Hoạt động quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt được quy định như thế nào?
Theo Nghị định 56, về phạm vi bảo vệ đường sắt, phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng không nhỏ hơn trị số sau: Đối với đường sắt khổ 1000mm là 5,3m; đối với đường sắt khổ 1.435mm là 6,55m; đối với đường sắt tốc độ cao là 7,7m; đối với tuyến đường sắt đô thị là 6,3 mét áp dụng phương thức lấy điện trên cao; 4,3m đối với tuyến đường sắt đô thị áp dụng phương thức lấy điện từ ray thứ ba.
Nghị định 56/2018/NĐ-CP, ngày 16/04/2018 quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2018 |
Đối với các tuyến đường sắt hiện hữu đang khai thác không thỏa mãn điều kiện quy định nêu trên, khi cải tạo, nâng cấp công trình vi phạm phạm vi bảo vệ đường sắt, chủ đầu tư dự án phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ và bảo đảm an toàn cho công trình đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận trước khi thực hiện.
Phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường không đào, không đắp tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra được xác định như sau: Đối với đường sắt tốc độ cao là 7,5m; đối với đường sắt đô thị là 5,4m; đối với đường sắt còn lại là 5,6m. Đối với nền đường đào, nền đường đắp được xác định như sau: 5m tính từ chân nền đường đắp hoặc mép đỉnh nền đường đào; 3m tính từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh của nền đường hoặc mép ngoài của công trình phòng hộ, gia cố đối với nền đường có rãnh dọc hay rãnh đỉnh, có công trình phòng hộ, gia cố của nền đường.
Bên cạnh, Nghị định 56 cũng quy định cụ thể hành lang an toàn giao thông đường sắt. Theo đó, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau: Đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị là 5m, ngoài khu vực đô thị là 15m. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép; đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3m.
Chiều cao hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mặt đất trở lên theo phương thẳng đứng đến giới hạn phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt theo quy định tại phạm vi bảo vệ đường sắt nêu trên.
Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang được quy định như sau: Người lái tàu ở vị trí của mình nhìn thấy đường ngang từ khoảng cách 1000m trở lên; đối với đường ngang không có người gác, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi ở cách đường ngang một khoảng cách bằng tầm nhìn hãm xe đối với cấp đường đó nhìn thấy đoàn tàu ở cách đường ngang ít nhất bằng tầm nhìn ngang của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ kể từ giữa chỗ giao.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về công tác quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt. Theo đó, các công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội không thể bố trí ngoài phạm vi đất dành cho đường sắt, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thiết yếu phải có giải pháp kỹ thuật không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ, bảo đảm an toàn công trình đường sắt, an toàn giao thông vận tải đường sắt vệ sinh môi trường, phòng chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; đồng thời phải phù hợp với quy hoạch tuyến, ga đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện.
Trường hợp phải xây dựng công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trong hành lang an toàn giao thông đường sắt có chồng lấn với hành lang, chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thiết yếu có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được chấp thuận.../.
Bình luận