Khai mạc phiên chuyên đề VCSF 2023: Doanh nghiệp hiến kế hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc phiên chuyên đề Diễn đàn, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, VCSF được khởi xướng thực hiện ngay trước thời điểm Việt Nam cùng 192 quốc gia trên thế giới cam kết triển khai Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, cũng như cam kết giảm thiểu biến đổi khí hậu tại COP 21 vào năm 2015 tại Paris (Pháp) như một minh chứng rõ ràng cho sự sáng tạo, tính tiên phong và sự cam kết của VCCI nói chung, VBCSD nói riêng trong hành trình bền bỉ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên chặng đường phát triển bền vững.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) phát biểu khai mạc Phiên chuyên đề VCSF 2023 |
Trong hành trình 10 năm liên tục của VCSF, hàng loạt các chủ đề thời sự đương đại, các thách thức cũng như các ý tưởng kinh doanh đã được VBCSD cùng các đối tác trong nước, quốc tế, doanh nghiệp thảo luận, kiến nghị và triển khai nhân rộng thành công trong xây dựng pháp luật, cũng như các dự án kinh doanh ngoài thực tiễn.
Các khái niệm về kinh tế tuần hoàn hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kinh doanh cùng người thu nhập thấp, phát triển doanh nghiệp xã hội, xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm doanh nghiệp, tương lai số hóa và việc làm, quản trị doanh nghiệp phát triển bền vững và còn chủ đề khác nữa đã được VBCSD giới thiệu trong các kỳ VCSF từ năm 2014 đến nay đã được nhân rộng thành hàng nghìn các dự án, chương trình, kế hoạch hành động qua đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.
Theo bà Dung, cùng với những ý tưởng sáng tạo và các kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển bền vững, Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển Bền vững Việt Nam lần thứ 10 là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thảo luận, chia sẻ và đặt ra những sáng kiến quan trọng, nhằm định hình một tương lai sáng sủa, thịnh vượng cho doanh nghiệp và đất nước.
Các doanh nghiệp cần đổi mới, nắm bắt những giải pháp thông minh để sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả hơn, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến việc quản lý tài nguyên thiên nhiên.
“Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, bằng cách tạo ra một hệ thống cung ứng bền vững, chúng ta có thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và đồng thời góp phần vào việc duy trì sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường” Phó Chủ tịch VBCSD nhấn mạnh.
Chương trình Diễn đàn VCSF 2023 cũng bao hàm nhiều nội dung đa dạng từ các tọa đàm trong khuôn khổ phiên toàn thể và phiên chuyên đề với các chủ điểm về “Thúc đẩy các sáng kiến “vị” tự nhiên hướng tới nền kinh tế các-bon thấp”, “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh” và “Hướng tới kinh doanh “vị” tự nhiên và tăng trưởng xanh từ nền tảng thực hành ESG trong doanh nghiệp”. Với sự tham gia đông đảo của các diễn giả đến từ các doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh doanh bền vững tại Việt Nam, chuỗi tọa đàm đã lan tỏa các thông lệ tốt, đưa ra các giải pháp, kiến nghị chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn các mô hình sản xuất kinh doanh phát thải thấp; tăng cường chuỗi cung ứng bền vững; thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch; nâng cao hiệu quả thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành khung ESG; cũng như khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong bảo tồn đa dạng sinh học hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Phiên toạ đàm 1 về “Thúc đẩy các sáng kiến “vị” tự nhiên hướng tới nền kinh tế các-bon thấp” |
Chia sẻ tại cuộc tọa đàm thứ nhất với chủ đề “Thúc đẩy các sáng kiến “vị” tự nhiên hướng tới nền kinh tế các-bon thấp”, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững, Tập đoàn PAN cho biết, khi áp dụng mô hình phát thải thấp, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm phát thải rất nhiều thông qua việc tối ưu hoá sử dụng các nguồn tài nguyên, nước, thiết bị, năng lượng tái tạo. Ước tính hằng năm, doanh nghiệp có thể tiết kiệm hàng chục tỷ đồng việc giảm thiểu các chi phí, từ đó, tối ưu hoá doanh thu lợi nhuận. Điển hình là việc tận dụng việc tái tạo sử dụng phụ phẩm chế phẩm mang lại nguồn thu rất lớn cho tập đoàn.
Chẳng hạn, hàng năm ngành sản xuất chế biến tôm của doanh nghiệp thải ra khoảng 7.500 tấn đầu và vỏ tôm, thay vì phải bỏ ra chi phí lớn để xử lý nguồn thải này thì doanh nghiệp hợp tác với một công ty chế biến vỏ tôm đó, tăng giá trị lên gấp 5-7 lần, hàng năm có thể thu thêm 15 tỷ đồng từ chế biến phụ phẩm vỏ tôm. Đây là một trong những mô hình sản xuất tái chế giúp doanh nghiệp vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa tối đa hoá lợi nhuận, quan trọng hơn là giúp doanh nghiệp hướng tới hiện thực hoá mô hình phát triển bền vững. Cùng với các chỉ số về kinh tế, chỉ số phát triển bền vững với môi trường như vậy là chính là điểm cộng cho các doanh nghiệp để tăng chỉ số năng lực cạnh tranh, vị thế uy tín của công ty, giảm chi phí và đặc biệt là được các nhà đầu tư quan tâm đánh giá cao”, ông Trung Anh nói.
Các diễn giả thảo luận tại Phiên tọa đàm 2 “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh” |
Tại phiên tọa đàm thứ 2 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh”, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại và Truyền thông cấp cao, Nestlé Việt Nam cho biết, trong chiến lược phát triển bền vững của Nestle toàn cầu, Tập đoàn tập trung vào nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững thông qua việc đảm bảo chất lượng, không bị đứt gẫy chuỗi cung ứng. Từ năm 2010, Tập đoàn triển khai Chương trình Nest Café Plan, đặt trọng tâm vào người nông dân, hỗ trợ họ thực hành nông nghiệp bền vững, thực hành nông nghiệp tái sinh. Hỗ trợ 63 triệu cây giống chịu được hạn và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khi hậu, kết nối hơn 30.000 nông dân, giảm 40% lượng nước tưới, 20% thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất từ 50-100%, tăng sinh kế với sự đảm bảo về mặt tự nhiên. Với chiến lược tăng trưởng xanh này, nguồn cà phê sản xuất từ Việt Nam của Tập đoàn trở thành nguồn café lớn nhất xuất khẩu sang châu Âu.
Kiến nghị về các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực hiện thực hoá mục tiêu phát triển bền vững, bà Thương cho rằng, chính sách công cần hai yếu tố hết sức quan trọng là công bằng và hiệu quả. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng là rất quan trọng mà doanh nghiệp mong chờ ở vai trò kiến tạo của Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng theo bà Thương, sự ủng hộ và đồng hành của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp là rất quan trọng, do đó, vai trò của Chính phủ trong việc triển khai các chương trình truyền thông chính thức đưa ra các thông điệp về khuyến khích doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững, cũng như sự ghi nhận của Chính phủ sẽ có tác động rất lớn tới nhận thức và hành vi của người tiêu dùng.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại và Truyền thông cấp cao, Nestlé Việt Nam chia sẻ tại phiên toạ đàm |
“Chỉ cần một sự ghi nhận của Chính phủ đối với sản phẩm xanh là sẽ có tác động lớn tới hành vi của người tiêu dùng, sự ghi nhận đó của Chính phủ gửi thông điệp rất mạnh tới người tiêu dùng, giúp họ tăng niềm tin đối với doanh nghiệp và từ đó có sự thay đổi hành vi ủng hộ doanh nghiệp, đây là động lực rất lớn cho doanh nghiệp”, đại diện Nestle nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc phiên chuyên đề, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững – VCCI đánh giá cao các ý kiến chia sẻ và thảo luận của các doanh nghiệp tại các phiên toạ đàm.
“Thông qua các trao đổi chia sẻ và phân tích đánh giá của các doanh nghiệp tiên phong trong phát triển bền vững và các chuyên gia, diễn đàn cùng thống nhất rằng, cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh sạch, bền vững. Đồng thời qua đây, chúng ta cùng nhận diện các thách thức và cơ hội mở ra cho cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến đóng góp và kiến nghị này sẽ được VBCSD-VCCI tập hợp và báo cáo lên Chính phủ, làm đầu vào cho việc hoạch định các chính sách mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững”, ông Huy nhấn mạnh./.
Bình luận