Gói phục hồi kinh tế chính thức được Quốc hội thông qua
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 1%
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, với 84,97% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong chiều nay (ngày 11/1), theo Văn phòng Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội). Ảnh: Quốc hội |
Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng bình quân 6,5%-7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Liên quan đến chính sách đầu tư phát triển, Nghị quyết đề cập tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa là 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023, bao gồm: Y tế (tối đa 14.000 tỷ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng…); hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (hỗ trợ lãi suất- 2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (tối đa 113.550 tỷ đồng)... |
Về chính sách tiền tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng...
Về chính sách miễn, giảm thuế, Quốc hội cho phép giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán… Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Để có nguồn lực thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình, Quốc hội cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng), trong đó năm 2022, tăng khoảng 1,1% GDP (tối đa 102.800 tỷ đồng) so với dự toán đã được Quốc hội quyết định. Riêng năm 2023, Chính phủ tổng hợp kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước chung cho cả phần tăng thêm của Chương trình và của năm 2023, trên cơ sở đó trình Quốc hội xem xét, quyết định. Quốc hội còn cho phép đẩy mạnh các biện pháp khác để khai thác các nguồn lực thông qua: sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong các kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi trong phạm vi thẩm quyền...
Không để xảy ra trục lợi chính sách, lợi ích nhóm
Để tạo sự thông thoáng trong triển khai gói hỗ trợ, Quốc hội đã mở đường cho áp dụng một số cơ chế đặc thù. Theo đó, cho phép Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn; gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật; gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông và y tế thuộc Chương trình…
Quốc hội đã mở hướng cho áp dụng một số cơ chế đặc thù nhằm sớm đưa các chính sách vào cuộc sống. Ảnh: Quốc hội |
Quốc hội còn cho phép nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia thuộc Chương trình.
Nghị quyết của Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương ban hành các giải pháp để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để thực hiện Chương trình; hướng dẫn tổ chức thực hiện các cơ chế tại Nghị quyết gắn với trách nhiệm cụ thể, bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí. Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực từ ngày 11/1/2022 đến ngày 31/12/2023./.
Bình luận