Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng còn hạn chế
“Qua tổng kết cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn. Tuy nhiên, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn có những hạn chế, tồn tại…”, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, khi giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, tại Kỳ họp thứ 2 của của Quốc hội đang diễn ra, theo Văn phòng Quốc hội.
Trước thực tế trên, ông Phong cho biết, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương liên quan để xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Theo ông Đoàn Hồng Phong, năm 2021, số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm trước, nhưng các vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển sang cơ quan điều tra tăng. Ảnh: Quốc hội |
Cũng theo ông Phong, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập... Tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội; phòng, chống tham nhũng để từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng.
Theo ông Đoàn Hồng Phong, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc trong 6 tháng đầu năm 2021 sang cơ quan điều tra ngay trong quá trình thanh tra, khi chưa dự thảo Kết luận thanh tra. |
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, năm 2021, số cuộc thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2020, nhưng việc phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra tăng. Điều này cho thấy chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra đã từng bước được nâng lên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các cơ quan nội chính trong việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, tại cuộc họp phiên thứ 20 vào đầu tháng 3/2021 vừa qua. Đó là, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thi hành án, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. Điển hình về cuộc thanh tra việc quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chuyển 7 vụ việc trong 6 tháng đầu năm 2021 sang cơ quan điều tra ngay trong quá trình thanh tra, khi chưa dự thảo Kết luận thanh tra.
Trước đề cập của đại biểu Quốc hội về thanh tra liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Tổng Thanh tra cho biết, vừa qua, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết, trong đó có nội dung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm và có biện pháp phòng ngừa, phòng chống tiêu cực, tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra năm 2022, trong đó có nội dung hướng dẫn, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra nội dung này trên phạm vi toàn quốc…/.
Bình luận