Hơn 70% học sinh trường nghề tốt nghiệp có việc làm
Năm 2017, tuyển sinh 2,2 triệu người học nghề
Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và thống nhất quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Dù nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn nhưng với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện được một số giải pháp quan trọng trong Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo.
Năm 2017 công tác tuyển sinh nghề có nhiều chuyển biến tích cực
Theo thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2017 công tác tuyển sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh với 2,2 triệu người học nghề. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp là 1,66 triệu người. Theo báo cáo, nhiều trường đã vượt kế hoạch tuyển sinh tới hơn 100%.
Đáng chú ý, hơn 70% học sinh ra trường có việc làm. Trong đó, có một số nghề đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Điều này đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Nhờ đó, nhiều gia đình đã ủng hộ con em học nghề như là một lựa chọn để nhanh chóng tham gia vào thị trường lao động…
Cũng trong năm 2017, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng công tác nâng cao chất lượng đào tạo. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ.
Tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Úc; chuyển giao các bộ chương trình từ Cộng hòa liên bang Đức; đồng thời tăng cường các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổng cục đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện các quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp về đào tạo trình độ sơ cấp; đào tạo thường xuyên theo hình thức vừa làm vừa học và các chương trình đào tạo thường xuyên khác; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nghề nghiệp đa dạng, linh hoạt về thời gian địa điểm đào tạo; tạo các cơ hội, điều kiện thuận lợi để người học lựa chọn chương trình đào tạo, khóa học phù hợp để có việc làm theo yêu cầu của doanh nghiệp và học liên tục, học trong nhà trường, học tại nơi làm việc.
Cũng trong năm qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức thành công cho đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Abu Dhabi đạt thành tích cao…
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục nghề nghiệp cũng còn tồn tại một số hạn chế, như: chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, nổi lên là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và cơ cấu vùng miền; mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn dàn trải, chất lượng không đều, nặng về tư duy bao cấp; tuyển sinh còn khó khăn do công tác phân luồng chưa đạt được mục tiêu…
Đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân đánh giá cao những kết quả mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đạt được trong năm 2017. Cùng với đó, Thứ trưởng chỉ ra 4 điểm mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần lưu ý. Cụ thể như sau
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân lưu ý, đào tạo nghề phải gắn với doanh nghiệp
Thứ nhất, tăng cường năng lực của Tổng cục. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phải tiên phong, tăng cường công tác quản lý, bồi dưỡng cán bộ... nếu không sẽ chậm trong đổi mới.
Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở để làm sao cho tốt hơn. Khi truyền thông tốt sẽ làm thay đổi được nhận thức trong xã hội bởi xã hội có 2 nhóm nhân lực rất lớn là chất xám, nhân lực quản lý, chiếm khoảng 1/5 – 1/5 cơ cấu tổ chức, và nhân lực còn lại rất lớn là giáo dục nghề nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ trưởng khẳng định công tác quản lý cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, từ đó giúp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý được chất lượng, làm cơ sở dữ liệu phục vụ người học, công tác tuyển sinh. Cụ thể, Thứ trưởng nhấn mạnh, trong tháng 5/2018, sẽ ra mắt phần mềm chọn nghề ứng dụng trên điện thoại di động, giúp người học nắm bắt được thông tin cần thiế, như: học gì, học ở đâu, học như thế nào, việc làm ra sao…
Thứ tư, phải bám vào doanh nghiệp để đào tạo và đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, không nên đào tạo quá nhiều lý thuyết hàn lâm, mà hướng tới tạo việc làm cho người học.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết thêm, hiện tại, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang thí điểm liên kết đào tạo với một số doanh nghiệp, như: FPT, Tập đoàn Mường Thanh, Hiệp hội siêu thị Việt Nam... và đã cho kết quả tốt./.
Bình luận