Ngân hàng Phát triển Việt Nam góp phần phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
Tóm tắt
Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) - công cụ của Chính phủ trong thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước - trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng phát triển. Trong bài viết này, tác giả chia sẻ một số kết quả nghiên cứu bước đầu về việc hỗ trợ các DNNVV của NHPT thông qua việc triển khai chính sách tín dụng của Nhà nước.
Từ khóa: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chính sách tín dụng, doanh nghiệp nhỏ và vừa
Summary
The Vietnam Development Bank (VDB) - a tool of the Government in implementing the State’s credit policy - has made positive contributions to support the development of Vietnamese enterprises in general and small and medium-sized enterprises (SMEs) in particular. In this article, the author shares some initial research results on VDB’s support for SMEs through the implementation of the State’s credit policy.
Keywords: Vietnam Development Bank, credit policy, small and medium-sized enterprises
NHỮNG VẤN ĐỀ THƯỜNG GẶP CỦA DNNVV VIỆT NAM
Hiện nay, DNNVV thường gặp phải 3 khó khăn lớn nhất trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đó là:
Thứ nhất, tài chính và quy mô nguồn vốn nhỏ: DNNVV chủ yếu là những doanh nghiệp mới hình thành, nên lượng vốn và lao động ít. Do đó, tình trạng thiếu vốn luôn là vấn đề khó khăn nhất đặt ra đối với DNNVV. Thực tế cho thấy, đa phần DNNVV Việt Nam vay vốn từ các tổ chức phi tài chính, hoặc là từ gia đình hay bạn bè, chỉ một bộ phận nhỏ doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng. Nhiều khi DNNVV có những sáng kiến công nghệ tiên tiến nhưng không đủ tài chính cho việc triển khai, nên không thể hình thành công nghệ mới hoặc bị các doanh nghiệp lớn mua với giá rẻ.
Thứ hai, khả năng quản lý, trình độ tay nghề của người lao động thấp: Các chủ doanh nghiệp thường là những kỹ sư hoặc kỹ thuật viên tự đứng ra thành lập và vận hành doanh nghiệp. Đôi khi, việc tách bạch giữa các bộ phận không rõ ràng, những người quản lý bộ phận cũng thường tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Chính vì vậy, mức độ chuyên môn hóa quản lý trong các DNNVV thường thấp. Các chủ DNNVV không đủ khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc thuê lao động có tay nghề cao do hạn chế về tài chính. Ngoài ra, người lao động không được đào tạo, đào tạo lại thường xuyên do kinh phí hạn hẹp, vì vậy trình độ thấp và kỹ năng ít được cải thiện.
Thứ ba, thiếu thông tin và khả năng tiếp cận thị trường kém: Khả năng tiếp cận thị trường của các DNNVV rất hạn chế, đặc biệt là đối với thị trường nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là do DNNVV thường là những doanh nghiệp mới, không có khả năng tài chính cho các hoạt động marketing và họ cũng chưa có nhiều khách hàng truyền thống. Thêm vào đó, quy mô thị trường của các doanh nghiệp này thường bó hẹp trong phạm vi địa phương, việc mở rộng ra các thị trường mới là rất khó khăn.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TỪ NHPT ĐỐI VỚI DNNVV
Nhằm hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tại từng thời điểm phù hợp với thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với vai trò là công cụ của Chính phủ, NHPT đã tích cực chủ động tham mưu cho các bộ, ngành, Chính phủ và tướng Chính phủ trong việc ban hành và hướng dẫn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, cụ thể:
- Chính sách tín dụng của Nhà nước: Nghị định số 151/2006/NĐ-CP, ngày 20/12/2006 của Chính phủ về chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Nghị định số 106/2008/ NĐ-CP, ngày 19/9/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP; Nghị định số 75/2011/NĐ-CP, ngày 30/8/2011 của Chính phủ thay thế Nghị định số 151/2006/NĐ-CP; Nghị định số 32/2017/ NĐ-CP, ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
- Bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại: Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg, ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại; Quyết định số 60/2009/ QĐ-TTg, ngày 17/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 60/2009/QĐ-TTg; Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg, ngày 10/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 14/2009/QĐ-TTg.
- Cho vay lại vốn ODA: Quyết định số 181/2007/QĐ-TTg, ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ; Nghị định số 78/2010/NĐ- CP, ngày 14/7/2010 của Chính phủ thay thế Quyết định số 181/2007/QĐ-TTg; Nghị định số 97/2018/NĐ-CP, ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định số 79/2021/NĐ- CP, ngày 16/6/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP.
- Cho doanh nghiệp vay thanh toán lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp thôi việc: Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg, ngày 23/2/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; Quyết định số 87/2010/ QĐ-TTg, ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về cho doanh nghiệp, người lao động thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và Tổng Công ty Hàng hải vay để chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc, tạo việc làm, học nghề.
Căn cứ chính sách của Nhà nước và hướng dẫn của các bộ, ngành, NHPT đã xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ cụ thể cho từng loại hình nghiệp vụ và thông báo công khai trên website của NHPT để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay theo chính sách của Nhà nước. Đồng thời, để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, NHPT đã chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại và nhiều hiệp hội ngành hàng, đã ký các thỏa thuận ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn, chia sẻ thông tin, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng tiếp cận các nguồn vốn dễ dàng hơn, góp phần triển khai có hiệu quả dự án/phương án đầu tư của doanh nghiệp; thông qua hiệp hội ngành hàng làm cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tư vấn cho doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực và nguồn vốn đầu tư phù hợp.
ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DNNVV
Chính sách tín dụng của Nhà nước đã được giới thiệu và triển khai đối với mọi loại hình doanh nghiệp, trong đó trên 80% doanh nghiệp vay vốn tại NHPT là DNNVV thuộc các lĩnh vực ngành, nghề như: xây dựng hạ tầng giao thông, cung cấp điện, nước sạch sinh hoạt, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến lâm, thủy sản, công nghiệp nhẹ, giáo dục, y tế, xử lý rác thải, phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách tín dụng của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới kỹ thuật công nghệ, tăng năng suất lao động, mở rộng hoạt động và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, mà còn tạo mới nhiều việc làm, tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, cải thiện môi trường sống, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên các địa bàn, đặc biệt là địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Kết quả này là nhờ trong thời gian qua, NHPT thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các bộ, ngành (trong đó đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính) và chính quyền địa phương. Nhờ đó, NHPT đã thực hiện tốt vai trò là công cụ của Chính phủ trong hỗ trợ đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu nói chung, trong đó có hỗ trợ phát triển DNNVV nói riêng. Hơn nữa, các hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội DNNVV đã tích cực hướng dẫn, tổ chức công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, phối hợp với NHPT trong việc chia sẻ thông tin, xúc tiến tín dụng và hợp tác/hội thảo khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của DNNVV.
Bên cạnh những kết quả và thuận lợi nêu trên, trong quá trình NHPT thực hiện chính sách tín dụng của Nhà nước đối với DNNVV vẫn còn một số khó khăn:
Một là, các điều kiện vay vốn theo Nghị định số 32/2017/NĐ-CP còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa triển khai được chính sách.
Hai là, nguồn vốn của NHPT còn hạn chế. Cụ thể là, vốn chủ sở hữu của NHPT còn thấp; Nhà nước chưa tạo cơ chế phù hợp để NHPT tăng cường khả năng huy động và tích lũy nhằm tăng khả năng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng.
Ba là, những khó khăn về phía chủ quan của doanh nghiệp, hạn chế khả năng phát huy hiệu quả chính sách tín dụng của Nhà nước, cụ thể như sau:
- Tính chủ động của các DNNVV của Việt Nam chưa thật sự cao, một bộ phận DNNVV còn tình trạng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; xuất hiện tình trạng chây ỳ, chiếm dụng vốn tín dụng của Nhà nước (do có lãi suất thấp), dẫn đến tình trạng nợ quá hạn, hạn chế khả năng quay vòng vốn để hỗ trợ được nhiều hơn cho các DNNVV của nền kinh tế.
- Tính tuân thủ của một bộ phận DNNVV đối với các yêu cầu của pháp luật chưa cao, nhất là liên quan đến các quy định về báo cáo tài chính, kiểm toán, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng... Điều này không những hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, mà còn hạn chế khả năng minh bạch và phát triển hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu.
- Năng lực của DNNVV Việt Nam (trình độ quản lý, kỹ thuật...) nhìn chung chưa cao, thường khó đáp ứng yêu cầu quản lý đối với dự án đầu tư quy mô lớn, do đó hạn chế khả năng tiếp cận vốn tín dụng của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực (đặc biệt là lĩnh vực hạ tầng và công nghiệp).
- Việc mở cửa và hội nhập ngày càng nhanh với thị trường các nước khiến nhiều DNNVV của Việt Nam chưa nắm bắt và theo kịp, còn hạn chế trong việc hiểu biết luật pháp các nước, nên đã có nhiều vụ kiện về dư lượng thuốc kháng sinh hoặc chống phá giá ở một số mặt hàng thủy sản (tôm, cá..) ở một số thị trường truyền thống (như: Mỹ, EU...) đã làm không ít DNNVV gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản.
- Việc xúc tiến, quảng bá thương mại của Việt Nam nhìn chung chưa thực hiện bài bản, còn mang tính chất thăm dò và chưa chuyên nghiệp, khả năng thương thảo hợp đồng xuất khẩu còn nhiều hạn chế, nên có trường hợp bị các đối tác nước ngoài ép giá.
MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ
Để có thể hỗ trợ được nhiều hơn, có hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng của Nhà nước, cần quan tâm thực hiện những giải pháp sau:
Về phía Nhà nước
- Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật theo hướng chặt chẽ và đồng bộ hơn, phù hợp với định hướng về cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng của nền kinh tế, tạo điều kiện tiền đề cho sự phát triển của cộng đồng các doanh nghiệp và thành phần kinh tế, trong đó có DNNVV.
- Chính phủ cần dành nguồn vốn thích đáng được quản lý theo hình thức Quỹ tín dụng cho DNNVV với cơ chế ưu đãi phù hợp hơn cho đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh của loại hình doanh nghiệp này; để quản lý Quỹ này có thể giao cho NHPT chuyên làm chính sách tín dụng Nhà nước thực hiện.
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần bổ sung vốn cho NHPT và tạo cơ chế hỗ trợ hơn để NHPT có thể huy động được nhiều hơn các nguồn vốn với chi phí thấp, nhằm tăng khả năng hỗ trợ các DNNVV.
Về phía DNNVV
- Các doanh nghiệp cần tự đánh giá và có các biện pháp tích cực nâng cao năng lực về vốn, quản lý, kỹ thuật, công nghệ... để có thể sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn tín dụng của Nhà nước, phát huy tốt hơn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện công khai minh bạch, tăng cường tính tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt lưu ý các quy định về quản lý tài chính, kế toán kiểm toán, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản...
- Các DNNVV cùng ngành hàng cần liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, qua đó thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại quốc tế, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục tích cực quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, khai thác các thị trường tiềm năng để đầu tư đúng hướng./.
ThS. ĐÀO QUỐC HUY
Phó trưởng ban - Ban Kiểm tra nội bộ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 07-T3/2023)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2021), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
2. Chính phủ (2017), Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Bình luận