Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ. FDI thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn thực hiện trong 7 tháng đều tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đăng ký mới vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024
Hệ thống lắp ráp xe điện của Công ty TNHH Electric Motorcycle Yadea Việt Nam.

Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024.

Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới

Nếu tính về số vốn đầu tư, 7 tháng đầu năm, Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, nếu xét về số dự án, 7 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới với 540 dự án với tổng vốn đăng ký mới 1,22 tỷ USD, chiếm 29,7% tổng số dự án đầu tư mới của cả nước. Cùng với đó, có 113 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm 303,21 triệu USD; 268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn 124,021 triệu USD từ Trung Quốc vào Việt Nam 7 tháng năm 2024.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2024 là 1,65 tỷ USD, đứng thứ tư về vốn trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh từ 2,92 tỷ USD năm 2021 lên 4,47 tỷ USD trong năm 2023.

Công nghiệp chế biến chế tạo hấp dẫn nhà đầu tư Trung Quốc nhất

Xét về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đang có 4.750 dự án đầu tư đến từ Trung Quốc ở 19 ngành nghề khác nhau. Trong đó, 2 ngành được các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm nhất là công nghiệp chế biến chế tạo với 2.630 dự án với vốn đầu tư 22,7 tỷ USD, chiếm 79,6% tổng vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. Tiếp đến là ngành xe máy, với 1.216 dự án với số vốn đầu tư là 522,6 triệu USD, chiếm 1,83% tổng vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, xây dựng với 205 dự án, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với 204 dự án, vận tải kho bãi với 123 dự án, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ có 97 dự án,....

Điều đáng lưu ý là cơ cấu đầu tư của dòng vốn FDI Trung Quốc có sự dịch chuyển đáng kể. Nếu trước đây, vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam thường tập trung vào công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành nghề sản xuất, gia công đồ gỗ gia dụng, giày da, may mặc..., thì gần đây, vốn Trung Quốc chuyển dịch sang các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất công nghiệp, điện tử, ô tô, năng lượng xanh,...

Xét về địa phương nhận đầu tư, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều dự án đầu tư Trung Quốc nhất với 731 dự án, tiếp đến là Bắc Ninh với 702 dự án, Hà Nội với 659 dự án... Song, nếu xét về số vốn đầu tư, thì Tây Ninh mới là địa phương có số vốn đầu tư cao nhất, với 104 dự án đầu tư của Trung Quốc, số vốn đầu tư đạt 4,8 tỷ USD. Tiếp đến là Bắc Giang với 183 dự án, vốn đầu tư đạt gần 2,28 tỷ USD; Bình Thuận có 9 dự án nhưng vốn đầu tư đạt 2 tỷ USD; Bình Dương có 542 dự án với số vốn là 1,7 tỷ USD,...

Trung Quốc hiện nay cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch lớn gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; xơ, sợi dệt; gỗ và sản phẩm gỗ...

Trong khi đó, các nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; vải may mặc; sắt thép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; hóa chất…/.