Lào tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư Việt Nam
11 tháng năm 2024: Lào tiếp tục là quốc gia nhận nhiều nhất vốn đầu tư của Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng qua, Việt Nam đã triển khai đầu tư vào 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào những thị trường, như: Indonesia, Lào, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Hà Lan.
Trong đó, Lào dẫn đầu với 160,68 triệu USD, chiếm 26,83% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Tiếp theo là Indonesia với 137,70 triệu USD (chiếm 22,9%), Ấn Độ với 90,05 triệu USD (chiếm 15,04%), Hoa Kỳ với 71,35 triệu USD (chiếm 11,9%), và Hà Lan với 54,6 triệu USD (chiếm 9,1%).
Một số dự án nổi bật của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2024 có thể kể đến như: VinFast chính thức động thổ nhà máy sản xuất xe điện tích hợp đầu tiên tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ, với diện tích 160 héc-ta và tổng vốn đầu tư ban đầu 500 triệu USD trong vòng 5 năm; Tập đoàn TH khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Liên bang Nga với tổng vốn đầu tư 19 tỷ rub (hơn 190,93 triệu USD), nhằm cung cấp sản phẩm sữa chất lượng cao cho thị trường Nga và các nước lân cận,...
Lũy kế đến hết tháng 11/2024, Việt Nam đang có 1.813 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 22,52 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khai khoáng, đạt 7,03 tỷ USD, chiếm 31,32% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với 3,39tỷ USD (chiếm 15%), và thông tin & truyền thông với 2,84 tỷ USD (chiếm 12,6%). Các quốc gia nhận đầu tư lớn nhất từ Việt Nam là Lào với 5,63 tỷ USD (chiếm 25%), Campuchia với 2,93 tỷ USD (chiếm 13,01%), và Venezuela với 1,82 tỷ USD (chiếm 8,08%).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone dự Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước tổ chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Triển vọng đầu tư vào Lào vẫn rất lớn
Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.330 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố mỗi bên, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 9 cửa khẩu quốc tế với 6 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và 9 khu kinh tế cửa khẩu... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại, dịch vụ giữa các tỉnh biên giới hai nước Việt Nam - Lào.
Nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam và Lào đã tạo hành lang pháp lý với việc ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào (tháng 3/2015) và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (tháng 6/2015). Hai bên cũng đã phối hợp hoàn thành Quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào; đồng thời tiếp tục gặp gỡ, trao đổi giữa cơ quan chức năng hai nước, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như Hội chợ thương mại Việt Nam - Lào hàng năm để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.
Tại kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023, hai nước đã nỗ lực, hoàn thành 13 nhóm nhiệm vụ đề ra tại kỳ họp 45 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào. Đáng chú ý, các bộ, cơ quan hai bên tích cực, chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Với những nỗ lực của cả hai nước, thương mại song phương Việt Nam - Lào đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2005, kim ngạch song phương Việt Nam - Lào mới đạt 165 triệu USD, đến năm 2022 đã tăng gần 10 lần, đạt 1,6 tỷ USD. Năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương ước tính đạt khoảng 1,65 tỷ USD, giảm nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị nhập khẩu từ Lào tăng 4,2%.
Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mỗi chương trình, dự án hợp tác không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về kinh tế mà có ý nghĩa chính trị sâu sắc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bên cạnh đó, hợp tác đầu tư cũng được quan tâm, thúc đẩy. Đánh giá về tình hình hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong năm 2023, vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào đạt 116,6 triệu USD, tăng 65,3% so với năm 2022. Lũy kế đến nay, Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD và Việt Nam luôn là một trong ba nước đầu tư lớn nhất tại Lào.
Đến nay, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao. Công tác an sinh xã hội tiếp tục phát huy tích cực, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp hơn 150 triệu USD cho công tác an sinh xã hội tại Lào.
Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đều cho rằng, tiềm năng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khai khoáng, dược liệu, xây dựng, du lịch, ứng dụng công nghệ trong đầu tư phát triển dự án nông nghiệp, hợp tác điện gió...
Thủ tướng hai nước Việt Nam - Lào cũng nhấn mạnh sẽ quyết liệt tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận, cam kết, tiếp tục tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời gợi mở thông điệp về định hướng hợp tác đầu tư vào Lào trong thời gian tới, tạo sung lực mới để các doanh nghiệp sớm nắm bắt được cơ hội, nhanh chóng hiện thực hóa các dự án tiềm năng trong hợp tác đầu tư giữa hai nước./.
Bình luận