ThS. Phan Thị Thùy

Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Đại Nam

Email: thuypt289@gmail.com

Tóm tắt

Việc tạo ra chuỗi cung ứng xanh là một quá trình tích hợp các khía cạnh môi trường vào tất cả các hoạt động của chuỗi cung ứng. Bài viết phân tích xu hướng xanh hóa chuỗi cung ứng để phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, xã hội. Từ thực trạng phát triển của Ngành, tác giả đề xuất 3 nhóm giải pháp với 14 biện pháp thành phần nhằm xanh hóa chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra của thời đại.

Từ khóa: chuỗi cung ứng xanh, công nghiệp chế biến, bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp, phát triển bền vững

Summary

The creation of a green supply chain is a process that integrates environmental aspects into all supply chain operations. The article analyzes the trend of greening the supply chain to sustainably develop Vietnam's manufacturing industry, in order to ensure harmony between economic benefits and environmental and social protection. From the development situation of the Industry, the author proposes 3 groups of solutions with 14 component measures to green the supply chain of Vietnam's manufacturing industry effectively, meeting the requirements of the era.

Keywords: green supply chain, manufacturing industry, integration context, business, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nền kinh tế của mỗi quốc gia được cấu thành từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau và khu vực công nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là một ngành đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung. Tại Việt Nam, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang khẳng định vị trí là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã đề ra kế hoạch trong đó đặt mục tiêu nâng cao tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP lên hơn 25%. Tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%. Những chỉ tiêu này khẳng định vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm chế biến, chế tạo. Cùng với đó, các thị trường xuất khẩu chính của ngành như thị trường Mỹ, EU ngày càng tăng cường các tiêu chuẩn xanh cho hàng hóa nhập khẩu. Do đó, cần có những giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng để phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo một cách bền vững, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, xã hội.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Quá trình kinh doanh thay đổi liên tục nên quan điểm về chuỗi cung ứng cũng có sự khác biệt theo thời gian. Chuỗi cung ứng được hiểu là một mạng lưới các công ty tham gia vào quá trình phân phối hàng hóa, dịch vụ, nguồn tài chính và luồng thông tin giữa nhà cung cấp ban đầu và người tiêu dùng cuối cùng (Christopher, 1992; Lambert và cộng sự, 2011). Theo Lummus và Vokurka (1999) chuỗi cung ứng được định nghĩa là tất cả các hoạt động liên quan đến việc cung cấp một sản phẩm từ khi còn là nguyên liệu thô cho đến sản phẩm hoàn thiện tới tay khách hàng, bao gồm việc tìm nguồn nguyên liệu và các bộ phận, sản xuất và lắp ráp, kho bãi, theo dõi hàng tồn kho, nhập lệnh và quản lý đơn hàng, phân phối, giao hàng cho khách hàng, các hệ thống thông tin cần thiết để giám sát tất cả những hoạt động này. Trong khi, Nagurney (2006) lại cho rằng, chuỗi cung ứng là tập hợp các đơn vị bao gồm: nhân lực, kỹ thuật và nguồn lực, phối hợp cùng nhau để phân phối sản phẩm từ nhà cung cấp đến tay khách hàng.

Hình 1: Tích hợp chuỗi cung ứng

Giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập

Nguồn: Lummus và Vokurka, 1999

Như vậy, chuỗi cung ứng là một hệ thống liên kết các tổ chức, hoạt động, thông tin, con người và các nguồn lực liên quan đến việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp, nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Xanh hóa là thuật ngữ thường được nhắc tới khi nói đến việc chuyển đổi một hệ thống hoặc quy trình thân thiện với môi trường hơn, ngày càng được áp dụng rộng rãi trong bối cảnh cấp bách của vấn đề môi trường hiện nay. Theo Rao và Holt (2005), nếu xanh hóa chuỗi cung ứng, bao gồm xanh hóa đầu vào, xanh hóa sản xuất, xanh hóa đầu ra, các doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí đáng kể, mà còn tăng cường doanh thu, thị phần và khai thác các cơ hội thị trường mới để mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn, góp phần vào hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, để đối mặt với những thách thức, buộc các danh nghiệp phải cố gắng xanh hóa chuỗi cung ứng bằng cách tạo ra mạng lưới các nhà cung cấp đầu vào với các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc xây dựng các phương pháp chung nhằm giảm lượng chất thải và tăng hiệu quả hoạt động (Zhu và Cote, 2004). Việc tạo ra chuỗi cung ứng xanh là một quá trình tích hợp các khía cạnh môi trường vào tất cả các hoạt động của chuỗi cung ứng, bao gồm các quyết định liên quan đến tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu và xây dựng mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp (Gilbert, 2001).

Cùng với đó, các nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng xanh và tác động đối với hiệu quả kinh tế cũng cho thấy, mối quan tâm ngày càng tăng trong việc tích hợp tính bền vững môi trường vào quản lý chuỗi cung ứng. Việc áp dụng thực tiễn quản lý chuỗi cung ứng xanh trong các hoạt động sản xuất dẫn đến cải thiện hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động (Green và cộng sự, 2012). Các công ty có thể cải thiện hiệu quả kinh tế trong chuỗi cung ứng thông qua việc thiết lập hệ thống thu hồi và tái chế (Wu và cộng sự, 2015). Nghiên cứu của Lê Thị Tâm (2020) cũng khẳng định thiết kế xanh và sản xuất xanh có tác động tích cực và đáng kể đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Nghiên cứu của Holt và Ghobadian (2009) chỉ ra rằng, các nhà sản xuất tại nước Anh chủ yếu tập trung vào các hoạt động chuỗi cung ứng xanh nội bộ như quản lý việc xử lý chất thải và tái chế nhiều hơn là quá trình tương tác chủ động bên ngoài.

Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Thị Nguyệt Anh và Lê Phan Hòa (2013) cho rằng, xu hướng chuỗi cung ứng xanh đang ngày càng phổ biến. Các doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng và đáp ứng các tiêu chuẩn này nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn quốc tế. Trong nghiên cứu của Tạ Văn Lợi (2022) về xanh hóa chuỗi cung ứng hàng thủy sản xuất khẩu tại Việt Nam, việc xanh hóa chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu tập trung nhiều tới sản phẩm đạt chuẩn theo chiều thuận, chưa chú trọng tới chiều ngược lại như phế thải, tác hại môi trường...

Từ thống kế kể trên có thể nói, đã có nhiều nghiên cứu về chuỗi cung ứng và xanh hóa chuỗi cung ứng, nhưng vẫn còn hạn chế về các nghiên cứu cụ thể về cách thức quản trị, giải pháp xanh hóa chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Các nghiên cứu gần đây về chuỗi cung ứng xanh trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam chủ yếu là các nghiên cứu cụ thể về chuỗi cung ứng của một doanh nghiệp, tập trung vào mối quan hệ xanh hóa chuỗi cung ứng và kết quả, hiệu quả kinh tế, cũng chưa đi sâu vào cách thức quản trị xanh hóa cho lĩnh vực này.

THỰC TRẠNG XANH HÓA NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN, CHẾ TẠO TẠI VIỆT NAM

Tình hình phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Công nghiệp chế biến chế tạo được đánh giá là lực đẩy số một trong mở rộng sản xuất và xuất khẩu của nền kinh tế Việt Nam. Theo Niên giám Thống kê, giai đoạn 2015-2020, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp vào GDP đã tăng từ 13,7% lên 16,7%. Năm 2022, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng chỉ còn chiếm 8,9% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 78,4%; công nghiệp chế biến chế tạo đã đóng góp 24,58% GDP và tạo việc làm cho 23,4% lao động cả nước. Các ngành chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ... đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Nhờ vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và nâng cao thứ hạng về năng lực cạnh tranh của công nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

Mặc dù đóng góp gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh cho nền kinh tế, nhưng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt gần 18%, thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thấp hơn mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. Hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo thuộc vào công nghệ thấp và trung bình, trong khi ngành công nghệ cao chủ yếu chỉ tập trung vào gia công và lắp ráp. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên vật liệu, sản phẩm trung gian và máy móc thiết bị. Các ngành xuất khẩu chủ lực, như: dệt may, da giày, điện tử, có tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu lên đến 60%-70%. Khu vực FDI chiếm tới 64,44% tổng giá trị gia tăng của toàn ngành, cho thấy sự thiếu hụt năng lực dẫn dắt của doanh nghiệp nội địa, chỉ tham gia chủ yếu vào các khâu phụ trợ.

Trong giai đoạn 2010-2020, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 60% trong tổng kim ngạch xuất cả nước. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/12/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 337,62 tỷ USD. Trong đó, đóng góp quan trọng đến từ nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 7 mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Các nhóm hàng này bao gồm: điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, da giày và đồ gỗ. Điều đáng chú ý là xuất khẩu các nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo lại giữ vai trò chủ đạo trong bối cảnh hoạt động công nghiệp gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm chạp, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm. Năm 2023, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thực hiện tốt đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đã tăng mức xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu và Tây Á để bù đắp cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn (như: Mỹ, EU, Hàn Quốc). Nhìn chung, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Điều này giúp hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn thu hút lượng lớn nguồn vốn FDI, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký. Trong năm 2023, chỉ riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút FDI với vốn đăng ký đạt 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đăng ký, khẳng định vị trí dẫn đầu trong thu hút đầu tư FDI. Đặc biệt, theo Cục Đầu tư nước ngoài, xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%. Lũy kế đến cuối năm 2023, Việt Nam đã thu hút được 16.875 dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, với tổng số vốn đăng ký đạt 283,026 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 19 ngành có dự án FDI đầu tư.

Tuy nhiên, để dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự phát huy hiệu quả, cần chú trọng lựa chọn dòng vốn FDI có chất lượng, tập trung thu hút các dự án FDI có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Mục tiêu thu hút FDI trong thời gian tới là tập trung vào chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, tác động lan toả và kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thực trạng xanh hóa chuỗi cung ứng ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam

Ngành chế biến chế tạo Việt Nam ghi nhận những con số ấn tượng về xuất khẩu và thu hút FDI cao, minh chứng cho việc các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã đạt được các chứng nhận quốc tế về sản xuất xanh, bền vững. Bên cạnh đó, do yêu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, EU, các nhà sản xuất gỗ và chế biến thủy hải sản Việt Nam cũng đã nỗ lực tuân thủ các quy định về nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các điều kiện đối với gỗ khai thác trái phép. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiên phong trong những chiến lược phát triển bền vững và xanh hóa chuỗi cung ứng, như: Vinamilk, Masan, Trung Nguyên, SamSung, NS BlueScope Việt Nam... Trong chiến lược của mình, doanh nghiệp đã đề ra một loạt nguyên tắc, như: tính chính trực và minh bạch, đảm bảo môi trường bền vững, chống biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chuỗi giá trị chế biến nông sản, thủy sản… hình thành theo các hình thức liên kết đa dạng, đảm bảo chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa doanh nghiệp và người nông dân, người nuôi trồng thủy sản. Các chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ mới giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gia tăng giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn sản phẩm xanh.

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có nhiều doanh nghiệp tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến hình thành chuỗi cung ứng xanh. Tại Bình Thuận, cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài gây ô nhiễm kéo dài nhiều năm gây nhức nhối dư luận. Tại Lào Cai, nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu xã Tân An đã xả nước thải gây ảnh hưởng đến môi trường nước và không khí. Các nhà máy sản xuất thuộc ngành hóa chất, phân bón, khai thác và chế biến khoáng sản... là những đơn vị có lượng nước thải rất lớn, chứa nhiều yếu tố độc hại. Tại Thanh Hóa, Công ty TNHH Miza Nghi Sơn bị khởi tố vì đổ thải hơn 200 tấn tro, xỉ ra môi trường không đúng quy định. Ngành chế biến gang thép là một trong những ngành công nghiệp nặng thải ra lượng khí thải lớn nhất, bao gồm: bụi mịn, SO2, NOx và CO2. Nhiều nhà máy chế biến mủ cao su, chế biến thủy sản gây mùi hôi, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Khí thải từ quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, thành phẩm, xuất nhập khẩu hàng hóa của ngành cũng ảnh hưởng đến môi trường không khí. Chưa kể đến nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường từ các doanh nghiệp chế biến, chế tạo có vốn đầu tư nước ngoài.

Ngành công nghiệp chế biến và chế tạo Việt Nam có tỷ lệ doanh nghiệp nội địa chiếm đa số, nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này thường ưu tiên cho việc giảm thiểu rủi ro và tuân thủ luật pháp hơn là các sáng kiến môi trường rộng lớn toàn ngành. Trong khi, các doanh nghiệp vừa và lớn thường sẽ tiên tiến hơn trong thực tiễn quản lý chuỗi cung ứng xanh so với các doanh nghiệp nhỏ hơn (Zhu và cộng sự, 2008). Những hạn chế về vốn, quy mô, khả năng đổi mới và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng kìm hãm mức độ liên kết ngành, dẫn đến việc tham gia chuỗi cung ứng và hình thành chuỗi cung ứng xanh trong toàn ngành còn thấp. Cộng thêm, các rào cản xanh có xu hướng ngày càng nhiều hơn, khắt khe hơn làm giảm tỷ lệ đơn hàng đáp ứng, đòi hỏi nếu doanh nghiệp không chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa, thì hàng hóa không thể vào các thị trường lớn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP XANH HÓA CHUỖI CUNG ỨNG

Để xanh hóa chuỗi cung ứng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam một cách hiệu quả, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến và chế tạo Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tăng năng lực thực thi chính sách môi trường

Thứ nhất, ngành công nghiệp chế biến và chế tạo Việt Nam cần thoả mãn quan điểm về môi trường của khách hàng. Thực tế khách hàng sẵn sàng chi trả mức cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Như vậy, khách hàng đã ý thức về vấn đề môi trường trong hoạt động kinh doanh và yêu cầu các doanh nghiệp cần cải thiện vấn đề này mặc dù chi phí bỏ ra là rất lớn.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường. Chính các văn bản về môi trường gắn với sự phát triển của nền kinh tế, nó liên quan tới việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm về nước, không khí, tiếng ồn của các doanh nghiệp.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần áp dụng bộ tiêu chuẩn về quản lý môi trường (ISO14000) do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành nhằm giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác động gây tổn hại tới môi trường và thường xuyên cải tiến kết quả hoạt động về môi trường. Hiện nay, trên thế giới, việc áp dụng bộ tiêu chuẩn này, doanh nghiệp được tiếp cận các vấn đề về quản trị môi trường, nâng cao năng lực doanh nghiệp trong việc thực hiện các cam kết về môi trường và tháo bỏ rào cản thương mại khi các doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi cung ứng và hoạt động thân thiện với môi trường.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần áp dụng bộ tiêu chuẩn bền vững và yêu cầu đối tác và nhà cung cấp tuân thủ các tiêu chuẩn này. Từ đó có thể thực hiện đánh giá và theo dõi tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo tính bền vững trong chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, để xây dựng chuỗi cung ứng hướng tới môi trường, doanh nghiệp nên hỗ trợ và đồng hành với đối tác và nhà cung cấp trong việc thực hiện các biện pháp bền vững và giảm tác động môi trường. Điều này có thể làm thông qua chia sẻ kỹ thuật tiên tiến, cung cấp tư vấn và hỗ trợ tài chính.

Xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp theo hướng xanh hoá chuỗi cung ứng

Một là, doanh nghiệp cần hoạch định giữa áp dụng chuỗi cung ứng xanh và mục tiêu của doanh nghiệp nhằm tạo ra giá trị chiến lược. Theo đó, doanh nghiệp cần định hướng rõ mục tiêu kinh doanh bao gồm: Tạo ra sự khác biệt hóa sản phẩm như sử dụng nguyên vật liệu tự nhiên hay sản phẩm được thiết kế nhằm mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường; Tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ; Giảm thiểu chi phí; Quản lý rủi ro; Định nghĩa lại thị trường. Khi chương trình chuỗi cung ứng xanh phù hợp với mục tiêu sẽ có các chỉ số đánh giá sự thành công của doanh nghiệp, bao gồm: Các chỉ số về môi trường; Động lực cho hoạt động đổi mới; Sự ủng hộ của các tổ chức liên quan.

Hai là, doanh nghiệp cần đánh giá chuỗi cung ứng là một hệ thống bao gồm: Tối thiểu hóa các yếu tố đầu vào (gồm: nguyên vật liệu, năng lượng, vốn) và yếu tố đầu ra (rác thải, khí thải, nước thải); Tối ưu hóa chu kỳ sản xuất trong sự tác động của môi trường; Tối đa hóa các yếu tố đầu ra là sản phẩm và lợi nhuận.

Ba là, các nhà quản trị cần xem chuỗi cung ứng xanh là động lực cải thiện quy trình hoạt động của tổ chức với mục tiêu giảm chi phí. Ô nhiễm và rác thải là đại diện cho việc sử dụng nguyên vật liệu không chuẩn hoá và thiếu hiệu quả. Do vậy, việc doanh nghiệp ứng dụng chuỗi cung ứng xanh sẽ mang lại hiệu quả trị kinh doanh trên cả phương diện tài chính và hình ảnh doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư và cộng đồng xã hội.

Bốn là, doanh nghiệp cần hoàn thiện mô hình kinh doanh theo hướng xanh hoá chuỗi cung ứng. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải vượt qua rào cản nội bộ để thực hiện sự thay đổi của tổ chức, tạo sự thống nhất trong chuỗi cung ứng, tập trung vào mục tiêu và kết quả đã theo đuổi.

Ngoài những hướng đi trên, khi triển khai thực tế, doanh nghiệp cần áp dụng các công cụ đo lường và đánh giá các tiêu chuẩn và hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng xanh dựa trên hệ thống kiểm soát chặt chẽ các thành phần của chuỗi cung ứng.

Ứng dụng công nghệ số hướng đến bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam ứng dụng công nghệ số hướng đến bảo vệ môi trường trong chuỗi cung ứng là một xu hướng tất yếu để tăng năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa lợi nhuận. Theo đó, doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện tốt các nội dung sau:

- Áp dụng những ứng dụng số quan trọng để tối ưu hóa quy trình sản xuất và vận chuyển, cho phép các doanh nghiệp theo dõi và quản lý chính xác lượng nguyên liệu sử dụng, từng bước sản xuất cũng như hiệu suất vận chuyển. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể giảm lượng chất thải và khí thải gây ô nhiễm ra môi trường.

- Coi việc sử dụng công nghệ số như là một giải pháp thông minh để tối ưu hóa quy trình lưu trữ và phân phối hàng hóa. Các hệ thống tự động thông minh có thể quản lý lượng hàng tồn kho, giảm thiểu lãng phí và sử dụng tối đa không gian lưu trữ. Điều này giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tài nguyên.

- Ứng dụng công nghệ số vào giám sát và theo dõi chất lượng không khí, nước và đất để xác định và ngăn chặn sự cố môi trường kịp thời, giúp giảm thiểu rủi ro môi trường và tiết kiệm chi phí.

- Ứng dụng công nghệ số vào chuỗi cung ứng tạo thành chuỗi cung ứng xanh hướng đến đảm bảo tính minh bạch trong việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời đóng góp tích cực vào bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ tương lai./.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công Thương (2023), Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.

2. Christopher, M (1992), Logistics and supply management, London: Pit-man Publishing.

3. Holt, D., and Ghobadian, A. (2009), An empirical study of green supply chain management practices amongst UK manufacturers, Journal of Manufacturing Technology Management, 20, 933-956.

4. Green Jr., K.W., Zelbst, P.J., Meacham, J. and Bhadauria, V.S. (2012), Green Supply Chain Management Practices: Impact on Performance, Supply Chain Management: An International Journal, 17, 290-305, https://doi.org/10.1108/13598541211227126.

5. Gilbert, K. R. (2001), Introduction: Why Are We Interested in Emotions? In K. R. Gilbert (Ed.), The Emotional Nature of Qualitative Research.

6. Lummus, R.R., and Vokurka, R.J. (1999), Defining supply chain management: a historical perspective and practical guidelines, Industrial management & data systems, 99, 11-17.

7. Lambert, S, Riopel, D, and Kader, A. W (2011), A Reverse logistics decisions conceptual framework, Computers and Industrial Engineering. 61, 561-581.

8. Nguyễn Thị Nguyệt Anh và Lê Phan Hòa (2013), “Xanh hóa” chuỗi cung ứng - Hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 193(II), 49-54.

9. Nagurney (2006), Supply chain network Economics, Books, Edward Elgar Publishing.

10. Tổng cục Thống kê (2015-2020), Niên giám Thống kê các năm, từ năm 2016 đến năm 2021.

11. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023.

12. Tạ Văn Lợi (2022), Thực hành xanh hóa chuỗi cung ứng thủy sản xuất khẩu tại Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Phát triển - Hệ thống quản lý trực tuyến, 13-26.

13. Tumpa, T. J., Ali, S.M., Rahman, M.H., Paul S.K., Chowdhury, P., Khan, S.A.R. (2019), Barriers to green supply chain management: An emerging economy context, Journal of Cleaner Production, 236,1-12.

14. Rao, P., and Holt, D. (2005), Do green supply chains lead to competitiveness and economic performance? International Journal of Operations & Production Management, 25, 898-916.

15. Wu, Kuo-Ju, Liao, Ching-Jong, Tseng, Ming-Lang, Chiu, Anthony S.F. (2015), Exploring decisive factors in green supply chain practices under uncertainty, International Journal of Production Economics, Elsevier, 159(C), 147-157.

16. Zhu, Q., and Cote, R. P. (2004), Integrating green supply chain management into an embryonic eco-industrial development: a case study of the Guitang Group, Journal of Cleaner Production, 12, 1025-1035.

17. Zhu, Q., Joseph Sarkis, Kee‐hung Lai and Yong Geng (2008), The role of organizational size in the adoption of green supply chain management practices in China, Corporate social responsibility and environmental management, 15, 322-337.

Ngày nhận bài: 22/3/2024; Ngày phản biện: 12/4/2024; Ngày duyệt đăng: 16/4/2024