Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (theo Quyết định số 791/QĐ-TTg, ngày 05/8/2024). Trước đó, Đề án phát triển nhân lực ngành bán dẫn cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn.
Trong bối cảnh bùng nổ trí tuệ nhân tạo, nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn ngày càng gia tăng. Những thay đổi trong chuỗi cung ứng do căng thẳng Mỹ - Trung cũng đang thúc đẩy nhu cầu về trình độ nhân lực tại các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng ở các nền kinh tế chip truyền thống, như: Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ, khiến các công ty này phải tìm kiếm kỹ sư ở những thị trường mới.
AlChip Technologies - nhà cung cấp dịch vụ thiết kế Chip AI hàng đầu của Đài Loan, đang lên kế hoạch mở rộng đội ngũ R&D của mình sang Việt Nam trong năm nay.
“Công ty có thể sẽ tăng số lượng nhân viên kỹ sư lên đến 100 người trong vòng 2-3 năm tới”, theo lời ông Daniel Wang, Giám đốc Tài chính của AlChip.
Tương tự, các công ty Hàn Quốc cũng đang hướng đến Việt Nam, một phần để bù đắp sự chảy máu chất xám tại thị trường trong nước.
“Chúng tôi nhận ra Việt Nam có thể trở thành một trung tâm nghiên cứu chính cho việc nâng cấp chất lượng sản phẩm” ông Lim Hyung Jun – CEO BOS Semiconductors – doanh nghiệp thiết kế Chip AI bao gồm cả Chip cho xe tự lái, phục vụ các khách hàng trong ngành ô tô như Hyundai cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia.
Công ty bán dẫn BOS của Hàn Quốc đã nâng cấp kế hoạch hiện diện tại Việt Nam (Nguồn: Shinya Sawai) |
Công ty công nghệ Marvell của Mỹ coi Việt Nam là một “vị trí chiến lược cho việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật.” “Việt Nam sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Mỹ và Ấn Độ,” ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc của Marvell Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Marvell đặt mục tiêu tăng số lượng nhân viên tại Việt Nam lên khoảng 500 người vào năm 2026. Kế hoạch tuyển dụng này bao gồm không chỉ nhân viên cho văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh, mà còn mở rộng ở các thành phố lớn khác, như: Đà Nẵng hay miền Trung Việt Nam.
So với Đài Loan hoặc Hàn Quốc, năng suất và mức lương của các kỹ sư khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các công ty, doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực. Theo trang Salary Explorer, các kỹ sư Việt Nam đang được trả mức lương trung bình 665 USD/tháng, thấp hơn so với 5.627 USD ở Singapore, 3.782 USD ở Đài Loan, 2.826 USD ở Hàn Quốc và 1.313 USD ở Malaysia (Hình).
Hình: Mức lương trung bình/tháng của kỹ sư Việt Nam so với một số quốc gia trong châu Á
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đầu tư vào việc mở rộng nguồn nhân lực và hỗ trợ đào tạo bằng việc cung cấp học bổng, tài trợ cho các sự kiện tại trường học, thể thao và chương trình thực tập cho sinh viên.
Ngoài ra, các công ty cũng hợp tác với các trường đại học để thiết kế chương trình giảng dạy và thiết bị, nhằm đào tạo lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu của ngành công nghệ./.
Bình luận