Trần Nguyễn Kim Ngân

Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh

Email: tnkn90@gmail.com

Tóm tắt

Bài viết nhằm ước lượng tác động của các yếu tố thuộc tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) đến thu nhập hộ nghèo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Bằng việc sử dụng phương pháp định tính và định lượng, kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 yếu tố mang ý nghĩa thống kê ở mức 5%, bao gồm: Lãi suất; Mô hình và quản lý; Nguồn lực; Tổ chức thực hiện. Trong các yếu tố thuộc TDCSXH, Mô hình và quản lý tác động mạnh nhất đến thu nhập hộ nghèo. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả khuyến nghị một số hàm ý.

Từ khóa: chính sách tín dụng xã hội, thu nhập hộ nghèo, Việt Nam

Summary

The article is to estimate the impact of factors of social policy credit on the income of poor households in Ho Chi Minh City. Using qualitative and quantitative methods, it points out 4 factors that are statistically significant at the 5% level, including Interest rates, Models and management, Resources, and Implementation organization. Among these factors, Model and management have the strongest impact on the income of poor households. From those findings, a number of implications are proposed.

Keywords: social policy credit, income of poor households, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, cụ thể hóa quy định của Luật Các tổ chức tín dụng về phát triển các ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Tại Việt Nam, TDCSXH là một trong những “trụ cột” của hệ thống chính sách giảm nghèo ở Việt Nam. Trong những năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị, nhất là từ sau khi có: Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, việc tổ chức triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả nổi bật. Qua đó, đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tác động của TDCSXH đến thu nhập của hộ nghèo tại TP. Hồ Chí Minh là cần thiết.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

TDCSXH là việc Nhà nước tổ chức huy động các nguồn lực tài chính để cho vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhằm tạo việc làm, cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng đói, nghèo cho nhóm đối tượng này. Đây là một loại tín dụng mang tính chính sách và là hình thức tín dụng đặc biệt, có những đặc trưng cơ bản là: không vì mục tiêu lợi nhuận; đối tượng cho vay là người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nguồn vốn để cho vay chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; cơ chế cho vay có tính ưu đãi (như: thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất thấp, hầu hết chương trình cho vay không phải thế chấp tài sản, có cơ chế xử lý rủi ro...) (Nguyễn Lâm Thành, 2023).

TDCSXH được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ với sự hỗ trợ đa chiều từ các cơ quan của Đảng, Nhà nước, nên đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, TDCSXH góp phần thu hẹp khoảng giữa các vùng, miền, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 thay thế cho Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg quy định từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo. Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được coi là hộ cận nghèo (Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 6 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).

Phát triển giả thuyết

TDCSXH do Nhà nước thành lập để thực hiện tín dụng chính sách trong lĩnh vực an sinh xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận. TDCSXH đã góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng thành công mô hình tổ chức đặc thù, hiệu quả, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, điều kiện thực tiễn đất nước, phát huy vai trò quản lý nhà nước đối với TDCSXH. Xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý TDCSXH hiệu quả, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo, phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác TDCSXH.

Nguồn vốn TDCSXH ưu đãi đã giúp cho các hộ gia đình ổn định sản xuất, tăng sản phẩm, tăng thu nhập (theo Nghị quyết 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030). Tín dụng chính sách và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, tạo điều kiện kích thích người nghèo sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống (Nguyễn Lâm Thành, 2023). Vì vậy, tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu: TDCSXH tác động cùng chiều đến Thu nhập của hộ nghèo.

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên các nghiên cứu có liên quan, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.

Hình: Mô hình nghiên cứu

Tác động của tín dụng chính sách xã hội đến thu nhập của hộ nghèo: Nghiên cứu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tác giả đề xuất

Các giả thuyết nghiên cứu được đưa ra là:

- H1: Mục tiêu và đối tượng của TDCSXH tác động cùng chiều đến Thu nhập của hộ nghèo.

- H2: Thời gian và lãi suất vay vốn của TDCSXH tác động cùng chiều đến Thu nhập của hộ nghèo.

- H3: Mô hình quản lý của TDCSXH tác động cùng chiều đến Thu nhập của hộ nghèo.

- H4: Nguồn lực của TDCSXH tác động cùng chiều đến Thu nhập của hộ nghèo.

- H5: Tổ chức thực hiện của TDCSXH tác động cùng chiều đến Thu nhập của hộ nghèo.

Phương pháp nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu tác động của TDCSXH đến thu nhập của hộ nghèo thể hiện ở các bước sau:

Bước 1: Xây dựng thang đo: Các thang đo (thang đo nháp 1) được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa lý thuyết, nhận định bước đầu tác động của của TDCSXH đến thu nhập của hộ nghèo.

Bước 2: Nghiên cứu khám phá, gồm 2 phần:

Sử dụng phương pháp chuyên gia kết hợp với thảo luận, phỏng vấn sâu nhóm khách hàng: Tập trung để hiệu chỉnh, bổ sung các biến quan sát trong các thang đo nháp 1. Kết quả từ thảo luận nhóm tạo ra thang đo nháp 2.

Thiết kế bảng câu hỏi phỏng vấn và điều tra thử: Thang đo nháp 2 sau khi điều chỉnh, bổ sung được dùng để thiết kế thành bảng câu hỏi. Bảng câu hỏi được thiết kế xong sẽ được sử dụng để phỏng vấn thử với cỡ mẫu nhỏ (N = 20) nhằm kiểm tra mức độ rõ ràng của bảng câu hỏi và thông tin thu về. Tác giả thực hiện gửi trực tiếp phiếu điều tra đến 340 doanh nghiệp và thu được 325 phiếu hợp lệ). Dữ liệu sau khi thu thập và nhập liệu sẽ được sử lý bằng phần mềm SPSS, quá trình thực hiện xử lý và phân tích dữ liệu có liên quan (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Kiểm định Cronbach's Alpha

Bảng 1: Kết quả kiểm định Cronbach's Alpha

Cronbach's Alpha

LS (Lãi suất)

0.940

MH (Mô hình và quản lý)

0.942

MT (Mục tiêu và đối tượng)

0.896

NL (Nguồn lực)

0.947

TH (Tổ chức thực hiện)

0.963

TNHN (Thu nhập hộ nghèo)

0.874

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả Bảng 1 cho thấy, các biến đều có Cronbach's Alpha ≥ 0.7 (DeVellis và Thorpe, 2021), nên mô hình đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy các thang đo.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Bảng 2: KMO và Bartlett's Test cho nhân tố độc lập

KMO

.886

Kiểm định Bartlett

Chi bình phương xấp xỉ

6918.030

df

190

Sig.

.000

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 2) cho thấy: Chỉ số KMO = 0.886 (> 0.5) và mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett = 0.000 (< 0.05), chứng tỏ dữ liệu nghiên cứu phù hợp để phân tích EFA. Như vậy, 20 biến quan sát được trích vào 5 yếu tố tại Eigenvalue = 1.581 và phương sai trích = 85.114%. Các biến quan sát rút trích vào các yếu tố có trọng sổ tải nhân tố (Factor Loading) > 0.5, nên được giữ lại trong thang đo.

Bảng 3: KMO và Bartlett's Test cho nhân tố phụ thuộc

KMO

.821

Kiểm định Bartlett

Chi bình phương xấp xỉ

644.898

df

6

Sig.

.000

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả phân tích (Bảng 3) cho thấy, chỉ sổ KMO = 0.740 (> 0.5) và mức ý nghĩa của kiểm định Bartlett = 0.000 (< 0.05), điều này cho thấy dữ liệu sử dụng cho nghiên cứu là hoàn toàn phù hợp để thực hiện phân tích EFA.

Kết quả phân tích hồi quy

Bảng 4: Kết quả hồi quy bội

Mô hình

Hệ số hồi quy chuẩn hóa

t

Sig.

Kiểm tra đa cộng tuyến

Beta

Độ chấp nhận

VIF

1

(Hằng số)

4.443

.000

MT

.076

1.592

.112

.704

1.420

LS

.095

2.114

.035

.793

1.261

MH

.383

6.918

.000

.523

1.912

NL

.208

3.753

.000

.522

1.916

TH

.125

2.591

.010

.689

1.452

Durbin – Watson: 1.766

R2 = 0.5

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả phân tích hồi quy (Bảng 4) cho thấy, hệ số phóng đại phương sai (Variance inflation factor - VIF) trong mô hình nghiên cứu đều < 10 (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008), do đó mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến. Kết quả kiểm định mô hình cho thấy, giá trị Durbin - Watson nằm trong khoảng chấp nhận 1 < d = 1.766 < 3; do đó, mô hình không tồn tại hiện tượng tự tương quan giữa các sai số ngẫu nhiên.

Kết quả hồi phân tích quy bội cũng cho thấy, mô hình bao gồm 5 yếu tố độc lập, trong đó có 4 yếu tố có ý nghĩa thống kê ở mức 5%, bao gồm: Lãi suất; Mô hình và quản lý; Nguồn lực; Tổ chức thực hiện. R2 xấp xỉ = 0.5, cho thấy các yếu tố độc lập hoàn toàn phù hợp với mô hình ở khả năng giải thích cho yếu tố phụ thuộc là 50%. Còn lại, yếu tố Mục tiêu và đối tượng không có ý nghĩa thống kê trong nghiên cứu này.

Trong các yếu tố tác động đến Thu nhập hộ nghèo, Mô hình và quản lý tác động mạnh nhất đến thu nhập hộ nghèo. Khi yếu tố này tăng lên 1 đơn vị, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, thì thu nhập hộ nghèo sẽ tăng 0.383 đơn vị. Do đó, cần tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn. Cần xây dựng mô hình quản lý tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm việc chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Đứng thứ hai là Nguồn lực, tiếp theo là Tổ chức thực hiện và Lãi suất có tác động yếu nhất đến Thu nhập hộ nghèo. Việc huy động các nguồn lực đặc biệt là các nguồn vốn xã hội hóa là rất quan trọng, tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập bền vững cho hộ nghèo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Thực tế cho thấy, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo, cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm tính bền vững do vậy, cần đảm bảo nguồn lực của chương trình phù hợp cho các đối tượng hộ nghèo. Đồng thời, để việc tổ chức thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức tín dụng với các cấp chính quyền và các hội, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng xã hội; huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.

Lãi suất là một trong những điều kiện cho vay ưu đãi. Về lãi suất cho vay ưu đãi do Thủ tướng Chính phủ quyết định cho từng thời kỳ theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội, thống nhất một mức trong phạm vi cả nước, trừ một số tổ chức kinh tế. Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg, ngày 21/7/2015 và Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Hiện nay, mức cho vay tối đa của chương trình hộ mới thoát nghèo là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay 8,25%/năm. Tuy nhiên, cần có các mức lãi suất linh hoạt cho các hộ nghèo và ở các vùng miền khác nhau.

KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ HÀM Ý

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 yếu tố mang ý nghĩa thống kê ở mức 5%, bao gồm: Lãi suất; Mô hình và quản lý; Nguồn lực; Tổ chức thực hiện. Mô hình và quản lý tác động mạnh nhất đến thu nhập hộ nghèo. Do đó, cần tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân trên địa bàn. Xây dựng mô hình quản lý tổ chức tín dụng phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm việc chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với lãi suất, cần có các mức lãi suất linh hoạt cho các hộ nghèo và ở các vùng miền khác nhau. Đối với việc huy động các nguồn lực đặc biệt là các nguồn vốn xã hội hóa là rất quan trọng, tạo điều kiện cho việc nâng cao thu nhập bền vững cho hộ nghèo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, cần đảm bảo nguồn lực của chương trình phù hợp cho các đối tượng hộ nghèo đồng thời, để việc tổ chức thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức tín dụng với các cấp chính quyền và các hội, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng xã hội; huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.

Trong các yếu tố thuộc TDCSXH, Mục tiêu và đối tượng không mang ý nghĩa thống kê. Bởi, một số chính sách tín dụng áp dụng chung trên toàn quốc, nên chưa phù hợp các loại đối tượng và đặc điểm vùng, miền dẫn đến làm giảm hiệu quả chính sách. Chính sách tín dụng trong chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình dân tộc thiểu số còn nhiều trùng lắp về địa bàn, đối tượng, nhưng chưa được phân tách một cách phù hợp. Vì vậy, yếu tố này cần được nhà nước quan tâm. TDCSXH góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ nhà ở cho người có công, người nghèo ở nông thôn và các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ; phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, và thể hiện sự quan tâm của Đảng và nhà nước đến phúc lợi của người dân, đặc biệt là đối tượng người nghèo.

Mặc dù đạt được kết quả nhất định, song nghiên cứu còn hạn chế ở mẫu nghiên cứu nên tính đại diện chưa cao. Thứ hai, mô hình chỉ xem xét tác động trực tiếp của các yếu tố thuộc TDCSXH đến thu nhập hộ nghèo. Vì vậy, trong tương lai, các mối quan hệ gián tiếp cần được xem xét bằng cách xây dựng mô hình có các biến trung gian./.

Tài liệu tham khảo

1. DeVellis, R. F., and Thorpe, C. T. (2021), Scale development: Theory and applications, Sage publications.

2. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, NxbHồng Đức.

3. Nguyễn Lâm Thành (2023), Phát huy vai trò của TDCSXH đối với đồng bào dân tộc thiểu số, truy cập từ https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/phat-huy-vai-tro-cua-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-doi-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so.

4. Trần Thị Vân Anh (2021), Tác động của TDCSXH đến mục tiêu giảm nghèo tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 13.

Ngày nhận bài: 15/3/2024; Ngày phản biện: 25/32024; Ngày duyệt đăng: 17/4/2024