Gói chính sách hỗ trợ mới: Cần đưa vào cuộc sống càng sớm càng tốt
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân

Ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương cần làm gì để gói hỗ trợ này đạt được mục tiêu đề ra?

Nghị quyết của Quốc hội chỉ là Nghị quyết, chỉ là giấy phép. Còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Quốc hội đã ban hành. Tôi rất trông đợi điều này từ Chính phủ...

GS.TS Hoàng Văn Cường

Ông Hoàng Văn Cường: Ở các nước, khi đại dịch xảy ra, Chính phủ thường có các gói hỗ trợ toàn dân, họ dùng tiền phát cho tất cả mọi người để đỡ khó khăn. Việt Nam chúng ta lại khác, không dùng tiền để phát như các nước. Song, gói chính sách vừa được ban hành gần như là một gói hỗ trợ toàn dân. Hầu hết người dân, phần lớn là các doanh nghiệp, đều được hưởng các chính sách hỗ trợ này. Như giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), cứ ai đi mua hàng hóa đều được hưởng; giảm lãi suất cũng vậy, độ lan tỏa rất lớn.

Gói hỗ trợ lớn thường mang theo kỳ vọng rất lớn nên câu chuyện làm sao thực hiện thực chất, hiệu quả thường sẽ được đặt ra. Tôi cho rằng có 2 điểm cần quan tâm:

Thứ nhất, phải đưa chính sách sớm đi vào cuộc sống nhất, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, chính sách đưa ra để phục hồi thì càng phải sớm. Bởi nếu không sớm, qua một thời gian kinh tế suy giảm, doanh nghiệp phá sản thì không thể phát huy kịp thời. Càng sớm, càng kịp thời, càng hiệu quả.

Muốn chính sách đi vào cuộc sống nhanh thì có nhiều phần. Như việc giảm thuế GTGT thì có thể áp dụng ngay, người dân đi mua hàng hóa có thể được hưởng ngay. Nhưng cũng có những cấu phần của chính sách cần được thông qua các thủ tục. Vậy thủ tục cần được thiết kế thật đơn giản, rõ ràng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đối tượng được hưởng thụ. Tránh tình trạng chính sách hay, nhưng lại đưa ra thủ tục để quản lý chặt chẽ tránh thất thoát, tránh lợi dụng, nhiều quy định quy trình, không sai phạm nhưng lại không đến được với người được hưởng. Như dư luận có câu: “Tại sao không được hưởng? Lên tivi mà hỏi”. Đấy là do chúng ta đưa ra những ràng buộc phi thực tiễn. Việc quản lý là cần thiết nhưng các điều kiện đặt ra cần thực tiễn, có thể tham vấn chính các đối tượng thụ hưởng xem nên kiểm soát ntn mới hợp lý thay vì để chính cán bộ quản lý đặt ra với tiêu chí an toàn cho họ thì sẽ khó phù hợp với đối tượng. Ở đây rất cần có tiếng nói, có ý kiến, phải được phản hồi từ chính đối tượng hưởng thụ để đưa ra điều kiện ràng buộc trong kiểm soát thực thi chính sách.

Thứ hai, khi đã đưa ra được các điều kiện, thủ tục, chỉ tiêu để kiểm soát rồi thì chúng ta phải tiến hành rà soát làm sao hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Đây là một điều vô cùng quan trọng. Trúng thì ta đã nói rồi - ai gặp khó khăn do dịch bệnh ta đều hỗ trợ. Nhưng đúng thì sao? Làm sao để đúng đối tượng đó.

Nhiều ý kiến nhận định, gói chính sách mới được thiết kế rất hay, nhưng để thực thi được thành công, chúng ta phải có sự đổi mới trong triển khai thực hiện. Vậy theo ông, điểm cần đổi mới là gì?

Gói chính sách hỗ trợ mới: Cần đưa vào cuộc sống càng sớm càng tốt
Ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Tôi tâm đắc với nhận định rằng, cách thiết kế chính sách lần này rất hay, chúng ta không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ mà ta chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ. Số này rất ít, chỉ có nhóm các DN đang có lợi thế trong đại dịch như lĩnh vực kinh doanh tài chính – ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, viễn thông… Số còn lại đương nhiên được hưởng hỗ trợ, không cần xin - cho gì cả. Với cách thiết kế này thì việc kiểm soát không còn quá khó khăn.

Tuy nhiên, trong chính sách có những gói không cẩn trọng thì sẽ có tình trạng cùng thuộc đối tượng, nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều nhưng có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể. Đơn cử gói hỗ trợ lãi suất. Rõ ràng, đây là gói sẽ tác động rất rộng, rất mạnh đến doanh nghiệp, vì Chính phủ chỉ bỏ ra 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất, nhưng lại tác động đến 2 triệu tỷ tiền vốn của DN. DN nào sẽ được hưởng lãi suất thấp của 2 triệu tỷ đồng tiền vay đó? Nếu không cẩn thận, có thể 2 triệu tỷ đồng đó chỉ dồn vào một nhóm DN lớn nào đó - lại chưa chắc là đối tượng thực sự khó khăn. Trong khi đó, nhiều hộ kinh doanh gia đình, DN nhỏ và vừa là những đối tượng không phải cần quá nhiều, nhưng nếu không có sự hỗ trợ dòng vốn vay lãi suất ưu đãi thì không thể phục hồi, phát triển được.

Độ phủ của chính sách này rất rộng, trong bối cảnh các đối tượng nhỏ thường không có điều kiện theo các tín dụng truyền thống, không có tài sản bảo đảm hoặc đang có khoản vay chưa thanh toán... Nếu đặt ra các điều kiện không vi phạm tiêu chuẩn cho vay thì nhóm này nhiều khả năng sẽ bị loại. Tôi cho rằng, phải có một phương thức hành động mới trong kiểm soát các chương trình hỗ trợ. Nếu ta chuyển việc kiểm soát bằng các điều kiện tín dụng sang hình thức ngân hàng phải đồng hành với DN, phải xem DN vay tiền để làm gì, mua hàng, mua nguyên vật liệu thì ta có thể trả tiền trực tiếp cho bên mua để DN nhận nguyên vật liệu về sản xuất, sau đó theo dõi quy trình sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm để thu ngay đồng tiền bán hàng đó để quay trở lại. Như vậy, ngân hàng sẽ quản lý cho vay thông qua quản lý dòng tiền thay bằng tài sản hay thế chấp. Nếu được vậy, các DN, các hộ thực sự có hoạt động phát triển, phục hồi thì sẽ được hưởng chính sách. Còn các đối tượng dùng tiền đó để quay vòng, gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản thì sẽ kiểm soát được ngay.

Đất nước ta đang chứng kiến sự thay đổi từ chuyển đổi số, rõ nhất là lĩnh vực ngân hàng trong việc các thanh toán chuyển dần sang không dùng tiền mặt. Đây là cơ hội tốt để ta làm mạnh hơn việc kiểm soát nghiêm ngặt các giao dịch không dùng tiền mặt. Với trang bị công nghệ số hiện nay thì bất kể dòng tiền nào từ ngân hàng đầu tư ra cho DN, chảy đi đâu, đến DN nào, chúng ta đều biết được. Khi đó, ta có thể đảm bảo được dòng tiền khi thực hiện các chính sách hỗ trợ này sẽ đúng, trúng mục đích hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế chứ không chảy vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản, đầu tư tài chính để xảy ra các trục lợi chính sách.

Chúng ta phải thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách.

Tôi nhấn mạnh một điều rằng, Nghị quyết của Quốc hội chỉ là Nghị quyết, chỉ là giấy phép. Còn có đi vào cuộc sống hay không thì phụ thuộc nhiều vào chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Quốc hội đã ban hành. Tôi rất trông đợi điều này từ Chính phủ, giao trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực để triển khai cụ thể để sau này chúng ta kiểm tra đánh giá lại không chỉ dừng ở việc các cơ quan triển khai chính sách không có sai phạm, mà đánh giá được hiệu quả của chính sách, giải ngân được bao nhiêu, vào được bao nhiêu DN, bao nhiêu đối tượng.

Quyết sách đúng lúc, đúng chỗ sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều lần những giải pháp tình thế. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng khẳng định, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng thể chế bởi đầu tư vào thể chế chính là đầu tư cho sự phát triển. Ông nghĩ sao về định hướng này của Chính phủ?

Ông Hoàng Văn Cường: Tôi rất mừng và đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng về quyết tâm đổi mới, xây dựng thể chế và coi xây dựng thể chế là một yếu tố như đầu tư phát triển. Thậm chí, chúng ta thấy rằng, để phát triển bằng con đường đầu tư vốn còn phụ thuộc vào tiền, vào nguồn lực. Nhưng để thúc đẩy phát triển mà dựa vào con đường cải cách, thay đổi thể chế thì hầu như không tốn kém nguồn lực về tiền bạc, mà lại khơi thông, cởi trói các ràng buộc để tạo ra các nguồn lực mới cho phát triển. Bởi vậy, chỉ đạo của Thủ tướng rất đúng, rất trúng với nút thắt lớn nhất trong định hướng cho khơi thông nguồn lực, tạo ra nguồn lực cho phát triển, chính là vấn đề cải cách, thay đổi thể chế.

Giai đoạn vừa qua, khi dịch Covid-19 diễn ra, chúng ta cần có tinh thần xử lý rất kịp thời, chống dịch như chống giặc, không thể chờ xin ý kiến, chờ về góp ý hay xin quyết định mà tướng ra trận phải quyết định ngay, không thể chờ đợi thủ tục, quy trình được.

Về cải cách thể chế, những năm trước ta chỉ tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, nhưng việc thực chất hay không còn chưa thể khẳng định. Nay Chính phủ chủ trương chuyển sang phân cấp, phân quyền, phân nguồn lực, quyền lực kèm theo kiểm tra, giám sát đánh giá. Và khi đã phân cấp, phân quyền rồi thì thuộc trách nhiệm của ai người đó phải giải quyết, không thể đùn đẩy. Lúc này đừng nói là khó, đừng nói là vướng mà phải thấy trách nhiệm của mình đến đâu thì xử lý ngay, vướng chỗ nào giải quyết ngay chỗ đó, sửa ngay chỗ đấy. Đây là một sự mở màn cho việc thay đổi phương thức quản lý, không dựa vào quy trình quy định nữa, mà dựa vào yêu cầu cuộc sống, kết quả đầu ra. Đến khi đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của người cán bộ quản lý thì không ở việc tuân thủ quy định, ở việc có vi phạm luật pháp không mà ở chỗ đã đáp ứng yêu cầu cuộc sống đặt ra chưa?

Nếu lấy tiêu chí đáp ứng yêu cầu của người dân, của doanh nghiệp trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc. Khi chuyển hướng như thế, buộc lòng các cơ quan quản lý nhà nước, những cán bộ quản lý nhà nước phải tự thay mặt cho người dân, cho DN để nghĩ xem những quy định hành chính hiện hành đang bất hợp lý cái gì, không phù hợp cái gì và phải xử lý như thế nào?

Có như vậy mới hạn chế được tình trạng người dân, DN đến kiến nghị thì cơ quan quản lý trả lời vướng quy định này, quy trình kia không cho phép. Còn sự hợp lý có hay không thì không cần biết.

Việc này sẽ tháo gỡ tối đa được rào cản thủ tục hành chính, từ đó khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6% đến 6,5%. Với những thách thức còn đang tiềm ẩn hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, để hoàn thành mục tiêu đề ra cần những giải pháp gì, theo Ông?

Quý IV/2021, nước ta đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm, lúc đó chưa có gói hỗ trợ mới, nhưng tăng trưởng GDP đã tích cực trở lại. Vậy thì sang năm 2022, với gói hỗ trợ mới, với kinh nghiệm đã có thì chuyện Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi.

Ông Hoàng Văn Cường: Khi thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội cũng kỳ vọng rằng, kinh tế năm 2022 không chỉ đạt mục tiêu 6-6,5% mà còn tăng cao hơn nữa, đến 7%. Kỳ vọng này xuất phát từ việc nhìn thấy nhiều cơ hội mở ra rất tốt.

Đầu tiên, ai cũng đề cập đến là đại dịch. Khó khăn cũng là do đại dịch nhưng việc kiểm soát đại dịch ở Việt Nam đã có kinh nghiệm khá tốt, vừa là bài học, có những trả giá nhưng cũng là một kinh nghiệm để chúng ta xử lý khá nhanh nhạy trong việc chuyển hướng chính sách phòng, chống dịch từ Zero Covid sang sống chung an toàn với dịch thông qua Nghị quyết số 128/NQ-CP. Thêm vào đó, ta đã có chuẩn bị các vũ khí, nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ngay tại Nghị quyết số 43 vừa được Quốc hội thông qua cũng có riêng một nội dung về việc dành nguồn lực để sẵn sàng mua vắc xin, mua thuốc chữa bệnh, hoặc các phương tiện khác khi cần. Nói cách khác là Nhà nước vẫn luôn ưu tiên nguồn lực cho chủ động phòng, chống dịch.

Yếu tố thứ hai, chúng ta phải rất tự tin, dù có bối rối, có khó khăn vào thời điểm tháng 4, tháng 5/2021, nhưng đến nay guồng máy nền kinh tế đã quay trở lại khá chủ động, khá an toàn. Trong sự thành công đó, bên cạnh quyết sách kịp thời chuyển hướng quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi đánh giá vô cùng cao vai trò, ý thức của người dân Việt Nam. Những điều này khiến ta tin tưởng rằng, sang năm 2022 diễn biến phòng, chống đại dịch sẽ tốt hơn, song chúng ta vẫn không thể chủ quan.

Một cơ hội khá tốt cho năm 2022 là đà phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở, nên kinh tế thế giới phục hồi là cơ hội cho Việt Nam, nhất là khi nước ta có rất nhiều các hiệp định thương mại thế hệ mới, với các khối phát triển như CPTPP, EVFTA, Hiệp định song phương Hoa Kỳ và tới đây là RCEPT. Đây là cơ hội để một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu như Việt Nam gặt hái thành công trong năm tới.

Điểm tiếp theo là nước ta có một gói hỗ trợ phục hồi và phát triển. Quý IV/2021, nước ta đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm, lúc đó chưa có gói hỗ trợ mới, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng DN, xã hội thì tăng trưởng GDP đã tích cực trở lại. Vậy thì sang năm 2022, với gói hỗ trợ mới, với kinh nghiệm đã có thì chuyện Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn nữa. Tất nhiên, chúng ta không vì thế mà ngồi im, mà phải bắt tay vào hành động.

Trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, việc khó nhất và cũng là quan trọng nhất, đó là Chính phủ cần đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không giữ được thì mọi thành quả khác, kể cả tăng trưởng đều sẽ đổ vỡ hết./.