. Cụ thể, quy định nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần phần vốn góp của tổ chức tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư cơ sở thành lập giáo dục theo quy định của Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định cơ sở giáo dục có vốn nước ngoài được quyết định tỷ lệ học sinh Việt Nam được học chương trình phổ thông của nước ngoài. Đồng thời cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ngoài việc dạy chương trình phổ thông nước ngoài thì phải dạy các nội dung quy định về Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý để đảm bảo mục đích giáo dục con người Việt Nam…
Đặc biệt, Dự thảo Nghị định quy định cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định. Trong khi theo quy định trước đây, nếu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động 20 năm trở lên là phải xây dựng cơ sở. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện thì trong Dự thảo Nghị định đề xuất là thuê cơ sở vật chất, nhưng phải thuê ổn định…
Cần “mềm hóa” một số điều kiện
Tại hội thảo, nhiều luật sư, đại diện các trường học trong nước, nước ngoài đã đưa ra một số góp ý cho Dự thảo Nghị định hoàn chỉnh hơn. Theo bà Nguyễn Kim Dung, thành viên đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc pháp chế của Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc cho rằng, tại Điều 28 khoản 4 trong Dự thảo Nghị định quy định: “Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường)” là hợp lý, nhưng quy định về việc xác định nguồn vốn chưa hợp lý khi yêu cầu xác định bằng tiền mặt hoặc tài sản đã chuẩn bị để đầu tư.
Bà Dung lý giải, khi vào Việt Nam, trong giai đoạn xin cấp giấy phép đầu tư và thành lập, nhà đầu tư chỉ có thể chứng minh họ có đủ nguồn vốn minh chứng bằng báo cáo kiểm toán (tài sản sở hữu và vốn chủ sở hữu) cộng với nguồn vốn vay (nếu có) để chứng minh họ có đủ khả năng đầu tư thành lập trường. Việc xác định bằng tiền mặt là chưa hợp lý.
Việc xác định bằng tài sản đã chuẩn bị để đầu tư cũng chưa hợp lý trong giai đoạn xin cấp phép đầu tư và thành lập vì giai đoạn này chỉ là đề án thành lập. Chỉ khi được cấp phép thành lập, có đủ cơ sở pháp lý, việc đầu tư mới được triển khai thực sự. Đây là quy trình hợp lý để thực hiện 1 dự án đầu tư, do vậy đề nghị điều chỉnh quy định này.
Đồng quan điểm này, đại diện của Trường Đại học quốc tế RMIT Việt Nam cho rằng, nên điều chỉnh giữ mức tổng vốn đầu tư của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn là 300 tỷ đồng. Vì mức vốn 1.000 tỷ đồng có thể là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài, và không khuyến khích đầu tư thành lập các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương không phải là thành phố lớn của Việt Nam.
Đồng thời, việc chứng minh số tiền mặt và tài sản tạo thành tổng vốn đầu tư cần phải tuân theo Luật Đầu tư, trong đó có quy định rằng báo cáo tài chính của nhà đầu tư có thể là một trong các tài liệu dùng để chứng minh khả năng tài chính. Do đó, quy định “vốn đầu tư được các định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản” cần được lược bỏ để tránh mâu thuẫn với Quy định của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, theo bà Hồ Thúy Ngọc, Trưởng khoa Hợp tác quốc tế, Đại học Ngoại thương cho rằng, tại Dự thảo Nghị định có một quy định chương trình đào tạo của đối tác nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam thì phải có nội dung môn học bắt buộc (môn học của Việt Nam) trong chương trình đào tạo. Nếu như nội dung được ban hành sẽ là khó khăn, điểm trừ trong việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. Bởi lẽ, đối tác nước ngooài chạy chương trình đào tạo tại Việt Nam, nhưng đối tác cấp bằng của quốc gia và của trường họ cho sinh viên Việt Nam, nên chương trình phải tuân thủ theo chương trình của đối tác. Tất nhiên đối tác sẽ không đồng ý việc cho thêm nội dung, những nội dung bắt buộc vào chương trình của họ.
Bà Ngọc còn cho rằng, mặc dù những nhà làm luật mong muốn có những nội dung thuộc về tư tưởng chính trị, cần đưa vào đào tạo cho học sinh, sinh viên Việt Nam, nhưng mình có thể “mềm hóa” để đối tác dễ chấp nhận bằng cách đưa các chương trình vào thực hiện dạng chuyên đề trong những chương trình học thay vì là phần cứng của chương trình. Như vậy, sẽ dễ nhận được sự hợp tác của đối tác nước ngoài hơn.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, còn nhiều điểm cần sửa đổi trong Dự thảo Nghị định về việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài, nội dung giáo dục, đào tạo; đặc biệt, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư nên đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu giảm bớt, thay đổi một số nội dung tại các khoản của điều 32, 33 về thủ tục cho phép thành lập cơ sở giáo dục theo hướng đỡ phiền hà, gây rào cản, phát sinh tiêu cực làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam.
Thay mặt đơn vị soạn thảo, ông Nguyễn Xuân Vang nhấn mạnh, ý kiến của các luật sư, đại diện các trường học trong nước, nước ngoài sẽ được cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Dự thảo Nghị định./.
Bình luận