Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư bước đầu đã phát huy tác dụng
Ngày 20/09/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị “Tổng kết 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014”.
Tác động tích cực và lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã đi hết 1 năm đầu tiên thực thi kể từ khi có hiệu lực. Tình hình cải cách mạnh mẽ của 2 luật này đã tác động tích cực và lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng kinh doanh, góp phần thúc đẩy ý chí khởi nghiệp. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh, không phù hợp với kinh tế thị trường, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh ở các địa phương đã được rút ngắn. Trung bình thời gian xử lý hồ sơ mới thành lập của cả nước là 2,9 ngày; Hà Tĩnh là địa phương xử lý hồ sơ doanh nghiệp nhanh nhất 01 ngày; Tiền Giang 1,3 ngày; Hậu Giang là 1,32 ngày và Đà Nẵng là 2,52 ngày.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước hiện có 285.149 hồ sơ, trung bình mỗi cán bộ phải xử lý hơn 551 hồ sơ. Đây là con số cao hơn nhiều so với trước kia, trong đó, cao nhất là TP. Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ xử lý 1.712 hồ sơ/tháng; TP. Hà Nội, mỗi cán bộ xử lý 1.127 hồ sơ/tháng và Đà Nẵng là hơn 647 hồ sơ/cán bộ.
Thống kê cũng cho thấy, từ khi thực hiện hai Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (01/07/2015 - 01/07/2016) đến nay cả nước đã có hơn 105.975 doanh nghiệp được thành lập mới, với số vốn 767.900 tỷ đồng, bình quân vốn là 7,25 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,8%, vốn đăng ký mới cũng tăng trên 42% và bình quân vốn tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình thu hút đầu tư, trong thời gian từ 01/07/2014-01/07/2015, số dự án đăng ký mới là 1.944 dự án, số dự án tăng vốn là 811 dự án. Tuy nhiên, sau 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (01/07/2015-01/07/2016) đã là 2.401 dự án đăng ký mới và 1.680 dự án đăng ký tăng vốn.
Đánh giá về tác động của 2 luật trên, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết, hai đạo luật về kinh doanh và đầu tư đã và đang thúc đẩy đổi mới thái độ, tư duy của bộ máy chính quyền các cấp. Các luật này đã giải phóng quyền tự do kinh doanh với quy định doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các lĩnh vực mà luật không cấm, nâng cao tính tự chủ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư cũng công khai ngành nghề cấm kinh doanh và có điều kiện... nhằm tạo điều kiện cho công dân, doanh nghiệp được tiếp cận tốt hơn với chính sách và chủ động trong việc đăng ký kinh doanh.
Thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đã được rút ngắn
Thời gian vừa qua, sau khi áp dụng đơn giản hóa thủ tục hành chính về đầu tư và thực hiện cơ chế thí điểm mời gọi đầu tư theo hai luật mới, các địa phương cũng không ngừng sáng tạo, nhiều mô hình khá thành công, như: TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thí điểm mô hình đăng ký kinh doanh tại nhà, "4 trong 1" (theo nguyên tắc, có 4 người tại các phòng ban, hỗ trợ tại nhà, cơ sở kinh doanh của pháp nhân hoặc người dân đăng ký kinh doanh). Hà Tĩnh có mô hình đăng ký kinh doanh "vui vẻ", người dân, doanh nghiệp khi đến đăng ký kinh doanh được tư vấn mọi khó khăn vướng mắc trong ngày; còn Hà Nội hỗ trợ trực tuyến, trực tiếp cho người đăng ký kinh doanh tại chỗ đến khi nào làm được thì thôi", ông Tuấn cho biết.
Cần khắc phục kịp thời những khó khăn, tồn tại
Trong thực tế triển khai, việc áp dụng các quy định tại hai văn bản Luật mới gặp một số khó khăn, vướng mắc là điều không tránh khỏi.
Nhận định về vấn đề này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, những vướng mắc phát sinh thời gian qua phần lớn do có sự khác nhau giữa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện các thủ tục đầu tư, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đồng ý với ý kiến trên, đại diện cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, ông Lê Xuân Hiền cho biết, khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là không thể chấp hành đúng pháp luật vì hệ thống luật pháp quá phức tạp, mâu thuẫn. Ông khẳng định: “bản thân Luật Doanh nghiệp có vướng mắc rất ít, mà vướng mắc nhiều là ở luật chuyên ngành”.
Ngoài ra, theo ông Bùi Anh Tuấn, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai luật còn có: (1) Một số vấn đề pháp lý còn tồn tại trong quá trình chuyển tiếp, gây khó khăn trong giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh; (2) Áp lực công việc của các bộ đăng ký kinh doanh tăng cao (khối lượng công việc tại các phòng ban thuộc sở kế hoạch và đầu tư địa phương cũng được nâng lên 40%, thời gian làm việc kéo dài 10 - 15 tiếng/ngày)...
Theo đó, ông Tuấn kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các bộ liên quan hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh; Tiếp tục tăng cường đào tạo tập huấn liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, cần phải nắm vững và tuân thủ đúng các quy định pháp luật về đầu tư và kinh doanh, chấp hành nghiêm chỉnh quy định về điều kiện kinh doanh, phát hiện và phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật với cơ quan nhà nước...
Dựa trên các kinh nghiệm khi triển khai luật của tỉnh mình, ông Lê Xuân Hiền cũng kiến nghị, cơ quan soạn thảo phát hiện thấy lỗi thì cần phải sửa đổi ngay trong Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, môi trường kinh doanh đang ngày càng trở nên cạnh tranh như một xu hướng tất yếu các cơ hội kinh doanh liên tục xuất hiện, nhưng cũng sẽ thay đổi chuyển biến không ngừng tạo nên những thách thức, yêu cầu cao về khả năng thích ứng, linh hoạt năng lực đổi mới cải tiến nội tại của doanh nghiệp. Đây cũng là đòi hỏi của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan ngày càng hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tiễn.
Thực tiễn sau 1 năm thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cho thấy vẫn còn những vướng mắc tồn tại, những tư tưởng cải cách của 2 luật còn chưa phát huy có hiệu quả, một số văn bản hiện hành chưa phù với tinh thần cải cách của 2 luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số luật về đất đai, xây dựng, môi trường còn chồng chéo về mục tiêu đối tượng quản lý, trong đó thủ tục đầu tư đất đai xây dựng tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp.
Trong Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp, Thứ trưởng cho biết, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được cụ thể hóa hướng đến tăng cường liên thông đồng bộ giữa các thủ tục đầu tư và các thủ tục khác. Đẩy mạnh phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được tiếp tục được rà soát bãi bỏ, đồng thời bổ sung một số ngành nghề có điều kiện phù hợp với yêu cầu trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Thứ trưởng Đông cho rằng, nhiệm vụ còn rất nhiều. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong đề xuất giải pháp, chủ động tích cực phối hợp loại bỏ các rào cản pháp lý không phù hợp, không ngừng nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm thực thi, tăng cường kỷ luật, kỷ cương.
“Để thực hiện Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ, mỗi cán bộ nhà nước phải là những cán bộ liêm chính hành động thực sự cống hiến, thực sự vì lợi ích chung của cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới, các sở ban ngành của Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp./.
Bình luận