Nếu bình tĩnh hơn, NHNN có lẽ đã có thể giữ ổn định tỷ giá
Tại hội thảo công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2015, ngày 23/10/2015, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ rõ, sự phản ứng quá mức của thị trường đã khiến tỷ giá VNĐ/USD biến động mạnh trong giữa tháng 08/2015.
Sự phản ứng quá mức của thị trường
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô (CIEM) chỉ rõ, biến động của tỷ giá VNĐ/USD trong nửa cuối tháng 8 không phải do áp lực từ thâm hụt thương mại hay dòng vốn ra.
Trên thực tế, biến động này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: (i) Sự phản ứng quá mức của thị trường tài chính (trong ngắn hạn) trước việc Trung Quốc điều chỉnh cơ chế tỷ giá NDT; (ii) “Bẫy thông tin” từ việc có quá nhiều các nhận định và kiến nghị về cơ chế điều hành tỷ giá VNĐ/USD được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.
Không chỉ ở Việt Nam, nhiều nước (đặc biệt là ở khu vực châu Á) đã phản ứng quá nhanh trong đợt điều chỉnh tỷ giá vào tháng 8 của Trung Quốc.
Việc có các phản ứng quá nhanh ngay sau động thái Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá có thể làm tăng độ bất định đối với điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá nói riêng ở nhiều nước.
Trước bối cảnh ấy, các nhà đầu tư cũng phản ứng quá mức và các tài sản USD được coi là có độ an toàn cao nhất; điều này càng gây thêm áp lực mất giá đối với nhiều đồng tiền, kể cả VNĐ.
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, một nguyên nhân khiến thị trường “phản ứng quá” với việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc lại xuất phát từ phía… các phương tiện truyền thông và các nhà nghiên cứu của Việt Nam.
Thời điểm đó, các chuyên gia cũng đưa ra khá nhiều nhận định xung quanh việc Trung Quốc điều chỉnh cơ chế tỷ giá. Không ít kiến nghị, Việt Nam nên nhanh chóng điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD với mức tăng đáng kể.
“Chính sự lặp lại với tần suất cao của các nhận định, kiến nghị như trên đã ảnh hưởng đến kỳ vọng của các thành viên thị trường, gây thêm áp lực cho công tác điều hành tỷ giá VNĐ/USD”, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Dương cho biết.
Điều đáng nói là, các ý kiến và kiến nghị về việc tăng tỷ giá VNĐ/USD đều chỉ nhìn việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá NDT như một sự kiện riêng biệt, trong khi ít nhiều còn thiếu thực tiễn về hoạt động thương mại cũng như thị trường ngoại hối.
“Nếu các nhà đầu tư bình tĩnh hơn và ít xáo trộn thông tin hơn, Ngân hàng Nhà nước có lẽ đã có thể giữ ổn định tỷ giá hoặc có thể chỉ điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD ở mức 1% (thông qua nới biên độ hoặc điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng)”, ông Dương đánh giá.
Nếu các nhà đầu tư bình tĩnh hơn và ít xáo trộn thông tin hơn, Ngân hàng Nhà nước có lẽ đã có thể giữ ổn định tỷ giá
Tỷ giá không phải là công cụ toàn năng
Nhấn mạnh lại vai trò của tỷ giá, nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, tỷ giá không phải là công cụ toàn năng để tăng tính cạnh tranh của xuất khẩu, cũng như mặt hàng xuất khẩu.
Không đồng tình với ý kiến cho rằng, việc Việt Nam cần tăng tỷ giá VNĐ/USD để bảo đảm khả năng cạnh tranh so với hàng Trung Quốc trong thương mại song phương, nhóm nghiên cứu cho biết, từ năm 1994, Trung Quốc đã khá thành công trong việc giữ cho hàng hóa cạnh tranh.Tỷ giá hữu hiệu thực (REER) của Trung Quốc tăng hơn 101,4% trong giai đoạn 1994-tháng 7/2015, cho thấy hàng Trung Quốc rẻ đi so với hàng hóa thế giới, dù đồng NDT lên giá 42,2% so với USD trong cùng giai đoạn.
Trong khi đó, đồng VNĐ mất giá 49,9% so với USD trong cùng giai đoạn, nhưng hàng Việt Nam lại lên giá hơn 27,0% so với hàng hóa thế giới (theo REER).
“Như vậy, điều chỉnh tỷ giá không phải lúc nào cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh”, báo cáo nêu rõ.
Đã vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc Trung Quốc tăng tỷ giá NDT/USD cũng làm đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn (khi quy ra VNĐ). Do chi phí đầu vào (từ nhập khẩu) giảm, hàng Việt Nam có thể không kém cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc ở thị trường thứ ba.
Phản biện ý kiến cho rằng, Việt Nam nên tăng tỷ giá VNĐ/USD nhanh hơn so với mức tăng của Trung Quốc, nhóm nghiên cứu chỉ rõ, ý kiến này bỏ qua ảnh hưởng của những điều chỉnh này đối với môi trường kinh tế vĩ mô.
“Đáng lưu ý, điều chỉnh tỷ giá VNĐ/USD chỉ giúp cải thiện xuất khẩu và cán cân thương mại khi điều chỉnh ấy không gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô”, ông Dương nhấn mạnh.
Làm rõ hơn ý kiến này của nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lý giải thêm: “Mục tiêu tối thượng hiện nay của Chính phủ là ổn định thị trường, chứ không phải dùng tỷ giá để tăng năng lực cạnh tranh. Đó chỉ là mục tiêu thứ yếu của tỷ giá. Còn để tăng năng lực cạnh tranh phải tính đến các công cụ khác, như: giảm chi phí, thay đổi cách thức quản lý của nhà nước, giảm rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động…”.
Theo nhóm nghiên cứu của CIEM, tỷ giá của hệ thống NHTM nhiều khả năng sẽ ổn định trong quý IV (với xác suất là 94,3%).
Cần tập trung vào xử lý nợ xấu và tái cơ cấu
Thực tế, thị trường tài chính Việt Nam rất mong manh, nên rất dễ bị tác động tiêu cực với thông tin.
Sự phản ứng quá mức của nhà đầu tư và “bẫy thông tin” trong quý III đã khiến Ngân hàng Nhà nước “lơ là” nhiệm vụ chính. Đây là sự đáng tiếc trong quý III/2015.
Ngân hàng Nhà nước đã phải dành rất nhiều thời gian để tập trung vào ổn định thị trường ngoại hối, bao gồm: (i) cân nhắc điều hành tỷ giá, lãi suất, dư nợ tín dụng ngoại tệ; (ii) thông tin nhiều hơn cho thị trường về chính sách tỷ giá, diễn biến thị trường ngoại hối.
“Trong khi nhiệm vụ nền tảng và có lẽ quan trọng nhất là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu dường như chưa được ưu tiên đúng mức”, đại diện nhóm nghiên cứu, ông Dương nói.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục khẳng định ưu tiên cao nhất cho việc hoàn thành cơ bản tái cơ cấu hệ thống ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Quá trình này cần có những chuyển biến căn bản vào giữa quý IV.
Chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành thận trọng, gắn với ổn định lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) trong một thời gian đủ dài, qua đó giúp doanh nghiệp yên tâm hơn với quyết định đầu tư dài hạn. Chính phủ cũng cần cân nhắc thay đổi cơ chế thông tin về điều hành tỷ giá.
“Việc tái khẳng định mục tiêu ổn định tỷ giá VNĐ/USD vẫn rất có ý nghĩa trong quý IV. Cần nghiên cứu khả năng điều hành mục tiêu tỷ giá với tần suất cao hơn (chẳng hạn như mục tiêu tỷ giá hàng quý, hoặc kết hợp linh hoạt mục tiêu hàng quý và cả năm…). Đồng thời, phải làm rõ khả năng điều chỉnh tỷ giá vào đầu năm 2016”, thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương đề xuất./.
Bình luận