Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định, thay mặt cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét, nội dung hồ sơ quy hoạch Quảng Ngãi trình thẩm định phù hợp với định hướng phát triển đất nước của Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII của Đảng; Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch Quảng Ngãi 2021-2030 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung

Cần phân tích, làm rõ các “điểm nghẽn” lớn trong dự thảo Báo cáo Quy hoạch

Tuy nhiên, trong Dự thảo vẫn còn nhiều vấn đề được các thành viên hội đồng thẩm định và các chuyên gia đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình rõ.
"Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015 khá cao, đạt 8,4%. Tuy nhiên, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống 4,87% trong giai đoạn 2016-2020; chỉ số PCI của Tỉnh giảm từ xếp hạng thứ 7 xuống thứ 41 trong cả nước vào năm 2019; tỷ trọng FDI gần như thấp nhất vùng (3,7%); thu nhập GRDP/đầu người tương đương mức trung bình cả nước và đứng thứ 3 của tiểu vùng Duyên hải miền Trung, nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với trung bình cả nước và đứng thứ 3 từ dưới lên của Vùng", ông Thắng lưu ý.

Đồng thời, Hội đồng cũng đề nghị bổ sung đánh giá, số liệu hiện trạng phát triển và sự phù hợp về phân bố phát triển không gian của hệ thống đô thị để làm rõ được nguyên nhân tỷ lệ đô thị hóa thấp, chỉ đạt 24,5% trong năm 2020. Bổ sung đánh giá rõ thực trạng phát triển và sự phù hợp về phân bố không gian phát triển các khu chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt là khu nghiên cứu đào tạo; Khu kinh tế Dung Quất liên quan đến khu phi thuế quan và các hoạt động logistics liên quan. Xác định rõ lợi thế so sánh (về tiềm năng, vị trí, cơ hội) của du lịch Quảng Ngãi với các địa phương có điều kiện tương đồng; bổ sung thực trạng công tác bảo vệ môi trường; thực trạng bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; thực trạng khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Một vấn đề được các thành viên Hội đồng nhấn mạnh cần phân tích, làm rõ các “điểm nghẽn” lớn, đó là: (1) Tỷ lệ đô thị hóa thấp (năm 2020 đạt 24,5%, đứng thứ 5/5 trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và thấp hơn trung bình cả nước là 40%); (2) Chất lượng nguồn nhân lực, lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt 21,96%; (3) Khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, thiếu dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao; (4) Bất cập về cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành, lĩnh vực chưa cân đối, bền vững, phụ thuộc nhiều vào công nghiệp lọc hóa dầu và sản xuất thép.

Ngoài ra, cần tập trung làm rõ lợi thế, cơ hội của tỉnh Quảng Ngãi: (1) Có cảng nước sâu Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 200.000 tấn; (2) Được xác định là một trong 4 tỉnh nằm trong vùng động lực miền Trung (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) theo quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023…

Không thỏa mãn với những nguyên nhân được phân tích trong Báo cáo Quy hoạch, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, cần phải làm rõ vai trò của các đô thị động lực. Vị đại diện này cho rằng, cần nghiên cứu việc xác định “kinh tế đô thị (xây dựng đô thị/ đô thị hóa)” trở thành một khâu đột phá trong thời kỳ quy hoạch của tỉnh Quảng Ngãi.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu bổ sung luận cứ và giải pháp phát triển đô thị đảm bảo tính khả thi theo mục tiêu đề ra là nâng tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 24,5% năm 2020 lên 35% vào năm 2025 và 55-57% vào năm 2030; đồng thời rà soát định hướng phát triển đô thị đảm bảo phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 241/QĐ-TTg, ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt tập trung vào trục không gian chính (tuyến đô thị trung tâm dọc trục quốc lộ 1A từ Bình Sơn- Quảng Ngãi- Mộ Đức- Đức Phổ) để kết nối khu kinh tế Dung Quất với phía Nam tỉnh Quảng Ngãi; đồng thời làm rõ nội dung phát triển đô thị thành phố Quảng Ngãi về phía biển để Quảng Ngãi là thành phố biển có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, kết nối với khu kinh tế Dung Quất và đảo Lý Sơn.

"Khi phát triển đô thị, ngoài việc phát triển về diện tích, cần lưu ý tới chất lượng đô thị", đại diện Bộ Xây dựng góp ý thêm.

Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch Quảng Ngãi 2021-2030 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ngãi

Cần làm rõ mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Các thành viên Hội đồng đề nghị bổ sung nội dung “dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh”; làm rõ vị thế và vai trò của tỉnh Quảng Ngãi đối với vùng/quốc gia qua một số nội dung: (1) Một trong các trung tâm cho phát triển các cụm liên kết ngành về lọc hóa dầu và công nghiệp cơ khí, sản xuất thép; (2) Một trong những cửa ngõ ra biển quan trọng (cả xuất và nhập khẩu) của vùng Tây Nguyên và một số địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung; (3) Kết hợp với Khu kinh tế Chu Lai, tạo thành một tổ hợp các khu kinh tế ven biển mạnh của khu vực Duyên hải miền Trung…

UBND Tỉnh và đơn vị tư vấn cũng cần làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết chặt chẽ với 2 địa phương là Quảng Nam và Bình Định và cả với Vùng Tây Nguyên (Kon Tum)- là điểm tựa của Quảng Ngãi hướng ra biển Đông.

Góp ý cho quy hoạch, chuyên gia Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị Việt Nam đề nghị Tỉnh làm rõ các mối quan hệ vùng, liên kết phát triển của Quảng Ngãi với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để thấy được sự liên kết vùng với 2 địa phương là Quảng Nam và Bình Định trong vùng và cả với vùng Tây Nguyên - là điểm tựa của Quảng Ngãi hướng ra biến Đông.

Trong khi đó, chuyên gia Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch đề nghị xác định rõ lợi thế so sánh (tiềm năng, vị trí, cơ hội) của du lịch Quảng Ngãi trong mối quan hệ với các địa phương có điều kiện tương đồng.

Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch Quảng Ngãi 2021-2030 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ngãi

Cần tính toán lại một số mục tiêu tăng trưởng

Bên cạnh quan điểm về phát triển, các thành viên Hội đồng thẩm định cũng đề nghị UBND Tỉnh, đơn vị tư vấn bổ sung quan điểm về tổ chức, sắp xếp không gian phát triển của Tỉnh, quan điểm đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hình thành các cực tăng trưởng và các vùng động lực để tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong phát triển.

"Bổ sung luận chứng các kịch bản phát triển như: dự báo nguồn lực đầu tư, lực lượng lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ quy hoạch, dự báo về các bối cảnh quốc tế, quốc gia và vùng tác động đến tỉnh Quảng Ngãi tương ứng với mỗi kịch bản; phân tích những ưu nhược điểm của các kịch bản, từ đó lựa chọn kịch bản phát triển phù hợp", ông Thắng thông báo lại những nội dung mà Hội đồng thẩm định yêu cầu.

Đại diện Bộ Công Thương đề nghị rà soát mục tiêu tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2021-2030 đạt 8,25% đảm bảo phù hợp với kịch bản phát triển. Vị đại diện này đề nghị Tỉnh cân nhắc mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt 8-9% do hai dự án là nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và pha 2 dự án Thép Hòa Phát sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối giai đoạn 2021-2025 và đầu giai đoạn 2026-2030.

"Luận chứng rõ việc xác định các ngành quan trọng, rà soát việc lựa chọn quá nhiều ngành quan trọng như báo cáo quy hoạch có đảm bảo việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong thời kỳ quy hoạch không", đại diện Bộ Công Thương nói và đề xuất việc bổ sung định hướng phát triển công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các tổ hợp công nghiệp hóa chất, đặc biệt là hóa dầu theo hướng hiện đại, hóa học xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm sau lọc dầu.

Thông qua Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung

Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung.

Hội đồng thẩm định đồng ý thông qua Quy hoạch Quảng Ngãi 2021-2030 với điều kiện chỉnh sửa, bổ sung
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa rõ nét tính đột phá, nhất là trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc quá vào lọc dầu và thép. Ảnh: Đức Trung

"Chúng ta đang có những thuận lợi là Nghị quyết số 26, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được phê duyệt, các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị… Trong đó đặt lên vai Quảng Ngãi một sứ mệnh mới, đó là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa rõ nét tính đột phá, nhất là trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc quá vào lọc dầu và thép. Cần mạnh dạn hơn, tư duy mới, tìm điểm đột phá mới để xây dựng cơ cấu kinh tế, các động lực phát triển mới.

"Tôi rất lo, nếu phụ thuộc quá, chúng ta sẽ không tận dụng hết các tiềm năng của Quảng Ngãi, cũng như khó phát triển bền vững", Bộ trưởng quan ngại.

Về mô hình phát triển, đồng tình theo mô hình phát triển xanh, bền vững, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, nhưng Bộ trưởng yêu cầu thêm chữ "bao trùm".

Xác định rõ khu vực cần khuyến khích phát triển, xác định rõ khu vực ưu tiên đầu tư, rõ khu vực liên kết giữa Chu Lai và Dung Quất.

Về phát triển du lịch, Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại các sản phẩm du lịch, tập trung vào những sản phẩm khác biệt nhưng cạnh tranh dựa vào các đặc điểm: (1) Vị trí địa lý “cầu nối” liên kết của vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên; (2) Lý Sơn - nơi hội tụ của những giá trị tự nhiên; (3) Văn hóa Sa Huỳnh; (4) Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Về hàng không, Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch sân bay tại đảo Lý Sơn theo các nội dung được xác định trong dự thảo quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030; xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cảng hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu theo văn bản số 1260/BGTVT-KHĐT, ngày 13/02/2023 của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ trưởng cũng đề nghị Tỉnh rà soát việc đầu tư các dự án phát triển nguồn điện trên địa bàn phải đảm bảo trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương, Quy hoạch điện 8 và các quy hoạch liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát hiệu quả của các dự án thủy điện đã đưa vào quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020, nhưng chưa thực hiện đầu tư và các dự án mới đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, kiên quyết không đưa vào quy hoạch nếu dự án không hiệu quả, chiếm dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; không đưa mới các dự án thủy điện quy mô nhỏ, dưới 10 MW vào quy hoạch theo văn bản số 9844/BCT-ĐL, ngày 22/12/2020 của Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi hoàn thiện hồ sơ quy hoạch đảm bảo chất lượng, tiến độ trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành; chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch./.

Quy hoạch 2021-2030: Cơ hội để Quảng Ngãi định vị lại, tìm ra những động lực mới trong phát triển Quy hoạch 2021-2030: Cơ hội để Quảng Ngãi định vị lại, tìm ra những động lực mới trong phát triển