Từ khóa: đầu tư trực tiếp nước ngoài, FDI xanh, hiệu quả thu hút

Summary

In recent years, unstable world political and economic developments, decline in global trade and investment, epidemics, natural disasters, climate change... have significantly affected Vietnam in all fields of the economy, especially the foreign direct investment (FDI) sector. The article focuses on generalizing the current situation of FDI attraction in Vietnam in recent times, the trend of attracting green FDI in Vietnam, thereby proposing some solutions to improve the efficiency of FDI attraction, aiming to attract green FDI in the near future.

Keywords: foreign direct investment, green FDI, attraction efficiency

ĐẶT VẤN ĐỀ

Kể từ khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, quan hệ hợp tác kinh tế, trong đó bao gồm hợp tác về đầu tư đã phát triển mạnh mẽ. Trong hơn 35 năm qua, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là FDI đã trở thành một nguồn lực đầu tư quan trọng, có vai trò to lớn trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam. Nguồn lực vốn, kỹ thuật, công nghệ từ FDI đã đóng góp rất lớn vào quy mô tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnhnhững thành quả quan trọng nêu trên, xét về xu hướng trong những năm gần đây, hoạt động thu hút FDI đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trốn thuế, chuyển giá, trả công lao động thấp, cơ cấu đầu tư bất lợp lý giữa các ngành nghề và vùng miền. Cùng với đó, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý FDI vẫn còn nhiều bất cập, chậm được khắc phục. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư này có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tác động của cuộc canh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, ngày 02/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Trong đó, nêu rõ: Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài… Trong giai đoạn 2021-2030, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục gia tăng quy mô và tốc độ thu hút đầu tư FDI nhằm phát huy vai trò tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP và xây dựng nền kinh tế xanh.

THỰC TRẠNG THU HÚT FDI CỦA VIỆT NAM THỜI GIAN QUA

Trong gần 4 thập kỷ (1986-2022), Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao. Từ năm 2017 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về thu hút nguồn vốn FDI trong khoảng 10 năm trở lại đây. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2013-2022 đã có 23.706 dự án FDI được cấp phép đăng ký đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 288,66 tỷ USD. Trong đó, số vốn thực hiện là 173,4 tỷ USD, chiếm 60,07% số vốn đăng ký (Bảng 1). Trong giai đoạn 2013-2022, quy mô bình quân 1 dự án đạt giá trị không cao và không ổn định qua các năm. Nếu như năm 2013, quy mô bình quân 1 dự án đạt 14,6 triệu USD nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 51,45% vốn đăng ký, thì đến năm 2022 quy mô bình quân 1 dự án giảm xuống còn 13,61 triệu USD, nhưng vốn thực hiện tăng lên đạt 80,81% vốn đăng ký. Như vậy, trong giai đoạn này; quy mô bình quân 1 dự án không tăng, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký có xu hướng tăng lên rất nhiều.

Bảng 1: Số liệu FDI tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022

Năm

Số dự án

Vốn đăng ký

(tỷ USD)

Vốn thực hiện

(tỷ USD)

Vốn thực hiện/Vốn đăng ký (%)

Quy mô bình quân 1 dự án

(triệu USD)

2013

1.530

22,35

11,50

51,45

14,61

2014

1.843

21,92

12,50

57,02

11,89

2015

2.013

22,76

14,50

63,72

11,31

2016

2.503

24,86

15,80

63,56

9,93

2017

2.591

35,88

17,50

48,77

13,85

2018

3.046

35,47

19,10

53,85

11,64

2019

3.883

38,02

20,38

53,60

9,79

2020

2.523

28,53

19,98

70,03

11,31

2021

1.738

31,15

19,74

63,36

17,92

2022

2.036

27,72

22,40

80,81

13,61

Tổng số

23.706

288,66

173,40

60,07

12,18

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỉ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm (2017-2022). Tính lũy kế trong giai đoạn 1986-2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI; trong đó, 274 tỷ USD đã được giải ngân, chiếm 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Năm 2022, nhiều dự án được tăng vốn đầu tư từ đầu năm như dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn; Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn 2 lần: tăng 920 triệu USD (lần 1) và tăng 267 triệu USD (lần 2); Dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tăng vốn trên 841 triệu USD; Dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh (tăng 306 triệu USD), tại Nghệ An (tăng 260 triệu USD) và tại Hải Phòng (tăng 127 triệu USD).

Năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD; tiếp theo là Trung Quốc (2,52 tỷ USD), Hồng Kông (2,22 tỷ USD).

XU HƯỚNG THU HÚT FDI XANH TẠI VIỆT NAM

Hiện nay, FDI cùng với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường (FDI xanh) đang là một xu hướng đầu tư tất yếu, đồng thời các quốc gia nhận đầu tư ngày càng chú trọng đến việc tăng cường các chính sách bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi một nước nhận được các dự án đầu tư FDI sạch, sẽ có cơ hội đón nhận các công nghệ xử lý, thân thiện với môi trường hiện đại, vừa tăng được các lợi ích về kinh tế, vừa đảm bảo môi trường.

FDI có tác động tích cực tới môi trường thông qua việc ra đời những sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào những nguyên liệu, hoặc nguồn năng lượng truyền thống và các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất hoặc các kinh nghiệm tốt về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, sự có mặt của các công ty đa quốc gia cũng có tác động lan tỏa đối với các công ty trong nước thông qua việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, kỹ năng chuyên môn và những yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt. Nhìn chung, FDI sẽ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Những lợi ích kinh tế này sẽ được sử dụng một phần giúp giải quyết các vấn đề về môi trường theo các phương cách khác nhau.

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Những mô hình kinh tế cụ thể có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có kinh tế tuần hoàn, cũng đang được nghiên cứu, tạo thuận lợi, hướng tới thúc đẩy chuyển đổi xanh ngay trong quá trình phục hồi kinh tế.

Sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế xanh, sản xuất xanh ít nhiều tạo được những tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam. Một mặt, mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái đã được quan tâm nhiều hơn, đi kèm với hoàn thiện chính sách liên quan, cũng như sự gia tăng đầu tư của các doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp (ví dụ như KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, hay các KCN được chọn làm KCN sinh thái trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”…). Mặt khác, Ban quản lý các KCN cũng nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của việc bảo vệ môi trường như là một yếu tố tiên quyết để thu hút FDI. Trước đây, bảo vệ môi trường thường được nhìn nhận với tác động làm tăng chi phí, do đó không đồng nhất với lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, các KCN hiện đã quan tâm hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án đầu tư sẽ thân thiện với môi trường.

Trong giai đoạn gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, các dự án đầu tư đang dần đảm bảo các tiêu chuẩn để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam. Một số dự án điển hình trong giai đoạn gần đây, có thể kể đến như sau:

- Nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương: Ngày 03/11/2022, nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO tại Bình Dương chính thức được khởi công và dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2024. Đây là dự án của LEGO - tập đoàn sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Đan Mạch có tổng đầu tư hơn 1 tỷ USD. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ sử dụng năng lượng mặt trời bằng các tấm pin được lắp đặt trên mái nhà, đồng thời, VSIP (Vietnam Singapore Industrial Park) cũng sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời ở gần đó. Khi cả hai kết hợp lại, mạng lưới năng lượng mặt trời sẽ sản xuất năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu năng lượng hàng năm của nhà máy (Nhật Xuân, 2022). Ngoài ra, việc xây dựng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn LEED Gold (Leadership in Energy and Environmental Design) về sử dụng năng lượng, nước và chất thải có trách nhiệm, đồng thời được thiết kế để vận hành các trang thiết bị sử dụng năng lượng điện nhằm nâng cao hiệu quả bền vững. Các cam kết phát thải sẽ được Tập đoàn LEGO thực hiện bằng cách cùng VSIP trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho thảm thực vật bị thiệt hại trong quá trình xây dựng nhà máy.

- Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Bình Thuận: Đây là dự án đang được phát triển bởi đơn vị quản lý dự án cao cấp của CIP là Copenhagen Offshore Partners (COP). Dự án đã lắp đặt được 2 trụ đo gió trên bờ và đạt được những tiến bộ đáng kể trong quá trình thực hiện. Dự án có công suất 3,5 GW, với tổng số vốn đầu tư lên tới 10,5 tỷ USD. Dự kiến khi hoàn thành, có thể cung cấp năng lượng sạch cho hơn 7 triệu gia đình Việt Nam, giảm thiểu 130 triệu tấn khí thải CO2, đồng thời đóng góp hơn 4 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam.

- Dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Bạc Liêu: Đây là dự án 100% vốn nước ngoài, do Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư, cùng Tập đoàn Bechtel (Mỹ) là tổng thầu EPC (Engineering, Procurement and Constrution) và các đối tác. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4 tỷ USD (tương đương 93.600 tỷ đồng). Dự án được thiết kế với tổng công suất 3.200 MW. Nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến của Tập đoàn General Electric, với dòng máy tuabin khí chu kỳ hỗn hợp 9HA-02, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về năng lượng sạch và an toàn lưới điện.

- Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công nghệ cao T&J tại Bắc Ninh: Đây là dự án do Công ty TNHH Năng lượng xanh là chủ đầu tư, được ký kết hợp tác đầu tư vào tháng 11/2021 bởi Tập đoàn công nghiệp JFE Nhật Bản và Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được thiết kế với công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, hiệu suất phát điện 11,6 MW và có thể tạo ra hơn 91.800 MWh năng lượng sạch mỗi năm.

GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT FDI VÀ HƯỚNG ĐẾN THU HÚT FDI XANH

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia đang có dấu hiệu chậm lại. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, nhất là FDI xanh trong thời gian tới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục quảng bá, xúc tiến đầu tư: Tiếp tục quảng bá, thu hút các tập đoàn đa quốc gia, công ty có thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý, như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản. Tiếp tục chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để tiếp cận trực tiếp với các chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tham gia kiến tạo và vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh phù hợp, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam, mà không thụ động chờ các nhà đầu tư tìm đến.

Thứ hai, thu hút đầu tư có chọn lọc: Thu hút FDI phải lấy chất lượng làm trọng, không khoan nhượng với dự án của bất kỳ đối tác nào để hướng nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, cần ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Để làm được điều này, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá dự án. Thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn lớn, có công nghệ tiên tiến dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực, xóa bỏ việc thu hút FDI tràn lan. Liên kết khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước nhằm tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (như: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ; nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng gian lận và tiếp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan tới đầu tư nước ngoài; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các vi phạm về bảo vệ môi trường. Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.

Thứ ba, ưu đãi hỗ trợ đầu tư: Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Cùng với việc xây dựng môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ hấp dẫn. Hiện nay, Luật Đầu tư sửa đổi và các luật khác có liên quan đã bổ sung những ưu đãi mang tính cạnh tranh tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI như cơ chế hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ tư, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý liên quan đến FDI, chú trọng cập nhật kiến thức về xu hướng vốn FDI xanh; các tiêu chí FDI xanh trên thế giới; kinh nghiệm quản lý dự án FDI xanh; kinh nghiệm xử lý các rủi ro môi trường kể cả từ các dự án FDI đã được cam kết “xanh”…/.

TS. Lê Mai Trang

Bộ môn Kinh tế học - Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28, tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013-2022), Báo cáo về tình hình thu hút vốn FDI các năm, từ năm 2013 đến năm 2022.

2. Cảnh Hưng, Minh Huế (2021), Bắc Ninh khởi động dự án nhà máy xử lý chất thải rắn công nghệ cao phát năng lượng, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/bac-ninh-khoi-dong-du-an-nha-may-xu-ly-chat-thai-ran-cong-nghe-cao-phat-nang-luong-86001.htm.

3. Nhật Xuân (2022), LEGO đầu tư 1 tỷ USD xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên, truy cập từ https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/lego-dau-tu-1-ty-usd-xay-dung-nha-may-trung-hoa-carbon-dau-tien/20211208095413295.

4. Phạm Thị Thanh Bình (2023), Thu hút FDI của Việt Nam năm 2022 và triển vọng, truy cập từ https://tapchinganhang.gov.vn/thu-hut-fdi-cua-viet-nam-nam-2022-va-trien-vong.htm.