Ngân hàng Nhà nước đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực
Tăng trưởng tín dụng thấp trong quý I/2023
"Sự bất ổn tài chính toàn cầu và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới, trước mắt chưa tác động lớn đến tài chính tiền tệ Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn phải theo dõi sát, vì thị trường biến động sẽ tác động đến dịch chuyển vốn giữa các nền kinh tế…", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, theo NHNN.
Theo Thống đốc, lạm phát các nước đã qua đỉnh nhưng vẫn còn ở mức cao. Mặc dù chính sách tiền tệ của các quốc gia đã điều chỉnh giảm bớt sự thận trọng, nhưng vẫn đang theo hướng kiểm soát lạm phát. Điều này làm ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng và đầu tư của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, để giải quyết khó khăn của nền kinh tế, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo nguyên tắc vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đó, khi xử lý cần cân nhắc thận trọng các rủi ro (nguồn: sbv) |
Thống đốc chia sẻ, cũng như ngân hàng trung ương các nước trên thế giới, NHNN đang phải đối mặt và chịu rất nhiều áp lực, vừa điều hành thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng vừa phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ, ngoại hối…
Trong quý I/2023, NHNN đã điều tiết, mua 4 tỷ USD, đồng nghĩa bơm tiền ra, giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản. Sau Tết, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng tăng khá cao trở lại.
Qua sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10 năm ngoái cũng như sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ với bài học quản trị thanh khoản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN yêu cầu các ngân hàng tập trung hơn vào ổn định an toàn, cũng như đáp ứng thanh khoản cho người dân.
Về tín dụng, hết quý I tăng 2,06%, đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của một số năm trước, ngoại trừ năm ngoái. NHNN đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng thông qua giải pháp điều tiết tiền tệ, cũng như đánh giá để đề xuất giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhóm nợ.
Liên quan đến lãi suất, năm ngoái lãi suất tăng cao nhưng từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện các giải pháp, nên mặt bằng lãi suất đang có chiều hướng giảm. Vào cuối tuần trước NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành 0,5 - 1%/năm trên cơ sở lạm phát âm, Fed điều chỉnh lộ trình tăng lãi suất thấp và tỷ giá VND/USD ổn định.
Tránh rủi ro từ bài học của các ngân hàng Mỹ
Về định hướng giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc cho biết, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành để sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp để làm sao tháo gỡ khó khăn nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro từ bài học của các ngân hàng Mỹ; đánh giá để có giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Về chương trình hỗ trợ lãi suất, theo Thống đốc, NHNN đã họp với các bộ, ngành liên quan và thống nhất không sửa Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bởi các quy định về đối tượng được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội; và các bộ, ngành đang xem xét đề xuất vấn đề chuyển nguồn. |
Đối với hai thị trường đang gặp khó khăn là bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc cho biết, trong quá trình trao đổi với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), thì tổ chức này có một số khuyến nghị mà NHNN cho rằng các bộ, ngành có thể cân nhắc. Đó là, khi đánh giá các dự án bất động sản, doanh nghiệp bất động sản, IMF khuyến nghị nên có bên thứ ba tham gia, như kiểm toán, để xem các dự án nào khó khăn tạm thời thì có giải pháp hỗ trợ. IMF cũng có quan điểm khi thực hiện các giải pháp cần tránh những rủi ro đối với bảng cân đối tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng; nhất là từ bài học của Mỹ vừa qua cho thấy phải kiểm soát rủi ro kỳ hạn bởi thị trường trái phiếu, bất động sản có kỳ hạn dài, khối lượng tiền lớn.
Trong một diễn biến có liên quan đến gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mới đây Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã họp lần thứ ba, để tìm kiếm các giải pháp khả thi trong bối cảnh hiện nay. Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, các ý kiến đóng góp của thành viên Tổ công tác về các giải pháp, đề xuất nhằm ổn định thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được Bộ Tài chính hoàn thiện để báo cáo Chính phủ../.
Bình luận