Mỗi công nhân chỉ có thể tích lũy chưa đến 500 nghìn đồng/tháng
Con số này được là một kết quả nghiên cứu về tiền lương vừa được nhóm nghiên cứu thuộc hai tổ chức ISEAL Alliance và SAI công bố tại Hội thảo Lương đủ sống thành thị và nông thôn theo phương pháp Anker vào chiều 25/04/2017 tại Hà Nội.
Lương thực tế cách xa mức lương đủ sống
Theo kết quả nghiên cứu công bố, để người công nhân có mức lương đủ sống tối thiểu tại khu vực thành phố mà TP. Hồ Chí Minh thì một người lao động cần phải được trả mức lương đủ sống là 6,435 triệu. Còn đối với khu vực nông thôn với hai địa bàn khảo sát là Thái Bình và Sóc Trăng, mức lương đủ sống đàng hoàng tối thiểu đối với người lao động là 3,99 triệu.
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu với 80 công nhân ngành may của 4 nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh và 40 công nhân chế biến tôm của hai nhà máy ở Thái Bình và Sóc Trăng cho thấy là mức lương thực không tính lương tăng ca; trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đột xuất có khoảng cách xa với mức lương đủ sống (mà nhóm nghiên cứu đưa ra).
Cụ thể, kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng lương người lao động ngành may TP. Hồ Chí Minh là 4.812.000 đồng bao gồm lương cơ bản, trợ cấp chuyên cần, trợ cấp chi phí sinh hoạt; thưởng tết; thưởng cuối năm; bữa ăn ca 15.000 đồng/ngày. So với mức lương đủ sống là 6.435.864 đồng, tổng lương của công nhân ngành may TP. Hồ Chí Minh thấp hơn 1.623.864 đồng.
Tương tự, tổng lương của công nhân chế biến tôm ở tỉnh Sóc Trăng/Thái Bình là 3.207.133 đồng, gồm lương cơ bản, trợ cấp trách nhiệm, thưởng cuối năm, thưởng Tết, trợ cấp hiện vật. Trong khi mức lương đủ sống là 3.991.841 đồng, lương công nhân tại Sóc Trăng/Thái Bình nhận được thấp hơn 784.711 đồng.
Như vậy, mức lương hiện tại có khoảng cách khá xa so với mức lương đủ sống mà nhóm nghiên cứu đưa ra, nghĩa là người lao động tại TP. Hồ Chí Minh cần có thêm thu nhập ít nhất là 1.600.000 đồng mới đạt mức lương đủ sống. Tương tự lương của công nhân ngành chế biến thủy sản ở Sóc Trăng, Thái Bình cần khoảng gần 800.000 đồng để đủ sống.
Chính vì vậy, nếu không làm thêm, tăng ca…, thì mức lương của hai người lớn đi làm nuôi hai trẻ em, ở TP. Hồ Chí Minh, Sóc Trăng và Thái Bình không đủ để trả cho các khoản chi thiết yếu hàng tháng trong gia đình.
Tiền tích lũy mỗi tháng chưa đến 500 nghìn đồng
Tại hội thảo, TS. Đỗ Thị Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết, nhóm nghiên cứu phân biệt rõ mức lương đủ sông khác với lương tối thiểu hiện nay. Cụ thể, mức lương được coi là đủ sống khi ác tiêu chí của mức sống đàng hoàng gồm thực phẩm, nước, nhà ở, giáo dục, y tế, giao thông, quần áo, và các nhu cầu thiết yếu khác cũng như chi phí dự trù cho các sự việc phát sinh ngoài dự tính…
Kết quả của nhóm nghiên cứu
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, để công nhân có mức lương đủ sống, thì tổng chi phí của một hộ gia đình gồm 4 người ở TP.Hồ Chí Minh là trên 10 triệu đồng/tháng, tỉnh Sóc Trăng và Thái Bình gần 6,7 triệu đồng/tháng.
Cụ thể, tổng chi phí cho 1 hộ gia đình công nhân ở TP. Hồ Chí Minh (2 người lớn đi làm và 2 trẻ em đi học) là 10.252,975 đồng/tháng. Trong đó, chi phí thực phẩm 3.774,830 đồng, chi phí nhà ở 2.046,800 đồng, chi phí phi thực phẩm và phi nhà ở 3.934.108 đồng, chi phí phát sinh, tích lũy là 5%, tương đương với 488.237 đồng.
Còn tổng chi phí cho 1 hộ gia đình ở Sóc Trăng/Thái Bình là 6.680.944 đồng. Bao gồm: chi phí thực phẩm 2.940.805 đồng, chi phí nhà ở 1.087.000 đồng, chi phí phi thực phẩm và phi nhà ở 2.334.999 đồng, chi phí phát sinh, tích lũy 5%, khoảng 318.140 đồng.
Theo đó, khi trừ đi các khoản chi phí cố định hàng tháng, phần tiền lương dành cho tích lũy hoặc các khoản chi bất thường của mỗi gia đình người lao động ở TP. Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 488.000 đồng/tháng, chiếm 5% thu nhập. Tương tự, ở khu vực nông thôn là Thái Bình và Sóc Trăng chỉ có 318.000 đồng/tháng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho răng, với mức tích lũy chưa đến 500 nghìn đồng/tháng này, mỗi năm các hộ gia đình chỉ tích lũy được khoảng 5.856.000 đồng (tại TP. Hồ Chí Minh) và khoảng 3.816.000 đồng (tại Sóc Trăng và Thái Bình) thì cuộc sống của người công nhân sẽ rất chật vật, chưa kể khi gia đình có người ốm đau đột xuất thì không có chi phí để trang trải. Do vậy, buộc người lao động phải làm thêm để đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình để có mức sống tốt hơn./.
Bình luận