Kinh tế xanh: Nền kinh tế tương lai
“Kinh tế xanh” là gì?
Kinh tế xanh gồm tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Hai khái niệm này có thể bổ sung cho nhau, cũng có thể không tồn tại cùng một lúc do không phải quốc gia nào tăng trưởng kinh tế cũng đi đôi với bảo vệ môi trường.
Khái niệm nền kinh tế xanh ngày càng phổ biến khi thế giới đang đối mặt khủng hoảng về khí hậu, môi trường, lương thực, tài chính và kinh tế. Với ước vọng thay thế nền kinh tế nâu bằng nền kinh tế xanh, các nhà lãnh đạo không ngừng ra sức tìm kiếm từng bước phát triển bền vững.
Để xem xét câu hỏi “Tăng trưởng xanh là gì”, Vụ Kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA), Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) đã thành lập nhóm các chuyên gia gồm Jose Antonio Ocampo (công tác tại Đại học Columbia), Arona Cosby (UNCTAD) và Martin Khor (Trung tâm nghiên cứu phía nam Mỹ) nhằm xem xét và phân tích về vấn đề này. Các chuyên gia đã đưa ra một số nhận định trong bản báo cáo của mình.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, khái niệm “nền kinh tế xanh” cần được xem xét trong mối liên hệ với các khái niệm lâu đời hơn và rộng hơn của thuật ngữ “phát triển bền vững”, gồm khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, các nguyên tắc phân bổ công bằng nguồn lực kinh tế. Martin Khor ghi nhận một số vấn đề và rủi ro trong việc sử dụng khái niệm này tại các nước đang phát triển. Cụ thể, ông nhấn mạnh sự cần thiết xác định sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế và môi trường có thể phát sinh ở từng bước phát triển kinh tế. Chuyên gia Martin Khor lưu ý tầm quan trọng việc kết hợp thuật ngữ “kinh tế xanh” của Chương trình nghị sự thế kỉ 21 và các nguyên tắc Rio đã thống nhất tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED) năm 1992, đặc biệt là nguyên tắc về trách nhiệm của các nước có liên quan.
Martin Khor cũng xác định rủi ro của việc sử dụng sai khái niệm nền kinh tế xanh. Thứ nhất, nó được dùng như một mô hình sinh thái thuần tuý. Thứ hai, các nước sẽ áp dụng biện pháp giống nhau mà không tính đến đặc thù của mỗi quốc gia. Ngoài ra, còn có rủi ro liên quan đến chế độ thương mại.
Đối với việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, cần có một cuộc cách mạng công nghệ. Phần lớn các sản phẩm công nghệ được sản xuất tại các nước phát triển. Bởi vậy, các nước đang phát triển rất chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghệ để giải quyết các vấn đề kinh tế, sinh thái và xã hội.
Làm gì để xây dựng nền kinh tế xanh?
Theo báo cáo của các chuyên gia, cần phát triển các cơ chế toàn cầu để tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển mọi lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển công nghệ tại các nước đang phát triển.
Nhóm chuyên gia cho biết, một biện pháp quan trọng khác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững là mở rộng quyền tự do tiếp cận công nghệ thuộc lĩnh vực công cộng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại các nước đang phát triển. Ở các nước phát triển, cần kích thích dòng chảy công nghệ trực tiếp hoặc thông qua việc khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân.
Về xây dựng nền kinh tế xanh, cần thay đổi luật quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm việc mở rộng thực tiễn việc sử dụng giấy phép, tăng cường tiêu chuẩn bằng sáng chế, hạn chế thời gian bảo hộ sáng chế, cho phép các nhà sáng chế sử dụng kiến thức đã được cấp bằng sáng chế để phát minh ra cái mới.
Việc chuyển đổi sang “nền kinh tế xanh” chắc chắn sẽ gây ra sự thay đổi trong cơ cấu thương mại. Do đó, điều này sẽ đem lại những lợi ích kinh tế tiềm năng cho các nước đang phát triển, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hoá.
Bên cạnh đó, giảm bớt hàng rào thuế quan với thiết bị và hàng hoá bảo vệ môi trường rất cần thiết cho từng bước chuyển giao sang nền kinh tế xanh. Khi đó, các nước phát triển có thể phân loại và quảng cáo hàng hoá dịch vụ môi trường ra nước ngoài.
Việc đề ra các tiêu chuẩn về môi trường cũng đóng vai trò quan trọng cho sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Ví dụ, điều chỉnh thuế carbon. Các tiêu chuẩn và hạn chế dựa trên các phương pháp chế biến sản xuất có thể được sử dụng để tạo ra lợi thế cho các nhà sản xuất trong nước. (ví dụ: đánh dấu thành phần carbon).
Đồng thời, cần nâng cao “tiêu chuẩn xanh” với hàng hoá xuất khẩu. Chính phủ sẽ hướng dẫn các công ty xuất khẩu đạt được những tiêu chuẩn cần thiết. Các tiêu chuẩn này là công cụ để kiểm tra và chứng nhận hàng hoá. Nâng cao tiêu chuẩn quốc gia và tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp mở rộng lượng hàng hoá ra thị trường nước ngoài, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Nhìn chung, các tiêu chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ rất quan trọng cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, các nước phát triển có thể chuyển giao kĩ thuật môi trường cho các nước đang phát triển./.
Nguồn tham khảo:
1. Порфирьев Б., «Зеленая» экономика, реалии, перспективы, Моск. центр Каргени, 2013
2. https://riss.ru/analitycs/5915/
3. https://articlekz.com/article/11842
4. https://rg.ru/2013/03/12/siryo.html
Bình luận