Năm 2016, dự kiến chuyển đổi 100.000 ha đất lúa sang cây trồng khác
Tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 7,6-7,7 triệu ha, năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành sẽ tập trung nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản xuất lúa gạo thông qua tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng và giá trị thương mại cao và các biện pháp thâm canh đồng bộ.
Bên cạnh đó, Ngành cũng tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và đề án xây dựng thương hiệu gạo; tập trung chỉ đạo phát triển các loại cây trồng có thị trường tốt như điều, hồ tiêu, chè, sắn, cây ăn quả, rau, hoa… Tuy nhiên, trước mắt, ngành tập trung đối phó với hạn, nắng nóng thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân để tận dụng cơ hội về thị trường.
Cùng với kế hoạch trên, trồng ngô sẽ được mở rộng lên 1,22 triệu ha, tăng 20.000ha so với năm 2015. Tiếp tục đưa các giống ngô mới có năng suất cao, giống ngô chuyển gen vào sản xuất đại trà, kết hợp các biện pháp thâm canh nhằm đạt năng suất bình quân 4,5 tấn/ha, sản lượng 5,5 triệu tấn.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục sẽ trình Bộ phê duyệt quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc đến năm 2020; xây dựng quy hoạch kế hoạch chuyển đổi cụ thể đối với cây ngô trên đất trồng lúa kém hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng địa phương. Đặc biệt gắn vùng sản xuất chuyên canh với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đảm bảo tính hiệu quả cao hơn so với các cây trồng cũ.
Năm 2015, đã có khoảng 157.000 ha đất bị ảnh hưởng bởi hạn hán; trong đó gần 5.000ha bị mất trắng, 36.000 ha không thể gieo cấy… Cùng với sự tác động của yếu tố thị trường, nhiều địa phương đã chuyển đổi diện tích sản xuất các loại cây trồng kém hiệu quả, khó tiêu thụ sang các loại cây trồng có thị trường và đem lại thu nhập cao hơn.
Trong năm 2015, các địa phương đã chuyển đổi khoảng 34.600 ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cho biết, sản xuất lúa gạo đang gặp khó khăn cả về giá bán và thị trường tiêu thụ, trong khi đó, hàng năm nước ta phải nhập khẩu từ 1,5 đến 1,6 triệu tấn ngô hạt, khoảng 2,4 triệu tấn khô dầu đậu tương, 600.000 tấn hạt đậu tương để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, với tổng giá trị khoảng 3 tỷ USD. Do đó, việc lựa chọn chuyển diện tích gieo trồng lúa sang trồng 02 loại cây này là phù hợp. |
Bình luận