Theo đó, đến 3/4 dư nợ cho vay VND có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm 5,5% tổng dư nợ, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012. Dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dư nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 31% vào tháng 6/2013.

Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 3/4, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,5%/năm tổng dư nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dự nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 31%/năm tháng 6/2013.

Trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 4, ngày 25/4/2014, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, trong thời gian tới tập trung triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng trong lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, nguồn vốn của gói tín dụng này sẽ dành cho doanh nghiệp ngư dân vay vốn phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển. Việc đầu tư tín dụng được xác định theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ khâu khai thác, nuôi trồng đến khâu chế biến, tiêu thụ, bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013.

Gói tín dụng trên sẽ được áp mức lãi suất ưu đãi 5%/năm với thời hạn cho vay tối đa có thể lên tới 10 năm.

Cùng với đó, NHNN cũng xây dựng gói tín dụng quy mô tới 12.000 tỷ đồng phục vụ cho nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên với lãi suất ưu đãi. ngoài ra, để tháo gỡ, NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng và phê duyệt đề án quy hoạch tái canh cà phê, làm cơ sở cho vay của ngành ngân hàng.

Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, theo quy luật thì tín dụng đầu năm thường tăng thấp, thậm chí âm, nhưng từ tháng 3 tín dụng đã tăng trưởng trở lại.

Tính đến 31/3, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã tăng 0,5% so với cuối năm 2013. Trong đó NHNN luôn chú ý thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên.

Về tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội), tính đến ngày 31/3 đạt 674.714 tỷ đồng, tăng khoảng 1,15% so với 31/12/2013.

Trong đó một số lĩnh vực có mức tăng khá như lúa gạo tăng 18,6%. Riêng chương trình cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2013–2014, tính đến 21/4 đã giải ngân 7.335 tỷ đồng, tương đương với khối lượng thu mua tạm trữ là 831 nghìn tấn quy gạo (đạt 83% kế hoạch đề ra).

Cho vay đối với lĩnh vực thủy sản đạt khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 0,67% so với 31/12/2013. Riêng cho vay thủy sản (cá tra, tôm) theo Công văn số 1149/TTg-KTN tại 5 NHTMNN đến ngày 31/3 đạt khoảng 36.000 tỷ đồng, tăng 0,38% so với cuối năm 2013.

Còn cho vay trồng, thu mua xuất khẩu cà phê, đến hết quý I, dư nợ cho vay (đã bao gồm dư nợ tại NHCSXH) đạt khoảng 33.372 tỷ đồng, tăng trên 8% so với 31/12/2013, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm khoảng 80% tổng dư nợ, cho vay trung, dài hạn chiếm gần 20%.

Với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đến 28/2/2014, dư nợ cho vay đạt 96.364 tỷ đồng, tăng 0,86% so với cuối năm 2013.
Với cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dù là lĩnh vực mới, nhưng đến 28/2, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 16.585 tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2013.

Đối với cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến 28/2/2014, dư nợ cho vay đạt 856.558 tỷ đồng, giảm 1,58% so với cuối năm 2013. Đối với cho vay xuất khẩu, đến 28/2/2014, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 168.141 tỷ đồng, tăng 1,14% so với 31/12/2013 (tỷ lệ tăng trong tháng 1 là 1,28%)./.