Sẽ điều chỉnh biểu giá bán điện theo mùa và theo vùng

Theo Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 được ban hành tại Quyết định 428/QĐ-TTg, ngày 18/03/2016, EVN sẽ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện biểu giá bán điện hiện hành theo hướng: Điều chỉnh giá điện theo thay đổi của giá nhiên liệu, tỷ giá hối đoái, cơ cấu sản lượng điện phát và giá trên thị trường điện; Giảm dần tiến tới bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các miền, nghiên cứu thực hiện biểu giá bán điện theo mùa và theo vùng; Bổ sung biểu giá điện 2 thành phần: Giá công suất và giá điện năng, trước tiên áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện lớn.

Ngoài ra, giá bán điện phải bảo đảm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý đảm bảo các doanh nghiệp ngành điện tự chủ được về tài chính.

Đồng thời, điểm đáng lưu ý của Đề án là sẽ nghiên cứu thực hiện giá bán điện theo mùa và theo vùng.

Trước đó, vào tháng 09/2015, EVN cũng đã lấy ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, tổng hợp báo cáo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương trình Chính phủ. Theo kết quả tổng hợp, 96% ý kiến lựa chọn phương án biểu giá bán lẻ điện rút về 3 - 4 bậc thang thay vì 6 bậc thang như hiện nay, đồng thời chọn kịch bản 5 với mức giá từ 1.747 - 2.587 đồng/kWh.

Đề án mới của ngành điện đang đề xuất thêm cách tính giá điện theo mùa, theo vùng

Cần đứng về lợi ích của người dân

Dẫn lời TS. Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trên Báo điện tử Thanh niên cho biết, để minh bạch khi nghiên cứu áp dụng giá bán điện theo mùa, EVN phải làm rõ được giá hạch toán: giá thành/kWh điện là bao nhiêu gồm chi phí đầu vào, khấu hao, thuế...

“EVN ở vị thế không có cạnh tranh nên nhà nước phải nắm điều tiết về giá. Việc áp giá theo mùa theo cơ chế nào thì phải tính toán cụ thể, nhưng về góc độ người tiêu dùng thì giá càng minh bạch người tiêu dùng càng có lợi”, ông Ngãi nói.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng với người dân, phải có sự phân bổ lại cơ cấu giá giữa giá bán lẻ điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, tránh tình trạng giá điện sinh hoạt đang phải “gánh” phần nặng hơn khi giá điện sản xuất đang được giữ ở mức thấp hơn.

Đặc biệt, trong cách xây dựng biểu giá điện hiện nay của EVN, quyền lựa chọn của người dân tương đối ít. Điều này có thể nhìn thấy rõ ở việc chẳng hạn Hàn Quốc sử dụng biểu giá điện tùy chọn, quản lý theo nhu cầu, cho phép khách hàng tự động giảm giá bằng cách quản lý nhu cầu dùng điện trong giờ cao điểm. Hay tại Ontario (Canada), các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ trả tiền điện tính theo giờ sử dụng trong ngày. Giá tiền sử dụng theo giờ thay đổi tùy theo giờ trong ngày và tùy theo ngày trong tuần. Các khoảng thời gian cao điểm cũng thay đổi theo mùa hè và mùa đông. Tuy nhiên, nếu ký hợp đồng bán lẻ với một công ty bán lẻ điện, khách hàng có thể trả tiền theo giá đã thỏa thuận của hợp đồng...

Trong khi đó, trả lời trên Báo điện tử Dân Việt, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, EVN và Bộ Công Thương vẫn nói giá điện tiệm cận thị trường, nhưng thực tế vẫn đang là thị trường nửa vời.

“Thị trường phải có tăng có giảm, nhưng giá điện chưa bao giờ giảm, ví dụ mùa mưa khi nguồn phát thủy điện dồi dào đáng lẽ có thể giảm giá điện, nhưng EVN có rất nhiều lý do để không giảm”, vị chuyên gia về giá cả nói.

“Về lý thuyết, phải có nhiều người bán thì người dân mới được lựa chọn mua nhiều giá khác nhau, nhưng chỉ một mình EVN bán thì người dân làm gì có cơ hội”, ông Long nhìn nhận.

Dù vậy, với động thái giá điện có thể tính theo mùa vụ, người dân bắt đầu lo ngại, cứ mùa hè họ phải sử dụng rất nhiều điện. Giá điện mùa hè áp cao hơn giá điện mùa đông thì các hóa đơn điện sẽ còn tăng cao tới mức nào. Với lý do điều tiết giá điện hợp lý theo nguồn phát, yếu tố tiêu thụ, “nhà đèn” sẽ dùng giá điện cao để không chế bớt nhu cầu tiêu dùng của dân một cách hợp lý nhất cho mình.

Do đó, dù được tính theo mùa vụ hay vùng, EVN cũng cần cân nhắc để cân bằng lợi ích giữa EVN và người dân chứ không thể “trăm dâu đổ đầu dân”./.

Từ năm 2009 đến nay, giá điện đã điều chỉnh tăng 8 lần, chưa giảm lần nào, riêng năm 2011 và năm 2012 điều chỉnh tăng 2 lần; mức tăng mỗi lần là 5%. Tháng 3.2015, giá điện bình quân tăng 7,5%, lên 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).