Summary

Vung Ang Economic Zone (EZ) located in Ky Anh town, Ha Tinh province is considered as one of the potential EZs in the country. The EZ has made a great contribution to socio-economic development, fundamentally changing the structure of gross domestic product (GRDP) towards increasing the proportion of industry and increasing the province's budget revenue, creating jobs for local workers and neighboring provinces. The article assesses the current situation of economic diplomacy in mobilizing resources for the development of Vung Ang EZ, thereby proposing some solutions in the coming time.

Keywords: Vung Ang economic zone, key economic, economic diplomacy, Ha Tinh province

GIỚI THIỆU

KKT Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là 1 trong 5 KKT trọng điểm của cả nước được tập trung nguồn lực đầu tư phát triển giai đoạn 2013-2015 và là 1 trong 8 KKT ven biển được ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; được xác định là khu vực động lực phát triển, cần tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng theo các thông báo kết luận của lãnh đạo Đảng, Chính phủ.

Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh về phát triển KKT Vũng Áng giai đoạn 2021-2025 xác định: Phát triển KKT Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của Tỉnh, gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phù hợp với phát triển vùng và kết nối với các trung tâm kinh tế trong khu vực… Điều này khẳng định được vai trò vị thế ngày càng quan trọng của KKT Vũng Áng, không chỉ là động lực, mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của riêng tỉnh Hà Tĩnh, mà còn là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Bắc Trung Bộ và của cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, KKT còn chưa được khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Để phát huy hết vai trò của KKT Vũng Áng, ngoại giao kinh tế có vai trò quan trọng, đi đầu trong khơi thông nguồn lực, quảng bá hình ảnh của Tỉnh, phát huy lợi thế cạnh tranh, đặc biệt thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài, phát triển không gian kinh tế.

THỰC TRẠNG NGOẠI GIAO KINH TẾ NHẰM HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KKT VŨNG ÁNG

Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kịp thời, triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo, trong đó có nhiều văn bản mang tính chiến lược, như: Kế hoạch số 161-KH/TU, ngày 02/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 98-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX) về công tác phi chính phủ nước ngoài; Quyết định số 339-QĐ/TU, ngày 21/3/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Quy chế thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Đề án số 25/ĐA-UBND, ngày 25/01/2013 của UBND Tỉnh về tăng cường mở rộng, hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo; Chương trình số 274/CTr-UBND, ngày 10/7/2014 của UBND Tỉnh về triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế; Quyết định số 2810/QĐ-UBND, ngày 21/9/2018 của UBND Tỉnh về việc ban hành Chương trình xúc tiến, vận động viện trợ không hoàn lại của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2025; Chương trình hành động số 479-CTr/TU, ngày 19/01/2017 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Kế hoạch hành động số 357/KH-UBND, ngày 05/11/2018 của UBND Tỉnh về triển khai công tác đối ngoại giai đoạn 2018-2021 và các năm tiếp theo; Kế hoạch số 04/KH-UBND, ngày 09/01/2023 của UBND Tỉnh về triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế đất nước đến năm 2030... Các đề án, chương trình, kế hoạch đối ngoại đã góp phần nâng cao nhận thức về hội nhập và phát triển kinh tế; hoàn thiện pháp luật, chính sách đầu tư; tăng cường vận động các nguồn viện trợ, dự án đầu tư góp phần thúc đẩy thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA) và thúc đẩy hợp tác kinh tế với địa phương nước ngoài, các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế nhằm huy động nguồn lực bên ngoài tạo đà cho sự phát triển và khơi dậy được các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ, làm cơ sở cho sự phát triển nhanh, bền vững; chú trọng tăng cường hợp tác với đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, tổ chức có uy tín trong và ngoài nước để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư từ các đối tác của các nước, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Đức, Mỹ… Đến nay, Hà Tĩnh có quan hệ hơn 70 cơ quan đại diện ngoại giao của các nước và tổ chức quốc tế. Thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam kết nối đến các đối tác, các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư kinh doanh trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, tiếp tục duy trì, quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị với các địa phương: Bolikhămxay, Khăm Muồn, Savannakhet, Thủ đô Viêng Chăn và mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh Bắc Lào; tăng cường hợp tác các tổ chức, địa phương Hà Tĩnh đã thiết lập quan hệ hợp tác: Bang MV (Đức), I.P.M (Nhật Bản), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các tỉnh nằm trong hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan sử dụng đường 8 và đường 13 nhằm đưa các mối quan hệ đã xác lập đi vào chiều sâu, thực chất.

Tiếp tục xúc tiến thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng và có tiềm năng, thế mạnh trong việc hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hiện nay đang xúc tiến tiến tới hợp tác với tỉnh SAGA (Nhật Bản), Tula (Liên bang Nga), Hiệp hội Thân thiện Quốc tế (JIFI) trong năm 2023... Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài tại các nước: Đức, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Ký kết các Thỏa thuận hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác, như: WB tại Việt Nam, Công ty DANVIT EXPRES (Cộng hòa Séc), TP. Pocheon (Hàn Quốc), Bộ Kinh tế - Y tế - Lao động của Bang Mecklenburg-Vorpommern, Cộng hòa Liên bang Đức... Cập nhật và cung cấp đến các nhà đầu tư nước ngoài hình ảnh, nội dung, in ấn tờ gấp “Hà Tĩnh - Tiềm năng và cơ hội đầu tư”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư, thực hiện một số chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn FDI.

Nhờ chú trọng công tác ngoại giao kinh tế, nên đến nay, Hà Tĩnh có 68 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD, nhiều dự án FDI tại Hà Tĩnh đã, đang phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế của Tỉnh, như: dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh với vốn đầu tư lên đến 12,8 tỷ USD hoạt động hiệu quả, tạo sức lan tỏa và đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung; dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (khoảng 2,2 tỷ USD); dự án đầu tư sản xuất và thương mại công nghệ Pin Lithium của liên doanh giữa công ty Gotion, Inc (Hoa Kỳ) và công ty cổ phần giải pháp năng lượng Vines và dự án Nhà máy may mặc xuất khẩu Sunny Apparel Vina của Công ty Citi Fox Inc (Hoa Kỳ); Dự án Khu bến Phoenix (bến cảng số 5, 6) cảng Vũng Áng; Nhà máy may mặc Haivina Hồng Lĩnh tại Hồng Lĩnh, Nhà máy điện mặt trời Solar Park Cẩm Hưng tại Cẩm Xuyên… Thị trường xuất khẩu có bước phát triển đột phá. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tăng từ 94,95 triệu USD năm 2011 lên 125,6 triệu USD năm 2015 và lên 1.200 triệu USD năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020 đạt 3.858 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 30%/năm. Tỷ trọng thu từ hoạt động xuất khẩu trên tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng từ 12,3% năm 2011, lên 40,7% năm 2014 và lên 45,6% năm 2020. Tính cả giai đoạn 2011-2020, tổng thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 38.479,7 tỷ đồng, tăng bình quân 42,5%. Kêu gọi Kiều bào Hà Tĩnh đầu tư trên địa bàn, đến nay có 9 dự án của kiều bào Hà Tĩnh, với tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, các dự án FDI chủ yếu được đầu tư tại KKT Vũng Áng. Giai đoạn 2017-2022, KKT Vũng Áng thu hút được 17 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 2,5 tỷ USD (Hình 1).

Hình 1: Thực trạng thu hút FDI hàng năm vào KKT Vũng Áng

giai đoạn 2017-2022

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm huy động nguồn lực phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng
Nguồn: Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh

Xét về số dự án, thì giai đoạn 2017-2022, số lượng dự án đến từ Đài Loan có 12/17 dự án tại KKT Vũng Áng. Tuy nhiên, xét về vốn đăng ký, thì Nhật Bản là quốc gia có số vốn đăng ký đầu tư lớn nhất với 2.187 triệu USD chiếm gần 85,6% (Hình 2).

Hình 2: Thực trạng các dự án đầu tư FDI vào KKT Vũng Áng

giai đoạn 2017-2022

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm huy động nguồn lực phát triển Khu Kinh tế Vũng Áng
Nguồn: Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh

Mặc dù những năm qua, công tác ngoại giao kinh tế nhằm thu hút nguồn lực phục vụ phát triển KKT Vũng Áng đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác này vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể: (i) Các dự án thu hút đầu tư vào KKT Vũng Áng đa dạng, chưa tập trung vào những ngành nghề chiến lược và tính kết nối giữa các dự án chưa cao; (ii) Số dự án lớn trên 100 triệu USD còn ít (chỉ có 2/17 dự án). Dự án đầu tư vào các lĩnh vực có hàm lượng khoa học, công nghệ chưa cao, ít sử dụng nguyên liệu, bán thành phẩm và lao động chất lượng cao; (iii) Hầu như chưa thu hút được nguồn lực của kiều bào Hà Tĩnh ở nước ngoài vào KKT Vũng Áng; (iv) Chưa thu hút các nguồn lực nước ngoài chủ yếu còn tập trung chú trọng vào nguồn vốn, mà chưa chú trọng và ít huy động được nguồn nhân lực với trình độ quản lý, tri thức cao từ nước ngoài.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế nhằm huy động nguồn lực phát triển KKT Vũng Áng, tác giả cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, cụ thể:

Một là, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, Ban Quản lý KKT Vũng Áng, các doanh nghiệp và người dân về vai trò của công tác ngoại giao kinh tế trong thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung và của KKT Vũng Áng nói riêng.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; Kế hoạch số 04/KH-UBND, ngày 09/01/2023 triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Tranh thủ mọi nguồn lực và lợi thế có sẵn, chú trọng đối ngoại đa phương để đẩy mạnh hội nhập, giao lưu kinh tế - thương mại quốc tế, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Ba là, xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh theo Kết luận số 23-KL/TU, ngày 21/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, trong đó, tích hợp phát triển công nghiệp, tiểu thu công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; xây dựng chính sách về hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu gắn với dịch vụ logistics trên địa bàn Tỉnh, trong đó, tích hợp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Vũng Áng, chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, hợp tác ngoại giao, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của KKT đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án. Tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, các dự án phát triển hạ tầng KKT, ưu tiên đối với những lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sau thép, hạ tầng đô thị, du lịch - dịch vụ, dự án có sự lan tỏa mạnh mẽ đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghệ kỹ thuật cao, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường, công nghiệp thân thiện với môi trường.

Năm là, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thu hút các nguồn lực nước ngoài vào KKT Vũng Áng, như: rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, quy hoạch và xây dựng hạ tầng điện, nước, giao thông, cải thiện thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác thẩm định và lựa chọn dự án đầu tư. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu phục vụ cho các dự án trong KKT.

Sáu là, xây dựng các danh mục dự án, các công việc ưu tiên thu hút nguồn lực ngoài nước, đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam để cung cấp thông tin, tiếp cận với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài có ưu thế để mời gọi đầu tư vào KKT.

Bảy là, xây dựng, hoàn thiện và phát huy mạnh mẽ các kênh thông tin kết nối với người Việt Nam ở nước ngoài, kiều bào Hà Tĩnh nhằm cung cấp thông tin, kêu gọi, quy tụ, tập hợp nhà đầu tư, tri thức, chuyên gia trong kiều bảo đầu tư sản xuất kinh doanh, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ... đóng góp vào sự phát triển của KKT.

Tám là, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khu vực biển theo chỉ đạo tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, phát triển ngành chế tạo thiết bị phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, tiến tới làm chủ một số công nghệ, thiết kế, chế tạo và sản xuất thiết bị.

Chín là, nghiên cứu, quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm du lịch mới, như du lịch công nghiệp: tham quan tại dự án Formosa, cảng Sơn Dương và các dự án lớn, tạo sự gắn kết giữa các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch công nghiệp để tận dụng và phát huy tối đa các tiềm năng du lịch trên địa bàn KKT Vũng Áng.

Mười là, hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại KKT Vũng Áng, đặc biệt là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các dự án trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển, logistics, năng lượng mới, năng lượng tái tạo theo đúng định hướng phát triển KKT Vũng Áng. Tích cực, chủ động hỗ trợ, phối hợp với các nhà đầu tư dự án lớn, mang tính động lực trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp phép đầu tư, cũng như trong quá trình dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mười một là, thúc đẩy hình thành hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp trong KKT với trung tâm là Khu liên hợp gang thép Formosa nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các yếu tố đầu vào, đầu ra, như: nguyên vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thông qua hợp tác, các doanh nghiệp hình thành mạng lưới trao đổi các yếu tố phục vụ sản xuất, sử dụng chung hạ tầng và các dịch vụ phục vụ sản xuất, cải thiện quy trình công nghệ và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và tiến tới KKT xanh./.

ThS. Nguyễn Thành Đồng - Huyện ủy Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 20, tháng 7/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (2021), Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/11/2021 về phát triển kinh tế Vũng Áng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023.

2. Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh (2017-2023), Báo cáo tình hình thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2017, 2018,2019, 2020, 2021, 2022 và Quý I/2023.

3. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2017-2022), Báo cáo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế các năm, từ năm 2017 đến năm 2022.