Tiêu dùng bền vững thực phẩm: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam
Lê Thị Thu Hà
Viện Nghiên cứu Con người
Email: hale198209@gmail.com
Tóm tắt
Trên cơ sở tổng quan kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới về tiêu dùng bền vững trong lĩnh vực thực phẩm, bao gồm: quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng thực phẩm, một số quan niệm về ăn uống bền vững, chính sách giảm thiểu lãng phí thực phẩm và chính sách quản lý chất thải thực phẩm. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số khuyến nghị trong việc thúc đẩy sự tiêu dùng bền vững thực phẩm hướng tới xây dựng lối sống xanh ở Việt Nam.
Từ khóa: lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, thực phẩm
Summary
Based on an overview of some countries' experiences in the world on sustainable consumption in the food sector, including the process from food production to consumption, some concepts of sustainable eating, policies to reduce food waste, and policies to manage food waste. On that basis, the author proposes some recommendations for promoting sustainable food consumption toward building a green lifestyle in Vietnam.
Keywords: green lifestyle, sustainable consumption, food
GIỚI THIỆU
Trong những năm gần đây, mức độ nhận thức của cộng đồng thế giới về tầm quan trọng của một cuộc sống bền vững, lành mạnh và môi trường xanh có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Cùng với đó, sự ra đời các phong trào cộng đồng dẫn đến sự hình thành và phát triển lối sống xanh, lối sống bền vững nhằm nâng cao sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Lối sống xanh được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, nhìn nhận ở các góc độ khác nhau. Không chỉ đề cập đến việc tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, lối sống xanh còn đề cập đến việc theo đuổi một lối sống tổng thể thân thiện với môi trường (Myeong, 2012). Lối sống xanh của người tiêu dùng ảnh hưởng đến việc tiêu dùng có trách nhiệm. Với những người theo đuổi lối sống bền vững, lối sống xanh, họ sẽ hướng đến tiêu dùng những sản phẩm bền vững, sản phẩm “xanh”, bao gồm tất cả các ngành hàng trong đó đáng kể nhất chính là thực phẩm.
Gần đây nhất, Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống Thực phẩm của Liên hợp quốc vào tháng 9/2021 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu dùng thực phẩm bền vững (Sustainable Food Consumption - SFC) như một thành phần trong hệ thống thực phẩm (dẫn theo: Kristina Mensah, 2023). Nhận thức được điều này, nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều chính sách khuyến khích thúc đẩy người dân tiêu dùng thực phẩm bền vững. Do đó, đây có thể là bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong thời gian tới.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Từ cách nhìn của xã hội học, lối sống xanh đề cập đến thái độ, hành vi và thực hành xanh, hành vi bảo vệ môi trường của các cá nhân trong cuộc sống hàng ngày của họ (Chuah, S.C. và các cộng sự, 2021; Qiaoqiao Zheng và các cộng sự, 2023). Lối sống xanh thể hiện trong tiêu dùng thực phẩm chính là việc nhận thức và thực hành các hành vi tiêu dùng thực phẩm bền vững (thực phẩm xanh) hướng tới bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe và tránh tổn hại tới thế hệ tương lai.
Thực phẩm xanh cũng ngày càng được quan tâm ở khắp các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Theo Kasali (2005), sản phẩm xanh được hiểu là hàng hóa, sản phẩm được sản xuất bởi các nhà sản xuất có liên quan đến cảm giác an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và không không có khả năng hủy hoại môi trường. Ngoài ra, sản phẩm này còn gắn liền với việc sử dụng nguyên liệu luôn quan tâm đến thế hệ tương lai, cũng như hướng tới giảm thiểu lãng phí (waste) cả từ quy trình và vòng đời của sản phẩm. Nugrahadi (2002) cho rằng, sản phẩm sạch (sản phẩm xanh) luôn hướng tới môi trường. Theo Ottman (1998) cho rằng, các sản phẩm xanh, trong nguyên tắc, có thể tồn tại trong thời gian dài, không chứa độc tố, được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế, hoặc đóng gói theo cách đơn giản (đơn giản) và tối giản (Dẫn theo Allen A. Ch. Manongko, Henry J. D. Tamboto, 2019).
Ủy ban Phát triển Bền vững Vương quốc Anh (2005; 2009) đưa ra định nghĩa về tiêu dùng thực phẩm bền vững, trong đó tuyên bố rằng, để tiêu thụ thực phẩm bền vững phải đáp ứng các yêu cầu về: an toàn, chính trị và môi trường; chẳng hạn như: chế độ ăn uống an toàn, lành mạnh và bổ dưỡng cho mọi người; sinh kế khả thi cho nông dân, nhà chế biến và nhà bán lẻ; phúc lợi động vật; bảo vệ môi trường; bảo vệ đa dạng sinh học; tiết kiệm năng lượng; chất thải tối thiểu. Theo định nghĩa này, các hành động nhằm thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm bền vững nên tích hợp các lĩnh vực chính sách và lĩnh vực can thiệp khác nhau (Dẫn theo: Maria Teresa Gorgitano, Valeria Sodano, 2014). Nhóm tác giả này cũng gợi ý rằng, để giải quyết những vấn đề tồn tại nhằm thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm bền vững thì: (i) Cần có các sự thay đổi trong thói quen của người dân: chuyển đổi chế độ ăn từ động vật sang thực vật; giảm thiểu lãng phí thực phẩm ở nhà; mua nhiều sản phẩm theo mùa, địa phương và có nhãn sinh thái; (ii) Các chính sách công cần bao gồm sự kết hợp cân bằng giữa mệnh lệnh và kiểm soát (loại bỏ các sản phẩm kém bền vững nhất khỏi hệ thống thị trường, các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sinh thái tối thiểu), các công cụ dựa trên thị trường (ví dụ thuế đánh vào sản phẩm động vật, khuyến khích mua rau tươi) và các chiến dịch giáo dục và thông tin (nhằm nhận thức về tính bền vững và loại bỏ những trở ngại về thông tin và nhận thức gây ra sự chuyển đổi kiến thức thành hành động và khoảng cách tác động hành vi); (iii) Để bất kỳ sự can thiệp nào thành công, cần phải thay đổi các nguyên tắc đạo đức hiện đang định hình lý thuyết kinh tế và hành vi của người tiêu dùng.
KINH NGHIỆM SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG THỰC PHẨM BỀN VỮNG
Trong quá trình sản xuất thực phẩm
Tại Vương quốc Anh, để đáp ứng cam kết pháp lý nhằm đạt mức phát thải “bằng 0” vào năm 2050, hệ thống thực phẩm của nước này trước tiên phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải. Vương quốc Anh phát triển mô hình “chia sẻ đất đai” canh tác, bởi vì nó có thể thực hiện đồng thời 2 chức năng: sản xuất thực phẩm và duy trì sinh thái (The Food Foundation, 2021).
Tổ chức thực phẩm Vương quốc Anh đã đã đề xuất một số giải pháp thúc đẩy việc sản xuất, khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh: (i) Giảm giá thực phẩm bổ dưỡng, lành mạnh, tăng giá thực phẩm không lành mạnh. Đồng thời, đưa ra ý tưởng hỗ trợ những người có thu nhập thấp mua được thực phẩm tốt cho sức khỏe (ví dụ: thẻ giảm giá cho họ); (ii) Để mọi người ý thức được về tác động của hàng nhập khẩu liên quan về quãng đường mà thực phẩm đó được chuyển tới, mỗi sản phẩm nhập khẩu sẽ hiển thị dặm vận chuyển trên đóng gói; (iii) Giảm chất hóa học trong thức ăn và đồ uống; (iv) Khuyến khích các nhà sản xuất trở nên bền vững hơn - ví dụ: giấy phép ô nhiễm, tái sử dụng, hạt giống, rau củ, lợi ích về thuế… (The Food Foundation, 2020).
Trong khi đó, Uỷ ban châu Âu đã ban hành Chiến lược từ nông trại đến bàn ăn (Farm to Fork - F2F) như một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu vào năm 2020. Chiến lược này nêu các mục tiêu chuyển đổi xanh trong nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm, với các định hướng quan trọng về giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng và dư lượng tối đa cho phép đối với các chất trong nông sản thực phẩm; giảm lượng thuốc kháng sinh được phép sử dụng trên động vật và dư lượng trong các loại thịt, thủy sản; tăng cường các yêu cầu xanh về thiết kế, chất liệu các loại bao bì đóng gói thực phẩm; điều chỉnh cách thức ghi nhãn, vị trí nhãn, tăng cường các thông tin phải cung cấp cho người tiêu dùng về các đặc tính xanh của sản phẩm; thay đổi các yêu cầu về cách thức nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ vật nuôi... Chiến lược này nhằm hướng tới thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi của chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững bởi khả năng tiếp cận và sẵn có lương thực toàn cầu ngày càng tăng và đặc biệt nhằm thiểu đáng kể lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ hệ thống thực phẩm hiện tại.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Theo FAO (2010), chế độ ăn uống bền vững, bảo vệ và tôn trọng đa dạng sinh học và hệ sinh thái, được chấp nhận về mặt văn hóa, dễ tiếp cận, công bằng về mặt kinh tế và giá cả phải chăng; đủ dinh dưỡng, an toàn và lành mạnh, đồng thời tối ưu hóa nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người. WHO (2018) mô tả chế độ ăn uống bền vững và lành mạnh là chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt với mức tiêu thụ hạn chế chất béo bão hòa, đường và muối. Ủy ban EAT - Lancet đã định nghĩa chế độ ăn uống lành mạnh là chế độ ăn uống bao gồm các khía cạnh về sức khỏe và môi trường (Willett và cộng sự, 2019). Lucas và cộng sự (2021) mô tả rằng, chế độ ăn uống bền vững tối ưu cho Vương quốc Anh có thể đạt được thông qua việc “…giảm đáng kể lượng sữa, thịt, trứng, chất làm ngọt và dầu/mỡ lợn được bù đắp bằng sự gia tăng các mặt hàng chủ lực có tinh bột (ngũ cốc, khoai tây), cá, hải sản, rau, các loại đậu và các loại hạt”. Đồng quan điểm này, Ủy ban EAT - Lancet cũng cho rằng, giảm tiêu thụ các sản phẩm từ động vật thường được coi là lựa chọn chính để giảm tác động môi trường liên quan đến chế độ ăn uống (dẫn theo: Kristina Mensah và cộng sự, 2023).
Một số ví dụ điển hình về chế độ ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe có thể được kể đến như: (i) Chế độ ăn uống cân bằng khu vực Địa Trung Hải; (ii) Chế độ ăn DASH (chế độ ăn ngăn ngừa cao huyết áp) và chế độ ăn truyền thống của người Nhật. Nhìn chung, chế độ ăn này thúc đẩy việc tiêu thụ nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, chất béo không bão hòa, một lượng vừa phải hải sản và thịt gia cầm, không hoặc ít thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, thêm đường, rau củ giàu tinh bột, do đó, nó ít ảnh hưởng đến môi trường hơn, đồng thời mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe.
Giảm thiểu lãng phí thực phẩm
Lãng phí thực phẩm được định nghĩa là việc giảm lượng thực phẩm được sử dụng để tiêu thụ trong chuỗi cung ứng do mất mát, hư hỏng, thải bỏ hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác (FAO, 2014). Vấn đề lãng phí thực phẩm ngày càng trở nên trầm trọng hơn, dự kiến sẽ kéo dài cho đến năm 2050. Kummu và cộng sự (2012) cho biết, tình trạng lãng phí và thất thoát thực phẩm (food waste and loss - FWL) toàn cầu chiếm khoảng 24% tổng lượng tiêu thụ đất nông nghiệp, nước ngọt và phân bón được sử dụng cho sản xuất lương thực. Ngoài các chi phí môi trường này, việc quản lý tất cả chất thải hữu cơ do hộ gia đình, dịch vụ thực phẩm, quy trình công nghiệp và khu vực trang trại tạo ra còn tạo ra lượng phát thải khí nhà kính đáng kể, và các tác động môi trường ở hạ lưu khác do việc xử lý FWL. Nhiều sáng kiến quốc gia và quốc tế đã được thúc đẩy nhằm giải quyết vấn đề này. Ở cấp độ chính sách toàn cầu, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) khởi xướng sáng kiến “Tiết kiệm lương thực” vào năm 2011 và theo đuổi việc ngăn ngừa và giảm thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu bằng các biện pháp liên tiếp được xây dựng dựa trên nhau. Gần đây hơn, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2015, một trong số đó nhằm mục đích giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm ở cấp độ bán lẻ và tiêu dùng vào năm 2030 và giảm thất thoát lương thực dọc theo chuỗi sản xuất và cung ứng. Các lộ trình để đạt được mục tiêu này đang được đề xuất giải quyết bởi dự án AgroCycle, dự án sẽ đưa ra kế hoạch chi tiết cho việc bình ổn chất thải nông nghiệp - thực phẩm một cách bền vững. Ở cấp quốc gia và địa phương, hơn 100 sáng kiến đã được triển khai ở các nước EU nhằm giảm lãng phí thực phẩm thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức (25%), chương trình đào tạo và nghiên cứu (21%) (Secondi và cộng sự, 2015, dẫn theo: Garcia-Herrero và cộng sự, 2018).
Tại Hoa Kỳ, Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia của Hoa Kỳ (2020) xác định các chiến lược quốc gia nhằm giảm lãng phí thực phẩm của người tiêu dùng trên toàn quốc, bao gồm: chiến dịch quốc gia nhằm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tiêu chuẩn hóa liên bang về ghi nhãn ngày thực phẩm và những thay đổi trong hoạt động tiếp thị và dịch vụ thực phẩm của nhà bán lẻ và một số biện pháp khác. 3 con đường chính để thay đổi hành vi của người tiêu dùng hướng tới nỗ lực phối hợp nhằm giảm lãng phí thực phẩm ở cấp độ người tiêu dùng được đưa ra gồm: (i) Thay đổi môi trường thực phẩm của Hoa Kỳ để ngăn cản người tiêu dùng lãng phí; (ii) Tăng cường động lực, cơ hội và khả năng giảm lãng phí thực phẩm của người tiêu dùng; (iii) Tận dụng và áp dụng các kết quả nghiên cứu và công nghệ để hỗ trợ người tiêu dùng giảm lãng phí thực phẩm (National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine, 2020).
Để khuyến khích phục hồi lương thực, giảm lãng phí thực phẩm, Hoa Kỳ cũng ban hành chính sách bảo vệ trách nhiệm pháp lý và ưu đãi thuế đối với các nhà tài trợ thực phẩm. Trước những lo ngại về trách nhiệm pháp lý liên quan bệnh tật do thực phẩm trong việc quyên góp thực phẩm của các nhà tài trợ (nông dân, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ thực phẩm từ bếp ăn của tổ chức hay các cơ sở kinh doanh), chính phủ liên bang đã thông qua Đạo luật quyên góp thực phẩm cho người Samaritan nhân hậu Bill Emerson năm 1996 (gọi tắt là Đạo luật Emerson và được bổ sung sửa đổi thành Luật Cải thiện Quyên góp thực phẩm (Food Donation Improvement Act - FDIA) vào năm 2023. Thêm vào đó, các chính sách khuyến khích thuế có thể trực tiếp thúc đẩy việc quyên góp thực phẩm. Ưu đãi thuế giúp bù đắp chi phí hoạt động liên quan đến quyên góp và mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà tài trợ. Nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm cải thiện hoạt động quyên góp lương thực cũng như nâng cao chất lượng quyên góp tại các ngân hàng thực phẩm, trong đó đáng kể đến là sáng kiến về “Tuần lễ Nhận thức về Chất thải Thực phẩm Tennessee” (TFWAW).
Đức cũng là quốc gia đặc biệt quan tâm đến vấn đề giảm thiểu thực phẩm. Năm 2019, Đức ban hành Chiến lược Quốc gia về giảm thiểu rác thải thực phẩm và đã được Nội các liên bang thông qua. Chiến lược đã xác định các nguyên nhân tiềm ẩn gây lãng phí thực phẩm, các thách thức và phạm vi hoạt động nhằm giảm lãng phí thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm. Chiến lược này thể hiện nhiệm vụ giảm lãng phí thực phẩm là một nhiệm vụ của toàn xã hội, được các bên liên quan từ xã hội dân sự, doanh nhân và các nhà khoa học cùng chung tay đóng góp. Cụ thể, Đức đã xây dựng khung pháp lý gồm: (i) Sự tham gia của các bên liên quan (chính quyền các bang, cơ quan liên bộ và diễn đàn đối thoại quốc gia); (ii) Tối ưu hóa quy trình trong ngành (Phân tích quy trình sản xuất để xác định nơi phát sinh lãng phí thực phẩm; Theo dõi, điều chỉnh các quy trình kinh doanh; Kết hợp hành động chống lãng phí thực phẩm vào các hoạt động thường lệ của công ty thông qua các hệ thống hậu cần đổi mới; Tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng thực phẩm thông qua việc cung cấp dữ liệu về việc ghi chép chất thải thực phẩm); (iii) Thay đổi hành vi của các tác nhân (người tiêu dùng, tổ chức...) thông qua một loạt hành động như: Sáng kiến thùng rác tốt nhất sẽ trở thành thương hiệu bao trùm cho Chiến lược quốc gia về toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm; Phát huy vai trò của Mạng xã hội như Facebook, Instagram… trong giao tiếp, tuyên truyền, đặc biệt là để tiếp cận với nhóm thanh thiếu niên; Kêu gọi các nhà điều hành kinh doanh thực phẩm lồng ghép vấn đề giảm lãng phí thực phẩm vào các chương trình đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức cho nhân viên và khách hàng và Tích hợp môn học vào các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức cho trẻ em, thanh thiếu niên.
Ở châu Á, Trung Quốc là quốc gia đã đưa ra nhiều chính sách chống lãng phí thực phẩm trong thế kỷ qua. Lãng phí thực phẩm bắt đầu nổi lên như một vấn đề chính sách từ năm 2002 khi thông tư của Hội đồng Nhà nước nhằm tăng cường hơn nữa việc tiết kiệm ngũ cốc và giảm lãng phí thực phẩm đã xây dựng các biện pháp chi tiết về đánh giá thất thoát và giảm lãng phí lương thực ở Trung Quốc. Cách tiếp cận quản lý của Trung Quốc chuyển từ hạn chế đạo đức sang xử phạt lãng phí thực phẩm (Feng, Marek và Tosun, 2022). Luật Chống lãng phí thực phẩm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ban hành vào tháng 4/2021 nhằm đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, không giống như các nước phương Tây, luật pháp Trung Quốc tập trung vào ngành cung cấp dịch vụ ăn uống thay vì hộ gia đình. Bên cạnh đó, đối với cộng đồng, Trung Quốc cũng đưa ra chiến dịch “Clean Your Plate” - Sạch bát sạch đĩa, khởi động từ năm 2013, hướng tới việc ngăn chặn người tiêu dùng lãng phí thực phẩm, đồng thời nhắc nhở mọi người về cảm giác khủng hoảng an ninh lương thực và tuyên truyền và khuyến khích việc sử dụng hết thức ăn khi đi ăn ở ngoài thông qua Offline (tờ rơi, poster) và Online (mạng xã hội Weibo, Wechat).
Quản lý chất thải thực phẩm
Đài Loan - quốc gia đi đầu trong việc quản lý chất thải rắn thông qua ban hành Đạo luật Quản lý chất thải (Waste Management Act - WMA). Năm 2001, Chính phủ Đài Loan đã ban hành các quy định quản lý việc định giá chất thải nhà bếp (bao gồm cả dầu ăn thải) từ chất thải phi công nghiệp (dân cư) và chất cặn có nguồn gốc từ thực phẩm từ các nguồn công nghiệp bằng cách chỉ định chúng là những vật phẩm có thể tái chế bắt buộc theo sự cho phép của Cơ quan Quản lý Chất thải.
Về thu gom, quản lý, theo dõi chất thải có nguồn gốc từ thực phẩm: Đối với chất thải có nguồn gốc thực phẩm trong khu dân cư, các đội vệ sinh công cộng thuộc chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm thu gom rác thải không thể tái chế và rác tái chế bắt buộc. Ngoài ra, các đội thu gom của thành phố phải báo cáo số lượng thu gom rác tái chế bắt buộc (bao gồm cả rác thải từ thực phẩm) và rác thải hàng tháng cho Bộ Môi trường (MOE) bằng hệ thống trực tuyến. Chất thải có nguồn gốc từ thực phẩm (bao gồm cả dầu ăn thải) từ các nguồn liên quan đến ngành công nghiệp cũng có thể được các đội thu gom của thành phố thu gom hoặc giao cho các cơ sở thu gom rác thải được cấp phép. Các nhóm hoặc cơ sở thu gom này cũng khai báo lượng rác thải có nguồn gốc từ thực phẩm được thu thập hàng tháng cho cơ quan bảo vệ môi trường (Enviromental Protection Agency-EPA) bằng hệ thống báo cáo trực tuyến.
Về tái sử dụng rác thải thực phẩm, việc bình ổn chất thải gần giống với tái sử dụng chất thải vì “tái sử dụng” đề cập đến việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu thô, vật liệu, nhiên liệu và các hình thức khác được chính phủ công nhận dựa trên Đạo luật Quản lý chất thải (MOJ, 2023). Rác thải thực phẩm được xử lý nhằm thực hiện phương án bình ổn hóa chất thải có nguồn gốc thực phẩm từ các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp. Họ tập trung vào các biện pháp truyền thống, bao gồm: xử lý tại chỗ (như phân bón hữu cơ), che phủ cây trồng/hạt giống, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, vật liệu lót chuồng/đệm (chuồng chăn nuôi/gia cầm) và nhiên liệu sinh khối. Hiện nay, việc tái sử dụng (bình ổn hóa) chất thải có nguồn gốc từ thực phẩm từ khu dân cư tập trung vào việc làm phân trộn và thức ăn cho lợn. Các lựa chọn bình ổn giá khác bao gồm: nguyên liệu để sản xuất thức ăn gia súc/gia cầm, phân hủy yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ và khí sinh học phát điện, và nguyên liệu để nuôi ruồi rắn đen… (dẫn theo: Wen-Tien Tsai, Chi-Hung Tsai, 2024). Mặt khác, chính phủ Đài Loan cũng thực hiện các hành động của mình đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc bằng cách đặt ra các SDG của Đài Loan. Trong số các mục tiêu này, SDG - 12 (tức là sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm), SDG - 7 (tức là năng lượng sạch và giá cả phải chăng) và SDG - 2 (tức là không còn nạn đói) có liên quan chặt chẽ đến việc bình ổn hóa chất thải có nguồn gốc thực phẩm.
THỰC TRẠNG TIÊU DÙNG THỰC PHẨM BỀN VỮNG HIỆN NAY TẠI VIỆT NAM
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật, tạo khung hành lang pháp lý nhằm quản lý cũng như thúc đẩy vấn đề tiêu dùng thực phẩm bền vững. Luật An toàn thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vấn đề tiêu dùng thực phẩm bền vững cũng được lồng ghép trong một số chiến lược, chương trình hành động: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (2012) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Đặc biệt, Kế hoạch hành động quốc gia năm 2018 về “Không còn nạn đói ở Việt Nam đến năm 2025” trực tiếp góp phần giảm thiểu lương thực bị thất thoát, lãng phí trong quá trình sản xuất.
Mặc dù Việt Nam đã ban hành chiến lược, chính sách về thúc đẩy tiêu dùng thực phẩm bền vững, nhưng chưa có một quy định riêng biệt nào về tiêu dùng thực phẩm bền vững. Đồng thời, chính sách tiêu dùng xanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập gây khó khăn khi thực thi. Chẳng hạn, chính sách chi tiêu, mua sắm công của Chính phủ hiện nay vẫn chưa đảm bảo sự đồng bộ theo xu hướng mua sắm xanh, chưa có chính sách khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường trong hoạt động chi tiêu công của Chính phủ; việc chi tiêu và mua sắm của doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn vẫn chuộng máy móc, dây chuyền sản xuất rẻ, với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái (Dương Thị Tuyết Nhung, Dương Quỳnh Trang, 2023). Do đó, cần thiết đưa ra quy định riêng, có hệ thống, thống nhất đảm bảo là cơ sở pháp lý trong triển khai hoạt động thực tiễn.
Về các chiều cạnh của tiêu dùng thực phẩm bền vững tại Việt Nam, hiện tại chưa có nghiên cứu tổng thể ở tầm vĩ mô thời gian qua, một số nghiên cứu đã bước đầu phản ánh khía cạnh nhận thức, kiến thức, thái độ, hành vi tiêu dùng thực phẩm bền vững, cũng như chỉ ra những tín hiệu tích cực về sự thay đổi đáng kể trong tiêu dùng thực phẩm bền vững tại Việt Nam thời gian qua.
Có thể thấy, nhận thức của người tiêu dùng về thực phẩm bền vững đã có sự thay đổi tích cực trong những năm qua. Nghiên cứu năm 2015 của Jotte Ilbine Jozine Charlotte de Koning và cộng sự cho biết, nhận thức và kiến thức của tầng lớp trung lưu thành thị ở Việt Nam về tiêu dùng bền vững nhìn chung còn thấp. Năm 2023, trong nghiên cứu về việc tiêu thụ gạo và chịu trách nhiệm mua thực phẩm tại các hộ gia đình ở Ấn Độ, Indonesia, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam, Diễn đàn lúa gạo bền vững (SRP) cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam thể hiện mức độ nhận thức cao nhất về thực hành thực phẩm bền vững, 88% cho biết họ mua sản phẩm bền vững. Đáng chú ý, nhóm tuổi từ 35 đến 44 thậm chí còn có tỷ lệ chấp nhận cao hơn, đạt mức vượt trội 93%. Thêm vào đó, động lực chính đằng sau quyết định lựa chọn thực phẩm bền vững là sức khỏe và mong muốn sản phẩm có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, tác động môi trường, khẩu vị và mối quan tâm đối với thế hệ tương lai có tác động đáng kể đến cách tiếp cận đa diện của người tiêu dùng Việt Nam đối với các lựa chọn bền vững (SRP, 2023; Viet Hoang, 2023). Hoang Viet Nguyen và cộng sự (2021) chỉ ra rằng, mối quan tâm về môi trường của người tiêu dùng sản phẩm thịt hữu cơ tại Việt Nam được cho là đã nâng cao thái độ và giảm bớt các rào cản tiền tệ liên quan đến việc mua thịt hữu cơ. Đáng lưu ý, người tiêu dùng có thể cảm thấy tội lỗi, khó chịu và hối tiếc về việc mua và tiêu thụ các sản phẩm thịt thông thường, gây bất lợi cho chất lượng môi trường và phúc lợi động vật. Những cảm giác tiêu cực như vậy khuyến khích họ mua các sản phẩm thân thiện với môi trường và được sản xuất có đạo đức như thịt hữu cơ.
Tiêu dùng thực phẩm hữu cơ có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Báo cáo xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của AC Nielsen gần đây cho thấy, có tới 86% người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic (thực phẩm hữu cơ) cho bữa ăn hàng ngày (Dẫn theo: Organic Food, 2024). Thực tế, một số công ty đã đạt tăng trưởng cao với dòng sản phẩm hữu cơ, chẳng hạn, doanh thu của Vinamilk năm 2023 đối với hai dòng sữa Organic và Green Farm tăng 40% so với 2022, và quý I/2024 nay tiếp tục tăng 30%. Tương tự, cà phê hữu cơ của Công ty Cổ phần Phúc Sinh không chỉ được yêu thích ở nước ngoài, mà đang tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường nội địa với doanh thu nội địa trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng 50% (Tuệ Mỹ, 2024). Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang giảm tần suất đi ăn ngoài, tăng tần suất nấu ăn ở nhà và cẩn thận hơn khi lựa chọn thực phẩm tươi sống nhằm nỗ lực ăn uống lành mạnh hơn (Mai Chi Tran, 2023).
Trong khảo sát đại diện tầng lớp trung lưu tại Hà Nội, Jotte Ilbine Jozine Charlotte de Koning và cộng sự (2015) cho thấy, để ăn uống bền vững hơn, 59% người trả lời cho rằng, họ sẵn sàng ăn nhiều thực phẩm hữu cơ hơn; 55% người trả lời lựa chọn ăn ít thịt hơn; 51% chọn chế biến thực phẩm ít lãng phí hơn; 42% lựa chọn ăn nhiều thực phẩm địa phương hơn và 27% lựa chọn dự trữ ít thực phẩm hơn trong tủ lạnh. Hơn nữa, họ cũng thường xuyên trao đổi thông tin về nơi mua thực phẩm ngon, thực phẩm ngon, thực phẩm an toàn hoặc tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Liên quan đến tiêu dùng gạo bền vững, cuộc khảo sát của SRP năm 2023 cho thấy, gần 3/4 người tiêu dùng Việt Nam nhận thức được về gạo bền vững, dẫn đến 64% cho biết đã mua gạo bền vững (SRP, 2023).
Rào cản ảnh hưởng tới tiêu dùng thực phẩm bền vững có thể kể đến chính là giá cả và sự sẵn sàng chi trả của người dân. Mặc dù “Ebook Vietnam Insight 2021” (Kantar World Panel) báo cáo rằng, 79% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát sẵn sàng trả giá cao hơn cho thực phẩm lành mạnh hơn; hoặc theo khảo sát của Vietnam Report Group về hành vi mua hàng của người tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội vào năm 2019 cho thấy, 51,5% nhóm tập trung sẽ chọn các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, nhưng vẫn có đến 45,6% sẽ mua hàng dựa trên giá cả (Dẫn theo: Minh Nguyen, Benjamin Petlock, 2021). Khả năng chi trả cũng như sự sẵn sàng chi trả cho thực phẩm bền vững là một rào cản đáng kể đối với người tiêu dùng khi họ muốn sử dụng các thực phẩm bền vững. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn thấy thịt hữu cơ đắt tiền và họ không đủ khả năng trả thêm tiền cho nó (Hoang Viet Nguyen và cộng sự, 2021). Tương tự, giá cả cũng là rào cản nổi bật nhất trong việc tiêu thụ thực phẩm sữa bền vững (Viet Hoang và cộng sự, 2023). Trong một nghiên cứu cụ thể khác, với gạo bền vững, đa số (54%) sẵn sàng chấp nhận mức tăng giá 5%, với khoảng 30% chấp nhận trả thêm 10%. Đáng chú ý, 11% người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu ở độ tuổi 18-24, bày tỏ sẵn sàng trả thêm 20% cho loại gạo bền vững, 6% người tiêu dùng Việt Nam không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho loại gạo bền vững (SRP, 2023).
Thêm vào đó, người tiêu dùng ở Việt Nam còn đặc biệt quan ngại về vấn đề an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên bày tỏ mối quan ngại về chất lượng, sự an toàn của một số sản phẩm như sản phẩm địa phương cũng như những bê bối về an toàn thực phẩm trong nước thời gian qua (Minh Nguyen, Benjamin Petlock, 2021). Một yếu tố nữa cần đề cập đến chính là chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực xã hội góp phần điều tiết, điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo “khuôn mẫu” cho hành vi xã hội của con người, duy trì sự ổn định, hài hòa trong xã hội, bảo vệ trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội. Việc mua thực phẩm hữu cơ chưa trở thành một chuẩn mực xã hội ở Việt Nam (Hoang Viet Nguyen và cộng sự, 2021). Khi việc tiêu dùng thực phẩm hữu cơ nói riêng và thực phẩm bền vững nói chung trở thành chuẩn mực xã hội, thì sẽ có tác động thúc đẩy mạnh mẽ hơn hoạt động này.
GIẢI PHÁP
Qua quá trình tổng quan nghiên cứu, có thể thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã dành sự quan tâm rất lớn đối với vấn đề tiêu dùng bền vững nói chung và trong lĩnh vực thực phẩm nói riêng, thể hiện thông qua việc ban hành và triển khai nhiều chính sách và các chương trình hành động ở nhiều quy mô khác nhau. Tại Việt Nam, tiêu dùng bền vững là một xu thế phát triển tích cực nhưng vẫn còn phải đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết. Trước bối cảnh những quan ngại về vấn đề môi trường, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng thực phẩm an toàn, lành mạnh vì sự phát triển bền vững con người ngày càng được chú trọng, từ các kinh nghiệm quốc tế có thể rút ra hai bài học quan trọng cho Việt Nam, bao gồm:
Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của người tiêu dùng đối với việc tiêu dùng thực phẩm bền vững cũng như giảm tránh thất thoát, lãng phí thực phẩm.
Quá trình thay đổi nhận thức đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của các bên liên quan, từ các cấp chính quyền đến từng người dân. Do đó, nhiều biện pháp cần duy trì thực hiện đồng bộ và lâu dài, bao gồm: Tăng cường tuyên truyền qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông về những ảnh hưởng tiêu cực do việc lãng phí thực phẩm gây ra; Kiểm soát phát tán và có chế tài xử phạt những video mang tính chất tuyên truyền việc tiêu thụ một cách thái quá nguồn lương thực thực phẩm; Giáo dục ý thức và trách nhiệm trong giảm thiểu thực phẩm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Do đó, cần thúc đẩy hoạt động giáo dục về việc phòng, chống lãng phí thực phẩm trong học đường, thông qua những bài học về kỹ năng sống ở giai đoạn mầm non, đến các bài giảng trong các môn học ở cấp tiểu học, trung học và các cấp học cao hơn nữa; Đưa hoạt động truyền thông đến gần hơn với đại bộ phận người dân thông qua các cuộc họp của địa phương, từ cấp thôn xóm. Nội dung tuyên truyền giản dị, rõ ràng, phong phú và bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Hai là, hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan khuyến khích sử dụng thực phẩm bền vững, giảm thiểu lãng phí thực phẩm, quản lý chất thải thực phẩm, cũng như tăng cường tính thực thi của các chính sách đã được đưa ra. Chính sách cần hướng đến đảm bảo sự an toàn của thực phẩm khi được lưu thông trên thị trường cho người tiêu dùng sử dụng, bao gồm: các quy định chi tiết về tiêu chuẩn sinh thái; Tăng cường các chính sách thuế phù hợp, các chính sách ưu đãi để giảm giá thành thực phẩm bền vững nhằm khuyến khích chuyển đổi tiêu dùng; Tăng cường chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và lành mạnh, tái chế hiệu quả nguồn thực phẩm dư thừa để tạo ra các giá trị kinh tế mới bền vững cho môi trường và xã hội./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Allen A. Ch. Manongko, Henry J. D. Tamboto (2019), Behavior’s Green Consumer Model Development (Green Consumer Study in North Sulawesi, Indonesia), European Journal of Business and Management, 11(27), DOI: 10.7176/EJBM.
2. Chuah S.C., Mohd I.H., Kamaruddin, Binti J.N., Noh M.N (2021), Impact of Green Human Resource Management Practices Towards Green Lifestyle and Job Performance, Global Business Management, 13, 13-23.
3. Dương Thị Tuyết Nhung, Dương Quỳnh Trang (2023), Giải pháp tăng cường thực thi chính sách tiêu dùng xanh nhằm phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Công thương, truy cập từ https://scp.gov.vn/tin-tuc/t13375/giai-phap-tang-cuong-thuc-thi-chinh-sach-tieu-dung-xanh-nham-phat-trien-ben-vung-o-viet-nam.html.
4. FAO (2010), International scientific symposium “biodiversity and sustainable diets,” Final document, retrieved from http://www.fao.org/ag/humannutrition/25915-0e8d8dc364ee46865d5841 c48976e9980.pdf.
5. Feng Y., Marek C., and Tosun J. (2022), Fighting Food Waste by Law: Making Sense of the Chinese Approach, Journal of Consumer Policy, 45, 457-479, retrieved from https://link.springer.com/article/10.1007/s10603-022-09519-2.
6. Garcia-Herrero và cộng sự (2018), On the estimation of potential food waste reduction to support sustainable production and consumption policies, Food Policy, 80, 24-38, DOI: 10.1016/j.foodpol.2018.08.007.
7. Hoang Viet Nguyen, Ninh Nguyen, Bach Khoa Nguyen, Steven Greenland (2021), Sustainable Food Consumption: Investigating Organic Meat Purchase Intention by Vietnamese Consumers, Sustainability, 13(2), 953, DOI: 10.3390/su13020953.
8. Jotte Ilbine Jozine Charlotte de Koning, Marcel Rudolphus Maria Crul, Renee Wever, Johannes Cornelis Brezet (2015), Sustainable consumption in Vietnam: an explorative study among the urban middle class, International journal of consumer studies, DOI:10.1111/ijcs.12235.
9. Kristina Mensah, Christine Wieck, Bettina Rudloff (2023), Sustainable food consumption and Sustainable Development Goal 12: Conceptual challenges for monitoring and implementation, Sustainable Development, 32, DOI: 10.1002/sd.2718.
10. Kummu, M., De Moel, H., Porkka, M., Siebert, S., Varis, O., Ward, P.J. (2012), Lost food, wasted resources: Global food supply chain losses and their impacts on freshwater, cropland, and fertiliser use, Sci. Total Environ, 438, 477-489.
11. Mai Chi Tran (2023), Capitalizing on Vietnam’s Healthy and Sustainable Living Trend: A Guide for International Retailers, Vietnam Briefing, retrieved from https://www.vietnam-briefing.com/news/capitalizing-on-vietnams-healthy-and-sustainable-living-trend-a-guide-for-international-retailers.html/.
12. Maria Teresa Gorgitano, Valeria Sodano (2014), Sustainable food consumption: Concept and policies, Quality – Access to Success, 15(139), 207.
13. Minh Nguyen, Benjamin Petlock (2021), Vietnam Organic Market: Report Number: VM2021-0069, retrieved from https://fas.usda.gov/data/vietnam-vietnam-organic-market.
14. Myeong S.J. (2012), The effects of awareness and education of green lives on implementation of green lives, Korean J. Environ. Educ., 25 (4), 470-479.
15. National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine (2020), A National Strategy to Reduce Food Waste at the Consumer Level, Washington, DC: The National Academies Press, DOI: 10.17226/25876.
16. Organic food (2024), Organicfood.vn trở thành thành viên của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam VOAA, retrieved from https://organicfood.vn/blogs/news/.
17. Qiaoqiao Zheng, Liang Wan, Shanyong Wang, Zexian Chen, Jun Li, Jie Wu, Malin Song (2023), Will informal environmental regulation induce residents to form a green lifestyle? Evidence from China, Energy Economics, 125, DOI: 10.1016/j.eneco.2023.
18. SRP (2023), Sustainable rice in Vietnam: Insights from Consumer Behaviours and Perceptions, retrieved from https://sustainablerice.org/sustainable-rice-consumer-survey-vietnam/.
19. Tuệ Mỹ (2024), Người tiêu dùng muốn ăn sạch, nông sản hữu cơ đắt khách, truy cập từ https://vneconomy.vn/nguoi-tieu-dung-muon-an-sach-nong-san-huu-co-dat-khach.htm.
20. Viet Hoang, Nina M. Saviolidis, Gudrun Olafsdottir, Sigurdur Bogason, Carmen Hubbard, Antonella Samoggia, Vinh Nguyen, Duy Nguyen (2023), Investigating and stimulating sustainable dairy consumption behavior: An exploratory study in Vietnam, Sustainable Production and Consumption, 42, 183-195, DOI:10.1016/j.spc.2023.09.016.
21. Wen-Tien Tsai, Chi-Hung Tsai (2024), New trends in food-derived waste valorization with relevance to Taiwan's sustainable development goals, Trends in Food Science and Technology, 147, DOI: 10.1016/j.tifs.2024.104424.
*Bài viết trong khuôn khổ đề tài cấp cơ sở năm 2024: Lối sống xanh: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam do tác giả bài viết là chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Con người là cơ quan chủ trì.
Ngày nhận bài: 08/10/2024; Ngày phản biện: 21/10/2024; Ngày duyệt đăng: 30/10/2024 |
Bình luận