KHAI MỞ NHỮNG TIỀM NĂNG, NẮM BẮT CƠ HỘI TRONG BỐI CẢNH MỚI

Đắk Lắk là tỉnh có vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên với nhiều tiềm năng và lợi thế đặc thù nổi bật về sinh thái tự nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Đặc trưng sinh thái tự nhiên của Đắk Lắk được cấu thành bởi cả 3 yếu tố không thể tách rời, đó là đất - nước - rừng, là không gian sinh tồn của nhiều thế hệ các dân tộc Tây Nguyên, qua quá trình lao động và sinh hoạt đã hình thành các đặc điểm văn hóa khác biệt, tạo nên bản sắc riêng cho vùng đất này.

Văn hóa là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định đến các định hướng của Tỉnh

Đắk Lắk là nơi hội tụ của 49 dân tộc trong cả nước, một mảnh đất hòa trộn nhiều giá trị văn hóa các dân tộc trong cả nước với những giá trị văn hóa nhân văn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đây là những tiềm năng lớn quý báu để xây dựng nên một bản sắc văn hóa Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bảo tồn các giá trị nhân văn, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, coi văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển bền vững tỉnh Đắk Lắk.

Xu thế chuyển đổi xanh, tuần hoàn phù hợp với lợi thế của Tỉnh

Trong bối cảnh và xu thế phát triển mới, Chính phủ rất quan tâm và triển khai mạnh mẽ các chủ trương, chính sách nhằm chuyển đổi từ các ngành kinh tế truyền thống, khai thác tài nguyên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt là các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tôn trọng sinh thái và bảo tồn môi trường tự nhiên đang và sẽ là xu thế tất yếu, trở thành kim chỉ nam cho các hành động phát triển. Đây là cơ hội lớn để Đắk Lắk khai mở các tiềm năng sinh thái để phát triển nhanh và bền vững. Trước hết cần khẳng định Tỉnh Đắk Lắk có vị thế quan trọng về môi trường sinh thái, là "mái nhà xanh" của vùng Tây Nguyên dựa trên 3 lợi thế tự nhiên về đất, nước, rừng.

Nền tảng sinh thái “Đất, Nước, Rừng” phải được phát huy đồng bộ trong mối quan hệ tổng thể, cân bằng

Yếu tố sinh thái, coi trọng cân bằng sinh thái tự nhiên đưa giá trị sinh thái lồng ghép vào các hoạt động phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế về bảo vệ môi trường, kết nối sinh thái khu vực và quốc tế là nhiệm vụ xuyên suốt trong định hướng phát triển của tỉnh trong cả ngắn hạn vài dài hạn.

Đất đai là lợi thế lớn của tỉnh nhưng vẫn phát triển dưới tiềm năng, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên đứng thứ 4/63, diện tích đất nông nghiệp đứng thứ 3/63 địa phương cả nước với diện tích đất đỏ bazan màu mỡ lớn chiếm xấp xỉ 24% tổng diện tích. Tiềm năng này tạo vị thế trong phát triển nông nghiệp của Tỉnh đối với cả nước.

Có vị thế quan trọng về nguồn nước đối với vùng Tây Nguyên và khu vực các quốc gia láng giềng, Đắk Lắk là nơi đầu nguồn sinh thủy của các lưu vực sông lớn đồ về phía hạ lưu sông Mê Kông và hạ lưu sông Đồng Nai. Trữ lượng nước qua các lưu vực sông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khoảng 38,8 tỷ m3 chiếm 4,6% cả nước.

Rừng là tài nguyên to lớn, quý giá của Đắk Lắk, là đặc trưng không gian sinh thái của tỉnh, tạo cân bằng các yếu tố về môi trường, đồng thời trong bối cảnh hiện nay sẽ trở thành một nguồn lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh nằm trong nhóm cao, đóng góp 3,53% độ che phủ rừng cả nước.

Có cơ chế để thúc đẩy đưa Tỉnh trở thành một trong những trung tâm năng lượng của vùng, một hình mẫu về phát triển năng lượng tái tạo

Chuyển đổi xanh trong đó có phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được Việt Nam cụ thể hóa trong Quyết định số 500/QĐ-TTg về phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Đắk Lắk là địa phương có lợi thế lớn về nắng và gió, với nhiều khu vực ở nửa phía Đông và Đông Bắc của tỉnh có tốc độ gió bình quân tương đối cao, trên 6,0 m/s, tập trung, rất thích hợp đầu tư dự án nhà máy điện gió với quy mô lớn. Một số vùng có bức xạ mặt trời rất cao (thuộc nhóm đầu trong bản đồ bức xạ), thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, tập trung ở các huyện phía Tây với số giờ nắng trung bình hàng năm từ 2.600 giờ, bức xạ nhiệt trung bình khoảng 4,7-5,0 kWh/m2/ngày. Có cơ chế khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên sinh khối rất lớn từ các chất thải nông nghiệp để chuyển hóa thành các nguồn năng lượng bền vững, tại chỗ, đồng thời với bảo vệ môi trường. Thu hút nguồn lực phát triển các nguồn năng lượng mới như hydrogen xanh, sinh khối, năng lượng từ lên men sinh học…

Thúc đẩy các tiềm năng du lịch dựa trên sinh thái, bản sắc văn hóa và đẩy mạnh liên kết vùng

Tận dụng lợi thế về vị trí, các điểm tham quan và danh thắng tự nhiên của tỉnh, với chi phí hợp lý, tập trung phát triển du lịch trên các loại hình du lịch chính gồm: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nông nghiệp... Du lịch là ngành xương sống, duy trì tăng trưởng bền vững, vừa đảm bảo các liên kết vùng, vừa đảm bảo tính độc đáo khác biệt của tỉnh.

Thúc đẩy liên kết vùng để Đắk Lắk hình thành một mạng lưới dịch vụ đồng bộ, đảm nhiệm chức năng là trung tâm dịch vụ đầu mối với một số loại hình dịch vụ, như: logistic, tài chính-ngân hàng, sàn giao dịch nông sản, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp...

Kết nối thị trường quốc tế để thúc đẩy chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và giá trị gia tăng cao

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững; ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sinh học, theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối với công nghiệp chế biến và thị trường; tăng cường dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu những sản phẩm đặc hữu của Tỉnh, dần từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; gắn kết nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện.

TẠO LẬP VỊ THẾ PHÁT TRIỂN MỚI CHO ĐẮK LẮK

Đắk Lắk tập trung hiện thực hóa định hướng lớn để trở thành tỉnh nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn. Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh đứng đầu cả nước, phát triển thịnh vượng. Phát triển xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế. TP. Buôn Ma Thuột là “Thành phố cà phê thế giới”, trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp quốc tế.

Trong đó tập trung vào các đột phá: (1) Đột phá về chính sách, trong đó trọng tâm là các chính sách về thu hút nhân lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhất là trong nông nghiệp, du lịch; (2) Đột phá về liên kết phát triển; (3) Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; (4) Đột phá về phát triển giáo dục, đào tạo và y tế; (5) Đột phá về phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

KHÁT VỌNG ĐƯA ĐẮK LẮK PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, ĐỊNH HÌNH “KHÔNG GIAN SINH THÁI - BẢN SẮC VÀ KẾT NỐI SÁNG TẠO”

Phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk theo mô hình: Không gian sinh thái - văn hóa - kết nối sáng tạo, phát triển kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, lấy con người làm trọng tâm, hướng về thiên nhiên. Mô hình tăng trưởng của tỉnh dựa vào nâng cao năng suất lao động, chất lượng, đầu tư, sức cạnh tranh và kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế hướng tới phát triển nhanh và bền vững, cụ thể là:

- Về phương thức thực hiện: Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu, trong đó, theo chiều sâu là định hướng chủ đạo trong dài hạn.

- Về động lực tăng trưởng: Chuyển dần từ dựa vào các yếu tố đầu vào của sản xuất, khai thác nguồn lực tự nhiên sẵn có sang dựa vào năng suất, chất lượng lao động, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

- Về nguồn lực tăng trưởng: Khai thác và phát huy tối đa các nguồn nội lực của tỉnh kết hợp với thu hút và sử dụng hiệu quả ngoại lực (trong nước và nước ngoài); đối với một số lĩnh vực, như: công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, huy động và sử dụng các nguồn ngoại lực thành đột phá về nguồn lực tăng trưởng.

Để định hình không gian phát triển Đắk Lắk tổ chức cấu trúc không gian với 1 trọng điểm - 3 cực - 3 hành lang - 3 tiểu vùng:

- Trọng điểm TP. Buôn Ma Thuột và phụ cận. Đây là trọng điểm phát triển kinh tế không chỉ của Đắk Lắk mà của cả vùng Tây Nguyên, đô thị đi đầu trong phát triển các ngành kinh tế mới, chuyển đổi số gắn với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa theo hướng Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc trên nền tảng ứng dụng công nghệ số và quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc các ngành kinh tế đô thị hướng vào chất lượng, bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Ba cực phát triển, gồm:

+ Thị xã Buôn Hồ (cực tăng trưởng trung tâm tiểu vùng phía Bắc của Tỉnh): Thị xã Buôn Hồ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp, nông lâm nghiệp và chế biến xuất khẩu hàng hóa giá trị cao.

+ Thị xã Ea Kar (cực tăng trưởng phía Đông): Là trung tâm công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với vùng sản xuất lúa, hoa màu, chăn nuôi gia súc... chất lượng cao. Có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ thương mại với lợi thế về giao thông: nằm trên trục Quốc lộ 26, gắn kết dễ dàng với Quốc lộ 29 và tuyến đường sắt nối ra hành lang biển Đông.

+ Thị trấn Ea Drăng (cực tăng trưởng mới phía Bắc) đóng vai trò là đô thị cửa ngõ phía Bắc của Tỉnh, là đô thị đầu mối giao thương kết nối không chỉ với các trung tâm của 2 tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk, mà còn kết nối với thị xã Buôn Hồ (cách 40 km theo Quốc lộ14); với TP. Buôn Ma Thuột (cách 82 km theo Quốc lộ 14), gắn với trục hành lang QL14, cao tốc Ngọc Hồi - Chơn Thành, trục liên kết Đông - Tây (TL15), trực tiếp thông thương hàng hóa ra khu vực cảng biển.

- Ba hành lang động lực, gồm:

+ Hành lang kinh tế tổng hợp (Quốc lộ 14) có vai trò thúc đẩy phát triển liên kết, trung chuyển, giao thương kinh tế - xã hội của Đắk Lắk. Tuyến hành lang kinh tế được xây dựng và đầu tư phát triển để trở thành trục động lực tăng trưởng kinh tế - đô thị bền vững của toàn Tỉnh. Phát triển về nông nghiệp và công nghiệp, thương mại – đầu tư – dịch vụ.

+ Hành lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (Quốc lộ 29) là hành lang xuyên Á nối khu vực Asean qua Đắk Lắk nối với Phú Yên ra biển Đông với cụm cảng biển Vũng Rô tại Khu kinh tế Nam Phú Yên Bắc Khánh Hòa đến Cửa khẩu Đắk Ruê, Đắk Lắk, là trục chính phát triển kinh tế - xã hội quan trọng phía Đông/Bắc Tỉnh.

+ Hành lang phía Đông (Quốc lộ 26 và đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột): Hình thành các chức năng dịch vụ du lịch và trung chuyển hàng hóa.

- Ba tiểu vùng, gồm:

+ Tiểu vùng Trung tâm gồm: TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin, Krông Ana và Buôn Đôn là tiểu vùng động lực đóng vai trò quan trọng nhất của Tỉnh, vùng đô thị hóa tập trung của Tỉnh với TP. Buôn Ma Thuột là trung tâm và các các khu vực phụ cận;

+ Tiểu vùng phía Bắc gồm thị xã Buôn Hồ và các huyện: Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng, Krông Búk là tiểu vùng kinh tế đóng vai trò quan trọng trong liên kết phát triển giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh Bắc Tây Nguyên, đồng thời là cửa ngõ quan trọng của Tỉnh kết nối với các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung gắn với hành lang kinh tế Bắc – Nam;

+ Tiểu vùng phía Đông Nam gồm các huyện: Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk có vai trò quan trọng về văn hóa và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch, nông lâm nghiệp của Tỉnh./.

Võ Ngọc Tuyên - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 05, tháng 3/2024)