9 tháng năm 2024, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thấp, chưa đạt được như kỳ vọng: Vì sao?
Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 09 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước (47,29%). Ảnh minh họa

Tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2024 là 320.566,522 tỷ đồng, đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 51,38%, trong đó: vốn trong nước là 315.699,658 tỷ đồng (đạt 47,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm trước đạt 52,33%); vốn nước ngoài là 4.866,864 tỷ đồng (đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Cùng kỳ đạt 28,37%). Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia là 15.054,1 tỷ đồng (đạt 55,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); vốn bố trí cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.983,3 tỷ đồng (đạt 80,16% kế hoạch).

Bộ Tài chính cũng cho biết, có 08 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao (trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), bao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Ngân hàng Chính sách xã hội; Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Yên Bái; Thái Nguyên; Tuyên Quang; Lào Cai; Phú Thọ; Hòa Bình; Thành phố Hải Phòng; Vĩnh Phúc; Hà Nam; Nam Định; Thái Bình; Thanh Hóa; Nghệ An; Hà Tĩnh; Thừa Thiên Huế; Bình Định; Ninh Thuận; Đắk Lắk; Tây Ninh; Bà Rịa Vũng Tàu; Long An; Tiền Giang; Bến Tre; Trà Vinh; Hậu Giang; An Giang; Đồng Tháp.

Đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664,9 nghìn tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 13,03 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 5,94 nghìn tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 7,09 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh 8,4 nghìn tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc không giải ngân được sang các bộ, ngành, địa phương khác.

Tuy nhiên, vẫn còn có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân 09 tháng đầu năm 2024 dưới mức trung bình của cả nước (47,29%), bao gồm: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Ngoại giao; Bộ Thông tin truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Dân tộc; Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Nông dân Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Hà Giang; Cao Bằng; Lai Châu; Quảng Ninh; Hà Nội; Bắc Ninh; Hưng Yên; Hải Dương; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận; Lâm Đồng; Gia Lai; Kon Tum; Đồng Nai; Bình Phước; Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Cần Thơ; Sóc Trăng; Bạc Liêu; Cà Mau.

Giải ngân đầu tư công khối bộ, cơ quan trung ương cao hơn khối địa phương

Tính theo phân cấp đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024 của khối bộ, cơ quan trung ương cao hơn khối địa phương. Tỷ lệ giải ngân trung bình của khối bộ, cơ quan trung ương là 51,58%; khối địa phương là 46,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Chiều 3/10, tại họp báo kinh tế - xã hội, ông Phạm Tuấn Anh - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - đã phân tích một số nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM 9 tháng chỉ đạt 20% kế hoạch vốn được giao.

"Thông thường việc giao vốn phải giao ngay đầu kỳ, nhưng khi TP.HCM thực hiện nghị quyết 98 thì được bổ sung thêm 107.000 tỉ vào cuối năm 2023. Những dự án dùng số vốn này phần lớn đang trong quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn", ông Anh nói. Không chỉ vậy, khi Luật Đất đai có hiệu lực cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong 79.000 tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của TP.HCM thì có 33.000 tỉ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngay từ đầu năm 2024, TP.HCM đã lập các thủ tục để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng trong quý 3. Nhưng khi Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/8, thì TP.HCM phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án do chi phí giải phóng mặt bằng tăng.

Trong đó, nổi bật là Đài Truyền hình Việt Nam (100%); Ngân hàng Chính sách xã hội (100%); Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (98,22%); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (75,23%); Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (70,46%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (63,12%); Đài Tiếng nói Việt Nam (60,72%); Bộ Giao thông vận tải (57,68%); các địa phương: Hòa Bình (95,95%); Bà Rịa Vũng Tàu (93,75%); Nam Định (93,59%); Long An (89,59%); Hà Tĩnh (78,50%); Lào Cai (75,30%).Qua theo dõi tình hình giải ngân vốn đầu tư công 09 tháng đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng, một số địa phương được giao kế hoạch lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh được giao 79.263,776 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,7% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch; Thành phố Hà Nội được giao 81.033,18 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch; Tỉnh Hưng Yên được giao 19.921,061 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng số kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước nhưng tỷ lệ giải ngân mới chỉ đạt 31,13% kế hoạch.

Tính theo giá trị giải ngân, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có giá trị giải ngân cao như: Bộ Giao thông vận tải (33.756,198 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (8.326,2 tỷ đồng), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (5.801,465 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (28.548,966 tỷ đồng), Bà Rịa – Vũng Tàu (10.244,809 tỷ đồng); Thanh Hóa (7.826,576 tỷ đồng), Long An (6.810,163 tỷ đồng); Hưng Yên (5.142,856 tỷ đồng),...

6 nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ giải ngân thấp hơn cùng kỳ

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn NSNN 9 tháng năm 2024 thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2023, chưa đạt được như kỳ vọng.

Thứ nhất, trong triển khai thực hiện dự án vẫn tồn tại nhiều vướng mắc như công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, phê duyệt khung chính sách tái định cư, phê duyệt đơn giá đất còn chậm, kéo dài, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, vẫn còn tình trạng khiếu nại, Luật Đất đai mới được ban hành nhưng chưa hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn xác định khung giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; quy trình thủ tục cấp phép khai thác đất, cát làm vật liệu san lấp còn phức tạp, kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu đất, cát đắp nền; tình trạng khan hiếm đất, cát xây dựng khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao...

Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra răng, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án còn chậm, liên quan chủ yếu đến trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa; còn thiếu các quy định, tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành làm căn cứ để lập, thẩm định, quyết định đầu tư các dự án không có cấu phần xây dựng.

Thứ ba, trong quá trình kiểm tra phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, Bộ Tài chính chưa có cơ sở để phê duyệt dự toán năm 2024 trên TABMIS đối với các dự án Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao chủ đầu tư là sở ngành hoặc ban quản lý dự án của địa phương (là các cơ quan, đơn vị không trực thuộc), dẫn đến các dự án này chưa có vốn để giải ngân. Theo quy định tại Điều 64, Điều 66, Điều 79 Luật Đầu tư công, việc tổ chức thực hiện, triển khai kế hoạch đầu tư công hằng năm thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

"Năm 2024, do tình hình thị trường bất động sản có nhiều biến động nên kế hoạch tổ chức đấu giá, thu tiền sử dụng đất tại các địa phương còn chậm triển khai hoặc chưa thể triển khai, dẫn đến nguồn thu ngân sách địa phương từ nguồn thu sử dụng đất chưa được đảm bảo để bố trí cho các dự án", báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ tháng 9 cho biết thêm.

Thứ năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ rằng, vấn đề giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài vẫn chưa khắc phục được, do những nguyên nhân như: các quy định ở trong nước và yêu cầu của nhà tài trợ còn có sự khác biệt, chưa đồng nhất; một số nhà tài trợ can thiệp sâu về mặt kỹ thuật vào quá trình triển khai dự án; năng lực quản lý vốn nước ngoài của một số chủ dự án còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp cơ sở; việc quy định giải ngân vốn ODA cấp phát phải đồng bộ với vốn ODA vay lại của dự án do địa phương quản lý khiến nhiều dự án gặp khó khăn...

"Đối với giải ngân vốn đầu tư công, hiện vẫn chưa giải quyết được tính đặc thù của nhiều năm nay là tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp nhưng xu hướng tăng nhanh ở những tháng cuối năm do các chủ đầu tư thường dồn khối lượng hoàn thành, đến cuối năm mới làm thủ tục giải ngân để giảm số lần phải làm thủ tục thanh toán", báo cáo nêu rõ nguyên nhân thứ sáu.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu lên một số nguyên nhân khác, như: công tác lập kế hoạch chưa sát với khả năng thực hiện khiến nhiều đơn vị đến nay đã phải đề xuất trả lượng vốn tương đối lớn (như Thành phố Hà Nội, Bộ Tài chính, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh...); tình trạng thiên tai, bão lụt, sạt lở đất nghiêm trọng ở các tỉnh phía Bắc, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, nhiều dự án phải tạm dừng để khắc phục hậu quả bão lũ (siêu bão Yagi tác động đến 20 tỉnh miền Bắc, miền Trung, đến nay các địa phương vẫn đang phải thực hiện công tác khắc phục sau bão), sụt lún các tuyến đường giao thông, tình trạng khô hạn tại các tuyến kênh rạch ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long gây khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư vào công trình; ngoài ra, cục bộ tại một số nơi, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, thận trọng quá mức, không dám tham mưu, đề xuất xử lý gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công./.