KINH TẾ TRI THỨC VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH TẾ TRI THỨC

Nền kinh tế tri thức, còn gọi là kinh tế dựa vào tri thức (Knowledge - Based Economy) là nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức, trên cơ sở phát triển khoa học và công nghệ cao. Xuất hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khái niệm “kinh tế tri thức” được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.

Một số thách thức trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay
Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin

Năm 1996, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đưa ra khái niệm tổng hợp về kinh tế tri thức: "Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc trực tiếp vào việc sản xuất phân phối và sử dụng tri thức và thông tin" [2]. Năm 2000, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) cũng đã đưa ra một khái niệm mới hơn và cụ thể hơn: "Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà trong đó quá trình sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức trở thành động lực chính cho tăng trưởng, cho quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế" [1]. Như vậy, dù tiếp cận theo các góc độ khác nhau, thì bản chất của nền kinh tế tri thức vẫn là vai trò quyết định hàng đầu của tri thức đối với sự phát triển kinh tế.

Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin. Trong nền kinh tế tri thức, việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế, xã hội; tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kinh tế tri thức là nền kinh tế được phát triển chủ yếu dựa vào tri thức và công nghệ hiện đại. Cơ sở của nền kinh tế tri thức là tri thức (thể hiện trong con người và trong công nghệ)...

Sự ra đời và phát triển của nền kinh tri thức là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Nó được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại, nhất là cuộc CMCN 4.0 với sự phát triển nhanh, mang tính đột phá của công nghệ thông tin. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các sáng kiến, phát minh khoa học... đã tạo ra tính linh hoạt, hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất.

Kinh tế tri thức là giai đoạn phát triển cao của lực lượng sản xuất, cao hơn so với kinh tế công nghiệp và kinh tế nông nghiệp. Trong nền kinh tế tri thức, tri thức đóng vai trò quyết định hàng đầu đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể khái quát đặc điểm của kinh tế tri thức ở những mặt sau:

Thứ nhất, tri thức là lực lượng sản xuất trực tiếp. Tri thức là nguồn lực vô hình to lớn, quan trọng nhất trong đầu tư phát triển, nền kinh tế dựa chủ yếu vào tri thức. Nền kinh tế tri thức lấy tri thức là nguồn lực có vị trí quyết định nhất của sản xuất, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển.

Thứ hai, nền kinh tế dựa ngày càng nhiều vào các thành tựu của khoa học - công nghệ. Nếu trong nền kinh tế công nghiệp, sức cạnh tranh chủ yếu dựa vào tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ hiện có, thì trong nền kinh tế tri thức lại dựa chủ yếu vào việc nghiên cứu, sáng tạo ra công nghệ mới, sản phẩm mới. Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu sản xuất dựa ngày càng nhiều vào việc ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ chất lượng cao. Các quyết sách kinh tế được tri thức hóa.

Thứ ba, cơ cấu lao động được chuyển dịch theo hướng ngày càng coi trọng lao động trí tuệ. Trong nền kinh tế tri thức, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm số lao động trực tiếp làm ra sản phẩm, tăng số lao động trí tuệ. Lao động trí tuệ chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hóa, sự sáng tạo, đổi mới, học tập trở thành nhu cầu thường xuyên đối với mọi người. Học suốt đời, xã hội học tập là nền tảng của kinh tế tri thức.

Thứ tư, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Quyền sở hữu trí tuệ là sự bảo đảm pháp lý cho tri thức và sự đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục được tạo ra, duy trì và phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, nguồn lực trí tuệ và năng lực đổi mới là hai nhân tố then chốt để đánh giá khả năng cạnh tranh, tiềm năng phát triển và sự thịnh vượng của một quốc gia. Các tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được xem là một nguyên tắc cơ bản trong sự vận động và phát triển của nền kinh tế tri thức.

Thứ năm, nền kinh tế tri thức là nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế tri thức chỉ được hình thành và phát triển khi lực lượng sản xuất xã hội đã phát triển ở trình độ cao, phân công lao động mang tính quốc tế và theo đó là hệ thống sản xuất mang tính kết nối giữa các doanh nghiệp các quốc gia trong một chuỗi giá trị sản phẩm. Bởi vậy, nó mang tính toàn cầu hóa. Trong nền kinh tế tri thức, sự sản sinh, truyền bá và sử dụng tri thức không còn nằm trong phạm vi biên giới một quốc gia. Nền kinh tế tri thức còn được gọi là nền kinh tế toàn cầu hóa nối mạng, hay là nền kinh tế toàn cầu dựa vào tri thức.

Ngoài các đặc điểm trên, nền kinh tế tri thức còn là một nền kinh tế hướng đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường; nền kinh tế làm thay đổi cơ cấu xã hội và thang giá trị xã hội, làm xuất hiện các cộng đồng dân cư kiểu mới, các làng khoa học, các công viên khoa học, vườn ươm khoa học...

NỀN KINH TẾ TRI THỨC TRONG BỐI CẢNH CMCN 4.0

Bối cảnh cuộc CMCN 4.0

Cuộc CMCN 4.0 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Khi đó, một thế giới chạy bằng rô bốt và máy tính với trí tuệ nhân tạo có thể phát triển tới mức thay thế con người trong việc phán đoán và quản lý các hệ thống phức tạp.

Cuộc CMCN 4.0 phát triển với các nội dung liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các điều khiển mềm thông qua các máy tính và mạng máy tính để liên kết hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, như: kinh tế, ngân hàng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, giáo dục, giải trí, thiết bị gia dụng, công nghệ thông tin truyền thông…

Cuộc CMCN 4.0 đang gây chú ý với những ứng dụng đã và đang hình thành mang tính đột phá trong các lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của nó là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu.

Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu biết tiếp cận nhanh cuộc CMCN 4.0, nhưng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội từ cuộc cách mạng này.

Đặc điểm nền kinh tế tri thức trong thời đại CMCN 4.0

Một là, tri thức khoa học thấm vào người lao động, con người có sự chuyển dịch từ lao động chân tay sang lao động đầu óc, lao động cơ bắp chiếm tỷ lệ nhỏ và được thay thế bằng lao động trí tuệ, mức đóng góp của tri thức đối với tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Tri thức khoa học của con người, kỹ năng của con người trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và quan trọng nhất trong xã hội. Con người vẫn là chủ thể của nền kinh tế tri thức, nhưng đã có sự thay đổi về chất trong lao động của con người trong nền kinh tế tri thức. Vì vậy, yêu cầu quan trọng nhất của nền kinh tế tri thức chính là tri thức khoa học và công nghệ - những yếu tố này xuất phát từ con người mà ra. Như vậy, rõ ràng, muốn phát triển nền kinh tế tri thức trong CMCN 4.0, thì vấn đề con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất, quyết định nhất.

Hai là, trong nền kinh tế tri thức, tri thức khoa học được chuyển hóa vào công cụ lao động của con người như C. Mác đã từng khẳng định: “thiên nhiên không chế tạo ra máy móc, đầu máy xe lửa, đường sắt, điện báo, máy sợi con dọc di động... Tất cả những cái đó đều là những cơ quan của bộ óc con người, do bàn tay của con người tạo ra, đều là sức mạnh đã được vật hóa của tri thức”. Tuy nhiên, trong cuộc CMCN 4.0 này, cần lưu ý là tri thức khoa học phải được chuyển hóa vào trong các phát minh sáng tạo, các phát minh cốt lõi của sản xuất vật chất.

Ba là, trong nền kinh tế tri thức, tri thức khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp khi các yếu tố của lực lượng sản xuất với con người gắn bó chặt chẽ với nhau, khoa học thấm và tất cả các yếu tố của lực lượng sản xuất, từ đó quan hệ sản xuất cũng mang những nội dung và tính chất mới. Sở hữu quan trọng nhất và chủ yếu của nền kinh tế tri thức trong CMCN 4.0 đó chính là sở hữu trí tuệ. Xung đột lớn nhất của nền kinh tế tri thức trong cuộc cách mạng này cũng chính là xung đột về sở hữu trí tuệ. Nền kinh tế của quốc gia nào sở hữu nhiều phát minh sáng chế khoa học, thì nền kinh tế đó sẽ tăng trưởng và phát triển vượt bậc. CMCN 4.0 sẽ làm bùng nổ một cuộc đấu tranh xoay quanh quan hệ sở hữu trí tuệ của con người [7].

Rõ ràng, CMCN 4.0 biểu hiện rõ trong đặc điểm của nền kinh tế tri thức. CMCN 4.0 này sẽ có những ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với nền kinh tế tri thức của các quốc gia. Nó có thể thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển và bền vững của các nền kinh tế. Nhưng, đồng thời, nó cũng sẽ làm cho các nền kinh tế nhanh chóng bị thụt lùi, tụt hậu và kém phát triển, nếu như không nhận định đúng các quy luật của nó.

NHỮNG THÁCH THỨC TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRI THỨC BỐI CẢNH CMCN 4.0 TẠI VIỆT NAM

Trong bối cảnh chung, phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam trong thời đại CMCN 4.0 đang là một nhiệm vụ quan trọng để tiến đến xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, thực tế phát triển cho thấy, kinh tế tri thức trong bối cảnh CMCN 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức, như:

- Trong nền kinh tế tri thức, các nền văn hóa đứng trước những rủi ro lớn như: bị lai căng, pha tạp, dẫn đến nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

- Sự “lão hóa” nhanh chóng của tri thức gây ra sức ép lớn cho người lao động, đòi hỏi họ phải học tập không ngừng, tìm tòi sáng tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển giao công nghệ, song cũng từ đó, con người có nguy cơ trở thành một “cỗ máy” chỉ biết vùi đầu vào tìm kiếm tri thức mới, mà ít có thời gian nghỉ ngơi, du lịch, thư giãn…

- Việc thay đổi công nghệ liên tục đã vô tình gây nên sự lãng phí khi phải loại bỏ công nghệ cũ, điều này cũng gây áp lực đối với môi trường.

- Sự phân hóa giàu nghèo, nguy cơ thất nghiệp và khủng hoảng tâm lý - xã hội đối với người lao động.

- Kinh tế tri thức vận dụng một cách tối ưu thành tựu khoa học - công nghệ, như: tự động hóa, số hóa, rô bốt hóa, vì vậy con người ít sử dụng lao động cơ bắp, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, việc tiếp xúc thường xuyên, cũng như lạm dụng các phương tiện công nghệ thông tin, như: máy tính, smartphone cũng gây nên “lối sống ảo” và tình trạng nghiện màn hình của một bộ phận không nhỏ công dân trẻ.

- Việt Nam đang có lợi thế về “số lượng dân số vàng”, nhưng chưa “vàng về chất lượng”, nên nguồn nhân lực cho kinh tế tri thức vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Về số lượng, năm 2021, Việt Nam cần 450 ngàn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tuy nhiên chúng ta mới chỉ có 430 ngàn, vẫn còn thiếu 20 ngàn vị trí nữa. Trong khi, số sinh viên của Việt Nam tốt nghiệp hàng năm, thì chỉ có 16.500 sinh viên thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin trong tổng số 55 ngàn sinh viên. Bản thân sinh viên được đào tạo ra không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Theo dự báo, năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu 150 ngàn nhân lực vì khi đó nhu cầu của chúng ta đã tăng lên 530 ngàn người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Về chất lượng nguồn nhân lực, so với các quốc gia trong khu vực, như: Singapore, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Thái Lan, thì Việt Nam xếp loại cuối. Điều này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trí thức trong bối cảnh CMCN 4.0 [6].

NHỮNG GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Để phát triển kinh tế tri thức trong bối cảnh CMCN 4.0, trong thời gian tới, Việt Nam cần lưu ý các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải lấy ngành công nghệ cao trở thành mũi nhọn, là mối quan tâm hàng đầu đối với sự phát triển nền kinh tế tri thức. Ngành công nghiệp công nghệ cao hay kỹ thuật cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; từ đó tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, trị giá gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Ngành đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa, công nghiệp hóa các ngành sản xuất, dịch vụ hiện có. Có thể thấy, ngành công nghiệp công nghệ cao là một trong những đặc điểm dễ nhận thấy trong quá trình phát triển nền kinh tế tri thức thời kỳ CMCN 4.0. Đây sẽ là ngành cần có sự đầu tư lớn, nhưng ngành sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách đối với các nước phát triển. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp công nghệ cao này được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của các ngành nghề, lĩnh vực ở Việt Nam. Nhiều ngành, như: nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm..., sẽ được hưởng lợi lớn từ ngành này. Để kinh tế Việt Nam có bước phát triển, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới, chuyển từ sản xuất lạc hậu sang sản xuất hiện đại, thì phát triển và ứng dụng công nghiệp công nghệ cao vào sản xuất cũng là một trong những yêu cầu bắt buộc.

Thứ hai, thực hiện chế độ thu hút nhân tài, đãi ngộ xứng đáng với tài năng của các nhân tài, hạn chế chảy máu chất xám, thu hút nguồn lao động có trình độ cao. Con người chính là nguồn tài nguyên vô tận để phát triển đất nước. Nhân tài chính là chủ nhân của cuộc CMCN 4.0 họ cũng là những người góp phần quyết định không nhỏ sự thành bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay ở Việt Nam. Chính vì vậy, cần đặc biệt quan tâm, thu hút, đãi ngộ đối với nhân tài, những người hoạt động trong các ngành công nghệ cao, đóng góp thiết thực và to lớn vào sự phát triển của các ngành nghề và xã hội.

Để giải quyết vấn đề thiếu và yếu của nguồn nhân lực cho cuộc CMCN 4.0 hiện nay, Chính phủ cần giao các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình, chiến lược đào tạo cụ thể. Cùng với đó, tổ chức các cuộc thi để các em sinh viên, đặc biệt các em nữ tham gia nhiều hơn vào ngành công nghệ thông tin. Mà nếu đào tạo không đủ, thì phải tính đến chuyện “nhập khẩu” từ nước ngoài./.

Tài liệu tham khảo:

1. APEC (2000). Báo cáo của Ủy ban kinh tế APEC, tháng 11/2000

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lê nin, Nxb Chính trị Quốc gia 3. Trần Thị Vân Hoa (2018). Cách mạng công nghiệp 4.0 - Vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật

4. Đặng Hữu (2004). Kinh tế tri thức, thời cơ và thách thức đối với sự phát triển ở Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia

5. C. Mác và Ph. Ăngghen (2000). Toàn tập, Tập 46, phần II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội

6. Ngô Thắng Lợi, Trần Thị Vân Hoa (Đồng chủ biên) (2016). Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam triển vọng đến năm 2020, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

7. Nguyễn Hòa (2021). Phát triển kinh tế số: Cần vượt qua thách thức nguồn nhân lực, truy cập từ https://congthuong.vn/phat-trien-kinh-te-so-can-vuot-qua-thach-thuc-nguon-nhan-luc-168037.html

8. Vũ Văn Phúc (2020). Cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại và nền kinh tế tri thức, truy cập từ https://tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/820152/cach-mang-khoa-hoc---cong-nghe-hien-dai-va-nen-kinh-te-tri-thuc.aspx

Hoàng Bích Thủy

Trường Đại học Hàng hải

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)