Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 và tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Lý do nào khiến bộ và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư NSNN năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các đơn vị trực tiếp sử dụng vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm

Năm 2023, trình tự, thủ tục quản lý đầu tư công được tiếp tục đơn giản hóa gắn liền với việc đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm giám sát chặt chẽ, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Cơ chế phân công, phân cấp, phân quyền ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực, trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản quan trọng, tạo căn cứ pháp lý triển khai đầu tư công như: Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Luật Đấu thầu sửa đổi, Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương.

Một số chính sách về đầu tư như: sử dụng NSĐP để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật; mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa; được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa; được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao; được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách thành phố.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), tại Trung ương đã ban hành 109 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện các CTMTQG, cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Tại địa phương, các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ và sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản đã ban hành do tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ quy định tiếp tục tăng cường phân cấp cho các địa phương chủ động quyết định một số nội dung để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù của vùng, miền.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao 97,3% kế hoạch đầu tư vốn năm 2023

Tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 711.559,833 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương (NSTW) là 368.278,791 tỷ đồng (trong đó: vốn trong nước là 339.278,791 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 343.281,042 tỷ đồng.

Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương là 711.559,833 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ.

Đến ngày 31/01/2024, theo tổng hợp trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn năm 2023 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 692.233,738 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn NSTW là 361.056,4 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn NSĐP là 331.177,338 tỷ đồng, đạt 96,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 19.326,095 tỷ đồng (chiếm 2,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), bao gồm: vốn NTSW là 7.222,391 tỷ đồng, (Vốn trong nước là 4.932,922 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 2.289,469 tỷ đồng) của 17/51 bộ, cơ quan trung ương và 23/63 địa phương, vốn cân đối NSĐP là 12.103,704 tỷ đồng của 16/63 địa phương.

Các nguyên nhân khiến kế hoạch đầu tư vốn chưa phân bổ 100%

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các nguyên nhân các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án.

Đối với vốn NSTW trong nước chưa phân bổ chi tiết là 4.932,922 tỷ đồng, trong đó vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 2.867,101 tỷ đồng, không thể phân bổ kế hoạch năm 2023 do các nhiệm vụ dự án: không được phân bổ theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/NQ15 của Quốc hội; cơ quan chủ quản dự án báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép dừng triển khai dự án; cơ quan chủ quản dự án phê duyệt quyết định đầu tư của dự án thấp hơn số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch từ Chương trình, các dự án khác chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để đủ điều kiện bố trí vốn hằng năm theo quy định.

Vốn giao từ nguồn xử lý, sắp xếp nhà đất là 42,574 tỷ đồng, bao gồm: (1) 4,735 tỷ đồng của các dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao từ giao nguồn thu sắp xếp, xử lý nhà đất đã hoàn thành việc quyết toán các nhiệm vụ ghi thu – ghi chi trong năm 2021; (2) 37,839 tỷ đồng của Bộ Giáo dục và Đào đã được Chính phủ tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chuyển sang Ủy ban Dân tộc để thực hiện Dự án Trường Dự bị dân tộc trung ương Nha Trang theo Quyết định số 1127/QĐ-TTg ngày 26/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển 05 trường từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về trực thuộc Ủy ban Dân tộc. Tuy nhiên, tại Thông báo số 3230/TB-TTKQH ngày 22/12/2023 của Tổng thư ký Quốc hội , Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận: “Đề nghị không thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương năm 2023 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương do đã quá thời gian điều chỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”. Do vậy, toàn bộ số vốn chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nêu trên sẽ bị huỷ khi kết thúc năm 2023 theo quy định của Luật NSNN.

Về vốn giao để thực hiện các CTMTQG là 73,747 tỷ đồng; Vốn giao để thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo ngành, lĩnh vực thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 chưa thể hoàn thiện thủ tục đầu tư để đủ điều kiện bố trí vốn hằng năm hoặc đã hoàn thành dự án, không còn nhu cầu vốn là 1.949,5 tỷ đồng.

Đối với số vốn nước ngoài nguồn NSTW chưa phân bổ chi tiết là 2.289,469 tỷ đồng, trong đó: vốn giao để thực hiện các CTMTQG là 520,378 tỷ đồng; Vốn giao để thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo ngành lĩnh vực thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 1.769.091 tỷ đồng, vì một số lý do như: chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay; chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn dư. Tại Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 01/11/2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh giảm 446,554 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn NSTW năm 2023 của 02 địa phương, để bổ sung tương ứng cho 12 dự án của 07 địa phương khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bàn giao đưa các dự án vào sử dụng. Tương tự như đối vốn NSTW trong nước, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3230/TB-TTKQH ngày 22/12/2023, số vốn nước ngoài chưa phân bổ nêu trên sẽ sẽ bị huỷ khi kết thúc năm 2023 theo quy định của Luật NSNN.

Còn vốn ngân sách địa phương chưa thể phân bổ chi tiết do các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết phụ thuộc vào tình hình thu thực tế nên chưa thể thực hiện phân bổ....

Vẫn còn tình trạng các các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất trả lại kế hoạch

Về hạn chế, vướng mắc trong hoạt động quản lý đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn chỉ ra rằng, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm vẫn là khâu yếu, chưa sát với khả năng thực hiện, tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo yêu cầu của , Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đến hết niên độ NSNN năm 2023, số vốn NSNN còn lại chưa phân bổ chi tiết là 19.326,095 tỷ đồng (chiếm 2,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chủ yếu là vốn cân đối NSĐP (12.103,704 tỷ đồng). Vẫn còn tình trạng các các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất trả lại kế hoạch: Tại Tờ trình số 614/TTr-CP ngày 01/11/2023, Chính phủ đã tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2023 của 17 bộ và 04 địa phương với số vốn là 5.201,476 tỷ đồng.

Cùng với đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, rừng vẫn là điểm nghẽn, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực, quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn, nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án, điển hình như các dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, Vạn Ninh – Cam Lộ, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án thành phần 2 thuộc Dự án Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột ; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường điện cao thế còn nhiều khó khăn, chậm trễ; các dự án xây dựng các khu tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu; còn tình trạng chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tại một dự án tăng cao so với chủ trương đầu tư được phê duyệt... Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng mất rất nhiều thời gian, cá biệt có nhiều dự án mất khoảng 1-2 năm để thực hiện thủ tục chuyển đổi này, nên dẫn đến giải ngân vốn đầu tư châm.

Công tác xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhiều do trong thực tiễn thực hiện các chương trình vẫn còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập chưa được quy định đầy đủ. Các cơ quan chủ chương trình còn chậm trong việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn. Một số văn bản sửa đổi, bổ sung quy định và hướng dẫn được ban hành cơ bản đã tháo gỡ được vướng mắc, tuy nhiên, một số văn bản trả lời kiến nghị của một số bộ, cơ quan vẫn còn chưa thực sự rõ ràng dẫn đến việc thực hiện gặp khó khăn./.