Hơn 3.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp hai tuyến quốc lộ trọng điểm ở Cao Bằng, cơ hội lớn cho phát triển KKT tỉnh Cao Bằng
Đèo Mã Phục nằm trong Dự án nâng cấp QL34 đoạn từ đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247-Km265) |
Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng (Km234-Km277) và Dự án nâng cấp QL34 đoạn từ đèo Mã Phục - tránh thị trấn Trà Lĩnh đến cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Km247-Km265).
Cần thiết đầu tư nâng cấp hai tuyến đường QL4A và QL34
Theo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau khi cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) đưa vào khai thác, việc kết nối cao tốc với khu vực phía Tây của tỉnh Cao Bằng sẽ là điểm nghẽn giao thông, điểm cuối của cao tốc là đoạn qua Trà Lĩnh Km234 - Km277 chỉ đạt đường cấp V miền núi.
Mặt khác, tuyến QL4A được khai thác từ lâu, bán kính đường cong nhỏ, dốc dọc lớn, khuất tầm nhìn, cầu hẹp, cục bộ một số vị trí mất an toàn giao thông cho xe tải lớn, xe container, xe chở khách. Đặc biệt, QL4A đoạn từ thị trấn Trà Lĩnh huyện Trùng Khánh đến thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng không đáp ứng đủ nhu cầu vận tải, làm giảm khả năng khai thác, đang trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh. Việc đầu tư nâng cấp QL4A sẽ đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách về việc đầu tư mở rộng trên tuyến để đảm bảo an toàn giao thông, lưu lượng vận tải hàng hóa khu vực cửa khẩu.
Đối với QL34, theo Cục Đường bộ Việt Nam, tuyến cao tốc từ cửa khẩu Trà Lĩnh - Đồng Đăng kết nối với cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn khi đi vào khai thác sử dụng lượng xe vận chuyển hàng hóa qua lối thông quan Nà Đoỏng dự báo sẽ tăng cao. Với việc kết nối thông thương, vận chuyển hàng hóa và khách du lịch đi theo hành trình QL34 vẫn là “điểm nghẽn” về giao thông hiện nay.
Sắp tới, tuyến cao tốc từ cửa khẩu Trà Lĩnh - Đồng Đăng được đầu tư xây dựng sẽ nối với tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, mở ra nhiều cơ hội cho phát triển KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng |
Cơ hội lớn cho phát triển KKT cửa khẩu nói riêng và kinh tế, xã hội Cao Bằng nói chung
Tuyến đường kết nối 2 cửa khẩu lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh và cửa khẩu chính Sóc Giang và kết nối hầu hết các cửa khẩu trọng điểm của Tỉnh, nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến đường này rất lớn, tạo tính linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi phạm vi xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối rộng lớn theo phạm vi ưu tiên phát triển biên giới với Trung Quốc.
Việc đầu tư nâng cấp và xây dựng QL4A đoạn Km234 - Km277 nhằm tăng khả năng kết nối vùng, tăng cường khả năng khai thác cho đoạn tuyến, đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh của các địa phương trong tỉnh Cao Bằng.
Theo đó, Cục Đường bộ đề xuất đầu tư nâng cấp và xây dựng QL4A đoạn Km234 - Km277 theo quy mô đường cấp III - IV miền núi, 2 làn xe. Hướng tuyến, cơ bản bám theo hướng tuyến cũ, riêng đoạn qua thị trấn Trà Lĩnh điều chỉnh tuyến đi tránh khu đông dân cư.
Dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng QL4A có tổng chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 43 km. Điểm đầu dự án tại Km234 (giao với QL34 tại Km260+00) tại trung tâm thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Điểm cuối tuyến Km277 (giao với Đường Hồ Chí Minh tại Km7+00) thuộc thị trấn Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Đề xuất tổng mức đầu tư của dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng QL4A là 2.270 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến Dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng quốc lộ 4A sẽ được khởi công vào quý I/2024 và hoàn thành công trình đưa vào khai thác sử dụng sau 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc đầu tư dự án nâng cấp QL34 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và giảm nguy cơ gây mất an toàn giao thông khi QL34 từ Mã Phục lên cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp nhận lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa và khách du lịch qua lại cửa khẩu Trà Lĩnh và lối mở Nà Đoỏng ngày một tăng, nhất là khi kết nối trực tiếp vào QL3 kết nối từ Hà Nội - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Cao Bằng.
Hiện trạng QL34 có bề rộng 6m, mặt đường chỉ đáp ứng 2 làn xe. Dự án sẽ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng đường 9m, vận tốc 60km/h, đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi theo Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao bằng đến năm 2040. Tổng chiều dài tuyến nghiên cứu hơn 19km. Điểm đầu tuyến Km247 (đèo Mã Phục) thuộc địa phận xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Điểm cuối tuyến Km265 (cửa khẩu Trà Lĩnh) thuộc địa phận thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh.
Đề xuất tổng mức đầu tư dự án nâng cấp QL34 hơn 776 tỷ đồng từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2025 - 2030 và nguồn vốn bổ sung, tiết kiệm hoặc dư của kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án đầu tư nâng cấp QL34 sẽ được khởi công vào quý I/2024, dự kiến Dự án được hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng sau 24 tháng kể từ ngày khởi công.
Hy vọng đề xuất đầu tư dự án nâng cấp hai tuyến đường quốc lộ: QL4A và QL34 của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt trong thời gian sớm, qua đó sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư đối với KKT cửa khẩu tỉnh Cao Bằng nói riêng và hoạt động giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung./.
Một đoạn QL4A tỉnh Cao Bằng nằm trong dự án đầu tư nâng cấp và xây dựng QL4A đoạn Km234 - Km277 |
Bình luận