Năm 2017: Đắk Lắk đặt mục tiêu GRDP tăng 7,5%-8%
GRDP năm 2016 đạt 7,03%
Theo báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của UBND tỉnh Đắk Lắk, tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện khoảng 44.571 tỷ đồng, đạt 101,3% kế hoạch, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần chủ yếu trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do hậu quả của hạn hán, giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) của ngành nông nghiệp giảm khoảng 1.858 tỷ đồng, dẫn tới VA (giá trị tăng thêm) giảm 985 tỷ đồng.
Trong việc thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2016, toàn Tỉnh đạt 1.699 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 58,8%, tăng 113 tiêu chí so với cuối năm 2015; bình quân toàn Tỉnh đạt 11,18 tiêu chí/xã, tăng 0,74 tiêu chí so với cuối năm 2015. Số xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trong năm là 13 xã, lũy kế đến hết năm 2016 là 20 xã, đạt 13,2%.
Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước thực hiện 13.750 tỷ đồng, tăng 18,5% so với thực hiện năm 2015, đạt 108,2% kế hoạch. Trên địa bàn Tỉnh hiện có Khu công nghiệp Hòa Phú và 08 cụm công nghiệp đang hoạt động nhưng kết cấu hạ tầng còn đang trong giai đoạn đầu tư nên kết quả thu hút dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế.
Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk
Tình hình thu hút đầu tư của Tỉnh có nhiều khởi sắc so với năm 2015, số lượng các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư nhiều hơn. Tỉnh đã thu hút được 98 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 23.896 tỷ đồng. Ngoài ra, Tỉnh đã tiếp đón và hướng dẫn thủ tục đầu tư cho hơn 150 lượt nhà đầu tư.
Ước tính đến 31/12/2016, có 720 doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới (tăng 9,6% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký 2.880 tỷ đồng (tăng 36,04% so với cùng kỳ). Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 130 chi nhánh và 29 văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động xúc tiến du lịch được quan tâm đầu tư, hình ảnh du lịch Đắk Lắk được quảng bá tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, đem đến nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào Đắk Lắk. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động du lịch tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Vì vậy, hoạt động du lịch trên địa bàn Tỉnh trong năm tiếp tục phát triển, doanh thu du lịch đạt kế hoạch đề ra.
Đẩy nhanh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế
Phát huy kết quả đạt được trong năm 2016, Tỉnh cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong năm tới, đồng thời, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2017 như: Tổng sản phẩm xã hội (GRDP - theo giá so sánh năm 2010) khoảng 47.910 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5%-8% so với ước thực hiện năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 38 - 38,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%-3% so với năm 2016.
Để đạt được mục tiêu nói trên, tỉnh Đắk Lắk sẽ thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Về phát triển kinh tế: Xây dựng Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng tỉnh Đắk Lắk và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh, Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Đề án phát triển cà phê bền vững; đánh giá lại tình hình thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch của ngành đã được ban hành (42 đề án, chương trình, kế hoạch).
Hỗ trợ các thủ tục để Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Đắk Lắk đầu tư dây chuyền sản xuất bia lon với công suất 50 triệu lít, nâng công suất của nhà máy lên 90 triệu lít.
Khuyến khích thành lập các Hiệp hội ngành nghề doanh nghiệp công nghiệp - thương mại. Tăng cường các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, trong đó chú trọng trang bị kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, kết hợp với Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai có hiệu quả nội dung cam kết giữa UBND tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính và các chính sách, đặc biệt là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội nhằm tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển.
Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV khu vực tư nhân, tập trung vào việc hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu thực tế của các DNNVV trong việc lập phương án kinh doanh hiệu quả, tìm kiếm thị trường và gắn liền với bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp xây dựng, thành lập các hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả Kế hoạch hỗ trợ DNNVV năm 2017. Để đạt chỉ tiêu đến năm 2020 toàn Tỉnh có khoảng từ 10.000 đến 12.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng 10% doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, nguồn lực mạnh, phấn đấu số DNNVV đến hết năm 2017 đạt trên 7.150 doanh nghiệp, tăng khoảng 20% so với năm 2016 (năm 2016 ước đạt 5.950 doanh nghiệp).
Triển khai thực hiện Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó chú trọng đến hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, tạo nguồn lực từ quỹ đất để bổ sung nguồn vốn cho ngân sách Tỉnh, đồng thời thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Về phát triển văn hóa - xã hội: Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển giáo dục - đào tạo, dạy nghề và việc làm
Tiếp tục đẩy mạnh công tác lao động, dạy nghề và giải quyết việc làm. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục và thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, nhất là khu vực thành phố Buôn Ma Thuột, các trung tâm huyện có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Phấn đấu đạt tỷ lệ 39% trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2017.
Phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng; tập trung giảm nghèo bền vững. Rà soát, điều chỉnh và triển khai đồng bộ các chính sách đối với người có công, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc, vùng ATK, các huyện nghèo và các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp giữa các nhóm đối tượng và điều kiện nguồn lực của Tỉnh.
Triển khai thực hiện tốt dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại các huyện thuộc dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến các mô hình sinh kế có tính bền vững để duy trì và nhân rộng sau khi dự án kết thúc.
Cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống cho người nghèo, người mới thoát nghèo, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu giảm nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa các dân tộc và các nhóm dân cư khác./.
Bình luận