Liên hợp quốc đánh giá cao nỗ lực chống dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam
Chiều ngày 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam để trao đổi về một số vấn đề, gồm sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và nỗ lực chống dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kamal Malhotra/Ảnh: Quang Hiếu
Hoan nghênh sự hợp tác hiệu quả của các tổ chức Liên hợp quốc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng toàn cầu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết, kịp thời, đồng bộ đưa ra nhiều giải pháp, ngăn chặn hiệu quả, đặc biệt là cách ly y tế từ rất sớm, huy động cả hệ thống tham gia. Những biện pháp với phương châm “chống dịch như chống giặc” được toàn dân ủng hộ, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Trong gần 1 tháng từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, tại Việt Nam chỉ có 16 ca dương tính với COVID-19, đều đã được chữa khỏi, xuất viện. Tuy nhiên, trong chuyến bay gần đây từ Anh tới Việt Nam, có hành khách nhiễm COVID-19, lây lan sang một số người. Việt Nam nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống đối với trường hợp này như cách ly y tế, truy tìm các hành khách để đưa vào cách ly.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong 2 tháng đầu năm nay, tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều điểm nóng bùng phát, nhất là ở khu vực Trung Đông, châu Phi. Trong bối cảnh đó, Việt Nam bước đầu đảm nhiệm tốt và đạt được nhiều kết quả tích cực trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 1/2020. Riêng trong tháng Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã tổ chức thành công buổi thảo luận về Hiến chương Liên hợp quốc, qua đó đề cao chủ nghĩa đa phương, vai trò của Hiến chương, của Liên hợp quốc, và của luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng đã tổ chức buổi thảo luận đầu tiên của Hội đồng Bảo an về hợp tác với ASEAN, qua đó tạo sự kết nối với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Trong tất cả các vấn đề, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, dựa trên lập trường nguyên tắc, luôn xây dựng và trách nhiệm vì lợi ích chung, vì hòa bình, ổn định ở các khu vực.
Ông Kamal Malhotra đánh giá cao nỗ lực, hoạt động mà Việt Nam tiến hành để ngăn chặn lây lan dịch, không chỉ ở giai đoạn 1 mà cả giai đoạn 2.
Về giai đoạn đầu, Việt Nam là quốc gia duy nhất chặn đứng và giảm số lượng người mắc COVID-19 (chữa khỏi 16 trường hợp). Liên hợp quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.
Liên quan việc có thêm những trường hợp nhiễm COVID-19 mới, Liên hợp quốc vẫn đánh giá cao các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Tuy nhiên, không riêng Việt Nam, các quốc gia khác đang đứng trước ngã rẽ quyết định về ứng phó COVID-19. “Các cơ quan chuyên môn tin tưởng chúng ta sẽ chặn đứng được virus lây lan ở cộng đồng”, ông nói. Chúng ta cần chủ động, quyết liệt hơn nữa. Mặc dù, giai đoạn hiện nay, chúng ta tập trung vào sự lây nhiễm cá thể, nhưng tương lai khi virus lây lan rộng hơn, cần tập trung nguồn lực vào giám sát sự lây lan cũng như phát hiện, điều trị các trường hợp nặng, những ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19 có thể làm xáo trộn xã hội, tăng cường truyền thông, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội.
Các tổ chức Liên hợp quốc ở Việt Nam sẽ có các tiếp cận và hỗ trợ Việt Nam hài hoà trên tinh thần “Một Liên hợp quốc” về công nghệ, kỹ thuật, đánh giá giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế-xã hội.
Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong một tháng khó khăn, nhiều thách thức của tình hình thế giới, tuy nhiên, ông Kamal Malhotra cho rằng Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt nhất và hoàn thành xuất sắc; tổ chức hai cuộc thảo luận Hiến chương Liên hợp quốc và hợp tác với ASEAN, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Điều phối viên của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đánh giá cao việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đặc biệt là việc triển khai bệnh viện dã chiến ở Nam Suddan và sự tham gia của phụ nữ trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình./.
Bình luận