Khắc phục điểm yếu để Ngành trồng trọt tự tin hội nhập
Có tăng trưởng, song vẫn nhiều điểm yếu
Những năm qua, lĩnh vực trồng trọt có vị trí hết sức quan trọng trong sản xuất của ngành nông nghiệp nước ta. Trong số 10 mặt hàng của nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD, ngành trồng trọt có 07 mặt hàng, trong đó: hồ tiêu, điều đứng đầu trên thế giới; cà phê, lúa gạo thứ hai thế giới…
Bên cạnh đó, chất lượng một số nông sản cải thiện đáng kể như lúa gạo, thanh long, vải, nhãn, bưởi, chè đã thâm nhập được các thị trường khó tính, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu…
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt chiếm 73% GDP cơ cấu trong nông nghiệp; kim ngạch nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, trên 50% giá trị xuất khẩu nông nghiệp
Đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả hàng hóa, như: cao su, điều, cà phê, chè, hồ tiêu, thanh long, vải, hoa… tập trung quy mô lớn. Bởi vậy, tăng trưởng của ngành luôn giữ mức bình quân 3%/năm.
Giá trị sản phẩm thu được bình quân tăng 6 triệu đồng/ha/năm. Ngành trồng trọt đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và xuất khẩu nông sản thuộc tốp hàng đầu thế giới.
Mặc dù có những đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, song lĩnh vực trồng trọt cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định tự do hóa thương mại.
Theo nhiều chuyên gia, ngành trồng trọt là ngành dễ bị tổn thương bởi thiên tai và thị trường. Độ nhạy cảm, tổn thương này có thể gia tăng vì tác động của biến đổi khí hậu và những biến động bất lợi trên thị trường thế giới. Do vậy, năm 2015, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực, như: cà phê, lúa gạo, cao su… liên tục tụt giảm mạnh cả về giá và sản lượng.
Cùng với đó, năng suất, chất lượng một số loại nông sản nước ta còn thấp, giá thành cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Năng suất ngô chỉ bằng 80% năng suất bình quân thế giới; đậu tương bằng 57% thế giới. Chất lượng nhiều loại nông sản của nước ta còn thấp, gạo là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, nhưng giá cùng loại luôn thấp hơn gạo của Thái Lan khoảng 20-30 USD/tấn. Các nông sản khác, như: cà phê, chè, trái cây, cũng có tình trạng tương tự như lúa gạo.
Không những vậy, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế, tổn thất còn lớn. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như: cao su, cà phê, điều, chè, rau quả... chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu. Tỷ lệ thất thoát, lãng phí do rơi rụng khi thu hoạch, vận chuyển và sơ chế khoảng 12% sản lượng (Khánh Linh, 2015).
Bên cạnh đó, việc xây dựng và triển khai các hình thức sản xuất theo GAP, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực trồng trọt vẫn còn nhiều nhức nhối gây nhiều bức xúc cho người dân, nhất là đối với sản phẩm rau và trái cây.
Cần chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa
Trước những khó khăn của ngành trồng trọt, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng đề ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho nông sản.
Cục Trồng trọt đã tham mưu trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đề án quy hoạch phát triển ngành hàng và cây chủ lực, có lợi thế cạnh tranh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, cùng hàng loạt đề án phát triển bền vững cho ngành điều, tái canh cho cà phê, quy hoạch phát triển mía, sắn, hồ tiêu, ngô…
Tại Hội nghị Triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020, ngày 22/7/2015, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, để phát triển bền vững ngành trồng trọt, trước tiên, ngành cần chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, căn cứ vào điều kiện sản xuất của các vùng miền để lựa chọn phát triển những sản phẩm hàng hóa chủ lực, như: ở vùng phía Bắc là gạo chất lượng cao, chè, rau, hoa, quả… khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long là lúa gạo, cây công nghiệp, cây ăn trái… để phục vụ xuất khẩu và một phần cho nội tiêu.
Song song đó, ngành trồng trọt cần nâng cao khả năng cạnh tranh để thực hiện hội nhập bằng các giải pháp giảm giá thành, tăng chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, và khả năng cạnh tranh. Mặt khác, phải mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm kể cả thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó tập trung cho xuất khẩu
Theo các chuyên gia, khi nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, để ngành trồng trọt tiếp tục phát triển, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu, do đó cần phải đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, các sản phẩm rau, quả, chè… an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề sống còn mà ngành trồng trọt phải tập trung thực hiện.
Đặc biệt là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cần tiếp tục xây dựng để sản xuất phải tuân theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của thế giới, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.
Tham khảo thêm từ các nguồn:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2015). Hội nghị Triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và định hướng giai đoạn 2016-2020, ngày 22/07, tại Hà Nội
2. Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Lễ Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Cục Trồng trọt (2005-2015), ngày 07/01, tại Hà Nội
Bình luận