Còn hiện tượng gây nhũng nhiễu, trục lợi từ người dân trong quá trình thanh tra...
Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi
Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, khi chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực Thanh tra, đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi “nóng” cho Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Điều này thể hiện qua nhiều ý kiến tranh luận tại phiên chất vấn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, sau khi tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại đã phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm |
Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, hiện nay nhiều cây xăng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không bán hoặc bán rất ít, giới hạn chỉ 500.000 đến 600.000 đồng đối với một ô tô đã gây bức xúc cho người dân. Đề nghị Thanh tra Chính phủ cho biết đã chỉ đạo thanh tra đột xuất việc cung ứng xăng dầu tại hai Thành phố này chưa? Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngành đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, tiến hành thanh tra về công tác xăng dầu hiện nay. Ngành đang triển khai phối hợp với ngành Công thương để đảm bảo bình ổn cung ứng xăng dầu… |
Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hóa) khẳng định, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã được xử lý nghiêm, qua đó làm giảm đáng kể vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi. Trước thực tế này, đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng những năm vừa qua. Thanh tra Chính phủ có giải pháp, căn cơ nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với bộ, ngành địa phương, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm đối với lĩnh vực ngân hàng như: tiền tệ, cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, phòng chống rửa tiền….
“Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra việc thu, chi của các ngân hàng. Tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 4 ngân hàng thương mại. Sau thanh tra đã phát hiện nhiều bất cập cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm…”, ông Phong cho biết.
Các địa phương, cơ quan bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều
Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra. Hiện nay không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành thanh tra. Đề nghị Tống Thanh tra Chính phủ có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Tống Thanh tra Chính phủ có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra? |
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, thời gian qua có thực hiện nguyên tắc từng bước tách bạch hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, nâng cao tính độc lập, tính pháp lý để thanh tra hiệu quả hơn..
Về hạn chế số lượng thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng trong việc tham mưu thủ trưởng quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm, cần lưu ý hạn chế số lượng thanh tra để đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm.
Liên quan đến xử lý chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán đã phối hợp với nhau trong ban hành quy chế phối hợp triển khai, xử lý chồng chéo từ khâu xây dựng kế hoạch thanh tra cũng như tổ chức thực hiện thanh tra. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo, thì giữa 2 cơ quan có sự bàn bạc, trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.
Cơ chế thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra như thế nào?
Tranh luận tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ là trong thực tiễn qua thanh tra đã phát hiện những vụ việc tiêu cực. Tổng Thanh tra đã trả lời chủ yếu là các hoạt động giám sát. Tuy nhiên, đề nghị Tổng Thanh tra nói rõ hơn về cơ chế thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra, giám sát như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị Tổng Thanh tra nói rõ hơn về cơ chế thanh tra lại hoạt động của đoàn thanh tra, giám sát như thế nào? |
Về xử lý tập thể, cá nhân, nhất là nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành Thanh tra, thì các cơ quan đã xử lý hành chính 1.714 tổ chức, 4.841 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra là 76 vụ, 93 đối tượng. |
Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, về cơ chế thanh tra lại các đoàn thanh để tìm ra tiêu cực tham nhũng, trong Luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Thực tế, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thì ngành vẫn thực hiện. Ví dụ vừa qua, Bộ Công an có một số vụ việc báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng giao ngành Thanh tra tiến hành thanh tra lại kết quả này…
Để có giải pháp hiệu quả cho tình trạng này, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06 và Chỉ thị số 719 chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra; quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra. Đây là giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, phiền hà trong hoạt động của thanh tra.
“Dư luận có phản ánh cán bộ thanh tra trong ngành có biểu hiện và dấu hiệu tiêu cực; mong các đại biểu Quốc hội và cử tri phản ánh trực tiếp để Tổng Thanh tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật…”, ông Phong đề xuất.
Về trách nhiệm nêu gương, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, trách nhiệm nêu gương đạo đức công vụ luôn luôn phải đề cao, đặc biệt ở người đứng đầu, đồng thời khẳng định bản thân luôn chấp hành, tuân thủ tốt các quy định, nêu cao tinh thần gương mẫu, thực hiện nghiêm công tác lãnh đạo chỉ đạo; xem xét báo cáo; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tham gia tiếp công dân.
Về sai phạm đạo đức công vụ xảy ra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cán bộ ngành thanh tra nói chung cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là vụ việc xảy ra ở thanh tra ngành Xây dựng vừa qua. Còn có hiện tượng gây phiền hà, nhũng nhiễu, trục lợi từ người dân trong quá trình công tác. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục sửa đổi quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn, từng bước giải quyết vấn đề này. Tới đây, sẽ có quy định cụ thể về những việc cán bộ thanh tra không được làm, không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm…
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra như: cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức và nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra…
Thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó
Cũng phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định, vấn đề này có nhiều nguyên nhân và rất khó để thu hồi, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn về khó khăn trong việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên |
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nên tập trung ưu tiên xử lý kinh tế, không chuyển từ án kinh tế sang hình sự. Đây là quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Thanh tra Chính phủ cũng quán triệt quan điểm này trong xử lý các vụ việc.
Theo đó, đối với một số vụ việc, sau thanh tra thì vẫn yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra. Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế trong thời hạn thanh tra. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng trong một thời hạn nhất định, có thể 1 năm đến 1,5 năm, nếu sau thời gian này không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra.
Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đắk Nông), hiện này còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hữu hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn? Thời gian qua Thanh tra Chính phủ đã rất nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn ít so với tỷ lệ các vụ việc được phát hiện sau thanh tra. Đề nghị Tổng thanh tra cho biết nguyên nhân của vấn đề này?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp |
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa nhận đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. 9 tháng đầu năm 2022, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.
Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung các giải pháp khắc phục như: hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng…
Chậm ban hành kết luận thanh tra có thể tác động đến tính khách quan của kết luận thanh tra
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn, tại phiên thảo luận về dự án Luật Thanh tra cũng như tại phiên chất vấn ngày hôm nay, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc này có thể sẽ tác động đến tính khách quan của kết luận thanh tra. Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm việc ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định của pháp luật?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi), trong đó có xây dựng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, đã được điều chỉnh với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 ngày đến 30 ngày.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, trước đây quy định tất cả các cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, đến thanh tra sở, ngành, huyện đều là 15 ngày, hiện đã phân ra cuộc thanh tra của Chính phủ và thanh tra quy mô phức tạp là 30 ngày. |
Về việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ những cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận phải báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến và xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, đối tượng thanh tra. Nhưng thời gian tới, việc sửa đổi Luật Thanh tra chỉ phải báo cáo trong trường hợp: Cuộc thanh tra liên quan đến quốc phòng, an ninh; cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và cuộc thanh tra do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết số 45, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra; thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra.…/.
Bình luận