Không để tình trạng cây xăng "móc túi" người tiêu dùng
Hành vi vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu ngày càng tinh vi và phức tạp
Ngày càng tinh vi và phức tạp
Theo tin từ báo Nông Nghiệp, đầu năm 2015, chỉ 6 tháng đầu năm 2015, Sở Công Thương Đồng Nai đã kiểm tra 1.359 cơ sở và phát hiện, lập biên bản xử lý 1.333 vụ vi phạm về hàng hóa, với tổng số tiền phạt, bán hàng tịch thu nộp ngân sách nhà nước gần 4 tỷ đồng. Trong đó, có 2 vụ vi phạm mang tính chất nghiêm trọng đã được chuyển qua cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai điều tra mở rộng.
Ngoài ra cũng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai đã tăng cường kiểm tra và phát hiện hàng trăm cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi gian lận về đo lường và chất lượng. Theo đó, hành vi vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu được xác định tăng gấp… 10 lần so với năm 2014!
Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai cho biết, các trạm xăng dầu vi phạm bị phát hiện chủ yếu nằm trên các trục quốc lộ chính, khách mua 100 lít xăng dầu đã bị ăn “móc túi” từ 4 đến 5 lít, tức là khoảng 4-5% giá trị.
Cụ thể phát hiện ở nhiều cây xăng có IC chương trình ở trụ xăng được thay bằng IC khác mà mắt thường khó phát hiện được. Khi khách vừa đến đổ xăng dầu (thường là đối với xe tay ga hay ô tô – có thùng chứa xăng lớn) thì ở bên trong, nhân viên tắt cầu dao điện hoặc dùng máy tính để tác động đến IC ở trụ xăng dầu phía bên ngoài để gian lận xăng dầu khách mua.
Đối với những trạm xăng dầu ăn gian chất lượng bị phát hiện, đoàn kiểm tra ghi nhận có trường hợp một trụ bơm có hai đường ống dẫn ra phía sau. Nếu thấy đoàn kiểm tra, nhân viên giả vờ bơm ở đường ống có xăng dầu chất lượng. Đoàn kiểm tra đi, nhân viên bơm ở đường ống chứa xăng dầu kém chất lượng được mua trôi nổi, giá rẻ trên thị trường để móc túi một số tiền lớn.
Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk, trong 2 tháng đầu năm, qua kiểm tra 17 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, trong đó kiểm tra hành vi gian lận thương mại 9 doanh nghiệp, phát hiện 6 doanh nghiệp tác động gắn chíp (IC chương trình) làm sai lệch số báo trên đồng hồ đo, bớt, xén xăng dầu bán ra cho khách hàng. Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi thủ đoạn gian lận, hành vi, vi phạm của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.
Điều đáng buồn là hiện trạng này lại tồn tại khá phổ biến trên cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương,trong 4 tháng đầu năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.768 vụ, xử lý 273 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 5,7 tỷ đồng.
Những tồn tại chính nổi lên là một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu chấp hành không đúng quy định của pháp luật hiện hành, như: về xây dựng, về quản lý hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối, điều kiện, tiêu chuẩn về nhân viên bán hàng....
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Văn phòng Chính phủ vừa ra văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm hành vi gian lận xăng dầu.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện nghiêm túc, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi kinh doanh xăng dầu trái phép, gian lận về chất lượng, khối lượng khi bán xăng dầu.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý với các biện pháp các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng của Bộ Công Thương gồm tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền; chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối bảo đảm dự trữ xăng dầu, chịu trách nhiệm giám sát, quản lý về đo lường, chất lượng xăng dầu trong quá trình vận chuyển từ nơi xuất đến nơi nhận.
Về nguồn kinh phí mua sắm và việc sử dụng máy kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu, Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý với ý kiến của Bộ Tài chính. Theo đó, việc kiểm tra chất lượng trong kinh doanh xăng dầu chủ yếu do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại địa phương thực hiện; đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp sử dụng máy của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong kiểm tra chất lượng xăng dầu. Nguồn kinh phí mua sắm máy kiểm tra nhanh chất lượng xăng dầu bố trí trong dự toán ngân sách địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành Thông tư quản lý về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu; có biện pháp kỹ thuật giám sát hoạt động của cột đo xăng dầu để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả điều tra, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9646/VPCP-V.I ngày 02/12/2014 và Văn bản số 2813/VPCP-V.I ngày 22/04/2015 của Văn phòng Chính phủ./.
Bình luận