Quy hoạch 2021-2030: Cơ hội để Quảng Ngãi định vị lại, tìm ra những động lực mới trong phát triển
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 16/3/2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Đức Trung |
Tốc độ tăng trưởng của Quảng Ngãi đang chậm lại, thu ngân sách thấp, thu nhập bình quân đầu người rất thấp
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) của Quảng Ngãi trong các giai đoạn trước tuy có tăng trưởng nhưng không duy trì ổn định (giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân đạt 8,4%/năm, tuy nhiên giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 4,9%/năm); quy mô kinh tế của Quảng Ngãi đang ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung và đang dần chậm lại.
Cơ cấu các ngành kinh tế đang thay đổi theo hướng công nghiệp hóa nhưng tốc độ chuyển dịch còn chậm, sức lan tỏa của ngành công nghiệp chủ lực còn hạn chế.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản với quy mô nhỏ, hiệu quả thấp, chưa phát huy được theo chiều sâu như áp dụng công nghệ cao, xây dựng hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất; cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sức lan toả của các vùng động lực, đặc biệt là khu vực TP. Quảng Ngãi và huyện Bình Sơn ra các khu vực khác còn hạn chế; du lịch mặc dù có rất nhiều tiềm năng đa dạng nhưng việc khai thác hoạt động du lịch còn đơn sơ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, dù trong giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng bình quân của Quảng Ngãi là rất khá, 8,4%, nhưng tốc độ tăng trưởng của tỉnh đang chậm lại trong thời gian gần đây, thu ngân sách thấp, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, tỷ lệ đô thị hóa rất thấp (24%).
Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để Quảng Ngãi sắp xếp lại không gian phát triển
"Có phải chúng ta đang quá phụ thuộc vào Dung Quất, vào dầu, vào thép. Rất nhiều vấn đề phải tháo gỡ. Quãng Ngãi thời gian tới phải cơ cấu lại các ngành, không được quá phụ thuộc vào, khu kinh tế Dung Quất, nhà máy lọc dầu hay nhà máy thép", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Quảng Ngãi cần tận dụng hết các mối liên kết kinh tế với Quảng Nam, Bình Định, nhất là với khu kinh tế Chu Lai. Hai khu kinh tế bên cạnh nhau, cần tạo ra mối liên kết chặt chẽ để trở thành một tổ hợp công nghiệp lớn của cả nước. Tận dụng cảng nước sâu, có sân bay Chu Lai ngay bên cạnh…
“Quan điểm là cần dựa vào nhau để phát triển trong bối cảnh liên kết vùng đặt ra rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng chỉ rõ, bối cảnh mới xuất hiện nhiều thách thức, cơ hội mới, đâu là điểm nghẽn cần giải quyết, đâu là xung lực mới để sắp xếp lại không gian phát triển để từ đó tiếp tục đà phát triển nhanh, tranh thủ cơ hội.
Do đó, Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để Quảng Ngãi sắp xếp lại không gian phát triển, tìm ra yếu tố mới trong bối cảnh mới hiện nay, giúp tỉnh định vị lại mình, xác định những điểm nghẽn, nút thắt cần phải giải quyết cũng như tìm ra những động lực mới, xung lực mới cho tỉnh để tận dụng được các tiềm năng lợi thế. Từ đó mới có thể phát triển nhanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Đức Trung |
Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn dài hạn để phát triển tỉnh Quảng Ngãi.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi xác định công tác lập Quy hoạch tỉnh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng 03 kịch bản phát triển: Kịch bản 1: Phát triển theo hướng đa trung tâm; Kịch bản 2: Phát triển theo hướng công nghiệp hóa toàn diện và Kịch bản 3: Phát triển theo hướng hài hòa và bền vững.
Ông Minh cho biết, với điều kiện thực tế và với tiềm lực, dư địa phát triển hiện có, qua phân tích, cân nhắc các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường, Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững (tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 7,25-8,25%; trong đó: 2021-2025 là 7-8% và 2026-2030 là 7,5-8,5%) là kịch bản phát triển của Tỉnh trong thời kỳ tới.
Cùng với đó, Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép; hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
Bên cạnh đó, trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện được các thế mạnh, điểm yếu của từng vùng, khu vực trên địa bàn tỉnh, Quy hoạch tỉnh cũng đã định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực; đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi.
Nguồn: UBND tỉnh Quảng Ngãi |
Nhấn mạnh tính chiến lược của sự liên kết vùng
Quy hoạch tỉnh đưa ra 03 tầm nhìn chiến lược gồm (1) Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; (2) Quảng Ngãi một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung, liên kết với thành phố Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định trở thành trung tâm kinh tế khu vực miền trung Tây Nguyên, (3) Quảng Ngãi (kết hợp Quảng Nam) phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển- đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông Tây.
Nhấn mạnh tính chiến lược của sự liên kết vùng với định hướng phát triển hạ tầng quốc gia (cao tốc Bắc Nam, QL1, tuyến đường sắt, cao tốc CT22, QL 24, 24B, 24C, cảng biển nước sâu Dung Quất, tuyến hàng hải quốc gia, sân bay Chu Lai) và liên kết vùng với Khu Kinh tế mở Chu Lai, với Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum để liên kết thị trường, mở rộng giao lưu kinh tế.
Định hướng trong thời gian đến, tỉnh sẽ vẫn tập trung phát triển Công nghiệp để làm động lực, trong tương lai, nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững, xanh.
Quy hoạch tỉnh xác định 11 quan điểm phát triển, trong đó phát triển hài hòa và bền vững các giá trị xã hội, môi trường và các giá trị kinh tế là yêu cầu xuyên suốt; Giá trị con người và môi trường là mục tiêu cao nhất, là nhân tố trung tâm quyết đinh của sự phát triển của Tỉnh trong tương lai.
Cấu trúc không gian phát triển: 4 hành lang kinh tế chiến lược và 6 không gian kinh tế động lực
Cấu trúc không gian phát triển tỉnh Quảng Ngãi sẽ được phát triển theo 4 hành lang kinh tế chiến lược gồm: (1) Hành lang kinh tế Bắc Nam: Dung Quất - TP. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh (hành lang Bắc Nam quốc gia); (2) Hành lang Ba Vì (Ba Tơ) - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng (hành lang liên kết nội Tỉnh, dọc theo tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ); (3) Hành lang Lý Sơn- Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My, và cửa khầu Nam Giang (Hành lang Đông Tây phía Bắc); (4) Hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh- Ba Tơ- Bờ Y: từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong đến Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi (Hành lang Đông Tây phía Nam).
Đồng thời định vụ không gian kinh tế động lực: (1) Thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận (Khu vực A): Vùng phụ cận thuộc một phần các Huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành. Trong đó, thành phố Quảng Ngãi đóng vai trò thủ phủ của Tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ đô thị; (2) Vùng động lực công nghiệp của tỉnh (Khu vực B): Bao gồm huyện Bình Sơn (Khu kinh tế Dung Quất) và một phần huyện Trà Bồng, một phần huyện Sơn Tịnh là trọng điểm công nghiệp và dịch vụ hậu cần; (3) Khu vực kinh tế sinh thái biển (Khu vực C): Bao gồm thị xã Đức Phổ và Huyện Mộ Đức. Phát triển khu vực trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển Quảng Ngãi với trung tâm là thị xã Đức Phổ, hình thành trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực, gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối, giao thương thủy sản hoàn thành chuỗi giá trị ngành hàng; (4) Khu vực kinh tế rừng xanh (Khu vực D): Bao gồm các huyện Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Hình thành các trung tâm kinh tế miền cao, hướng tới đột phá kinh tế rừng cho Quảng Ngãi; (5) Hành lang nông nghiệp bền vững (Khu vực E): Bao gồm các khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi phát triển nông nghiệp xen giữa các khu vực đồi núi thuộc địa giới hành chính của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, một phần huyện Sơn Tịnh, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ. Hướng tới giảm thâm dụng tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, hình thành các hành lang kinh tế hỗn hợp - tuần hoàn; (6) Đảo Lý Sơn - “ngọc lớn - ngọc bé” của Biển Đông (Khu vực F): Đảo Lý Sơn, với định hướng phát triển đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển –đảo.
Trong đó, mỗi không gian được định vị các lĩnh vực quan trọng có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực trong tương lai. Cấu trúc này đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa vùng duyên hải và vùng trung du miền núi hay hải đảo về mặt kinh tế. Trước mắt là hỗ trợ cho nhau, vùng có điều kiện sẽ phát huy vai trò đầu tàu hỗ trợ thúc đẩy các khu vực chậm hơn, để rồi khi quy mô đủ lớn, sẽ hình thành hệ sinh thái kinh tế vùng trên cơ sở phát huy thế mạnh, hạn chế mặt yếu.
Tổ chức không gian phát triển tỉnh theo 05 vùng liên huyện giàu đặc trưng và hướng tới sự hiệp đồng giữa các địa phương và 02 trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh là Khu kinh tế Dung Quất (trung tâm lọc, hoá dầu và năng lượng quốc gia) và Khu du lịch Đảo Lý Sơn (trung tâm du lịch biển –đảo).
Phân chia hệ thống đô thị thành 03 vùng đô thị động lực mang tính bổ trợ lẫn nhau, bao gồm: (1) Vùng đô thị trung tâm: thành phố Quảng Ngãi và vùng phụ cận; (2) Vùng trung tâm đô thị phía Bắc: thị xã Bình Sơn, thị trấn Trà Xuân, KKT Dung Quất; (3) Vùng trung tâm đô thị phía Nam: thị xã Đức Phổ và vùng phụ cận.
"Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đây sẽ là công cụ quan trọng để Tỉnh hoạch định đường hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định./.
Bình luận