Nhiều chỉ tiêu kinh tế chuyển biến tích cực

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của Bình Dương, năm 2017, tổng sản phẩm trong Tỉnh (GRDP) ước tăng 9,15% (kế hoạch 8,3%). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang đi đúng hướng, với tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu tương ứng là 63,99% - 23,68% - 3,74% - 8,59%.

Năm 2017, tình hình sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, phát triển thị trường. Kết quả là, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 10,98%, có 23/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ và có 11 nhóm tăng trên 10%.

Hoạt động thương mại tiếp tục phát triển, công tác xúc tiến thương mại được đẩy mạnh thực hiện cả trong và ngoài nước; hàng hóa dồi dào, nguồn cung luôn được đảm bảo; chương trình bình ổn thị trường được triển khai đồng bộ và hiệu quả, việc bán hàng lưu động, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được thực hiện thường xuyên. Chính vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 161.357 tỷ đồng, tăng 19%.

Một góc Bình Dương

Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển mạnh do doanh nghiệp, nhà đầu tư tận dụng các cơ hội, khai thác tốt các thị trường và tác động tích cực từ các hiệp định, cam kết trong thương mại Việt Nam đã tham gia ký kết. Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh ước đạt 28,533 tỷ USD, tăng 17,6%. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gỗ, dệt may, giày dép, cao su, gốm sứ... tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 23,819 tỷ USD, tăng 18,2%; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,6%, chiếm 83%.

Năm 2017, mặc dù sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, thị trường, diện tích một vài cây trồng có giảm; song do quan tâm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống mới, chăm sóc tốt, phòng trừ dịch bệnh kịp thời nên năng suất, sản lượng hầu hết cây trồng, vật nuôi chính đều tăng. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 22.487 ha, tăng 1,8% so với năm 2016; tổng đàn trâu, bò ước đạt 29,3 ngàn con (tăng 1,67%), tổng đàn heo ước đạt 563,4 ngàn con (tăng 2,5%), tổng đàn gia cầm ước đạt 8,9 triệu con (tăng 2,3%).

Ngay từ đầu năm, Tỉnh cũng tích cực triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; cải cách hành chính của địa phương; thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Chính vì vậy, tính đến ngày 30/11/2017, toàn Tỉnh đã thu hút được 5.176 doanh nghiệp trong nước đăng ký mới (27.385 tỷ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp trong nước lên 30.571 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 234.722 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tình hình thu hút vốn FDI cũng được cải thiện, với số vốn thu hút được khoảng 2,557 tỷ USD, gồm: 185 dự án đầu tư mới (1,323 tỷ USD), 109 dự án điều chỉnh tăng vốn (1,025 tỷ USD), 81 dự án góp vốn (247 triệu USD); có 07 dự án điều chỉnh giảm vốn (38 triệu USD). Lũy kế đến nay, toàn Tỉnh có 3.034 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 28,33 tỷ USD.

2018: Tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, chất lượng và bền vững

Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2017, căn cứ mục tiêu của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần X và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Tỉnh giai đoạn 2016–2010, Bình Dương sẽ thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên thu hút, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, tinh chế, cung cấp nguyên phụ liệu, góp phần nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện Chương trình 24-CTr/TU, ngày 16/08/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị, giai đoạn 2016 - 2020. Duy trì các chương trình đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, giới thiệu cơ hội đầu tư.

Thứ ba, ổn định diện tích cây trồng có hiệu quả; khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, canh tác, chăn nuôi công nghệ cao, thực phẩm an toàn, sản phẩm xuất khẩu. Nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP và phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị; quan tâm công tác dự báo cung cầu và thị trường tiêu thụ nông sản. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch hại trên cây trồng; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, chống ngập úng; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và đảm bảo an toàn sinh phẩm; quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng và trồng cây phân tán, nâng tỷ lệ cây xanh che phủ của tỉnh.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng, hoạt động có hiệu quả; nghiên cứu xây dựng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hỗ trợ kết nối giữa các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hợp tác sản xuất kinh doanh theo hướng chuỗi giá trị./.