Nắm bắt xu thế của kinh tế thế giới để đưa ra quyết sách ngoại giao kinh tế phù hợp
Vấn đề trên được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nêu bật tại Tọa đàm “Các xu hướng liên kết kinh tế mới và kiến nghị chính sách đối với Việt Nam”, do Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 24/10/2023.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động trao đổi chính sách định kỳ của Bộ Ngoại giao với các cơ quan liên quan nhằm triển khai tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, cũng như nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng chủ trì buổi Tọa đàm |
Nhiều sáng kiến liên kết kinh tế được dẫn dắt bởi các nước lớn và các nước tầm trung, đang phát triển
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, thế giới đang chứng kiến những thay đổi sâu sắc, toàn diện của cục diện thế giới và khu vực. Trong đó, kinh tế thay đổi sâu sắc nhất, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế đang biến chuyển toàn diện và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nhiều nhân tố cộng hưởng, đặc biệt là vấn đề chính trị hóa, an ninh hóa.
“Những vấn đề cách đây 2, 3 thập kỷ như giảm thuế quan, có lẽ không còn là vấn đề trọng tâm. Kể cả những vấn đề như tham gia đàm phán FTA thế hệ mới, phát triển bền vững, lao động, môi trường cũng rất khác trong tình thế hiện nay”, bà Hằng nói.
Ngoài ra, tình hình thế giới hiện nay cũng nổi lên hàng loạt vấn đề nóng như: tiến trình carbon, quản lý trí tuệ nhân tạo (AI), quản lý dữ liệu đang nổi lên và trở thành bài toán đặt ra cho tất cả các nước, thể chế quốc tế. Do đó, các nền kinh tế đều đang có sự điều chỉnh mạnh mẽ tư duy, cách thức, trong đó chú trọng yếu tố an ninh kinh tế, tự chủ chiến lược năng lượng và khoáng sản, chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và bền vững…
Trong tiến trình này, nhiều sáng kiến liên kết kinh tế được dẫn dắt không chỉ bởi nước lớn, mà còn là các nước tầm trung, đang phát triển. Đó là những yếu tố rất mới trong giai đoạn đời sống chính trị, kinh tế thế giới đầy biến động như hiện nay.
Theo Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, định hướng quan trọng cho công tác ngoại giao kinh tế trong giai đoạn phát triển chiến lược mới của đất nước, thì ngoại giao kinh tế được xác định là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao Việt Nam; một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài. Điều này khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác ngoại giao kinh tế trong thời gian tới. |
Vì vậy, nữ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, vấn đề đặt ra cho Việt Nam hiện nay là nắm bắt xu thế để đưa ra quyết sách phù hợp, trên nguyên tắc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, ổn định, đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, là đối tác tốt, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại Tòa đàm, TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC) cho biết, dưới tác động của đại dịch Covid-19, cùng với xung đột Nga - Ukraina và cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, phức tạp, đặc biệt giữa Nga, Trung Quốc với Mỹ và phương Tây, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như sản xuất toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực thiết yếu, tạo ra các cuộc khủng hoảng về y tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cũng như thúc đẩy phân mảnh, phân tuyến về kinh tế và khoa học và công nghệ.
Ông Thành nhận định, đây chính là những nhân tố then chốt, mang tính cộng hưởng, tạo bước ngoặt làm thay đổi căn bản cục diện hợp tác, cũng như các mô hình và phương thức liên kết kinh tế quốc tế trước đây.
Chú trọng xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ trong nước
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, ý nghĩa của việc tham gia chủ động, tích cực ngay từ đầu vào quá trình định hình các quy định, luật lệ tại các sáng kiến liên kết kinh tế mới, thúc đầy tham gia phù hợp, hiệu quả của nước ta tại các khuôn khổ, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, khu vực, như: ASEAN, APEC, Mekong, BRL, WTO… nhằm nâng cao vai trò, vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ ngay từ đầu được các lợi ích của nước ta, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam ưu tiên, như: chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, khoa học công nghệ… phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Bà Lan khuyến nghị, nhằm nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian tới, cần tham gia các liên kết kinh tế mới để vừa bảo đảm được lợi ích của nước ta, vừa hạn chế được những vấn đề không thuận lợi đối với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam,
Bên cạnh đó, “chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, cũng như của các địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ trong nước, nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội và lợi ích đem lại từ các FTA hiện có, hạn chế các tác động không thuận của hội nhập”.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, ông Nguyễn Đăng Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế đa phương đánh giá cao các ý kiến đóng góp, trao đổi tại Tọa đàm, cho rằng những kết quả này sẽ góp phần tích cực giúp nâng cao hiệu quả và tham mưu chính sách về định hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam giai đoạn tới; đóng góp thiết thực vào công tác chuẩn bị Hội nghị Ngoại giao 32, cũng như tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế./.
Bình luận