Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 (sau đây gọi tắt là Nghị định 210) được ban hành nhằm cụ thể hóa chủ trương Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp được ban hành với mục tiêu tạo đột phá trong việc thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua 3 năm thực hiện, đã có một số vướng mắc cần tháo gỡ, vì vậy cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 210 để hoàn thiện chính sách.

Mục tiêu của Dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 210: Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh doanh nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Hai là, phát triển doanh nghiệp để dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp.

Ba là, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước liên quan đến người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận các tài nguyên và nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước.

Bốn là, giảm điều kiện hỗ trợ để mở rộng đối tượng hỗ trợ, tạo cơ hội tiết giảm chi phí tham gia thị trường, thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Dự thảo Nghị định quy định tỷ lệ bố trí ngân sách đầu tư phát triển của Trung ương là 2%

Nội dung Dự thảo Nghị định bao gồm 5 Chương với 28 Điều. Trong đó:

Chương I từ Điều 1 đến Điều 4 quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Chương II từ Điều 5 đến Điều 7 quy định các ưu đãi về đất đai): Kế thừa các Điều, Khoản tương ứng của Nghị định 210, trong đó có điều chỉnh từ giao đất sang thuê đất để phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai; bổ sung các khuyến khích, hỗ trợ để tích tụ ruộng đất (trong đó cơ chế sử dụng đất đối với quỹ đất do các công ty nông, lâm trường quốc doanh quản lý).

Chương III từ Điều 9 đến Điều 23 quy định về hỗ trợ đầu tư, trong đó: Hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu, chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ; Hỗ trợ đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường...

Chương IV Điều 23 về nguồn vốn và cơ chế đầu tư: Ngoài quy định tỷ lệ 2% bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách (giảm so với tỷ lệ quy định tại Nghị định 210), Dự thảo Nghị định quy định tỷ lệ bố trí ngân sách đầu tư phát triển của trung ương là 2%.

Chương V từ Điều 24 đến Điều 28 quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành, trong đó Điều 24 quy định trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư theo hướng rút gọn, giảm thủ tục hành chính, đảm bảo mỗi cơ quan chỉ thực hiện 01 bước trong quy trình nhận hỗ trợ của doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện Nghị định số 210 là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế trong khi các địa phương có nhu cầu đầu tư rất lớn, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, đặc biệt là khi các luật mới được ban hành sau thời điểm ra đời của Nghị định nên các dự án được hỗ trợ chưa nhiều. Các bộ, ngành, địa phương đều thống nhất cần có bước tiến mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định theo hướng đơn giản hóa về thủ tục hành chính, giảm điều kiện hỗ trợ và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách./.