Hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD trao đổi thương mại Việt Nam – EU

Tại hội thảo Cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) tổ chức vào ngày 01/06/2016, Bộ Công Thương cho biết, nhằm hiện thực hóa lợi ích của EVFTA, Chính phủ Việt Nam và EU thống nhất sẽ nỗ lực hoàn tất quá trình phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực vào năm 2018.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh cho biết, khi nhìn về lợi ích cũng như cơ hội đến từ các FTA, các doanh nghiệp đều có thể tính toán được tác dụng của việc dỡ bỏ thuế quan. Đơn cử như với EVFTA, việc giảm thuế mà EU dành cho Việt Nam sẽ giúp 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể hưởng thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Bên cạnh đó, EVFTA có thể làm tăng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng 4% mỗi năm và xuất khẩu của EU vào Việt Nam hơn 3%.

Dự kiến Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm 2018

Đặc biệt, tại Lễ công bố Sách trắng lần thứ 9 được tổ chức ngày 02/03/2017, theo ông Micheal Behrens, Chủ tịch EuroCham, 100 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam – EU sẽ là con số có thể hy vọng khi EVFTA được thực thi.

Ông Bruno Angeler, Đại sứ châu Âu tại Việt Nam, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu khẳng định, EuroCham đang nỗ lực tăng tốc để đề nghị phê chuẩn EVFTA, từ đó, hướng tới hỗ trợ châu Á ổn định kinh tế.

Trong khi đó, tại Lễ công bố, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, trong bối cảnh Hiệp định TPP đang đối diện với nguy cơ bất định khi Mỹ rút khỏi Hiệp định thì mọi niềm tin, hy vọng đều dồn vào EVFTA. Bởi đây là cơ hội cho các sản phẩm Việt Nam vào 28 nước thành viên EU.

Ông Lộc cũng cho rằng, để Hiệp định sớm được hiện thực hóa, cần tập trung vào các vấn đề như nỗ lực thúc đẩy ký kết chính thức và phê chuẩn, các doanh nghiệp cần phải đánh giá và chuẩn bị chính xác nhất về năng lực cạnh tranh để tận dụng các cơ hội mở ra.

Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Baron de Grand Ry, lãnh sự danh dự của Việt Nam ở Bỉ đánh giá những triển vọng tích cực mà EVFTA sẽ mang lại. Ông De Grand Ry cho rằng, châu Âu chú trọng phát triển mối quan hệ đối tác thương mại với Việt Nam nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ ở quốc gia châu Á này.

Về mặt hàng hóa, châu Âu sẽ xuất khẩu mạnh hơn nữa vào thị trường Việt Nam các mặt hàng công nghiệp, đặc biệt là dược phẩm, hoá phẩm. Còn Việt Nam cũng có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu bởi Việt Nam có nhiều mặt hàng chất lượng tốt được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng như nông sản, hải sản, càphê…

Là chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ giữa châu Âu với châu Á, đặc biệt với Đông Nam Á, Giáo sư David Camroux thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - Trường Khoa học, Chính trị Paris nhấn mạnh, việc EU mở rộng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam khi quốc gia này có mối quan hệ chặt chẽ, lâu năm với các nước Trung Âu và Đông Âu. EVFTA sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia này, ngoài quan hệ sẵn có với Pháp, Đức…

Cần nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp

Liên quan đến những tác động của EVFTA, Giáo sư David Camroux cho rằng, Việt Nam cần phải thể hiện cải cách mạnh mẽ nền kinh tế, cải thiện tiêu chuẩn về môi trường, tăng cường quyền của người lao động. Còn đối với EU, Việt Nam không còn là một quốc gia đang phát triền nữa mà là một quốc gia mới công nghiệp hóa và đang là một “con hổ lớn” ở châu Á. Điều này buộc EU phải chú trọng nhiều hơn nữa trong mối quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam khi EVFTA được đánh giá mang tính tích cực.

Trong khi đó, theo phân tích của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các FTA đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, cơ hội đó không tự thân biến thành lợi ích. Việc có nắm được cơ hội đó hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Chính phủ cũng như của cộng đồng doanh nghiệp.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, người tiêu dùng EU luôn quan tâm đến môi trường và được bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, EU là thị trường tương đối đồng nhất, đòi hỏi cao hơn các thị trường khác, do vậy, muốn xâm nhập EU, doanh nghiệp luôn phải suy nghĩ về vấn đề chất lượng và ổn định chất lượng trong thời gian dài. Chỉ khi nào doanh nghiệp quan tâm đến điều đó thì xuất khẩu sang EU mới có tốc độ tăng trưởng tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để có thể tận dụng được các lợi ích của EVFTA, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tác về xuất xứ hàng hóa.

Theo bà Hiền, quy định về xuất xứ hàng hóa hay quy tắc xuất xứ là một trong các yếu tố thể hiện chính sách xuất nhập khẩu của các nước. Một mặt, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi, giúp tăng tính cạnh tranh và thúc đẩy phát triển thương mại đối với các ngành hàng ưu tiên xuất khẩu. Mặc khác, quy tắc xuất xứ chính là rào cản ưu đãi tiếp cận thị trường và là công cụ đối xử khác biện trong các thỏa thuận thương mại.

“Hiệp định EVFTA quy định về xuất xứ hàng hóa áp dụng cho mặt hàng công nghiệp khá thuận lợi, đối với các mặt hàng gia công chế biến có kim ngạch xuất khẩu cao mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu, như: máy móc thiết bị, dệt may, giày dép, thủy sản chế biến, các mặt hàng sơ chế, đồ gỗ...”, bà Hiền cho hay.

Đưa ra cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, bà Hiền cho biết, bên cạnh cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) truyền thống, Hiệp định cho phép nhà xuất khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. /.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/euviet-nam-dua-moi-quan-he-thuong-mai-len-tam-cao-moi/383515.vnp

http://vov.vn/kinh-te/evfta-dang-di-dung-tien-trinh-va-se-co-hieu-luc-vao-dau-nam-2018-550689.vov

http://www.vnmedia.vn/thi-truong/201612/doanh-nghiep-can-lam-gi-de-huong-loi-ich-tu-hiep-dinh-tu-do-551568/