Xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi xanh của sinh viên
Trịnh Thị Trang, Phạm Thùy Linh, Thái Thị Minh Duyên, Đoàn Thị Uyên, Nguyễn Thị Kiều Diệp
Email: trangtt_ph@utc.edu.vn
Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải
Tóm tắt
Bài viết nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện hành vi xanh của sinh viên đại học trong bối cảnh môi trường đang có những thay đổi đáng lo ngại và tình trạng biến đổi khí hậu cực đoan trên phạm vi toàn cầu. Trên cơ sở lý thuyết hành vi có kế hoạch và các nghiên cứu liên quan đến hành vi xanh trên thế giới và Việt Nam, cũng như đặc thù của đối tượng sinh viên đại học, mô hình nghiên cứu đề xuất được xác định bao gồm 5 biến độc lập tác động đến Ý định thực hiện hành vi xanh của sinh viên đại học, đó là: Kiến thức về môi trường; Thái độ với môi trường; Tính chủ động; Chuẩn chủ quan và Chính sách bảo vệ môi trường của nhà trường. Mô hình đề xuất là tiền đề cho việc thực hiện các nghiên cứu định lượng tiếp theo nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng và đưa ra các giải pháp chính sách trong tương lai nhằm thúc đẩy hành vi xanh của sinh viên các trường đại học.
Từ khóa: hành vi xanh, yếu tố ảnh hưởng, sinh viên, đại học, lý thuyết hành vi có kế hoạch
Summary
This article aims to build a model to research factors affecting the implementation of green behavior by university students in the context of worrying environmental changes and extreme climate change on a global scale. Based on the theory of planned behavior and research related to green behavior in the world and Vietnam, as well as the characteristics of university students, the proposed research model is determined to include five independent variables affecting university students' intention to perform green behavior, which are: Environmental knowledge; Attitude towards the environment; Proactivity; Subjective norms, and School's environmental protection policy. The proposed model is a premise for conducting further quantitative research to evaluate influencing factors and propose future policy solutions to promote green behavior among university students.
Keywords: green behavior, influencing factors, students, university, theory of planned behavior
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong những năm gần đây, với những thay đổi đáng lo ngại về môi trường và biến đổi khí hậu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực thi các chính sách, chương trình hành động hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển theo định hướng xanh. Trong nỗ lực đó, các trường đại học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng thông qua khả năng ảnh hưởng đến cộng đồng. Đây không chỉ là nơi cung cấp kiến thức và kỹ năng về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho thế hệ trẻ thông qua hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, mà còn là môi trường mẫu để sinh viên, giảng viên, cán bộ nhân viên tiếp thu những hiểu biết và thực hành các hành vi, tạo nên thói quen ứng xử bền vững với môi trường thông qua các hoạt động vận hành hàng ngày. Không những thế, các trường đại học hiện cũng đang đối mặt với các rủi ro và thách thức chung về bảo vệ môi trường giống như cộng đồng xung quanh. Điều này đòi hỏi nỗ lực lớn từ phía các trường đại học để góp phần chung tay cùng đất nước xử lý các vấn đề môi trường.
Với đặc điểm là số lượng sinh viên chiếm phần lớn trong các trường đại học, hơn nữa sinh viên còn là chủ nhân tương lai của đất nước, nên việc nhận thức về thay đổi hành vi gây ô nhiễm tới môi trường của đối tượng này vô cùng quan trọng. Hàng ngày, mỗi hoạt động của sinh viên trong công tác học tập và các hoạt động ngoại khóa có tác động không nhỏ tới môi trường xung quanh, như: việc in ấn tài liệu học tập, sử dụng điện, nước, các thiết bị điện tử và rác thải nhựa đựng đồ ăn, đồ uống… Do đó, hành vi xanh (sẵn sàng tham gia vào các hoạt động thân thiện với môi trường) của sinh viên là vô cùng quan trọng để giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Để góp phần tạo ra sự thay đổi trong hành vi của sinh viên theo hướng xanh, việc đào tạo và định hướng cho sinh viên hiểu biết đến thực hiện hành vi xanh ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng. Đó là nền tảng để các kỹ sư, cử nhân tương lai sẽ có những giải pháp thiết kế, thi công, xây dựng các công trình xanh và hệ thống giao thông xanh, cũng như hàng loạt các giải pháp xanh trên mọi lĩnh vực, góp phần cải thiện đáng kể môi trường tự nhiên. Để làm được điều này, việc nghiên cứu để chỉ ra được các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi xanh là rất cần thiết, nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy sinh viên thực hiện các hành vi xanh có ảnh hưởng tích cực đến môi trường.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Khái niệm, đặc điểm hành vi xanh
Có nhiều thuật ngữ được sử dụng để mô tả các hành vi của con người nhằm mục đích bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm. Những hành vi này được biết đến với tên gọi, như: "hành vi bảo vệ môi trường (PEB), hành vi xanh, hành vi có trách nhiệm với môi trường và hành vi thân thiện với môi trường" (Lee, Jan và Yang, 2013). "Hành vi xanh" cũng là thuật ngữ để chỉ những hành vi giảm thiểu tác động đến môi trường, cũng như mang lại lợi ích cho môi trường nói chung (Steg và Vlek, 2009).
Tổng hợp các quan điểm được nêu ra liên quan đến khái niệm hành vi xanh, trong nghiên cứu này, “hành vi xanh” được hiểu là hành vi của các cá nhân, tập thể hướng tới việc bảo vệ môi trường, tích cực hành động để giải quyết các vấn đề về môi trường hoặc cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực từ hành vi của họ tới môi trường, bao gồm: việc mua các sản phẩm bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, du lịch xanh, hành vi tái chế, tái sử dụng… (Li và Wang Rui, 2019).
Dựa trên khái niệm về hành vi xanh đưa ra có thể thấy rằng hành vi xanh có các đặc điểm cơ bản bao gồm: Tính bền vững, tính cá nhân và tính kinh tế.
Lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB)
Từ khái niệm và các đặc điểm của hành vi xanh có thể thấy rằng, để hướng sinh viên thực hiện hành vi xanh, cần tập trung nghiên cứu ý định thực hiện hành vi của họ. Trên cơ sở tổng kết các nghiên cứu trước đây trong lĩnh vực hành vi nói chung và các nghiên cứu về hành vi xanh nói riêng, nhóm tác giả đề xuất sử dụng lý thuyết hành vi có kế hoạch (Theory of Planned Behavior - TPB) vì đây được cho là khung lý thuyết tương đối tổng quát về các yếu tố có ảnh hưởng tới việc thực hiện hành vi của con người (Conner và Armitage, 1998).
Thuyết TPB của Ajzen (1991) được phát triển từ lý thuyết hành vi hợp lý (Theory of Reasoned Action - TRA). Lý thuyết này được tạo ra do sự hạn chế của lý thuyết trước về việc cho rằng, hành vi của con người là hoàn toàn do lý trí kiểm soát. Cơ bản, TPB vẫn được dùng để nghiên cứu và dự đoán hành vi con người dựa trên mối quan hệ giữa thái độ, ảnh hưởng của xã hội với ý định thực hiện hành vi và hành vi thực tế. Theo TPB, nhân tố quan trọng nhất quyết định hành vi của con người là ý định thực hiện hành vi đó. Ý định hành vi (Behavior Intention) là ý muốn thực hiện hành vi của con người về một hành vi cụ thể. Ajzen cho rằng, ý định thực hiện hành vi sẽ chịu ảnh hưởng bởi 3 nhân tố là: Thái độ đối với hành vi (Attitude towards the behavior); Chuẩn chủ quan (Subjective norm) và Nhận thức về kiểm soát hành vi (Perceived Behavior Control (Ajzen và Fishbein, 1975).
XÂY DỰNG GIẢ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Thông qua việc lược khảo các công trình nghiên cứu khoa học có liên quan trước đó, nhóm tác giả nhận thấy có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia thực hiện hành vi xanh của sinh viên. Tuy nhiên, trong phạm vi bài nghiên cứu này, các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên tập trung vào 5 nhóm nhân tố, bao gồm: (1) Environmental Knowledge: Kiến thức về môi trường (EK); (2) Environmental Attitude: Thái độ với môi trường (EA); (3) Proactive Personality: Tính chủ động (PP); (4) Subjective Norms: Chuẩn chủ quan (SN); (5) Environmental Protection Policy: Các chính sách bảo vệ môi trường của nhà trường (EPP). Đây là 5 nhân tố đóng vai trò là biến độc lập được lựa chọn trong mô hình nghiên cứu.
Cùng với đó, sự tham gia thực hiện các hành vi xanh của sinh viên đóng vai trò là biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu. Việc thực hiện hành vi xanh của sinh viên cũng được thể hiện ở nhiều góc độ và hình thức khác nhau. Trong nghiên cứu này, việc thực hiện hành vi xanh của sinh viên được nhóm tác giả lựa chọn đánh giá thông qua tiêu chí ý định thực hiện hành vi xanh của họ. Mô hình nghiên cứu được đề xuất bao gồm 5 nhân tố ảnh hưởng như Hình.
Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất |
Các biến trong mô hình
Biến phụ thuộc
Việc thực hiện hành vi xanh của sinh viên được thể hiện thông qua nhiều tiêu chí khác nhau, như: ý định thực hiện hành vi xanh của sinh viên, số lượng sinh viên thực hiện các hành vi xanh thông qua các hành động cụ thể, gồm: tiết nghiệm năng lượng, tái chế, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường… Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả lựa chọn tiêu chí ý định thực hiện hành vi xanh của sinh viên là biến phụ thuộc trong mô hình nghiên cứu
Biến độc lập
Biến độc lập được xác định là các nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia thực hiện hành vi xanh của sinh viên. Dựa trên cơ sở các công trình nghiên cứu trước đây, biến độc lập trong mô hình nghiên cứu được nhóm tác giả lựa chọn bao gồm: Kiến thức về môi trường; Thái độ với môi trường; Tính chủ động; Chuẩn chủ quan; Các chính sách bảo vệ môi trường của nhà trường.
Xây dựng giả thuyết
Để giải quyết được mô hình nghiên cứu đề xuất trên, các giả thuyết sau được xây dựng, cụ thể như sau:
Kiến thức về môi trường
Kiến thức về môi trường đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy hành vi xanh, nó được định nghĩa là “kiến thức chung về các sự kiện, khái niệm và mối quan hệ liên quan đến môi trường tự nhiên và các hệ sinh thái chính của nó” (Fryxell và Lo, 2003). Sự hiểu biết về các vấn đề môi trường có thể được tiếp thu thông qua giáo dục chính quy và không chính quy.
Nhận thức về môi trường là nền tảng cho hành động. Khi con người hiểu rõ những tác động tiềm ẩn của hành vi mình đối với môi trường, họ sẽ có xu hướng lựa chọn những hành động có trách nhiệm hơn. Nói cách khác, kiến thức càng sâu rộng, hành vi càng tích cực.
Hiểu biết về môi trường bao gồm 3 thành phần chính: Nhận thức: hiểu biết về các vấn đề môi trường và tác động của chúng; Tình cảm: mức độ quan tâm và lo lắng về các vấn đề môi trường; Tâm lý: niềm tin vào khả năng hành động và tạo ra sự thay đổi tích cực.
Như vậy, kiến thức môi trường và hành vi xanh có mối quan hệ mật thiết. Thông tin và giáo dục môi trường là những công cụ chính được các nhà nghiên cứu đề xuất và áp dụng trong thực tế (Liobikien và Poškus, 2019). Nói cách khác, kiến thức môi trường là chìa khóa để thúc đẩy hành vi xanh. Nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về môi trường là bước đầu tiên để xây dựng một tương lai bền vững cho con người và hành tinh. Trên cơ sở đó nhóm tác giả đưa ra giả thuyết nghiên cứu sau:
H1: Kiến thức về môi trường có tác động tích cực đến Hành vi xanh của sinh viên.
Thái độ với môi trường
Thái độ với môi trường là sự quan tâm của cá nhân đối với các vấn đề môi trường. Nó được thể hiện qua "sự tích lũy niềm tin, ảnh hưởng và hành vi ý định của một người bằng cách tham gia vào các hoạt động và vấn đề liên quan đến môi trường" (Schultz và Tabanico, 2007). Milfont và Duckitt (2010) cho rằng, thái độ môi trường đề cập đến niềm tin của cá nhân đối với môi trường thông qua nhiều mức độ ủng hộ hoặc không ủng hộ.
Trong thuyết hành vi hợp lý – nền tảng cho sự mở rộng của thuyết hành vi có kế hoạch, Fishbein và Ajzen đã định nghĩa thái độ là sự đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của một người về một hành vi cụ thể. Trong một nghiên cứu khác của Fryxell và Lo (2003) cũng coi thái độ là sự đánh giá tích cực hoặc tiêu cực về một đối tượng, hành động, vấn đề hoặc con người. Nói một cách đơn giản, thái độ môi trường là mức độ quan tâm và ủng hộ của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có mối liên hệ mật thiết giữa thái độ môi trường và hành vi xanh. Người có thái độ tích cực đối với môi trường sẽ có xu hướng thực hiện nhiều hành vi xanh hơn, chẳng hạn như: tiết kiệm năng lượng, tái chế… (Bayaah, Juhdi và Awadz, 2010; Abdollahzadehgan và cộng sự, 2013). Ngược lại, người có thái độ tiêu cực với môi trường sẽ ít có khả năng thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường. Do đó, giả thuyết H2 được xây dựng như sau:
H2: Thái độ với môi trường có ảnh hưởng tích cực đến Hành vi xanh của sinh viên.
Tính chủ động
Tính chủ động thể hiện khả năng tác động tích cực đến môi trường xung quanh. Người có tính chủ động thường không "thụ động trước áp lực môi trường" mà luôn nghĩ ra những sáng kiến để tạo ra sự thay đổi.
Nghiên cứu của Li, Liang và Crant (2010) cho thấy, người có tính chủ động có xu hướng thực hiện nhiều hành vi xanh hơn so với người thụ động, họ không chờ đợi người khác hành động, mà tự mình thực hiện những thay đổi tích cực, họ cũng sẵn sàng đề xuất những ý tưởng mới và tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường (Turner, 2005). Ví dụ như: thay vì phàn nàn về rác thải, người có tính chủ động sẽ tìm cách thu gom và tái chế rác thải hay tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như: trồng cây xanh, dọn dẹp môi trường... Llie và Cazan (2018) khẳng định rằng, có mối liên hệ tích cực giữa tính chủ động và hành vi xanh. Do đó, giả thuyết H3 được đề xuất như sau:
H3: Tính chủ động có ảnh hưởng tích cực đến Hành vi xanh của sinh viên.
Chuẩn chủ quan
Chuẩn chủ quan là nhận thức của con người về áp lực xã hội trong việc thực hiện hay không thực hiện một hành vi. Khi một người thực hiện một hành vi cụ thể, họ sẽ nhận thức sự khen chê, phán xét của xã hội hay người thân đối với hành vi đó. Chính những áp lực này tác động ngăn trở hay thúc đẩy bản thân họ thực hiện hành vi. Ajzen và Fishbein (1975) tuyên bố rằng, chuẩn chủ quan là áp lực xã hội khuyến khích một người tham gia vào một hành vi cụ thể. Chuẩn chủ quan là một chuẩn mực hành vi phổ biến được theo sau bởi một nhóm xã hội. Điều đó có nghĩa là, chuẩn chủ quan là thước đo áp lực của nhóm xã hội, mà cá nhân đó phải tính đến trước khi đưa ra quyết định hành vi. Ajzen và Fishbein (1975) đề xuất rằng, áp lực xã hội và nhóm xã hội là những cấu trúc của chuẩn chủ quan. Ajzen (1991) chỉ ra áp lực xã hội và động cơ tuân thủ là các chức năng của chuẩn chủ quan. Do đó, giả thuyết H4 được xây dựng như sau:
H4: Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tích cực đến Hành vi xanh của sinh viên.
Các chính sách bảo vệ môi trường của nhà trường
Việc lồng ghép các môn học về môi trường trong chương trình học và các chương trình ngoại khoá có thể góp phần nâng cao nhận thức về môi trường. Sinh viên có thái độ đối với môi trường tích cực hơn khi tiếp xúc với nhiều vấn đề về môi trường trong các chương trình học, cũng như các chính sách và hoạt động môi trường. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về môi trường của một cá nhân thông qua các chính sách và hoạt động môi trường của nhà trường sẽ dẫn đến thái độ tích cực hơn đối với môi trường và cá nhân có cam kết trách nhiệm hơn với hành vi vì môi trường.
H5: Chính sách bảo vệ môi trường của nhà trường có tác động tích cực đến Hành vi xanh của sinh viên đối với môi trường.
KẾT LUẬN
Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan các công trình đã thực hiện liên quan đến chủ đề nghiên cứu và lý thuyết hành vi có kế hoạch, bài viết đã nhận diện được các nhân tố ảnh hưởng, cũng như xây dựng được các giả thuyết nghiên cứu liên quan đến việc thực hiện hành vi xanh của sinh viên; từ đó, đề xuất mô hình nghiên cứu bao gồm 5 nhân tố tác động tới Ý định thực hiện Hành vi xanh của sinh viên là: Kiến thức về môi trường; Thái độ với môi trường; Tính chủ động; Chuẩn chủ quan và Chính sách bảo vệ môi trường của nhà trường. Đây sẽ là căn cứ khoa học để tiến hành các kiểm định giả thuyết nghiên cứu và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố tác động đến việc thực hiện hành vi xanh trong các trường đại học tại Việt Nam trong tương lai./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abdollahzadehgan, A., Che Hussin, A. R., Gohary, M. M., and Amini, M. (2013), The Organizational Critical Success Factors for Adopting Cloud Computing in SMEs, Journal of Information Systems Research and Innovation, 4(1), 67–74.
2, Ajzen, I. (1991), The theory of planned behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179–211.
3. Ajzen, I., and Fishbein, M. (1975), Belief, attitude, intention, and behavior: An introduction to theory and research, Boston, USA: Addison - Wesley Press.
4. Bayaah, A. S. N., Juhdi, N., and Awadz, A. S. (2010), Examination of Environmental Knowledge and Perceived Pro-Environmental Behavior Among Students of University Tun Abdul Razak, Malaysia, International Journal of Multidisciplinary Thought, 1(1), 328–342.
5. Conner, M., and Armitage, C. J. (1998), Extending the theory of planned behavior: A review and avenues for further research, Journal of Applied Social Psychology, 28(15), 1429-1464.
6. Gerald E. Fryxel and Carlos Wing-Hung Lo, (2003), The Influence of Environmental Knowledge and Values on Managerial Behaviours on Behalf of the Environment: An Empirical Examination of Managers in China, Journal of Business Ethics, 46(1), DOI: 10.1023/A:1024773012398.
7. Lee, Jan, and Yang (2013), Conceptualizing and measuring environmentally responsible behaviors from the perspective of community-based tourists, Tourism Management, 36, 454-468, https://doi.org/10.1016/j.tourman.2012.09.012.
8. Li Cuifang, Wang Rui (2019), A study on Green behavior of Chinese College students from the Perspective of AMO, Environmental Science, Education.
9. Liobikiene, G., and Poškus, M. S. (2019), The importance of environmental knowledge for private and public sphere pro-environmental behavior: Modifying the Value-Belief-Norm theory, Sustainability, Switzerland, 11(12), 2–19.
10. Li, N., Liang, J., and Crant, J. M. (2010), The Role of Proactive Personality in Job Satisfaction and Organizational Citizenship Behavior: A Relational Perspective, Journal of Applied Psychology, 95(2), 395–404.
11. Linda Steg and Charles Vlek (2009), Encouraging pro-environmental behavior: An integrative review and research agenda, Journal of Environmental Psychology, 29(3), 309-317, http://dx.doi.org/10.1016/j.jenvp.2008.10.004.
12. Llie, M. P., and Cazan, A. M. (2018), Personality correlates of pro-environmental attitudes, International Journal of Environmental Health Research, 28(1), 71–78, https://doi.org/10.1080/09603123.2018.1429576.
13. Milfont, T. L., and Duckitt, J. (2010), The environmental attitudes inventory: A valid and reliable measure to assess the structure of environmental attitudes, Journal of Environmental Psychology, 30(1), 80–94.
14. Nur Wahyuni, Md Hamry (2019), The relationship between environmental knowledge, environmental attitude, proactive personality and green behavior among UUM students, Masters thesis, Universiti Utara Malaysia.
15. Schultz, P. W., and Tabanico, J. (2007), Self, Identity, and the Natural Environment: Exploring Implicit Connections with Nature (English), Journal of Applied Social Psychology, 37(6), 1219–1247.
16. Turner, J. E. (2005), Proactive personality and the Big Five as predictors of motivation to learn, Dissertation Abstracts International: Section B, The Sciences and Engineering, 65(9-B), https://doi.org/10.25777/e50x-k845.
Ngày nhận bài: 05/4/2024; Ngày phản biện: 09/4/2024; Ngày duyệt bài: 16/04/2024 |
Bình luận