Muốn xử lý được nợ xấu cần có số liệu chính xác
Số liệu chưa có sự nhất quán
Báo cáo nhận định, trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng chậm lại và bộc lộ những dấu hiệu khó khăn về tài chính và doanh nghiệp, qua đó làm ảnh hưởng tới sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Cụ thể là, một số doanh nghiệp nhà nước lớn mất khả năng thanh toán nợ và một số khá có biểu hiện vay nợ quá mức. Do vậy, nợ xấu đã tích tụ một lượng lớn, ước tới 12% trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối 2012.
Các chuyên gia của WB, IMF đều cho rằng, cơ sở vật chất hạ tầng pháp lý của Việt Nam không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng quy trình thực thi pháp lý để xử lý các tài sản thế chấp là bất động sản còn rườm rà và kéo dài. Hệ thống đăng ký hoạt động khá tốt mặc dù theo báo cáo còn tồn tại một số vấn đề cấp tỉnh, hay quá trình tin học hóa đã bắt đầu triển khai. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số bất cập, như: thông tin chưa thực sự minh bạch; một số hoạt động cho vay mua nhà bán lẻ và mất cân đối thanh khoản; việc định giá tài sản thế chấp là bất động sản gặp khó khăn do thiếu các dữ liệu giao dịch được tổ chức tốt cũng như không có chỉ số giá chính thức.
Đặc biệt, FSA rất quan ngại rằng, số liệu báo cáo của Việt Nam không có sự nhất quán và những tác động thực sự của khủng hoảng bất động sản không được phản ánh vào trong báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong khi lĩnh vực này góp phần đáng kể tạo nên nợ xấu.
Đánh giá về công ty quản lý tài sản tập trung (DATC), Báo cáo nêu rõ, các ngân hàng không muốn sử dụng DATC do tỷ lệ thu nợ là thấp, chỉ khoảng 28% giá trị ghi sổ sau khi đã cấn trừ chi phí. Do vậy, việc thành lập công ty quản lý nợ quốc gia (VAMC) được đánh giá là tích cực. Nhưng hiệu quả của chiến lược xử lý nợ xấu này còn chưa rõ ràng và có thể cần phải có cách tiếp cận đa chiều chủ động hơn. Việc sử dụng trái phiếu VAMC để tiếp cận thanh khoản có thể chỉ được một số ngân hàng gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản quan tâm. Nếu các tài sản VAMC mua lại được chuyển nhượng và lưu kho không có sự quản lý và giải quyết chủ động, thì sẽ mất giá trị theo thời gian. Song, báo cáo đánh giá, trong bất kỳ trường hợp nào VAMC sẽ chỉ giải quyết được một phần nợ xấu.
Cần xác định con số nợ xấu chính xác
Trước những ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề nợ xấu đối với kinh tế Việt Nam, WB và IMF cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu đối với ngành ngân hàng, trước hết phải xác định được con số nợ xấu chính xác bằng kiểm toán tài chính đặc biệt. Đồng thời nhấn mạnh, việc kiểm toán hoạt động sẽ là cơ sở cho kế hoạch tái cấu trúc các ngân hàng, cũng như cho phép xác định được các hình thức sở hữu chéo trong các ngân hàng.
Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng nên áp dụng phương pháp tái cơ cấu đa chiều với 4 cấu phần chính liên kết mật thiết với nhau để giải quyết nợ xấu. Cụ thể là:
- Để giải quyết nợ xấu của tập đoàn lớn và đa năng, cần có tòa án giám sát trình tự tiến độ phát sản, tất nhiên để đảm bảo cấu phần này có hiệu quả, thì cần xem lại cơ chế phá sản doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình tái thiết và thanh lý chính thức.
- Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng xác định là nòng cốt, đi cùng với đó cho phép các chủ nợ triển khai cơ chế tự dàn xếp và phê duyệt rút gọn, cho phép các bên tham gia thỏa thuận tự dàn xếp.
- Xác định VAMC là đơn vị chính trong giải quyết nợ xấu, đặc biệt là trong bất động sản.
- Sử dụng một cách hạn chế các cơ chế tái cơ cấu hành chính đặc biệt đối với các trường hợp nợ của các doanh nghiệp nhà nước tập trung ở các ngân hàng thương mại nhà nước./.
Bình luận