Ký ức về bài nghiên cứu đầy cảm xúc xuất bản 3 năm trước
TS. Vương Quân Hoàng |
Cách đây 3 năm, chúng tôi có hân hạnh giới thiệu nghiên cứu có tiêu đề “Cultural evolution in Vietnam's early 20th century: A Bayesian networks analysis of Hanoi Franco-Chinese house designs” [1] tới cộng đồng quốc tế, trên Tạp chí khoa học Social Sciences & Humanities Open (SSHO) của Nhà xuất bản Elsevier. Đối với toàn bộ đội ngũ tác giả tham gia, đây là bài yêu thích, đầy cảm xúc và có rất nhiều điểm đặc biệt. Nhưng riêng đối với tôi, nó còn đặc biệt hơn nhiều lần, tới mức phải để 3 năm sau, khi mọi cảm xúc đã lắng xuống, Covid-19 qua đi, mới nên ôn lại. Nay tôi mượn vài trang giấy này để nói ra cho trọn vẹn, hay theo cách nói kiểu Mỹ, “once and for all”.
Thoạt đầu, nghiên cứu này được sử dụng để phát triển vài ý tưởng chính:
-
Lưới Bayesian cho dữ liệu tưởng chừng như không thể lượng hóa (“seemingly unquantifiable”);
-
Hiệu lực của lượng dữ liệu nhỏ (tổng số chỉ có 68 dòng dữ liệu);
-
Kiểm tra sức thuyết phục đối với độc giả khó tính, trước tiên và trên hết bài các tay bút biên tập và bình duyệt;
-
Hoàn thiện chương trình máy tính bayesvl chạy trên R [2].
Lẽ tự nhiên, cả 4 mục tiêu này đã hoàn thành. Tuy nhiên, nếu chỉ về 4 mục tiêu trên, thì không cần đến những dòng chữ này. Mà điều quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu những vẻ đẹp về văn hóa, lịch sử và cả không gian sinh tồn trong thời kỳ chuyển tiếp sang một xã hội Việt Nam hiện đại hôm nay. Điều này đặc biệt quan trọng với tôi, vì vài lý do sẽ trình bày dưới đây.
Hình ảnh bài viết trên trang web của Tạp chí:
Hình 1. Screenshot bài xuất bản trên SSHO URL: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2590291119300014 |
Bài toán nghiên cứu trực chờ trong ký ức...
Tôi sinh ra và lớn lên ở khu phố Trần Phú, góc Lý Nam Đế, tức là kề sát về hướng dân cư nhộn nhịp, đông đúc của Hà Nội: Phùng Hưng, Hà Trung, Hàng Da, Đường Thành, Hàng Bông... Khu nhà tôi ở là một biệt thự cũ của Pháp, với kiến trúc điển hình. Tuy nhiên, đừng nhầm rằng tôi ở trong biệt thự, mà đó là nơi ở của 30 hộ dân. Phần cao ráo, sáng đẹp, có cầu thang riêng là của nhà cụ Trần Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình thời đó. Cụ Trần Lâm là lão thành cách mạng, có đóng góp từ thời Chính phủ lâm thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là thân sinh ông Trần Bình Minh, sau này là Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam (cấp chức vụ cũng tương đương Bộ trưởng). Dọc tuyến phố Trần Phú ở Hà Nội có rất nhiều biệt thự Pháp cổ và cả công thự, kéo dài suốt từ đầu cắt Lý Nam Đế lên tới tận phía Lăng Hồ Chủ Tịch. Trước cửa tất cả các biệt thự, công thự (bao gồm cả các đại sứ quán và nhà riêng đại sứ), đều có những gốc cây sấu cổ thụ cả trăm năm tuổi. Các gốc cây sấu già, sù sì, gốc cây hăng hắc mùi hoa sấu này chính là “thánh địa” bắt ve của bọn trẻ con chúng tôi những năm 1970s. Riêng về những gốc cây sấu già này, tôi xin dành vài dòng cuối để viết tiếp cảm nghĩ.
Hình 2. Tranh của Bùi Quang Khiêm https://ars.els-cdn.com/content/image/1-s2.0-S2590291119300014-gr11.jpg |
Nói tất cả những điều này để khẳng định, kiến trúc và không gian sống của bài nghiên cứu gần gũi và luôn tạo cảm xúc “thuộc về bản thân”.
Ngoài tôi ra, trong số các đồng tác giả, ít nhất có hai người nữa, cũng có thời gian dài sinh sống trong những không gian tương tự và chia sẻ cùng cảm xúc là Bùi Quang Khiêm và Nghiêm Phú Kiên Cường. Gia đình họa sỹ Bùi Quang Khiêm xa xưa còn sở hữu một biệt thự nhỏ ở Hàng Bè, nay ta vẫn gọi là phố cổ, còn Kiên Cường thì ở khu số 5 Phan Bội Châu một thời gian dài. Sau các biến động cuộc sống, nay cả 3 người chúng tôi không còn ai sống ở đó nữa. Tuy nhiên, họa sỹ Khiêm có một thói quen, sở thích và kỷ luật: chụp ảnh các ngôi nhà tiêu biểu cho thời kỳ tiếp biến văn hóa đầu thế kỷ 20 ở Hà Nội. Khiêm có cả xê-ri tranh linocut về loại không gian này, bằng những chất liệu không cần sang trọng, nhưng thần thái thì không thể sang hơn và Hình 2 chính là một ví dụ (hình này được sử dụng trong bài nghiên cứu). Một sáng ngày Tết nguyên đán, tôi nhớ là vào năm 2016, Khiêm rủ tôi đi dạo phố Hà Nội, đi ngược lên phố cổ. Hôm đó nắng đẹp, nên tranh thủ chụp ảnh. Sau khi chụp được 5-6 hình của một ngôi nhà ở phố Hàng Than, chúng tôi dừng lại nói chuyện. Thế rồi Khiêm mở máy ảnh ra để cho tôi xem một loạt ảnh trước đó đã chụp của nhiều ngôi nhà khắp khu phố cổ.
Sau khi bàn luận nhiều thứ xung quanh các hình ảnh, họa tiết trang trí, phào chỉ, cột kèo, kích thước cửa, tỷ lệ tạo hình…, tôi chợt nhận ra một điều rất đơn giản: Trong máy của họa sỹ Khiêm đang chứa những hình ảnh có khả năng chuyển đổi để trở thành dữ liệu nghiên cứu. Đó là khoảnh khắc “serendipity strike” [3] và nhận thức về một bài toán nghiên cứu đã nằm sẵn chực chờ trong ký ức từ từ trỗi dậy. Ngày tháng trôi qua, bài toán đó trở thành một câu hỏi thực thụ, nghiêm túc. Điều đáng nói, là ngay từ ban đầu, nó đã có dáng vẻ đậm cảm xúc. Không khó để có hình dung ngờ ngợ ngay lúc đó, nếu hoàn thành, đó là một nghiên cứu đáng giá và xuyên thời gian.
Sau đó, soi chiếu với các lý thuyết đang có về hệ giá trị như mindsponge [4] và quá trình lâu dài chuẩn bị đúng chất 3D [5], cuối cùng nhóm nghiên cứu AISDL “khởi công” bài [1] từ giữa 2018 và tới 2019 thì hoàn thành. [1] cùng với [6-7] tạo thành một bộ 3 được yêu thích bậc nhất trong số rất nhiều nghiên cứu đã xuất bản của Trung tâm ISR (Phenikaa University) kể từ 2017.
Tính hấp dẫn của [1] đương nhiên là có phần ảnh hưởng mạnh do đánh giá chủ quan. Nhưng tôi cũng có dịp thử tìm hiểu cảm nhận của người khác. Một ví dụ là trong một lần trao đổi với người bạn, cũng đặc biệt quan tâm văn hóa, nghệ thuật, triết học là Giáo sư Ngô Bảo Châu, tôi có trình bày 3 nghiên cứu [1,6,7]. Nhà toán học lỗi lạc Ngô Bảo Châu sau một hồi xem thì bảo tôi rằng, anh thích nhất nghiên cứu [1] vì tiếp cận độc đáo, sáng tạo và hướng thượng.
Ở ngay đầu bài nghiên cứu, tôi đã đề tặng tác phẩm này cho người thầy đã khuất, hướng dẫn luận án tiến sỹ của tôi, GS. André Farber của Université Libre de Bruxelles. Ông là người cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Pháp và sinh ra ở khu trung tâm Bruxelles, vùng nói tiếng Pháp của Bỉ. Khi tới Hà Nội, ông cũng rất thích thú với không gian văn hóa còn vương vấn dấu ấn của thời kỳ tiếp biến văn hóa mà khu phố cổ Hà Nội dường như ít nhiều còn lưu giữ được.
Cũng không tình cờ mà hai cháu nhà tôi chọn học tiếng Pháp từ bé và bây giờ đều đang làm việc và học tập ở Paris. Còn nhớ, khi cháu thứ hai đang làm hồ sơ nộp cho các trường đại học ở Pháp (lúc đó là lớp 12, còn ở Hà Nội), có vài nơi cháu cũng thích. Và một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của quyết định chọn nơi nộp hồ sơ chính là kiến trúc và không gian văn hóa của trường, ở khu vực cổ kính của Paris. Cháu đã chọn Sorbonne Université, nơi hiện nay đang theo học. Một điều vô cùng lý thú, sau khi Đại học Pierre et Marie Curie – còn gọi là Paris VI – hợp nhất với Sorbonne Université, thì bạn ấy đang học trường có cựu sinh viên chính là GS Ngô Bảo Châu (https://en.wikipedia.org/wiki/Sorbonne_University).
Lại nói về thời điểm bài báo ra đời. Lúc xuất bản năm 2019, là lúc rực lửa không khí xuất bản ISI (Web of Science) và Scopus ở toàn cõi Nam ta, để kiếm tiền thưởng bài quốc tế. Quyết định của tôi đã gửi bài này tới Tạp chí của Elsevier mà tôi biết là không trong danh mục ISI Web of Science, cũng không trong Scopus. Đó là vì tôi đã lựa chọn để có thể xuất bản trên Tập 1, Số 1 của Tạp chí mới SSHO. Điều kỳ diệu là, không chỉ Tập 1, Số 1, mà bài này cũng là bài số 1 của lịch sử toàn tạp chí! Đánh số bài là 100001. Nếu viết kiểu APA thì sẽ có dạng: 1(1), 100001. Một dãy số có 4 chữ số 1 và 4 chữ số 0. Một dãy số nhị phân cân đối tới hoàn hảo.
Còn nhớ, quyết định cuối cùng khi chấp thuận xuất bản bài của Ban Biên tập nói rõ đây chính là loại nghiên cứu mà Tạp chí muốn xuất bản.
“Thank you for submitting your work to this journal; we are really very happy to be publishing this piece of work”.
Với tư cách là người đã tham gia biên tập hơn 100 bản thảo nghiên cứu cho các tác giả của nhiều tạp chí khác nhau, tôi có thể xác nhận, đây không phải loại ngôn ngữ phổ biến của thư chấp thuận, vốn thường chỉ rất tiêu chuẩn, khá lạnh lùng và có phần cơ học. Thứ tiếng Anh láy lặp nhằm cố gắng lột tả cảm xúc kiểu “really very happy” rất hiếm khi xuất hiện trong các trao đổi học thuật. Nó chỉ có thể xuất phát từ sự vui mừng thực sự và bày tỏ không cần che đậy. Hơn nữa, nó là phần P/S, sau khi phần nội dung thư chấp thuận đã hoàn thành.
Chỉ có thể cảm ơn cuộc sống đã mang đến những ý tưởng, suy ngẫm, những người bạn và đồng nghiệp đã cùng nhau hoàn thành một câu chuyện hay trong chặng đường theo đuổi ý nghĩa công việc. Và cũng phải cảm ơn những người đóng vai “bà đỡ” cho tác phẩm ra đời, những người biên tập và phản biện, giúp hoàn thiện bản thảo cho tới tận khi ra mắt độc giả.
Những dòng cuối trước khi kết thúc
Thỉnh thoảng, họa sỹ Khiêm lại ghé qua café. Và không lần nào quên cập nhật về những ngôi nhà trong không gian phố cổ. 80% thông tin là về việc phá dỡ và biến mất của những ngôi nhà chất chứa hồn phách Hà Nội. Tiếc nuối thì thực tế đó cũng vẫn tiếp tục diễn ra. Chúng tôi lại nhớ về bài báo trên Khoa học & Phát triển, giới thiệu sớm kết quả của [1], có tiêu đề: Tiếp biến văn hóa tại Việt Nam đầu thế kỉ 20: “Nơi tầng 2 - Phố Phái” [8].
Hình 3. Xác ve đậu trên gốc cây sấu, ảnh chụp ngày 10-5-2016 ©photo Vương Quân Hoàng |
Những nghiên cứu mới nhất tôi có thấy trích dẫn [1] là hai bài báo trên Tạp chí của American Linguist Association nhan đề “The role of confucianism in sociopolitics of the Nguyen dynasty in the first half of the 19th century” (xuất bản cuối năm 2021 [9]) và “The impact of marketing on activities of Vietnam arts and cultural organizations” (đầu năm nay, 2022 [10]).
Giấc mơ tuổi thơ rong chơi bắt ve đêm hè được thể hiện qua bức hình trên. Tôi chụp nó vào giữa mùa ve tháng 5-2016, trong khu vườn thuộc tư gia ở Sơn Tây, thị xã thuộc vùng Hà Nội, cách trung tâm 40km. Khu vườn khoảng hơn 2.000 thước vuông có 3 gốc cây sấu cổ thụ, ước từ 80-90 năm tuổi. Đối với tôi, xác ve đậu trên gốc cây là hình ảnh có giá trị lớn vô song. Giá trị lớn, ở đáy võng mạc, đó là sự phản ánh của cái đẹp của sự sống, vượt thoát và ý chí tự do. Nó ám ảnh dài lâu.
Tháng 10-2017, khi tổ chức hội thảo về dữ liệu KHXH, tôi đã dùng chính hình ảnh này cùng với lời thơ của cố nhạc sỹ Lam Phương (1937-2020) trong bài Đèn Khuya:
Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ
Tìm lại những phút vui ngày ấu thơ.
Bài [1] đã giúp tôi phần nào hoàn thành tâm nguyện đi một vòng cuộc đời để tìm về với ký ức đẹp đẽ, trong trẻo của tuổi thơ.
Đền đài dù to lớn thế nào, quân vương dù oanh liệt suốt đời ra sao, đế quốc dẫu hùng tráng muôn lời không tả xiết, rồi thì cuối cùng sẽ tới lúc tiêu vong, nhường chỗ cho sự đổi thay của thời cuộc. Phố Cổ Hà Nội rồi sẽ vãn, ký ức bằng vật chất sẽ phai mờ, nhưng hy vọng những thông điệp của bài báo này, cùng với những dữ liệu đã chia sẻ, sẽ đóng vai trò mảng trầm tích văn hóa, là dấu vết lịch sử-xã hội mà ngày nào đó trong tương lai, sẽ có những người Việt hoặc người quan tâm tới tiếp biến văn hóa Việt thời đầu thế kỷ XX, tìm đọc, mặc cho con tạo xoay vần.
Và đó đây, cảm thấy trong lòng ấm áp mỗi khi đọc được những dòng của những người gốc Việt bàn về văn hóa cội nguồn Việt Nam (ví dụ [11]), qua đó thấy được ẩn hiện sự đóng góp của thông tin khoa học từ bài nghiên cứu [1].
Ngẫm lại cũng thấy phải thật may mắn mới được hưởng phúc hoàn thành công việc này. Đứng trước dữ liệu gần như “không tuổi” và đang dần biến mất khỏi trần gian, lại càng thấy cuộc đời ngắn ngủi. Ngôi nhà ấy trăm năm trước đã từng là khát khao, là hun đúc của ý chí phấn đấu, là kết quả lăn lộn cõi hồng trần. Gốc cây ấy, trăm năm trước là nhân chứng của những cố gắng lao động, là sự trộn lẫn những ước mơ Khổng-Phật-Lão và cả cách tân thời đại, tìm mọi nẻo để khoe trổ với đời bằng nề ngõa, phào chỉ, hoa chuông, cuốn thư, đào tiên, cột kèo... Đến nay, trước biến đổi thời gian, dần cũng chỉ còn là những bức ảnh lịch sử mà thôi. Không thể có lời cảm thán nào hay hơn Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Nay tôi cũng bắt chước tiền nhân, ghi lại mấy dòng về cái sự suy ngẫm của bản thân, cho cái việc đã hoàn thành 3 năm trước, dẫu cho viết có dở hay bị chê cười cũng cam lòng./.
Tài liệu tham khảo
[1] Vuong, Q. H., et al. (2019). Cultural evolution in Vietnam's early 20th century: A Bayesian networks analysis of Hanoi Franco-Chinese house designs. Social Sciences & Humanities Open, 1(1), 100001.
[2] La, V. P., & Vuong, Q. H. (2019). bayesvl: Visually Learning the Graphical Structure of Bayesian Networks and Performing MCMC with 'Stan'. The Comprehensive R Archive Network (CRAN). Available at: <https://cran.r-project.org/web/packages/bayesvl/index.html>
[3] Vuong, Q. H. (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. Berlin, Germany: Walter de Gruyter.
[4] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2015). Acculturation and global mindsponge: an emerging market perspective. International Journal of Intercultural Relations, 49, 354-367.
[5] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2014). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process. International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4), 294-327.
[6] Vuong, Q. H., et al. (2018). Cultural additivity: behavioural insights from the interaction of Confucianism, Buddhism and Taoism in folktales. Palgrave Communications, 4(1), 143.
[7] Vuong, Q. H., et al. (2020). On how religions could accidentally incite lies and violence: folktales as a cultural transmitter. Palgrave Communications, 6(1), 82.
[8] KH&PT. (2019). Tiếp biến văn hóa tại Việt Nam đầu thế kỉ 20: “Nơi tầng 2 - Phố Phái”. https://khoahocphattrien.vn/kham-pha/tiep-bien-van-hoa-tai-viet-nam-dau-the-ki-20-noi-tang-2pho-phai/20190128091535223p1c879.htm
[9] Lan, P. T. (2021). The role of confucianism in sociopolitics of the Nguyen dynasty in the first half of the 19th century. Linguistics and Culture Review, 5(S4), 2403-2412. https://doi.org/10.21744/lingcure.v5nS4.2003.
[10] Quyen, N. T. A. (2022). The impact of marketing on activities of Vietnam arts and cultural organizations. Linguistics and Culture Review, 6(1), 99-109.
[11] Ngô, B. T. (2020). Can people with a name that is part-Vietnamese and part-foreign represent Vietnamese (cultural identity)?. Quora. https://www.quora.com/Why-do-so-many-people-with-a-name-that-is-half-Vietnamese-half-foreign-answer-questions-about-Vietnam-Can-they-represent-Vietnamese
Vương Quân Hoàng
(Viết tại Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2022, ngày “chị Bân” tái xuất, gây se lạnh đột ngột)
Bình luận