Hội thảo “Trao đổi kỹ thuật, cơ hội và thách thức của ngành nấm Việt” tại Lâm Đồng
Vấn đề nghiên cứu và phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, nhiều đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được một số loại giống nấm ăn, nấm dược liệu có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường ở Việt Nam và cho năng suất khá cao. Các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm ngày càng được nâng lên, đưa năng suất nấm tăng gấp 1,5-3 lần so với trước. Về nguồn nguyên liệu trồng nấm sẵn có thì vô cùng phong phú như rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ, thân lõi ngô, bông phế thải từ các nhà máy dệt...
Sản lượng nguyên liệu này có thể lên đến 40 triệu tấn và nếu chỉ khoảng 10-15% số này được sử dụng đã tạo ra 1 triệu tấn nấm/năm và hàng trăm nghìn tấn phân hữu cơ. Từ đây hàng chục nghìn hộ gia đình sẽ có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ nghề trồng nấm…
Trong kế hoạch phát triển các điển hình nông thôn mới, Chính phủ đã đưa nghề trồng nấm trở thành một trong những trọng điểm cần nhân rộng, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân.
Nhằm đưa những nghiên cứu về nấm vào thực tiễn sản xuất, cung cấp thông tin mới, kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học và trao đổi kiến thức chuyên môn tới các nhà sản xuất nấm, các đơn vị đã, đang và dự định trồng nấm trên khắp mọi miền đất nước. Hội nuôi trồng nấm Việt Nam cùng với Công ty TNHH đầu tư nấm Phương Đông phối hợp với Khoa sinh học trường Đại học Đà Lạt tổ chức Hội thảo “ Trao đổi kỹ thuật, cơ hội và thách thức của ngành nấm Việt. Hội thảo diễn ra trong hai ngày 30-31 tháng 07 năm 2016 tại hội trường thư viện đại học Đà Lạt, số 01 Phù Đổng Thiên Vương, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Trình bày trong hội thảo sẽ là các vấn đề về “Định hướng phát triển, cơ hội và thách thức ngành nấm Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Hàng loạt các chuyên đề sẽ được các chuyên gia chia sẻ như: chuyên đề nấm đông trùng hạ thảo của Kỹ sư Lê Tuấn Anh, giảng viên trường cao đẳng Nông lâm Đông Bắc, Quảng Ninh, chuyên đề nấm rơm của ông Nguyễn Văn Dũng, công ty nấm Sông Hậu, chuyên đề nấm mèo của Ths. Lê Viết Ngọc, khoa sinh học Đại học Đà lạt, chuyên đề nấm linh chi của kỹ sư Trần Minh Kiển, giám đốc trang trại nấm, chuyên đề nấm bào ngư của Ông Võ Trung Âu, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Szent Istvan Hungary.
Hội thảo cũng tiến hành thảo luận và thống nhất ý kiến thành lập hội nuôi trồng nấm Việt Nam. Để đưa các chương trình tham luận đến gần thực tiễn, Ban tổ chức chương trình hội thảo cũng tổ chức đi tham quan các cơ sở nuôi trồng nấm tại Đà Lạt và các vùng lân cận. Dự kiến trong hội thảo sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người trồng nấm và các sinh viên, học viên sau đại học trong cả nước.
Để biết thêm thông tin và tham dự hội thảo xin liên hệ
Email: hoinam.vn@gmail.com hoặc số điện thoại 0949093963 – 0911222398 ( Ms.Nhung)
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin cụ thể đến bạn đọc về hội thảo này ở kỳ sau.
Bình luận