Lào Cai là một trong những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với các điều kiện học tập, nâng cao dân trí còn rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là các trường học dành cho các em tiểu học, mầm non còn rất thiếu, phòng học còn tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá và phòng học nhờ.

Điển hình là trường Tiểu học Lồ Sử Thàng, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương có 5 điểm trường tại các thôn: Lồ Sử Thàng, Cốc Cáng, Na Cổ, Mào Sao Chải và Sín A Chải, với tổng số 20 lớp học, 204 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Trẻ em của trường chủ yếu thuộc 2 dân tộc: Mông và Nùng. Tất cả lớp học đều là tạm bợ ghép bằng tranh tre, nứa lá, một số phòng học phải mượn nhà dân và trường mầm non. Phòng công vụ giáo viên cũng là những phòng tạm do nhân dân dựng lên. Từ 35-40 trẻ em nhà xa phải ở nội trú và hiện nay các em đang ở nhờ, thuê ở nhà dân gần trường. Các công trình phụ trợ khác như nhà tắm, vệ sinh, nhà bếp… hiện chưa có.

Thầy và trò Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng với lớp học đơn sơ, tạm bợ

Vì vậy, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai khảo sát và vận động Công ty TNHH MTV Mỹ Phục (Eva de Eva) tài trợ xây dựng Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng, xã Dìn Chin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (hỗ trợ điểm trường chính Lồ Sử Thàng tại thôn Cốc Cáng) với 06 phòng học (khoảng 30m2/phòng học) và tổng kinh phí tài trợ là 1 tỷ đồng. Với sự tài trợ, công trình sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu của điểm trường chính và giúp cho từ 90-100 trẻ em mỗi năm được đến trường học tập trong môi trường an toàn và điều kiện tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện tại Quỹ mới vận động tài trợ cho một điểm trường thuộc Trường Tiểu học Lồ Sử Thàng, còn 4 điểm trường khác vẫn rất khó khăn cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

Hỗ trợ xây dựng trường học, nhà nội trú là một trong những chương trình trọng tâm được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chú trọng và đầu tư. Từ năm 2008 đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng (trực tiếp và gián tiếp) 70 công trình với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng.

Chính việc cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập cho các em của Trường là hành động thiết thực nhất để nâng cao chất lượng dạy và học, giảm dần khoảng cách giáo dục giữa các thành phố lớn với miền núi, vùng sâu, vùng xa./.