Chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Từ khóa: giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số, giáo dục nghề nghiệp thông minh
Summary
Digital transformation in vocational education institutions (TVET) is an important solution in innovation of management and training methods; is the driving force to improve the quality of education and training. On the basis of assessing the current situation and opportunities and challenges in digital transformation of TVET institutions, the authors propose solutions in the coming time.
Keywords: vocational education, digital transformation, smart vocational education
ĐẶT VẤN ĐỀ
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ định hướng phát triển đất nước 10 năm tới và các năm tiếp theo đã một lần nữa xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra định hướng và nhiệm vụ cho hệ thống GDNN là mở rộng quy mô để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 30% có văn bằng, chứng chỉ vào năm 2025; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt gồm 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó giải pháp đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo được xác định là một trong những giải pháp đột phá.
Dự kiến trong 10-15 năm tới, rất nhiều công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cho kinh tế xanh, kinh tế số.
Trong hệ thống giáo dục quốc gia, GDNN có vai trò đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nhân lực có kỹ năng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với chuyển đổi số để phù hợp với thị trường lao động thời kỳ hội nhập và phát triển là rất cần thiết, nhằm cung cấp lực lượng lao động trực tiếp có chất lượng ngày càng cao.
GDNN VÀ CƠ HỘI DO CHUYỂN ĐỔI SỐ MANG LẠI
GDNN là giáo dục chuẩn bị cho người làm việc trong ngành thương mại, nghề thủ công, kỹ thuật viên, hoặc trong các nghề chuyên nghiệp như kỹ thuật, kế toán, điều dưỡng, y khoa, kiến trúc, hoặc luật pháp. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 - Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH, ngày 31/12/2015 Luật Giáo dục nghề nghiệp, thì GDNN là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Đào tạo nghề nghiệp là hoạt động dạy và học nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cần thiết cho người học để có thể tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm sau khi hoàn thành khóa học hoặc để nâng cao trình độ nghề nghiệp.
Thực hiện chuyển đổi số trong GDNN sẽ mang lại những lợi ích nhất định so với giáo dục truyền thống:
Một là, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học. Chuyển đổi số mang lại lợi ích, động lực để thay đổi về nội dung, cách thức dạy và học. Điều rõ ràng là việc chuyển đổi số sẽ làm thay đổi về cơ bản và toàn diện các phương pháp dạy và học. Đặc biệt là trong lĩnh vực GDNN, nơi mà yếu tố học lý thuyết, kỹ năng lại gắn kết chặt chẽ với việc thực hành, làm việc. Việc rút ngắn khoảng cách nói trên đồng nghĩa với việc gia tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cho cả bên đào tạo – lực lượng lao động và bên sử dụng lao động.
Toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục cũng được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Chuyển đổi số cùng với sự ra đời của hình thức học liệu điện tử (bao gồm: sách điện tử, bài giảng điện tử, bộ câu hỏi ôn tập và bài kiểm tra đánh giá quá trình tự học của sinh viên…) do chính giảng viên xây dựng và được tích hợp trên môi trường công nghệ internet số hóa cao sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người học.
Hai là, tạo sự đột phá trong GDNN. Trong bối cảnh hiện nay, GDNN phải tận dụng tối đa sự hội nhập, kết hợp các công nghệ mới “Công nghệ kỹ thuật số” vào giảng dạy và đánh giá năng lực, thi cử để trang bị cho người học thích ứng công việc hiện nay và tương lai. Do đó, chuyển đổi số chính là chìa khóa trong việc tạo sự đột phá trong GDNN.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là, để tạo sự đột phá, cần có một sự chuẩn bị kỹ về kỹ năng cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trẻ nhằm tận dụng những công nghệ mới hứa hẹn sẽ làm thay đổi một cách toàn diện các mặt đời sống xã hội trong tương lai, như: trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano, internet vạn vật, điện toán đám mây…
Ba là, cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời. Chuyển đổi số sẽ trao thêm quyền cho con người để phát triển bền vững, cung cấp giáo dục thường xuyên và công việc suốt đời, quản lý học tập mở, linh hoạt dựa trên hiệu suất với các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng cần thiết cho người học, người lao động chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn phù hợp với những thay đổi liên tục của cuộc sống, GDNN ngày càng được ưu tiên trong các chương trình nghị sự quốc gia của nhiều nước trên thế giới để có thể so sánh với các lĩnh vực chuyên môn khác.
Chuyển đổi số còn là phương thức hữu hiệu để huy động nguồn lực trí tuệ của xã hội tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực.
THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ GDNN
Theo Tổng cục GDNN (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trên toàn quốc hiện có 1.904 cơ sở GDNN với 407 trường cao đẳng, 439 trường trung cấp và 1.058 trung tâm GDNN. Số cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài là 688 đơn vị, chiếm 36%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh GDNN đạt khoảng 2,2 triệu người [4].
Chất lượng và hiệu quả GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của thị trường lao động. Điều này thể hiện qua con số hơn 80% người tốt nghiệp đã có việc làm. Ở một số lĩnh vực, người học sau khi tốt nghiệp đã có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học trong đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp rất quan trọng. Chuyển đổi số trong GDNN nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN; tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Quá trình chuyển đổi số đã tác động lớn đến hoạt động GDNN. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Cùng với đó, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động GDNN, thay đổi cách quản lý hoạt động GDNN, cách dạy của giáo viên, cách học, cách thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN từ môi trường truyền thống lên môi trường số.
Trong những năm qua, nhiều dự án, nội dung đầu tư của các cơ sở GDNN đã có nội dung chuyển đổi số. Nhiều cơ sở giáo dục đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số, xem chuyển đổi số là vấn đề then chốt và thực hiện với các bước khác nhau từ tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai, áp dụng.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số đang gặp nhiều thách thức:
Thách thức đầu tiên của công tác chuyển đổi số trong GDNN là phải làm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, cơ sở đào tạo. Nhận thức không thể chỉ diễn ra ở thượng tầng, tức là cá nhân, đơn vị hoạch định chính sách, kế hoạch, mà cần được diễn ra ở mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý, người học… Hiện vẫn còn tình trạng một bộ phận giảng viên chưa thích nghi kịp với công nghệ mới, chưa sẵn sàng cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Chưa kể một bộ phận người học đã quen với phương thức đào tạo truyền thống, “ngại” thay đổi theo phương thức đào tạo mới.
Thách thức thứ hai là phát triển công nghệ mới trong đào tạo và quản lý còn chưa được quan tâm đầu tư trong các cơ sở GDNN. Việc chuyển đổi số trong kiểm tra, đánh giá chất lượng GDNN cần tiếp tục đẩy mạnh để tìm giải pháp hữu hiệu, không ngừng cải tiến, nâng cao trách nhiệm giải trình, tự chủ GDNN trong kỷ nguyên công nghệ đột phá. Công tác số hóa (các dữ liệu) đòi hỏi phải có thời gian, công sức bởi số hồ sơ, tài liệu, chương trình, giáo trình, giáo án… dạng giấy ở hàng nghìn cơ sở GDNN là một khối lượng khổng lồ. Nếu không có kế hoạch, hướng dẫn chi tiết, thì rất khó để triển khai đồng bộ, hệ thống đảm bảo cho quá trình vận hành.
Thách thức thứ ba là nhân lực cho chuyển đổi số. Vấn đề này đề cập đến toàn bộ khách thể và chủ thể trong lĩnh vực GDNN, cụ thể là giảng viên và học viên. Bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi giảng viên phải trang bị cho mình những kỹ năng mới để tổ chức hoạt động giảng dạy, duy trì sự chú tâm của người học, tổ chức các hoạt động dạy học cho người học trên không gian ảo được hiệu quả. Ở chiều ngược lại, sinh viên cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo và hứng thú học tập. Những yêu cầu này thách thức cho nhân lực chuyển đổi số tại các cơ sở GDNN.
Thách thức thứ tư là hạ tầng số. Hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số bao gồm phần cứng, như: máy tính, mạng kết nối internet, các ứng dụng hỗ trợ dạy học, nguồn học liệu mở, hệ thống phần mềm hỗ trợ kiểm tra, đánh giá. Trong điều kiện đầu tư thiếu tính đồng bộ như hiện nay tại các cơ sở GDNN, thì việc có được một hạ tầng số đảm bảo cho việc chuyển đổi cũng sẽ là một thách thức không nhỏ.
NHỮNG GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Cần khẳng định rằng, GDNN nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, thì chỉ có một hướng đi duy nhất, đó là chuyển đổi số nhằm thay đổi, thích nghi và hòa nhập nhanh. Để thúc đẩy chuyển đổi số đối với GDNN, cần lưu ý các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong GDNN. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, các cơ sở GDNN, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số hoạt động GDNN; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, vai trò của công nghệ thông tin trong hoạt động GDNN.
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chính sách về chuyển đổi số trong GDNN. Theo đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả cho các hoạt động phát sinh mới khi thay đổi trên môi trường không gian số trong hoạt động GDNN, như: Rà soát các văn bản quản lý dạy và học trong GDNN, trong đó chú trọng các quy định về đảm bảo chất lượng dạy học đối với phương thức dạy và học trực tuyến; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), thực tế hỗn hợp (MR) trong hoạt động GDNN; ban hành định mức chi trả cho các dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ sở GDNN.
Thứ ba, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, cần đầu tư, nâng cấp Trung tâm dữ liệu GDNN hiện đại, tiên tiến sử dụng công nghệ đám mây, siêu hội tụ đáp ứng yêu cầu về hạ tầng cho các ứng dụng triển khai và yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống dữ liệu về việc làm, an sinh xã hội, giáo dục đào tạo và hệ thống dữ liệu của các cơ sở GDNN. Xây dựng trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số và điều hành hoạt động GDNN thông minh tại Tổng cục GDNN, kết nối với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN trên toàn quốc. Đặc biệt, cần đầu tư thiết bị số, các thiết bị thực tập, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh và các thiết bị phát triển học liệu số cho một số cơ sở GDNN, ngành nghề được lựa chọn trọng điểm của các vùng làm cơ sở phát triển các cơ sở GDNN số, thông minh. Đầu tư, nâng cấp Hệ thống hạ tầng, hệ thống mạng, hệ thống an toàn thông tin và thiết bị ngoại vi phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN và các cơ sở GDNN. Tăng cường hỗ trợ đầu tư thiết bị số và chi phí vận hành cho người học thông qua các chương trình tài trợ, giảm giá. Nâng cấp, hoàn thiện Hệ điều hành điện tử của Tổng cục GDNN, xây dựng các phần mềm cơ sở dữ liệu; dịch vụ công trực tuyến... để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về GDNN. Triển khai hệ thống phân tích dữ liệu, xây dựng mô hình dự báo trên nền công nghệ Bigdata, Data analytics, học máy.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Để ứng dụng được những công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, GDNN được thành công, thì yếu tố quan trọng chính là đội ngũ thầy giáo, cô giáo, những người trực tiếp tham gia thực hiện công việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ và sự sẵn sàng tiếp nhận công nghệ từ phía người học. Do đó, cần thiết phải tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số, phương pháp đào tạo số cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN, người dạy trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ; Phát triển đội ngũ nhà giáo chuyên về công nghệ thông tin, an ninh mạng và phát triển các ứng dụng số tại các cơ sở GDNN.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo GDNN, người dạy trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo. Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số tại các cơ sở GDNN.
Thứ năm, huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số GDNN. Ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích hợp tác theo hình thức công - tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, từng bước hình thành mô hình cơ sở GDNN trong doanh nghiệp. Tranh thủ vận động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động chuyển đổi số GDNN./.
ThS. Vũ Thế Việt, TS. Nguyễn Quốc Tuấn
Trường Đại học Đại Nam
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 17, tháng 6/2023)
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc khóa XIII.
2. Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực (2021), Báo cáo Thực trạng và Giải pháp chuyển đổi số trong GDNN, tài liệu phục vụ cho phiên họp thứ 2 năm 2021.
3. Mai Văn Tỉnh, Lê Thị Mai Hoa (2022), Ứng dụng công nghệ đột phá, chuyển đổi số trong GDNN, truy cập từ http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39090/seo/Ung-dung-cong-nghe-dot-pha-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-nghe-nghiep/Default.aspx.
4. Tổng cục Dạy nghề (2022), Báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 và kế hoạch năm 2023.
5. Trần Văn Dàng (2020), Một số đề xuất nhằm phát triển Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên theo mô hình trường học thông minh, Tạp chí Giáo dục, Số 484, 61-64.
Bình luận