Năm 2016 sẽ kiểm toán cách tính giá điện
Nợ khó đòi cao tại các “ông lớn” nhà nước
Tại buổi họp báo “Công bố báo cáo kiểm toán năm 2014 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2013” diễn ra sáng ngày 10/7, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, kết quả kiểm toán năm 2014 của 249 doanh nghiệp, thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty và 3 chuyên đề đã chỉ ra hàng loạt yếu kém, sai sót của các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một thực trạng đáng báo động trong các tập đoàn, tổng công ty đó là các khoản nợ phải thu quá hạn và nợ khó đòi lớn do công tác quản lý nợ chưa chặt chẽ.
Điển hình một số đơn vị có khoản phải thu quá hạn cao, như: Viettel, khoản phải thu quá hạn đối với Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) 1.960 tỷ đồng (chiếm 17,9% nợ phải thu); Công ty Mua bán nợ Việt Nam, nợ phải thu quá hạn là 507,21 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Động cơ và Máy nông nghiệp miền Nam 88 tỷ đồng; Tổng Công ty Viglacera 168,75 tỷ đồng; Tổng Công ty Dược Việt Nam 101,8 tỷ đồng…
Một số đơn vị có nợ khó đòi lớn, như: Tổng Công ty Thép Việt Nam đang bị Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên nợ 594,87 tỷ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), Công ty mẹ 54,9 tỷ đồng (chiếm 8,3%); Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam có khoản nợ khó đòi 293 tỷ đồng (chiếm 18,87%); Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai là 126 tỷ đồng (chiếm 22%); Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội là 109,7 tỷ đồng (chiếm 7,2%); Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam là 92 tỷ đồng…
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra một số sai sót khác liên quan đến việc quản lý nợ, như: xóa nợ phải thu khi chưa đủ điều kiện (Công ty mẹ - Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC...); trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định (Công ty Mua bán nợ Việt Nam; Công ty Cổ phần Điện tử Biên Hòa thuộc Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam...)...
Nợ thuế có xu hướng tăng
Theo kết quả kiểm toán về nợ thuế do ngành thuế quản lý, thì tổng số nợ thuế đến ngày 31/12/2013 là 69.342 tỷ đồng, tăng 26% (14.285 tỷ đồng) so với năm 2012, bằng 12,4% số thu nội địa trừ dầu thô.
Nợ thuế khó thu năm 2013 so với 2012 tăng 67% (4.381 tỷ đồng), trong đó 59/63 địa phương có nợ thuế khó thu tăng so với năm 2012, một số địa phương có mức tăng cao.
Tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày năm 2013 so với năm 2012 tăng 33% (12.763,464 tỷ đồng), trong đó 39/63 địa phương có tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tính đến cuối năm 2013 tăng so với năm 2012, một số địa phương có mức tăng cao.
Tổng cục Thuế cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nợ thuế tăng cao, như: doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, bỏ trốn, không có khả năng thanh toán nợ thuế; tình trạng chiếm dụng vốn giữa các doanh nghiệp, nợ xấu của ngân hàng cũng gây khó khăn cho công tác quản lý thu nợ thuế...
Sẽ kiểm toán cách tính giá điện
Tại buổi họp báo, ông Đào Văn Dũng cho biết: “Chúng tôi đang bắt đầu xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2016, trong đó một trong các tiêu chí lựa chọn là các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Kế hoạch kiểm toán 2016 sẽ được chốt vào cuối năm 2015 và đây sẽ là những vấn đề chúng tôi sẽ lưu tâm tới”.
Theo đó, vì thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, giá điện đột nhiên tăng gấp 2-3 lần có phần do cách tính tiền điện kiểu luỹ kế. Cũng có ý kiến “nghi ngờ” ngành điện đã không minh bạch trong việc ghi đo số điện.
Về phía cơ quan chủ quản, Bộ Công thương lại khẳng định, giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam áp dụng giá điện theo bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Theo cơ quan này, biểu giá bán lẻ điện được xây dựng phù hợp theo hướng không quy định quá nhiều bậc, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý theo dõi.
Do đó, để làm rõ vấn đề này, ông Dũng cho biết: “Dựa trên các nhiệm vụ được giao và cơ sở thông tin thu thập được, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2016 để đưa vào kiểm toán những nội dung liên quan tới cách tính giá điện và đo chỉ số điện".
Hy vọng, sau khi được kiểm toán, những sai trái trong cách tính giá điện sẽ được làm rõ và có những biện pháp để điều chỉnh kịp thời.
Được biết, Kiểm toán Nhà nước năm 2014 cũng đã kiểm toán cách điều hành giá xăng (một vấn đề mà trong những năm gần đây dư luận rất quan tâm). Theo đó, cơ quan này nhận định, một số doanh nghiệp đầu mối nhập xăng dầu không chấp hành đầy đủ quy định về hạn mức nhập khẩu xăng dầu và dự trữ lưu thông theo quy định. Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương kiểm tra và xử lý các đơn vị này, cũng như những doanh nghiệp mua xăng không phải từ doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu để kinh doanh./.
Bình luận