Làm thế nào để có thể "sống chung với Covid-19"?
Thông tin tại Hội thảo trực tuyến lần thứ 32 với chủ đề: “Hệ miễn dịch và vai trò trong phòng chống COVID-19” cho biết, tính thời điểm hiện nay, đại dịch Covid-19 trải qua gần 02 năm và đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.900.000 người trên thế giới. Tại Việt Nam, số người tử vong vì Covid-19 lên đến hơn 21.000 người. Hội thảo do Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ phối hợp với Câu lạc bộ 120 tuổi tổ chức chiều ngày 16/10/2021.
Hội thảo trực tuyến lần thứ 32 với chủ đề: “Hệ miễn dịch và vai trò trong phòng chống COVID-19” |
Để ứng phó với những hậu quả của đại dịch gây ra, trong giai đoạn đầu, Chính phủ của các nước áp dụng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt để triệt hạ dịch Covid-19. Chiến lược đó được gọi là “Zero Covid” - tức là “sạch bóng Covid” và cũng đã có những thành công nhất định. Tuy nhiên, chiến lược “Zero Covid” tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, kinh tế và xã hội. Nhiều nền kinh tế bị kiệt quệ, doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động mất việc làm đã và đang để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Sự xuất hiện của các biến chủng mới, với tốc độ lây lan nhanh đã phá tan các kế hoạch đề ra. Và giờ đây, chúng ta cần phải tập cách “Sống chung với Covid”. Đó cũng là hướng ứng xử mới của Chính phủ Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới.
Bác sĩ Đào Văn Lượng (Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè) |
SARS-CoV-2 gây ra 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể
Virus SARS-CoV-2 là một chủng virus cúm thuộc họ Beta-coronavirus, cùng họ với virus gây hội chứng MERS và hội chứng SARS. Chúng gây bệnh trên đường hô hấp và thường gây ra hội chứng suy hô hấp.
Bác sĩ Đào Văn Lượng (Trưởng Khoa kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè) - một trong những bác sỹ giàu kinh nghiệm trong quá trình tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh - đánh giá, tác hại đối với phổi của người nhiễm bệnh là một yếu tố quan trọng, quyết định sinh tử của bệnh nhân. Không chỉ có vậy, ho và khó thở kéo dài hậu Covid-19 cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Dẫn một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hồi giữa tháng 7/2021, bác sĩ Lượng đã đưa ra những dữ liệu toàn diện về các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19. Nghiên cứu này khảo sát 3.762 bệnh nhân COVID -19 tại 56 quốc gia, từ tháng 12/2019 đến tháng 5/2020 cho thấy, trung bình bệnh nhân gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể, như: sương mù não, ảo giác, mệt mỏi, run và ù tai… 1/3 triệu chứng tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất 6 tháng kể từ khi khỏi COVID -19. Khoảng 22% số người được khảo sát cho biết họ không thể làm việc hoặc bị sa thải sau khi mắc COVID-19; 45% người phải giảm cường độ làm việc. Đặc biệt, “có đến 80% người mắc COVID-19 sẽ còn tồn tại dai dẳng ít nhất một hoặc một vài triệu chứng trong số 55 triệu chứng “hậu COVID””, bác sĩ Lượng.
Có đến 80% người mắc COVID-19 sẽ còn tồn tại dai dẳng ít nhất một hoặc một vài triệu chứng trong số 55 triệu chứng “hậu COVID” |
Những triệu chứng thường gặp bao gồm: mệt mỏi (58%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%), khó thở (24%), mất vị giác (23%), mất mùi (21%), ho (19%), nặng ngực (16%)...
Nguyên nhân của các triệu chứng này là do tác động trực tiếp của virus gây bệnh COVID-19 kết hợp với việc điều trị kéo dài gây nên.
Tình trạng này thường được ghi nhận ở những F0 lớn tuổi, nhiều bệnh nền, đợt nhiễm cấp tính có triệu chứng nặng, kéo dài, thời gian nằm viện lâu. Tuy nhiên, vẫn có 1 tỷ lệ 20-30% xuất hiện ở những F0 trẻ khỏe mà trước đó triệu chứng nhẹ hoặc ko có triệu chứng.
“Rất nhiều người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc bệnh COVID-19 đang đối mặt với những di chứng kéo dài. Lời khuyên là bất kỳ ai nếu gặp phải các di chứng này là phải tìm cách nâng cao hệ miễn dịch”, bác sĩ Lượng chỉ rõ.
PGS, TS, Bác sĩ Nguyễn Thị Bay – Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về tầm quan trọng của hệ miễn dịch đối với phòng và giảm tác hại đối với các loại bệnh |
Nâng cao hệ miễn dịch, tập cách “sống chung với Covid”
Khi virus đã xâm nhập sâu vào cơ thể thì hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nồng độ virus trong máu. Có thể coi hệ miễn dịch là chốt chặn cuối cùng của cơ thể chống lại virus.
Theo nhiều nghiên cứu, những người có nền tảng thể lực kém, bị bệnh nền, có hệ miễn dịch yếu, thì nguy cơ tử vong sẽ cao hơn so với những người khác.
Vì thế, vấn đề đặt ra là làm như thế nào để tuyên truyền cho người dân hiểu được vai trò của hệ miễn dịch trong việc phòng và chống Covid-19 và làm cách nào để có thể tăng được hệ miễn dịch trong cơ thể?
Tại Hội thảo, PGS, TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về tầm quan trọng của hệ miễn dịch đối với phòng và giảm tác hại đối với các loại bệnh. Bác sĩ chỉ rõ, con người được sinh ra với một mức độ hệ miễn dịch và sức đề kháng nhất định, song chúng sẽ thay đổi dần theo thời gian.
“Khi trẻ em thường xuyên mắc các bệnh cảm vặt, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra một "ngân hàng" kháng thể trong lần đầu tiên tiếp xúc với căn bệnh và hình thành khả năng chống lại chúng trong tương lai”, bác sĩ Bay chia sẻ.
Từ cơ chế này dẫn đến nguyên lý tạo ra vaccine. Đó là đưa những mầm bệnh đã được làm yếu vào trong cơ thể, nhằm tạo điều kiện cho hệ miễn dịch ghi nhớ học tập, tạo ra kháng thể và ngăn chặn bệnh. Vaccine là một chế phẩm sinh học cung cấp khả năng miễn dịch thu được chủ động đối với một bệnh truyền nhiễm cụ thể.
Vaccine thường chứa tác nhân giống vi sinh vật gây bệnh và thường được tạo ra từ các dạng vi sinh vật, độc tố hoặc một trong các protein bề mặt của nó, mà đã bị làm suy yếu hoặc bị giết chết. Đã được bào chế đảm bảo độ an toàn cần thiết, giúp kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thể. Những kháng thể này sẽ bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với các virus trong tương lai.
PGS, TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, khi chủng ngừa, hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện vaccine là vật lạ sẽ tiêu diệt và ghi nhớ chúng, từ đó tạo được trí nhớ miễn dịch. Về sau khi tác nhân bệnh thật xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ tấn công tác nhân gây bệnh nhanh chóng và hiệu quả để bảo vệ cơ thể.
“Người được tiêm chủng thường không bị mắc bệnh hay di chứng do bệnh dịch gây ra”, bác sĩ Bay nhấn mạnh lại vai trò của tiêm chủng.
Vì thế, khi chương trình tiêm chủng thực hiện tốt, đa số mọi người đều được chủng ngừa một căn bệnh đó, đôi khi bệnh đó có thể biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng và chương trình tiêm chủng vaccine đó có thể dừng lại. Ví dụ bệnh đậu mùa.
Bác sĩ cũng khẳng định, các loại vaccine khác nhau tác động theo những cách khác nhau để tạo ra khả năng bảo vệ. Nhưng với tất cả các loại vaccine, cơ thể sẽ được cung cấp tế bào lympho T "ghi nhớ" cũng như tế bào lympho B sẽ ghi nhớ cách chống lại vi-rút trong tương lai.
“Thông thường, vài tuần sau khi tiêm chủng, cơ thể mới sản sinh ra tế bào lympho T và lympho B. Do đó, có thể có trường hợp một người bị nhiễm vi-rút gây bệnh COVID-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch”, vị chuyên gia này lý giải.
Bác sĩ cũng cho biết, đôi khi sau khi tiêm vaccine, quá trình tạo khả năng miễn dịch có thể gây ra các triệu chứng, như sốt. Các triệu chứng này là bình thường và là những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang hình thành khả năng miễn dịch.
Hội thảo đã thu hút được rất nhiều chuyên gia, bác sĩ tham dự |
Tập luyện và bổ sung dược liệu cho cơ thể khỏe mạnh
Bác sĩ CKII Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Y Dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh trao đổi những kinh nghiệm và cơ sở khoa học để tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể, giải pháp được đưa ra thông qua việc thay đổi những thói quen xấu, cung cấp đủ năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể, và sống với tinh thần lạc quan cũng là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Bác sĩ Năm chỉ rõ miễn dịch tự nhiên là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sự tấn công của yếu tố gây bệnh, bằng cách diệt hoặc loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Miễn dịch tự nhiên bao gồm vi sinh vật (chủ yếu ruột), cạnh tranh và ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy: thức ăn chế biến sẵn, nhiều đường, chất bảo quản, bánh kẹo, soda… gây tăng trong máu: yếu tố hoại tử bướu alpha (TNF-alpha), CRP (C-reactive protein), và interleukin-6 và hạn chế hoạt động tế bào miễn dịch như: BC trung tính (neutrophil) và thực bào (phagocyte).
Hậu Covid-19, theo bác sĩ Năm, chúng ta cần uống đủ nước sạch (ấm), bổ sung rau trái cây tươi (đa dạng màu - vị), ưu tiên loại rau vừa là thuốc. Hạn chế đường tinh, dầu béo, thức ăn chế biến sẵn. Người muốn có cơ thể khỏe mạnh cần duy trì tập luyện Tâm - Thân đủ thời gian, đều đặn, chú ý thở đúng, ± không dùng thuốc (day ấn huyệt, xông tinh dầu, châm cứu). Thanh lọc cơ thể: đường mồ hôi, thở, tiêu - tiểu, hạn chế độc chất. Bổ sung dược liệu như: Linh chi, Sâm (Sâm bố chính, Sâm đại hành), Tảo (Fucoidan), Đinh lăng… phù hợp với cơ địa.
Đồng tình với bác sĩ Năm, bác sĩ Lượng đề xuất những giải pháp để điều trị cho bệnh nhân hậu COVID, như: thông qua chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt điều độ. Cùng với đó, ông nhấn mạnh việc luyện tập thở đối với người bệnh COVID-19. “Khi có cảm giác mắc ho, nên ngậm miệng và nuốt xuống để kiềm lại, hít thở nhẹ nhàng bằng mũi cho đến khi giảm cảm giác ho, hớp nước từng ngụm nhỏ nhiều lần, ngậm kẹo ngậm… Người bệnh bị ho do COVID-19 thường có xu hướng thở miệng. Do đó cố gắng tập thở bình thường bằng mũi và hạn chế thở bằng miệng”, bác sĩ Lượng đề xuất./.
Bình luận