10 khuôn mẫu quan hệ chủ đạo trong toàn cầu hóa và cục diện thế giới: Từ lý thuyết đến thực tiễn*
ThS. Bùi Thị Hồng Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam
Lê Tuấn Kiệt, Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
Tóm tắt
Việc nhận diện các khuôn mẫu chủ đạo trong mối quan hệ giữa toàn cầu hóa (TCH) và cục diện thế giới (CDTG) không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự tương tác giữa hai lĩnh vực này, mà còn mở ra các cách tiếp cận mới trong việc xây dựng chính sách đối ngoại và phát triển quốc gia trong một thế giới ngày càng phức tạp. Bài viết sẽ chỉ ra 10 khuôn mẫu quan hệ chủ đạo và mối quan hệ tương tác trong các mối quan hệ này.
Từ khóa: bá chủ, hợp tác, cạnh tranh, xung đột
Summary
Identifying the dominant patterns in the relationship between globalization and the world situation not only helps us better understand the interaction between these two areas but also opens up new approaches to building foreign policy and national development in an increasingly complex world. The article will point out 10 dominant patterns of relationships and the interactions in these relationships.
Keywords: hegemony, cooperation, competition, conflict
ĐẶT VẤN ĐỀ
TCH và CDTG là hai vấn đề lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhau. Một trong những nhân tố ảnh hưởng tới mối quan hệ này là khuôn mẫu các quan hệ chủ đạo. Khuôn mẫu quan hệ giữa các chủ thể phản ánh đặc điểm, tính chất cơ bản của sự tương tác giữa các chủ thể. Do các chủ thể luôn tìm cách điều động, bố trí quyền lực của mình và thay đổi “cách chơi”, các bước đi chiến lược, chiến thuật để thích ứng tối đa với tình hình thay đổi nên CDTG luôn biến động.
Có 4 khuôn mẫu chính: (1) Hợp tác: Các chủ thể sẽ là khách hàng, đối tác, bạn bè, đồng minh; (2) Xung đột: Các chủ thể sẽ trở thành địch thủ, kẻ thù, đối tượng; tranh chấp, va chạm, đe dọa, đối đầu, xung đột vũ trang, chiến tranh; (3) Thống trị: Có chủ thể vượt lên bá chủ, bá quyền, đô hộ, nô dịch, chuyên chế, bảo hộ; (4) Cạnh tranh: Các chủ thể trở thành đối thủ, thách thức, đe dọa.
Từ 4 khuôn mẫu chính này sẽ hình thành 10 tổ hợp trạng thái quan hệ phổ biến. Bài viết sẽ phân tích 10 tổ hợp trạng thái này thông qua lý thuyết và thực tế minh chứng.
NHẬN DIỆN CÁC QUAN HỆ CHỦ ĐẠO TRONG TCH VÀ CDTG
10 trạng thái quan hệ phổ biến trong mối quan hệ chủ đạo giữa TCH và CDTG, bao gồm:
Bá chủ hoàn toàn
Khuôn mẫu bá chủ hoàn toàn trong quan hệ giữa TCH và CDTG mô tả một tình huống mà một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia mạnh mẽ kiểm soát và định hình quá trình TCH, áp đặt các chuẩn mực, giá trị và hệ thống của mình lên phần còn lại của thế giới (McKeil, 2023). Mô hình này thường gắn liền với khái niệm “bá quyền”, khả năng thống trị không chỉ về mặt quân sự, mà còn về kinh tế, văn hóa và chính trị, điều khiển các quá trình TCH theo hướng có lợi cho mình.
Bá quyền nhóm
Khuôn mẫu bá quyền nhóm là mô hình mà 1 nhóm các quốc gia mạnh mẽ hoặc 1 liên minh quốc tế cùng nhau duy trì quyền kiểm soát và định hình các quá trình TCH. Thay vì 1 quốc gia duy nhất thống trị, như trong mô hình bá quyền đơn lẻ, khuôn mẫu này dựa trên sự hợp tác và phân chia quyền lực giữa một nhóm các cường quốc có chung lợi ích. Mối quan hệ giữa TCH và CDTG thay đổi từ sự thống trị của một quốc gia sang một cấu trúc đa quốc gia, trong đó, các quốc gia mạnh đóng vai trò quản lý hệ thống quốc tế theo cách liên kết và đồng thuận. Các nhóm cường quốc này có thể bao gồm các liên minh, như: nhóm G7, nhóm G20, Liên minh châu Âu (EU), hoặc các tổ chức quốc tế lớn, như: Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Vừa hợp tác vừa cạnh tranh
Khuôn mẫu vừa hợp tác vừa cạnh tranh là 1 mô hình mà trong đó, các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trên thế giới vừa hợp tác với nhau trong một số lĩnh vực nhất định để đạt được các lợi ích chung, vừa cạnh tranh gay gắt để bảo vệ lợi ích quốc gia hoặc doanh nghiệp của mình. Dưới tác động của TCH, khuôn mẫu này ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách mà các quốc gia và tổ chức điều chỉnh CDTG, tạo ra một hệ thống quốc tế linh hoạt, nhưng cũng đầy thách thức.
Cạnh tranh bất hợp tác (dưỡi ngưỡng xung đột)
Quan hệ giữa TCH và CDTG theo khuôn mẫu cạnh tranh bất hợp tác (dưới ngưỡng xung đột) là một trạng thái trong đó các quốc gia cạnh tranh gay gắt, thiếu hợp tác, nhưng vẫn chưa dẫn đến xung đột quân sự hoặc chiến tranh trực tiếp. Khuôn mẫu này phản ánh một môi trường căng thẳng và xung đột lợi ích, nhưng các quốc gia vẫn cố gắng duy trì trạng thái dưới ngưỡng chiến tranh, tránh một cuộc đối đầu toàn diện.
Cạnh tranh hoàn toàn (cân bằng quyền lực)
Quan hệ giữa TCH và CDTG theo khuôn mẫu cạnh tranh hoàn toàn (cân bằng quyền lực) phản ánh một tình trạng trong đó, các quốc gia hoặc khối quyền lực không chỉ cạnh tranh gay gắt, mà còn duy trì sự cân bằng tương đối về sức mạnh để ngăn ngừa sự thống trị của một quốc gia duy nhất. Đây là một trạng thái trong quan hệ quốc tế, nơi mà các cường quốc đều cố gắng duy trì vị thế và quyền lực của mình, đồng thời ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào trở nên quá mạnh, làm mất cân bằng hệ thống quốc tế. Trong Chiến tranh Lạnh, hệ thống lưỡng cực Mỹ - Liên Xô đảm bảo rằng không bên nào có thể hoàn toàn kiểm soát thế giới, duy trì một thế cân bằng giữa hai khối Đông và Tây.
Xung đột bá quyền
Khuôn mẫu xung đột bá quyền mô tả mối quan hệ giữa TCH và CDTG khi các cường quốc cạnh tranh để đạt được vị trí bá quyền hoặc duy trì quyền lực thống trị trong hệ thống quốc tế. Trong bối cảnh này, TCH đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi sự phân bổ quyền lực và ảnh hưởng giữa các quốc gia, đồng thời là nguyên nhân gây ra xung đột giữa các cường quốc lớn.
Xung đột hoàn toàn
Theo Staples (2000), một mặt, TCH thúc đẩy các điều kiện dẫn đến bất ổn, bất bình đẳng, xung đột và cuối cùng là chiến tranh; mặt khác, cung cấp phương tiện để tiến hành chiến tranh bằng cách bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp quân sự cần thiết để sản xuất vũ khí tiên tiến.
Trong bối cảnh TCH, mô hình này không chỉ ngăn cản sự hợp tác bền vững, mà còn gia tăng căng thẳng. Các quốc gia sử dụng chiến tranh kinh tế, xung đột quân sự và ngoại giao quyền lực mềm để bảo vệ lợi ích, làm suy yếu các cơ chế hợp tác đa phương, như Liên hợp hay WTO. Các cuộc chiến thương mại, như giữa Mỹ và Trung Quốc, là minh chứng rõ rệt, với tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu và sự ổn định kinh tế.
Hợp tác hoàn toàn
Khuôn mẫu hợp tác hoàn toàn (hay đồng minh toàn diện) trong mối quan hệ giữa TCH và CDTG mô tả một mô hình trong đó, các quốc gia chủ động xây dựng các mối quan hệ đối tác chặt chẽ, dựa trên nền tảng hợp tác đa phương, nhằm tạo ra một trật tự quốc tế hòa bình và ổn định. TCH trong khuôn mẫu này được xem là động lực thúc đẩy sự liên kết về kinh tế, chính trị và văn hóa giữa các quốc gia, làm giảm nguy cơ xung đột và thúc đẩy lợi ích chung.
Vừa hợp tác, vừa xung đột
Quan hệ giữa TCH và CDTG theo khuôn mẫu “vừa hợp tác, vừa xung đột” phản ánh sự phức tạp trong quan hệ quốc tế hiện đại. TCH làm gia tăng sự phụ thuộc giữa các quốc gia về kinh tế, công nghệ, an ninh và môi trường, đồng thời thúc đẩy cả hợp tác và xung đột.
Ở khía cạnh hợp tác, TCH mở rộng các mối quan hệ kinh tế, khuyến khích các FTA và liên minh kinh tế, như: EU hoặc CPTPP. Các quốc gia tận dụng cơ hội này để thúc đẩy tăng trưởng, trao đổi công nghệ và giải quyết các vấn đề toàn cầu, như: biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Hợp tác qua các tổ chức, như: WTO, IMF, WHO, hoặc các thỏa thuận môi trường quốc tế, điển hình là Hiệp định Paris, giúp các quốc gia đối phó với những thách thức vượt quá khả năng giải quyết riêng lẻ.
Tuy nhiên, TCH cũng làm bùng phát những xung đột do mâu thuẫn lợi ích quốc gia. Trong thương mại, các nước thường áp dụng chính sách bảo hộ, như chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cả 2 vừa hợp tác trong thương mại, nhưng lại cạnh tranh gay gắt về thuế quan và công nghệ. Ở lĩnh vực quân sự, các xung đột địa chính trị, như: căng thẳng ở Biển Đông hoặc Đài Loan thể hiện sự đối đầu giữa các cường quốc. Đồng thời, các quốc gia còn cạnh tranh về công nghệ và quyền lực số, khiến những căng thẳng này lan sang không gian mạng và các lĩnh vực chiến lược khác.
Vừa thống trị, vừa cạnh tranh
Quan hệ giữa TCH và CDTG theo khuôn mẫu “vừa thống trị, vừa cạnh tranh” thể hiện trạng thái phức tạp của hệ thống quốc tế. Trong đó, một số cường quốc nỗ lực duy trì vị thế bá quyền, trong khi các quốc gia khác tìm cách thách thức và cạnh tranh. Khuôn mẫu này phản ánh sự cân bằng mong manh, nơi các cường quốc đối mặt với cạnh tranh không ngừng, đặc biệt là những đối thủ đang trỗi dậy, nhưng vẫn cần hợp tác trong những lĩnh vực trọng yếu.
NHỮNG BIỂU HIỆN LỢI ÍCH CỦA CÁC MỐI QUAN HỆ
10 trạng thái quan hệ chủ đạo nói trên sẽ chi phối các mặt kinh tế, chính trị, an ninh. Các mặt này có mối quan hệ liên kết với nhau, thường bắt đầu từ kinh tế. Khi đã nắm giữ vị thế kinh tế sẽ dẫn đến ảnh hưởng chính trị và an ninh trong khu vực và thế giới. Tại mỗi trạng thái, nhóm tác giả phân tích cụ thể mối quan hệ này, chỉ ra những thành công, thuận lợi, cũng như những khó khăn, thách thức.
Bá chủ hoàn toàn
Trong khuôn mẫu bá chủ hoàn toàn, quốc gia bá quyền nắm giữ vị thế kinh tế thống trị, kiểm soát dòng chảy thương mại, đầu tư và công nghệ trên phạm vi toàn cầu. Quốc gia này có khả năng thiết lập các quy tắc, chuẩn mực và hiệp định kinh tế quốc tế, đảm bảo rằng các luật lệ TCH phục vụ lợi ích của mình. Sau Thế chiến II, Mỹ với sức mạnh kinh tế vượt trội đã định hình hệ thống tài chính toàn cầu thông qua việc thành lập các thể chế, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và hệ thống tiền tệ Bretton Woods.
Trong bối cảnh TCH dưới sự kiểm soát của quốc gia bá chủ, các công ty đa quốc gia lớn, thường có trụ sở tại quốc gia đó, đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa ảnh hưởng kinh tế. Các công ty này mở rộng hoạt động ra toàn cầu, không chỉ kiểm soát các chuỗi cung ứng quốc tế, mà còn tạo ra tiêu chuẩn về quản lý, chất lượng sản phẩm, thậm chí cả cách thức điều hành kinh tế của các nước khác.
Một quốc gia bá chủ không chỉ kiểm soát kinh tế toàn cầu, mà còn định hình hệ thống chính trị quốc tế. Sau Thế chiến II, Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng trật tự thế giới tự do, dựa trên các giá trị dân chủ, thị trường tự do và tự do thương mại.
Trong mô hình bá chủ hoàn toàn, quân sự và quyền lực mềm là những công cụ được sử dụng nhuần nhuyễn phục vụ và bảo vệ lợi ích kinh tế và chính trị của mình. Mỹ với mạng lưới căn cứ quân sự rộng khắp có thể sử dụng sức mạnh quân sự để duy trì trật tự quốc tế theo cách mà họ mong muốn. Sức mạnh quân sự này giúp quốc gia bá quyền áp đặt các chính sách TCH và kiểm soát các vùng chiến lược, như: khu vực Trung Đông với nguồn tài nguyên dầu mỏ.
TCH dưới sự bá chủ hoàn toàn tạo ra sự phân tầng trong hệ thống quốc tế, nơi quốc gia bá quyền và các đồng minh được hưởng lợi nhiều nhất từ quá trình này. Điều này có thể dẫn đến sự phụ thuộc kinh tế và chính trị, khi các nước nhỏ hơn cần sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và an ninh từ quốc gia bá quyền.
Thách thức của mô hình bá chủ hoàn toàn
Khi các quốc gia, như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga nổi lên với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng lớn, họ có thể thách thức vị thế bá quyền của một quốc gia. Sự gia tăng quyền lực của các quốc gia này có thể tạo ra một thế giới đa cực, nơi không còn một quốc gia bá quyền duy nhất kiểm soát TCH. Điều này làm thay đổi CDTG và khiến cho TCH trở nên phức tạp hơn, với sự cạnh tranh giữa nhiều trung tâm quyền lực.
Quốc gia bá quyền có thể gặp phải sự phản đối không chỉ từ các cường quốc mới nổi, mà còn từ các nước nhỏ hơn và các phong trào xã hội trong chính quốc gia đó. Sự bất bình đối với việc quốc gia bá quyền áp đặt các điều kiện không công bằng có thể dẫn đến sự chia rẽ trong hệ thống quốc tế và làm chậm quá trình TCH. Trong thời kỳ hiện đại, chính sách đối ngoại của Mỹ đôi khi vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước ở Trung Đông hoặc từ các phong trào chống TCH ở châu Âu.
Bá quyền nhóm
Các quốc gia bá quyền nhóm cùng nhau định hình quá trình TCH thông qua các thỏa thuận kinh tế đa phương, như: các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các khu vực kinh tế lớn, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Khu vực kinh tế chung của EU... Họ hợp tác để tạo ra những tiêu chuẩn chung về thương mại, đầu tư, thuế quan và quy định tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững của TCH, mà không quá phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Sự phối hợp giữa các quốc gia mạnh mẽ này thúc đẩy việc phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó, các quốc gia khác (nhất là các nước đang phát triển) trở thành những phần quan trọng trong hệ thống kinh tế toàn cầu. Các quốc gia trong nhóm bá quyền không chỉ điều hành hệ thống này, mà còn kiểm soát các khía cạnh, như: đầu tư nước ngoài, công nghệ và tri thức. Họ đặt ra những tiêu chuẩn về chất lượng, lao động và môi trường mà các quốc gia khác phải tuân theo nếu muốn tham gia vào hệ thống TCH.
Một điểm đặc biệt trong khuôn mẫu bá quyền nhóm là các quốc gia mạnh phải duy trì sự đồng thuận trong các quyết định quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh. Sự đồng thuận này giúp tránh xung đột giữa các quốc gia mạnh, đồng thời tạo ra một sự thống nhất trong cách thức quản lý TCH. Tuy nhiên, sự đồng thuận này có thể bị thử thách khi các quốc gia trong nhóm bá quyền có những lợi ích mâu thuẫn, như: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hoặc các khác biệt về chính sách môi trường giữa EU và các cường quốc khác.
Tác động lên các quốc gia khác trong hệ thống quốc tế
Đối với các quốc gia không nằm trong nhóm bá quyền, TCH dưới khuôn mẫu bá quyền nhóm có thể mang lại cả cơ hội lẫn thách thức. Các nước nhỏ hoặc đang phát triển có thể hưởng lợi từ việc tham gia vào hệ thống toàn cầu thông qua thương mại và đầu tư, nhưng họ cũng phải đối mặt với áp lực từ các tiêu chuẩn mà nhóm bá quyền áp đặt. Để có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc nhận được viện trợ, các nước này thường phải chấp nhận các điều kiện từ các quốc gia bá quyền, chẳng hạn như: mở cửa thị trường hoặc tuân thủ các chuẩn mực nhân quyền và môi trường.
Mặc dù các quốc gia nhỏ có thể được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhờ TCH, họ cũng có nguy cơ rơi vào tình trạng lệ thuộc vào các cường quốc bá quyền. Điều này có thể diễn ra dưới dạng sự phụ thuộc vào viện trợ, vay nợ, hoặc các điều khoản thương mại không công bằng. Ví dụ, nhiều nước đang phát triển phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và công nghệ từ các nước bá quyền và sự lệ thuộc này có thể làm giảm quyền tự chủ của họ trong việc hoạch định chính sách.
Những thách thức với mô hình bá quyền nhóm
Dù các cường quốc bá quyền nhóm thường hợp tác với nhau, sự khác biệt về lợi ích quốc gia có thể dẫn đến mâu thuẫn nội bộ. Các quốc gia trong nhóm bá quyền có thể bất đồng về chính sách kinh tế, vấn đề an ninh hoặc các khía cạnh khác của quá trình TCH. Ví dụ, các tranh chấp giữa Mỹ và EU về chính sách thương mại hoặc biến đổi khí hậu là những ví dụ điển hình của mâu thuẫn trong mô hình bá quyền nhóm.
Khuôn mẫu bá quyền nhóm cũng đối mặt với thách thức từ sự trỗi dậy của các quốc gia mới, như: Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Những nước này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quốc tế và có thể không đồng thuận với các chính sách TCH do nhóm bá quyền hiện tại thiết lập. Điều này có thể dẫn đến sự phân hóa trong hệ thống quốc tế và thách thức mô hình bá quyền nhóm hiện tại.
Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh
Hợp tác về thương mại
Trong bối cảnh TCH, các quốc gia hợp tác chặt chẽ về mặt kinh tế thông qua các FTA, khu vực kinh tế và hợp tác đầu tư quốc tế. Các quốc gia nhận ra rằng, hợp tác kinh tế mang lại lợi ích lớn hơn nhờ tăng cường thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ. Các tổ chức, như: WTO và EU là ví dụ điển hình về sự hợp tác để thúc đẩy thương mại tự do và giảm thiểu rào cản kinh tế.
Hợp tác trong sản xuất và phân phối quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Ngành công nghiệp điện tử, đặc biệt là sản xuất điện thoại thông minh, phụ thuộc rất nhiều vào hợp tác giữa các quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các quốc gia và các tổ chức tài chính cũng hợp tác để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Các thể chế như IMF đóng vai trò trong việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia gặp khó khăn, từ đó duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Hợp tác trong an ninh và quản trị toàn cầu
Mặc dù cạnh tranh về ảnh hưởng chính trị và địa chính trị, các quốc gia vẫn hợp tác trong một số vấn đề an ninh toàn cầu chung, như: chống khủng bố, kiểm soát vũ khí hạt nhân và ngăn chặn các mối đe dọa mạng như Liên hợp quốc (UN) và NATO.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu cần có sự hợp tác quốc tế để giải quyết. Các quốc gia đã cùng nhau ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó họ cam kết giảm phát thải khí nhà kính và duy trì sự tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh các vấn đề an ninh, các quốc gia hợp tác trong các lĩnh vực, như: quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường và thúc đẩy quyền con người. Các tổ chức quốc tế và các cơ chế đa phương, như: WTO và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là nền tảng để các quốc gia cùng làm việc và đưa ra các quy định chung, giúp TCH diễn ra thuận lợi hơn.
Cạnh tranh về kinh tế và địa chính trị
Về kinh tế, cạnh tranh giữa các quốc gia vẫn diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc giành giật thị trường tiêu thụ, tài nguyên thiên nhiên và công nghệ tiên tiến. Các quốc gia và doanh nghiệp lớn luôn nỗ lực giành được lợi thế cạnh tranh, như trong cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn công nghệ Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực 5G hoặc trí tuệ nhân tạo (AI). Sự cạnh tranh này đôi khi dẫn đến các cuộc chiến thương mại hoặc các biện pháp bảo hộ kinh tế, gây ra căng thẳng trong hệ thống toàn cầu.
Về chính trị, mặc dù có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực, các cường quốc thế giới vẫn cạnh tranh quyết liệt về ảnh hưởng chính trị và địa chính trị. Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh trong việc thiết lập ảnh hưởng ở các khu vực, như: châu Á và châu Phi thông qua các sáng kiến, như: Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc hay các hiệp định đối tác chiến lược của Mỹ. Sự cạnh tranh về quyền lực chính trị này có thể dẫn đến sự gia tăng căng thẳng, thậm chí là xung đột địa chính trị trong một số khu vực chiến lược.
Cạnh tranh về lợi ích quốc gia và ảnh hưởng quyền lực
Mặc dù có hợp tác trong lĩnh vực an ninh, các cường quốc vẫn cạnh tranh mạnh mẽ về quyền lực quân sự. Cuộc chạy đua quân sự giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga thể hiện rõ sự cạnh tranh về ảnh hưởng địa chính trị và quyền lực quân sự. Điều này có thể dẫn đến các cuộc khủng hoảng khu vực, thậm chí là căng thẳng chiến tranh lạnh và chiến tranh tại các quốc gia Tây Âu và khu vực Trung Đông.
Quyền lực mềm, như: văn hóa, ngoại giao và ảnh hưởng về giáo dục, cũng là lĩnh vực mà các quốc gia cạnh tranh. Ngoại giao vaccine của Trung Quốc trong đại dịch Covid-19, hay chiến lược ngoại giao văn hóa của Nhật Bản thông qua việc quảng bá văn hóa pop (như anime và manga), đều là những chiến lược quyền lực mềm quan trọng.
Tóm lại, khuôn mẫu vừa hợp tác, vừa cạnh tranh có đặc điểm nổi bật là các quốc gia vừa tìm kiếm lợi ích chung thông qua hợp tác, vừa đối kháng cục bộ ở một số khu vực nhất định. Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt về kinh tế và công nghệ, nhưng vẫn hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như: biến đổi khí hậu và thương mại. Điều này cho thấy sự phức tạp trong quan hệ quốc tế, khi các nước không thể đơn giản chỉ hợp tác hay cạnh tranh mà phải điều chỉnh chính sách đối ngoại linh hoạt. Bên cạnh đó, các liên minh quốc tế thường mang tính tạm thời và dựa trên các lợi ích ngắn hạn. Các quốc gia có thể hợp tác với nhau trong một thời gian để đạt được mục tiêu chung, nhưng sau đó lại chuyển sang cạnh tranh khi lợi ích trở nên đối lập.
Cạnh tranh bất hợp tác (dưới ngưỡng xung đột)
Cạnh tranh bất hợp tác thường đi kèm với ngoại giao mạnh mẽ và tuyên bố cứng rắn, nhưng không dẫn đến xung đột quân sự. Các nước sử dụng sức mạnh ngoại giao để gây áp lực, như việc phương Tây phản ứng mạnh với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Để tránh leo thang thành xung đột quân sự, các quốc gia thường cạnh tranh trong các lĩnh vực khác, như: thương mại, công nghệ, an ninh mạng và thông tin. Các cuộc tấn công mạng, chiến tranh thông tin, hoặc trừng phạt kinh tế là những công cụ cạnh tranh phổ biến, nhưng nằm dưới ngưỡng xung đột.
Trong khuôn mẫu cạnh tranh này, lòng tin giữa các quốc gia suy yếu nghiêm trọng. Điều này làm cản trở các nỗ lực hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như: biến đổi khí hậu hay quản lý khủng hoảng y tế.
Cạnh tranh hoàn toàn (cân bằng quyền lực)
Các quốc gia cũng cạnh tranh thông qua việc xây dựng liên minh nhằm gia tăng sức mạnh tập thể. Liên minh quân sự như: NATO (Mỹ và châu Âu) hay các liên minh kinh tế như Hiệp định CPTPP, là những nỗ lực để tăng cường sức mạnh tập thể nhằm cân bằng với các cường quốc đối thủ. Ngoài ra, cạnh tranh hoàn toàn không chỉ giới hạn ở quân sự hay chính trị, mà còn trải rộng sang các lĩnh vực, như: công nghệ, tài chính và ngoại giao. Các quốc gia không ngừng đầu tư vào phát triển công nghệ mới, mở rộng ảnh hưởng tài chính quốc tế và tham gia vào các tổ chức quốc tế để gia tăng vị thế. Trong bối cảnh hiện tại, khi Mỹ cố gắng duy trì trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và liên minh xuyên Đại Tây Dương, Trung Quốc thúc đẩy sự ảnh hưởng của mình thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường và sự gia tăng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, 2 quốc gia này vẫn duy trì một thế cân bằng tương đối, trong đó, không bên nào có thể áp đảo hoàn toàn bên kia.
Hệ quả của khuôn mẫu cạnh tranh hoàn toàn (cân bằng quyền lực)
Khi các quốc gia duy trì cân bằng quyền lực, họ thường ngăn chặn các xung đột lớn, vì một cuộc chiến toàn diện có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho tất cả các bên. Cân bằng quyền lực giúp duy trì hòa bình tương đối, mặc dù vẫn có những căng thẳng và xung đột nhỏ. Cân bằng quyền lực giúp duy trì sự ổn định trong hệ thống quốc tế, vì không một quốc gia nào có thể thống trị hoàn toàn. Điều này tạo ra một trật tự tương đối ổn định, trong đó, các quốc gia cạnh tranh, nhưng vẫn phải điều chỉnh chính sách của mình dựa trên sự cân bằng quyền lực chung.
Cạnh tranh hoàn toàn thúc đẩy các quốc gia đầu tư vào phát triển công nghệ và quân sự để duy trì sự cân bằng quyền lực. Cuộc đua về vũ khí, công nghệ cao và khả năng quân sự là một phần không thể thiếu trong hệ thống này. Mặc dù không dẫn đến chiến tranh lớn, sự cạnh tranh liên tục trong khuôn mẫu cân bằng quyền lực có thể gây ra căng thẳng dai dẳng. Các cường quốc thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ xung đột trong các lĩnh vực cụ thể như công nghệ hoặc khu vực biên giới tranh chấp.
Xung đột bá quyền
Sự trỗi dậy của cường quốc mới và thách thức quyền lực bá quyền. TCH thúc đẩy sự phát triển kinh tế và công nghệ của nhiều quốc gia, từ đó làm thay đổi cục diện quyền lực toàn cầu. Các cường quốc mới nổi (Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil) trở nên mạnh mẽ hơn và thách thức vị trí bá quyền của các cường quốc truyền thống, như: Mỹ và các nước phương Tây. Sự trỗi dậy của các cường quốc mới này dẫn đến xung đột quyền lực khi họ tìm cách gia tăng ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế và trong các khu vực chiến lược.
TCH là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra xung đột khi các cường quốc tìm cách kiểm soát các thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia mạnh, như: Mỹ, Trung Quốc và EU luôn cạnh tranh để kiểm soát các nguồn tài nguyên, thị trường tiêu thụ và các ngành công nghiệp chiến lược. Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung thể hiện rõ sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt trong bối cảnh TCH, khi 2 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách bảo vệ và mở rộng lợi ích kinh tế của mình.
Trong khuôn mẫu xung đột bá quyền, các cường quốc không chỉ cạnh tranh về kinh tế, mà còn đấu tranh để kiểm soát các khu vực địa chính trị chiến lược. Các khu vực, như: Biển Đông, Trung Đông và châu Phi trở thành tâm điểm của sự xung đột khi các cường quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng và quyền kiểm soát. Việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông và sáng kiến Vành đai và Con đường đã thách thức trực tiếp ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, dẫn đến căng thẳng và xung đột về quân sự, ngoại giao và kinh tế. Các quốc gia bá quyền tìm cách gia tăng sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình và duy trì ảnh hưởng trên trường quốc tế. Mỹ, Trung Quốc và Nga đều đầu tư mạnh vào các hệ thống vũ khí mới, như: tên lửa siêu thanh, vũ khí không gian và công nghệ mạng, làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự trong tương lai.
Xung đột bá quyền là nguyên nhân của những bất ổn và xung đột toàn cầu. Khi các cường quốc cạnh tranh để giành quyền kiểm soát, các nước nhỏ và các nước đang phát triển thường bị kéo vào cuộc đấu tranh này, tạo ra sự bất ổn ở cấp độ khu vực và toàn cầu. Các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Syria, Ukrain, và các cuộc xung đột khác đều thể hiện sự đối đầu giữa các cường quốc lớn trong việc giành quyền kiểm soát khu vực.
Xung đột hoàn toàn
Xung đột hoàn toàn cũng thúc đẩy xu hướng bảo hộ mạnh mẽ, khi các quốc gia áp dụng chính sách tự cung tự cấp và ưu tiên hàng nội địa. Các phong trào như: Brexit hay chính sách kinh tế của chính quyền Trump phản ánh sự quay lưng với thương mại tự do. Đồng thời, sự tranh giành tài nguyên và lãnh thổ, như ở Biển Đông, làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự do các quốc gia đua nhau kiểm soát tài nguyên chiến lược.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc, như: Mỹ, Trung Quốc và Nga tiếp tục làm tình hình thêm căng thẳng, đặc biệt trong lĩnh vực vũ khí tiên tiến, như: tên lửa siêu thanh hay chiến tranh không gian. Trong khi đó, không gian mạng trở thành một chiến trường mới, nơi các quốc gia tiến hành tấn công mạng để phá hoại hạ tầng đối thủ và can thiệp chính trị, điển hình là các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ hoặc châu Âu.
Xung đột toàn diện cũng dẫn đến sự đối đầu hệ tư tưởng, khi các giá trị dân chủ phương Tây xung đột với các mô hình tập quyền của Trung Quốc hay Nga. Quyền lực mềm trở thành công cụ cạnh tranh qua các phương tiện truyền thông, văn hóa và tuyên truyền quốc tế. Trong khi đó, các mối đe dọa phi truyền thống, như: khủng bố, biến đổi khí hậu và tội phạm xuyên quốc gia ngày càng nghiêm trọng khi sự hợp tác toàn cầu bị đình trệ.
Nguy cơ lớn nhất của xung đột hoàn toàn là khả năng bùng nổ chiến tranh toàn cầu. Các căng thẳng khu vực như ở Biển Đông hoặc Đông Âu có thể kéo theo sự tham gia của các cường quốc lớn, dẫn đến hậu quả hủy diệt. Sự phụ thuộc lẫn nhau trong TCH khiến gián đoạn kinh tế, chuỗi cung ứng, và hệ thống tài chính quốc tế trở thành những mối đe dọa thực sự, đẩy thế giới vào trạng thái bất ổn kéo dài.
Hợp tác hoàn toàn (đồng minh)
Trong khuôn mẫu hợp tác hoàn toàn, các quốc gia nhận ra rằng, TCH mang lại những cơ hội kinh tế to lớn thông qua thương mại tự do, đầu tư quốc tế và trao đổi công nghệ. Các quốc gia hình thành các khối kinh tế, như: EU, CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA), để tạo ra thị trường chung, tối ưu hóa nguồn lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trong quá trình này, các quốc gia liên kết với nhau không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì sự ổn định của hệ thống thương mại toàn cầu.
Các quốc gia hợp tác để giảm thiểu các rào cản thương mại, như: thuế quan, hạn chế nhập khẩu và các quy định phi thuế quan nhằm thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ tự do hơn. TCH trong bối cảnh này tạo ra một mạng lưới liên kết kinh tế chặt chẽ, trong đó, các quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thị trường trong nước, mà còn vào thị trường toàn cầu, từ đó, gia tăng sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, giảm nguy cơ chiến tranh thương mại và xung đột kinh tế.
Trong khuôn mẫu này, các vấn đề toàn cầu được giải quyết thông qua hợp tác. Một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất mà các quốc gia phải đối mặt trong thời đại TCH là vấn đề biến đổi khí hậu. Trong khuôn mẫu hợp tác hoàn toàn, các quốc gia hợp tác để thực hiện các cam kết quốc tế như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường. TCH giúp chia sẻ các công nghệ xanh, hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững và thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Ngoài ra, khi xảy ra các cuộc khủng hoảng toàn cầu, như: đại dịch hoặc thảm họa tự nhiên, các quốc gia hợp tác với nhau thông qua các tổ chức quốc tế, như: WHO, Liên hợp quố, và các cơ chế song phương hoặc đa phương. TCH tạo điều kiện cho việc chia sẻ thông tin, công nghệ và nguồn lực y tế để ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Trong khuôn mẫu này, các quốc gia khuyến khích nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ thông qua hợp tác quốc tế, ví dụ như trong các dự án không gian (như Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS)) hoặc nghiên cứu y tế. Điều này giúp các quốc gia cùng nhau giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp và tạo ra các giải pháp toàn cầu, đồng thời tránh được sự cạnh tranh khốc liệt hoặc xung đột công nghệ.
Vừa hợp tác, vừa xung đột
Khuôn mẫu “vừa hợp tác, vừa xung đột” cho thấy quan hệ quốc tế không vận hành đơn chiều. Các quốc gia vừa tìm cách tối ưu hóa lợi ích qua hợp tác, nhưng vẫn duy trì cạnh tranh. Ngay cả khi đối đầu, họ vẫn cần hợp tác ở những lĩnh vực tối quan trọng. Ví dụ, trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô hợp tác về kiểm soát vũ khí hạt nhân và sau đó là các chương trình không gian. Trong chống biến đổi khí hậu, các nước cùng hành động để đạt mục tiêu môi trường, dù cạnh tranh về trách nhiệm và lợi ích từ năng lượng tái tạo.
Quan hệ Mỹ - Trung minh họa rõ nét cho khuôn mẫu này. Hai nước hợp tác chặt chẽ trong thương mại và chống biến đổi khí hậu, nhưng lại xung đột gay gắt về địa chính trị, công nghệ và quân sự. Dù áp dụng các biện pháp cấm vận hoặc đối đầu ở Biển Đông, họ vẫn phải duy trì hợp tác trong các vấn đề toàn cầu như y tế hay kinh tế.
Tóm lại, khuôn mẫu “vừa hợp tác vừa xung đột” phản ánh bản chất linh hoạt nhưng căng thẳng của CDTG. Sự phụ thuộc do TCH thúc đẩy hợp tác, song cũng làm gia tăng xung đột khi lợi ích quốc gia bị thách thức. Nhờ mối liên kết sâu sắc, các quốc gia thường tránh đối đầu toàn diện, thay vào đó duy trì trạng thái cân bằng, điều chỉnh chính sách để bảo vệ lợi ích mà không phá vỡ hoàn toàn quan hệ hợp tác.
Vừa thống trị, vừa cạnh tranh
TCH thúc đẩy sự kết nối về kinh tế, chính trị và xã hội, tạo cơ hội cho các cường quốc thống trị hệ thống quốc tế. Sau Thế chiến II, Mỹ đã định hình luật chơi toàn cầu thông qua kiểm soát các tổ chức kinh tế, như: IMF, WTO và vai trò trung tâm của đồng đô la Mỹ. Thống trị về công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng, với các tập đoàn lớn, như: Google, Apple, Microsoft thiết lập chuẩn mực công nghệ toàn cầu. Ngoài ra, sức mạnh mềm, bao gồm: văn hóa, giá trị dân chủ và chính trị, giúp Mỹ củng cố vị thế, phổ biến mô hình kinh tế thị trường và tự do.
Tuy nhiên, TCH cũng khơi mào sự cạnh tranh từ các quốc gia trỗi dậy. Những đối thủ, như: Trung Quốc hoặc EU không chỉ thách thức Mỹ trong kinh tế, mà còn ở công nghệ và địa chính trị. Các quốc gia này tận dụng TCH để phát triển sức mạnh, phá vỡ trật tự do các cường quốc thiết lập. Trung Quốc, với sáng kiến Vành đai và Con đường, là ví dụ điển hình khi kết hợp mở rộng ảnh hưởng kinh tế với phát triển quân sự và công nghệ.
Khuôn mẫu này thể hiện sự linh hoạt, nơi không quốc gia nào hoàn toàn áp đảo. Một cường quốc có thể dẫn đầu về quân sự, nhưng phải cạnh tranh trong kinh tế hoặc công nghệ. Mỹ duy trì ưu thế quân sự vượt trội, nhưng sự vươn lên của Trung Quốc và EU đã làm suy yếu vị thế thống trị trong nhiều lĩnh vực. Ngược lại, các quốc gia thách thức không thể thay thế hoàn toàn vị trí của các cường quốc hiện tại, nhưng đủ sức làm mất ổn định trật tự toàn cầu.
Dù căng thẳng kéo dài, các quốc gia vẫn cần hợp tác trong những vấn đề toàn cầu. Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh gay gắt nhưng phải phối hợp trong thương mại và biến đổi khí hậu để đảm bảo lợi ích chung. Hệ thống quốc tế do đó trở thành một trạng thái cân bằng động, nơi các cường quốc vừa đối đầu vừa điều chỉnh chiến lược.
Tóm lại, TCH thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau, nhưng cạnh tranh giữa các quốc gia luôn tồn tại. Cân bằng quyền lực thường xuyên dịch chuyển, và các cường quốc phải linh hoạt để duy trì vị thế. Dù không dẫn đến xung đột toàn diện, các cuộc chiến cục bộ và xung đột gián tiếp vẫn là đặc trưng của khuôn mẫu này./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aggarwal, V., and Dupont, C. (2020), Cooperation and Conflict in the Global Political Economy, In Global Political Economy, Oxford: Oxford University Press, retrieved from
2. Brand, U. (2005), Order and Regulation: Global Governance as a Hegemonic Discourse of International Politics?, Review of International Political Economy, 12(1), 155-176, retrieved from http://www.jstor.org/stable/25124012.
3. Clark, I. (2011), Collective Hegemony: The Concert of Europe 1815-1914, Oxford Academic, https://doi.org/10.1093/acprof:oso/9780199556267.003.0005.
4. Jordan, Javier (2020), International Competition Below the Threshold of War: Toward a Theory of Gray Zone Conflict, Journal of Strategic Security, 14(1), 1-24, DOI: https://doi.org/10.5038/1944-0472.14.1.1836.
5. Knudsen, T.B. (2022), Power Transition and World Order: Three Rival Theories and the Dynamics of Change, In: Knudsen, T.B., Navari, C. (eds) Power Transition in the Anarchical Society, Palgrave Studies in International Relations, Palgrave Macmillan, Cham, https://doi.org/10.1007/978-3-030-97711-5_2.
6. Luo, Yadong. (2007), A Coopetition Perspective of Global Competition, Journal of World Business, 42, 129-144, 10.1016/j.jwb.2006.08.007.
7. McKeil, A. (2024), Hegemonic orders and the idea of history, International Politics, retrieved from https://doi.org/10.1057/s41311-023-00514-z.
8. Phạm Bình Minh (2014), Building strategic, comprehensive partnerships - Viet Nam’s soft power, retrieved from https://en.tapchicongsan.org.vn/web/english/international/detail/-/asset_publisher/ZeaSwtFJtMgN/content/building-strategic-comprehensive-partnerships-viet-nam-s-soft-power.
9. Schweller, R. (2016), The Balance of Power in World Politics, Oxford Research Encyclopedia of Politics, https://oxfordre.com/politics/view/10.1093/acrefore/9780190228637.001.0001/acrefore-9780190228637-e-119.
10. Staples, Steven. (2000), The Relationship Between Globalization and Militarism, Social Justice, San Francisco, 27(4), 18-23, retrieved from https://www.proquest.com/docview/231924859?sourcetype=Scholarly%20Journals.
Ngày nhận bài: 02/12/2024; Ngày phản biện: 25/12/2024; Ngày duyệt đăng: 03/01/2025 |
* Bài báo là kết quả nghiên cứu của Đề tài: “Toàn cầu hóa và cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến giữa thế kỷ 21” thuộc chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới” do TS. Phạm Bích Ngọc làm chủ nhiệm, Viện Kinh tế Việt Nam chủ trì. |
Bình luận