Hơn 46.000 tỷ đồng vốn đầu tư “rót” vào Thái Nguyên
Phát biểu tại buổi lễ, chúc mừng tỉnh Thái Nguyên về số lượng, quy mô các dự án vừa được ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong quá khứ, Thái Nguyên từng là biểu tượng của công nghiệp nặng Việt Nam, nhưng chưa bao giờ Thái Nguyên đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình về mô hình tăng trưởng như lúc này. Thái Nguyên có thể trở thành một cực tăng trưởng của miền Bắc và cả nước.
Trước hết, Thái Nguyên có ưu thế về vị trí địa lý, nằm ở vị trí chiến lược trong Vùng Thủ đô, hạ tầng kết nối thuận lợi. Thái Nguyên có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản với nhiều chủng loại và trữ lượng lớn, như: than, ti tan, thiếc, chì, vàng, đồng, vonfram.
Đặc biệt, Thái Nguyên đang đi đầu trong việc hình thành cụm công nghiệp điện tử vươn ra thị trường toàn cầu mà Samsung đóng vai trò chủ đạo, giúp giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng 15 lần trong vòng 3 năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh từ mức 245 triệu USD vào năm 2013 tăng lên 23,5 tỷ USD năm 2017, tạo ra cơ hội và lực hút lớn đối với các doanh nghiệp nội địa.
Đồng thời, Thái Nguyên còn có tiềm năng lớn về nông nghiệp công nghệ cao và du lịch. Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng, tạo lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp với những loại sản phẩm đặc hữu, như: “Chè Thái” là thương hiệu nổi tiếng bao đời nay.
Tuy vậy, “đệ nhất danh trà” nói trên chưa xác lập được thương hiệu, hình ảnh, chỉ dẫn địa lý và vị thế tương xứng trên thị trường quốc tế.
“Chúng ta vẫn đang đợi nhà đầu tư đưa công nghệ, làm thị trường và thương hiệu để đưa chè Thái Nguyên vươn xa, trở thành một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của địa phương”, Thủ tướng bày tỏ.
Về du lịch, Thái Nguyên được mệnh danh là mảnh đất của lịch sử và danh thắng, cảnh đẹp tự nhiên và tài nguyên nhân văn với những địa danh rất nổi tiếng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018
Với những tiềm năng, lợi thế nói trên, Thủ tướng đề nghị Tỉnh xác định một tầm nhìn lớn, đủ sâu rộng trong phát triển, cân nhắc 4 định hướng lớn, như sau:
Thứ nhất, Thái Nguyên cần trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh.
Thứ hai, Tỉnh cần phát huy vai trò của tập đoàn Samsung, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mạng sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao, với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; Du lịch - dịch vụ, trong đó, phát triển giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế từng bước trở thành ngành quan trọng của kinh tế địa phương; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ tư, song song với tăng trưởng kinh tế, Thái Nguyên cần mẫu mực trong phát triển bền vững cả kinh tế - xã hội và môi trường; quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính quyền thân thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thông suốt, tích hợp, tiện lợi, môi trường sống trong lành, an toàn, trở thành một nơi đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư định cư và làm ăn lâu dài.
Với tầm nhìn đó, Thủ tướng cho rằng, tỉnh Thái Nguyên cần hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, bền vững, có độ mở cao, kết nối với các tỉnh và quốc tế. Phát huy vai trò đòn bẩy của Samsung đối với kinh tế - xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên cần phân tích xem năng lực cạnh tranh tổng thể của Tỉnh có được chuyển hóa nhờ sự hiện diện của Samsung hay không? Ngoài ra, Tỉnh cần phân tích chi tiết ảnh hưởng của Samsung đến sự phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên liên quan đến năng lực hấp thụ khoa học, công nghệ của người lao động, gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân và khả năng lan toả đến các doanh nghiệp địa phương. Hơn nữa, cũng cần chú ý phát triển các loại dịch vụ phục vụ đời sống của hàng trăm nghìn lao động tại các khu công nghiệp.
Dẫn một khảo sát ở Thái Nguyên cho thấy có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành, Thủ tướng đề nghị Tỉnh cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và phải chuyển biến thực sự từ cơ sở.
Đồng thời, thúc đẩy quá trình đô thị hóa đồng bộ, chất lượng với quy hoạch không gian đô thị có tầm nhìn xa, đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa. Coi đô thị hóa là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Thái Nguyên.
Song song với đó, Tỉnh cũng cần đẩy mạnh khai thác du lịch, đặc biệt là liên kết phát triển khu du lịch Hồ Núi Cốc với phát triển sườn Đông dãy núi Tam Đảo và các di tích văn hoá lịch sử.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tự nhiên, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực, kết nối các trường đại học, trung tâm dạy nghề với các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.
Tỉnh cũng cần chú trọng bảo đảm bảo triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, để mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển, được đón nhận cơ hội từ quá trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị lời hứa, lời nói phải đi đôi với việc làm, tránh tình trạng trao giấy phép đầu tư hoành tráng, nhưng chậm trễ triển khai. Trong sản xuất, phải quan tâm đến bảo vệ môi trường, đời sống người lao động.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững môi trường hòa bình, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư, bảo đảm bình đẳng trong kinh doanh./.
Bình luận